Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Tám giờ vàng ngọc sau ngày Tết



Một bàn nhậu, ảnh minh họa. AFP photo
Kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm nay kéo dài tới 9 ngày, nhưng xem chừng với nhiều cán bộ nhân viên tại Việt Nam thì vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu ăn chơi, tiệc tùng, du xuân, chùa chiền… ghi nhận không khí những ngày làm việc đầu năm, Vũ Hoàng gửi đến quý vị bài tổng hợp sau.
Có lẽ câu nói “tháng giêng là tháng ăn chơi” đã thấm vào đầu óc của nhiều công chức Việt Nam, vì thế, mặc dù đã được nghỉ Tết đến 9 ngày, nhưng với nhiều vị thì dường như ngày làm việc đầu tiên mùng 7 Tết của năm Giáp Ngọ mới như chỉ bắt đầu cho… kỳ nghỉ Tết thực sự, bởi với họ, chuyện chúc Tết, chơi xuân, đi lễ, tụ tập bè bạn mới chính thức bắt đầu.
Không khí Tết như vẫn còn nguyên vẹn, với nhiều cơ quan, ngày đầu năm đi làm chỉ là thủ tục lấy lệ, nhất là năm nay, ngày đầu tiên đi làm lại rơi vào giữa tuần, nên chắc chắn không khí làm việc uể oải, đìu hiu cho đến hết cả tuần là điều dễ hiểu. Chia sẻ với chúng tôi không khí ngày đầu quay trở lại làm việc, chị Thu Hường nhà ở Hàm Long, Hà Nội cho biết:
Sau 9 ngày nghỉ Tết, hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi có mặt tại cơ quan, thực ra, sau mấy ngày nghỉ ai nấy cũng vẫn hân hoan và vẻ Tết vẫn còn trên mỗi người. Tay bắt mặt mừng, mỗi người rút ra một bao lì xì cứ tặng đi tặng lại, chúng tôi cũng chỉ loanh quanh ở cơ quan có một tí, gọi là có một chút ngày đi làm đầu năm, rồi người nọ người kia lại rủ nhau í ới đến nhà nhau, lại bắt đầu chén rượu, mứt rồi cà phê với nhau, nói chung không khí Tết này cũng thường niên nhiều năm rồi.
Chị Hường cho biết theo kế hoạch, mọi người phải có mặt lúc 8.30 sáng, nhưng tận gần 10 giờ sếp mới đến, sau khi chúc Tết khoảng 30 phút xong, mọi người lại kéo từ nhà này sang nhà khác ăn uống, tuy mệt nhưng vui và chị cho biết, chắc phải sang tuần sau thì có lẽ mọi chuyện mới lại đi vào nề nếp được.
Còn với chị Thanh Nga, hiện đang làm kế toán cho một doanh nghiệp Nhà nước thì ngày làm việc đầu năm Giáp Ngọ đúng là hội hè, ăn chơi chứ không phải là ngày làm việc, chị kể:
Hôm nay là ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 9 ngày, đến cơ quan cũng không làm gì, mọi người mở rượu ra uống chúc mừng nhau, rồi lại kéo nhau đi ăn, đi ăn về thì lại lên văn phòng ngồi một tí, nói chung cũng không động gì đến công việc. Các chị em thì lên lịch rủ nhau đi lễ, còn hội anh em thì kéo nhau ra chỗ nào đấy bài bạc, chị em rủ nhau đi xem bói hoặc lên phủ Tây Hồ lễ. Hôm nay em đi lễ mà lên đấy, mặc dù là ngày đi làm mà rất là đông chen chúc, bãi gửi xe, ngoài xe máy ra thì toàn ô tô công biển xanh thôi, kéo hàng dài, em nghĩ kỳ nghỉ lễ dài 9 ngày không thể đủ vì không khí lễ Tết vẫn còn tràn ngập khắp mọi nơi, văn phòng không khí làm việc vẫn chưa quay trở lại. Nói chung, em thấy các công sở vắng như chùa bà Đanh, hầu như là không có bóng nhân viên đi làm.
Chuyện kể ngày đầu năm của chị Nga cho thấy khá rõ 8 giờ vàng ngọc đã được sử dụng thế nào: anh em thì bài bạc, chị em thì lễ chùa, xem bói, các công sở vắng như chùa bà Đanh, nhưng có lẽ đáng chú ý hơn cả là chuyện mắt thấy tai nghe xe công biển xanh kéo hàng dài ở bãi đậu xe nơi chùa chiền, đình, phủ…

Trụ sở tiếp dân quận Cầu Giấy được đóng cổng đúng 11h trưangày 6/2/2014. Courtesy of dantri
Nói đến đây, khiến chúng tôi tò mò làm một phép thử, tìm kiếm những bài báo viết về xe công sử dụng vào mục đích riêng, thì tràn lan trên mạng internet với những tít bài như “Phớt lờ lệnh cấm, xe biển xanh vẫn nghênh ngang ở lễ hội” hay “Xe biển đỏ, biển xanh kéo nhau đi lễ đền ông Hoàng Mười” rồi “Xe công lại gây ầm ĩ” ở đó, các bài báo trích đăng ý kiến của người dân bức xúc về tình trạng lãng phí tài sản công dư luận đã đề cập từ bao năm mà vẫn không hề thuyên giảm.
Người dân cho rằng cần phải xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm để làm gương, vì họ đang dần mất lòng tin vào các vị công bộc, những người luôn lên tiếng kêu thực hành chống lãng phí nhưng họ lại “điếc không sợ súng” và chuyện cấm đoán chỉ là để qua mắt dư luận mà thôi, đúng là “phép vua thua lệ làng”… chính phủ cứ cấm, quan chức cứ làm…
Nhưng hãy khoan bàn tới chuyện lãng phí, giờ mới quí vị cùng nghe chia sẻ khác của ông Toàn nhà ở quận Cầu Giấy vào ngày đầu năm khi đi xin xác nhận một số giấy tờ của gia đình tại UBND phường:
Chiều nay tôi vào ủy ban phường muốn xác nhận giấy tờ, gặp mấy người bảo vệ họ nói là các cô, các anh ở đây đi chúc Tết nên không có người nào xác nhận công việc này. Vì vậy, tôi đành phải sang tuần sau (quay lại) may ra xin được xác nhận, mặc dù gia đình tôi đang cần phải xác nhận của UBND phường. Quang cảnh làm việc hiện nay thấy vắng vẻ, chưa đi vào nề nếp, tôi thấy là các công chức ở các phường sở vẫn còn lãng phí thời gian Nhà nước, vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh lề lối làm việc.
Chuyện ngày đầu năm các công sở làm việc vắng hoe, uể oải đã ít nhiều gây ra phiền toái cho người dân, mặc dù hậu quả không đến mức nghiêm trọng, nhưng tình trạng thiếu trách nhiệm và cắt xén giờ công trên của một số nhân viên hành chính cũng đáng để quan tâm, vì gián tiếp, họ cũng tạo ra sự lãng phí chung cho ngân sách quốc gia.
Được biết tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi nhưng tình trạng lãng phí vẫn diễn ra ở hầu khắp mọi lĩnh vực và “thiên biến vạn hóa” dưới nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù, chuyện cắt xén giờ làm, 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về, hay sử dụng tài sản công sai mục đích được nhắc đến rất nhiều nhưng xem chừng Chính phủ vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Nói đến đây, khiến chúng tôi nhớ đến lời phát biểu của một vị đại biểu QH rằng hãy so sánh một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí 5-7 chục tỷ đồng và đại biểu đó đặt vấn đề: ai là người gây thiệt hại cho dân, cho đất nước nhiều hơn?

Vũ Hoàng, 
phóng viên RFA
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét