Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Súng hoa cải và sự khủng bố





Nông dân Văn Giang kỷ niệm một năm ngày cưỡng chế đất - Ảnh: Nguyễn Xuân Diện Blog

Dự án Ecopark tại Văn Giang Hưng Yên đã bộc lộ âm mưu thâu tóm đất đai của nhóm lợi ích, khi một lực lượng hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động được huy động đàn áp nông dân trong ngày 24 tháng 4 năm 2012, để lấy đất giao cho doanh nghiệp tư nhân.
Một cuộc đàn áp quy mô và dã man mà cụ Lê Hiền Đức, một công dân chống tham nhũng nổi tiếng, đã phải thốt lên "phản cách mạng đã rõ ràng" và nhiều tiếng nói khác của nhân sĩ, trí thức trong nước bày tỏ sự phẫn nộ.
Nhà văn Thùy Linh bấy giờ đã viết trong bài "Đất vỡ":
"Lửa đã cháy và máu đã đổ không phải từ ngoại xâm mà từ những người họ hay gọi là đồng chí. Ôi người dân quê tôi lam lũ nhiều đời sẽ còn bị bần cùng tới khi không còn nước mắt để khóc, không còn máu để chảy trong huyết quản. Ngày mai những thân phận người không còn được bú mớm dòng sữa Đất Mẹ sẽ vất vưởng ra thành phố lay lắt kiếm sống qua ngày. Những kiếp sống tàn đời không biết đến ấm no". "Con ơi… Ông bà cha mẹ ngàn lần xin lỗi vì đã không thể giữ lại mảnh đất này… Khi ông bà cha mẹ chết đi con hãy viết trên mộ chí dòng chữ “thế hệ chỉ biết nhân nhượng” là điều các con nên tránh. Con sẽ phải học bước vào đời với hai bàn tay trắng cái đầu lạnh và trái tim máu nóng không biết bước quỳ. Con hãy nghi nhớ những gì hôm nay ông bà cha mẹ đã phải chịu đựng thất bại ê chề đớn đau tủi nhục để biết sống và tìm cho mình một lối đi khác. Không còn Đất nhưng tương lai của con phải được gieo trồng trên những cánh đồng của Tự do Hạnh phúc Công bằng Yêu thương".
"Đất đang vỡ như trái tim đang vỡ… Từng mảnh tim ứa máu rải khắp quê hương này… Và người ta đang lấy máu Đất để sơn phết những gương mặt Quỷ đang nhảy múa cuồng điên trong cơn khát tiền tài danh vọng".
"Đất đã vỡ như trái tim đã vỡ… Tan hoang...".
Từ ngày đó đến nay, những người nông dân khốn khổ vẫn bám ruộng, trồng lại cây cối trên đồng ruộng bị cày xới, san bằng.
Những cuộc biểu tình, khiếu kiện liên miên của họ tại Hà Nội đã không hề đuợc lắng nghe.
Những cuộc xô xát với lực lượng "bảo vệ" của công ty Việt Hưng, công ty quản lý dự án Ecopark, dường như bị nhà cầm quyền nhắm mắt làm ngơ. Bọn côn đồ, xã hội đen đã tới các xã có tranh chấp hành hung, quấy rối được dung túng và bao che, ngày mỗi dấn sâu vào tội phạm nghiêm trọng hơn.
Cuộc cưỡng chế đất ở Văn Giang là hậu quả của chính sách thu hồi đất bất công, đền bù không thoả đáng và thiếu chương trình giải quyết công ăn việc làm khi người nông dân mất đất nông nghiệp, nguồn sống duy nhất của họ. Nhưng để đạt được mục đích, cuối cùng bạo lực đã được sử dụng.
Vào đầu năm 2012, trong vụ cưỡng chế thu hồi đất đai tại đầm Cái Rộc, Tiên Lãng, Hải phòng, anh em nhà Đoàn Văn Vươn đã nổ súng hoa cải chống lại lực lượng công an, bộ đội. Và mặc dù thủ tướng chính phủ kết luận vụ cưỡng chế là bất hợp pháp, có nghĩa rằng, lực lượng công an, bộ đội đã thực thi một công việc sai trái, nhưng anh Đoàn Văn Vươn và người thân bị xét xử nặng nề với 5 năm tù về tội "giết người".
Ngày 10 tháng 2 năm 2014, một đám côn đồ được cho là của công ty Việt Hưng, thuê mướn, đã dùng súng hoa cải bắn vào nông dân, gây thương tích cho năm người, phải vào nằm viện. Mặc dù được thông báo, nhà cầm quyền đã bịt tai, bịt mắt, không hề quan tâm xem xét sự việc.
Cụ Lê Hiền Đức kể lại một ngày trước khi biết tin nông dân Văn Giang bị bắn:
"Sáng nay bà con nói với tôi rằng chúng nó đang cho xe chở đến mấy chục khẩu súng nữa không biết súng hoa cải hay hoa cà gì. Bằng một cách nhanh nhất là tôi gọi diện cho Bộ Công an. Một lúc sau có cán bộ của Bộ Công an trả lời tôi rằng không phải công an đâu mà là xã hội đen do công ty Việt Hưng nó thuê đấy. Nó không mặc sắc phục thì cứ cho nó là xã hội đen đi, nhưng xã hội đen nó dùng súng nó bắn dân thì đấy là trách nhiệm của công an phải bảo vệ tình mạng người dân".
Cái trách nhiệm của nhà nước đã được một nông dân bức xúc nói:
"Chính quyền từ ngày hôm kia đến ngày hôm nay chưa thấy một thằng nào cả. Hiện nay chúng tôi đã làm đơn báo cho tất cả công an, từ cấp nhỏ cho tới cấp lớn nhất".
Nếu một nhà nước dung túng, bao che cho bọn côn đồ sử dụng súng bắn vào dân thì đó là nhà nước gì? Thử hỏi nhân quyền ở đâu và kỷ cương trật tự xã hội như thế nào?
Nếu như nhà cầm quyền còn có một cái gì đó được gọi là bộ máy quản lý trật tự trị an xã hội, thì ngay tức khắc phải mở cuộc điều tra, đưa bọn tội phạm này ra trước công lý.
Anh Đoàn Văn Vươn bị xử về tội "giết người" thì bọn chúng, những kẻ cố ý sử dụng súng đạn trái pháp luật, tối thiểu nhất cũng phải lãnh án tương tự.
Trong bối cảnh này, người nông dân không còn cách nào hơn là phải đoàn kết lại, dẹp bỏ những ý tưởng khiếu kiện vô ích, phải tìm cách tự vệ, giống như nông dân như làng Ô Khảm bên Trung Quốc.

Nông dân bện rơm thành khiên chắn đạn - Ảnh: Danluan.org

Việc nông dân lấy rơm thắt từng sợi giây nối lại với nhau thành những tấm khiên để che cho thân thể là một trong những phương pháp, nhưng đấy mới chỉ là cách thụ động chống lại sự tấn công. Phải phản công lại, nện cho chúng những đòn nhớ đời và bắt giữ lấy chúng để đưa ra trước toà án.
Trong sự nhiễu nhương, giả trá, thật giả lẫn lộn hôm nay, tốt hơn hết là phải tự bảo vệ lấy thân mình. Chờ đợi sự hỗ trợ từ một nhà cầm quyền mà bản chất đã bị méo mó, biến dạng trong cơn khát quyền-tiền là sự lãng phí thời gian.
Đất đai là máu thịt và phải giữ lấy nó bằng mọi giá. Không thể mãi mãi dùng nhu thắng cương được. Dùng súng hoa cải tùy tiện, vô chính phủ, bắn vào dân chính là sự khủng bố và phải trả giá.

Lê Diễn Đức
Chia sẻ bài viết này


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét