Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Thư gửi bạn ta (21/02/14)

writing-br
Bùi Bảo Trúc

Ngày 10 tháng 2 năm 2014


Bạn ta,
Mười mấy năm trước, trên một chuyến bay từ Washington DC đi California, để “ám sát” một ít thì giờ, tôi mở tờ báo của hãng hàng không Continental đọc… chơi, thì thấy một đoạn viết bằng tiếng Cao Ly, chắc là về mấy biện pháp an toàn của chuyến bay, những gì cần làm khi máy bay gặp rắc rối.
Tôi nghĩ Đại Hàn oai thật. Tiếng của họ xuất hiện trên cả các ấn phẩm tìm thấy trên đường bay quốc tế. Đất nước họ phát triển, tiếng nói, chữ viết của họ vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đi đến khắp nơi trên thế giới. Trông người lại nghĩ đến ta, không biết đến bao giờ tiếng Việt mà từ cụ Nguyễn Du đến cụ Phạm Quỳnh đều hết sức yêu mến sẽ đi được những bước như thế. Lúc ấy, tôi nghĩ các ông Tản Đà, Trần Tế Xương cũng hả dạ khi phải “vứt bút lông đi viết bút chì” như ông Tú Vị Xuyên, như cụ Nguyễn Khắc Hiếu đã phải miễn cưỡng làm, trong khi lòng không vui chút nào.

Nhưng nay, tiếng Việt, chữ quốc ngữ đã đi được khá nhiều bước ở ngoài nước Việt. Chẳng phải chỉ trên vài trang báo về an ninh trên các chuyến bay, mà cả ở nhiều nơi khác nữa.

Ở khu nhà tôi đang ở, ngay tại cổng vào, cũng có một tấm bảng viết bằng Việt ngữ. Nhưng mấy dòng chữ Việt ấy, đọc lên, suy nghĩ một chút, thì thấy nó cũng chẳng đem lại được bao nhiêu vinh hạnh cho những người vẫn thao thức về tiếng Việt, cho những người vẫn quan tâm và yêu mến “chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà đều phải học…” Tấm bảng ở cổng vào khu nhà tôi ở chỉ để nhắc những ai đi chợ, mang những chiếc xe của chợ về thì nhớ đem trả lại, đừng quăng đại ra đường. Giá như tấm bảng có kèm theo mấy hàng chữ Nhật hay Đại Hàn thì đỡ đau cho chúng tôi biết là bao nhiêu. Đằng này người ta “khuyên” người Việt (những người đọc được tiếng Việt thì không là người Việt thì là ai bây chừ?)

Chán quá. Đọc mấy hàng chữ Việt với nội dung như thế thì danh dự cho tiếng Việt cái nỗi gì!

Đang còn đau khổ vì người Việt bị trách móc, dậy dỗ về hai ba chuyện không tượng trưng cho những điều hay lẽ phải của người Việt Nam thì thì lại được nghe Hoàng tử William nói mấy câu tiếng Việt lại càng chán thêm. Nào phải là vài ba lời chúc như của Đức Giáo Hoàng trong thông điệp Giáng Sinh mỗi năm của ngài. Được như thế cũng đủ sướng đời di tản rồi, chứ đâu có nghe rồi thì mặt mũi sầu bi như sáng nay.

Nguyên là sáng nay, khi xem một đoạn video của đài BBC, tôi thấy Thái tử Charles và Hoàng tử William của nước Anh cùng xuất hiện bên nhau để kêu gọi thế giới bảo vệ những loài thú đang gặp nguy cơ tuyệt chủng. Thái tử Charles nói mấy câu bằng tiếng Ả Rập, Tây Ban Nha và Quan Thoại. Còn William thì nói mấy câu bằng tiếng Swahili và tiếng Việt.

Tiếng Việt của William thì nghe chán lắm. Dấu đánh lung tung, cố lắm mới lõm bõm hiểu được đôi ba tiếng.

Như thế thì tại sao phải học phát âm mấy câu bằng tiếng Việt để chính người Việt như tôi cũng chịu thua, không sao hiểu được.

Như vậy, rõ ràng việc nói mấy câu tiếng Việt đó không cốt cho người Việt hiểu, mà cũng chẳng phải tiếng Việt được coi là thứ tiếng quan trọng, ngang ngửa với tiếng Ả Rập, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Quan Thoại… mà chỉ vì những người quan tâm tới thú rừng muốn nhắn nhủ những người nói tiếng Việt rằng đừng giết hại các giống thú đó nữa, phải chấm dứt những việc làm bất hợp pháp, phải dẹp bỏ các hoạt động gây nguy hại cho các loài thú hiếm quí của thế giới.
Chao ơi, tưởng nói mấy câu bằng tiếng Việt để cám ơn nền văn hóa, văn minh Việt Nam, hay ngợi ca những điều hay đẹp của đất nước chúng ta chứ. Ai đời đó chỉ là mấy câu khuyên bảo chúng ta đừng tiếp tục những hoạt động tồi tệ độc ác để những con thú hoang tội nghiệp khỏi bị săn bắn đến tuyệt chủng!
Đau biết là bao. Tiếng Việt được dùng để nói lên những điều như thế đó! Sao không là tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Thái…? Bộ người Việt đã trở nên tồi tệ, tàn ác, vô ý thức, vô đạo đức đến như thế rồi hay sao? Trước đây tiếng Việt có bao giờ được dùng như thế đâu.


Ngày 11 tháng 2 năm 2014


Bạn ta,

McDonald’s đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ ở Sài Gòn hôm 8 tháng 2 vừa qua.

Như vậy là đúng như nhiều tiên đoán đã đưa ra trước đây, sau Kentucky Fried Chicken và Pizzahut, sớm muộn gì thì McDonald’s cũng phải vào Việt Nam. Và cơ sở bán thức ăn nhanh của Mỹ đã vào Việt Nam để người Việt ở trong nước cũng được thưởng thức một món ăn mà không một người Mỹ nào có thể nói là chưa dùng qua một lần trong đời.

Đánh cho Mỹ cút rồi lại bưng Mỹ vào là thế.
Bức hình chụp ở góc đường Tự Do và đường Lê Lợi hôm cuối tháng Tư năm 1975 của một nữ du kích mặt mũi vẩu viu, ngơ ngác, đen đúa, hốc hác đượm nét kinh hoàng sau mấy năm bờ bụi đột nhiên đứng ở Sài Gòn trong cuốn Saigon Giải Phóng của Tiziano Terzano tôi vẫn chưa thể nào quên. Bây giờ cô phải gần 70 tuổi. Không biết cô có còn sống không? Cô còn sống thì cô có dịp đi qua cái cửa tiệm McDonald’s nằm trên đường Điện Biên Phủ không? Cô có biết cái cơ sở ấy là một sản phẩm của cái đế quốc mà cô đã phí những năm đẹp nhất của cuộc đời để đánh đuổi nó ra khỏi Việt Nam, thì nay, nó lừng lững tiến vào ngay cái thành phố mà cô cũng đóng góp ít nhiều cho việc giải phóng nó.

Cô đi qua, có dám bước vào để xem nó buôn bán cái gì không? Với số tiền cô có trong tay, kiếm được bằng những công việc tồi tệ nhất mà thứ du kích hạng bét như cô trong suốt mấy chục năm qua có đủ để thử một món ăn rẻ tiền được mang từ đế quốc Mỹ xa xôi vạn dặm bởi con rể của tên du kích chích đít trong rừng từng có thời thua cả cô không?

Trong một bài đọc được trên tờ Vietnamnet, con rể của Ba Ếch, người đưa McDonald’s vào Việt Nam được cho là có một “tiểu sử toàn hảo và đầy mầu hồng”. Người thanh niên này tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ và về Việt Nam từ mấy năm nay.

Bài báo nói là đương sự có một “lý lịch trong sáng”. Như thế nào là “trong sáng”? Trong sáng là không lờ mờ, không Ngụy, không phản động, không chống phá cách mạng.

Đương sự ra đời năm 1974 tại Sài Gòn. Năm 1975, đương sự, theo nguyên văn trong bài báo, “cùng gia đình chuyển sang định cư tại bang Virginia, Mỹ”.
À há, chi tiết này coi bộ không trong sáng chút nào cả. Năm 1975 không hề có trò nộp đơn với sứ quán Mỹ ở Sài Gòn để đi “định cư”. Muốn đi Mỹ thì phải leo tường sứ quán Mỹ, bám trực thăng, nhẩy xuống tầu thuyền chạy thục mạng ra ngoài biển ngay khi vừa thoáng thấy dép râu nón cối ngờ ngờ vào Sài Gòn. Đi theo kiểu ấy thì chỉ có thành phần ghét Việt Cộng như đào đất đổ đi, ghét như ghét chó, ghét không thèm đội trời chung, đạp đất chung với bọn Việt Cộng thì mới đi… định cư như thế.

Cậu con rể của Ba Ếch chắc phải “chuyển sang định cư” theo ngả đó. Làm gì có chuyện nộp cái đơn xin với Bộ Di Trú để đi Mỹ, được Sứ Quán Mỹ gọi tới phỏng vấn lên phỏng vấn xuống rồi mới cấp cho cái giấy phép đi Mỹ. Làm quái gì có chuyện được cấp cái visa, rồi lên danh sách “đăng ký” đi Mỹ!

Nhưng ai lại dám vạch gia cảnh phò mã đỏ ra như vậy! Đau lòng cho mấy anh chị du kích bao nhiêu năm bưng biền lắm chứ. Thế là viết cha nó thành “chuyển sang định cư” tại Mỹ để khỏi phải nói rõ là chạy trốn Cộng Sản, bỏ nước ra đi vì ghét Việt Cộng.

Khổ một điều là tại sao con nhãi con lại oái oăm chọn lấy một thành phần phản động như thế để lấy làm chồng? Nhưng làm như vậy là nó khôn giàn trời. Không thể lại chọn lấy con một anh du kích hạng bét nào để lấy. Dại gì? Ngu gì mà lại làm như thế! Phải đại học Mỹ, phải làm việc với Mỹ thì mới lấy. Chứ ngu gì đi lấy cái thứ con nhà bưng biền, du kích quay ra bán vé số độ nhật bao giờ?

Chỉ có ngu thì mới phí đời đi theo cách mạng để nay phải tần ngần đứng ngoài cửa tiệm McDonald’s, lẩm nhẩm tính số tiền trong túi coi có đủ vào mua cái Big Mac cho bõ những ngày cơ cực bưng biền chống Mỹ cứu nước…
Khổ ơi là khổ.

Trong khi thứ con nhà phản động thì nay có lý lịch trong sáng, hoàn hảo và “đầy mầu hồng”.

Đau quá là đau. Ngày mai về quét lá đa tiếp.

Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét