Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Chúng tôi đã đến phiên tòa xét xử cô Bùi Thị Minh Hằng và những người bạn như thế nào?

Bạn vẫn thường được nghe thấy rằng “Đây là một đất nước của tự do, dân chủ trong đó nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” thì có lẽ bạn phải biết chúng tôi đã phải làm những gì, thực hiện nó ra sao để vượt qua những âm mưu và thủ đoạn đen tối, bẩn thỉu của những thế lực hết lòng, hết sức “bảo vệ đảng, bảo vệ chính quyền, chỉ biết còn đảng là còn mình” hay nói trắng ra là của lực lượng công an “ăn cơm dân, bảo vệ đảng”.

Có thể bạn sẽ bị xốc, không tin vì nó có quá nhiều tình tiết ly kỳ chẳng kém những bộ phim trinh thám với những mưu mô, xảo quyệt của các bên. Nhưng tôi cam đoan với bạn rằng tôi đang kể sự thật và chỉ sự thật mà thôi.

Khi xảy ra vụ bắt giữ Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh, cộng đồng mạng đã bắt đầu ì xèo về loại bản án bắt 3 người đi trên 2 xe máy vì lỗi đi hàng 3. Bị người dân cự lại thì quy vào tội "chống người thi hành công vụ". Bị áp lực trong nước lẫn quốc tế về việc đàn áp người bất đồng chính kiến, vi phạm nhân quyền thì chuyển thành "gây rối trật tự công cộng". Một vụ án mà những kẻ bán nước đang tìm cách xét xử những người yêu nước vì đã dám chửi thẳng vào mặt chúng.

Đến khi tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết định mở phiên tòa xét xử công khai tội danh “gây rối trật tự công cộng” vào 7h30 ngày 26/8/2014 tại TAND tỉnh Đồng Tháp (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), sự kiện này đã thổi bùng sự giận dữ của những người tham gia phong trào đấu tranh dân chủ. Các hoạt động quyên góp, kêu gọi ủng hộ kinh phí đi lại được âm thầm triển khai trong bí mật. Người góp của, người góp công.....cuối cùng, giang hồ cũng phải tìm cách để vào được Đồng Tháp.

Rút kinh nghiệm từ các lần bị công an chặn trước đó, một số giang hồ tìm cách đi sớm và hầu như không gặp trở ngại gì. Các facebooker khác kém may mắn hơn như Nguyễn Văn Đề, Mai Thanh thì bị công an bắt giữ 1-2 ngày không có văn bản. Một số khác bị công an mang dây xích đến khóa cổng nhà lại, cắt cử người trực 24/24h.

Gia đình facebooker Tuấn Đỗ chia sẻ việc bị 2 côn đồ đến chặn cổng và túc trực suốt một ngày đêm sau đó nhưng anh đã nhót đi trước khi 2 tên côn đồ có cơ hội.

Trường hợp facebooker Viethung Hienlinh bị một đoàn tổ hợp gồm Phó trưởng công an thị xã, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố đến yêu cầu không được tham dự phiên tòa xét xử công khai Bùi Thị Minh Hằng, anh đã quay phim và đưa lên mạng như một bằng chứng vạch mặt chế độ. Ly kỳ hơn, facebooker Ha Thanh dù đã bị hàng chục công an ăn dầm nằm dề, đội mưa đội nắng canh cổng nhưng đã thoát đi khi trên người chỉ có chiếc quần đùi và ít tiền lẻ. Con đường đến với phiên tòa công khai phải luồn lách, thoát khỏi sự kìm kẹp của một đội ngũ hùng hậu lực lượng “chỉ biết còn đảng là còn mình” như vậy. Nhưng tất cả mới chỉ là khúc dạo đầu êm ái!



Con đường từ Hà Nội tới Đồng Tháp phải qua Sài Gòn, những facebooker thoát khỏi sự đeo bám, ngăn cản của công an địa phương ngay khi tới Sài Gòn đã phải nhanh chóng tự tìm chỗ ẩn nấp khỏi sự truy quét của công an nơi đây. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều độc lập tác chiến và chỉ liên hệ với rất ít người thân thiết. Những nhóm đi đông người buộc phải tách ra thành các nhóm nhỏ để đảm bảo an toàn và hạn chế việc bị công an ngăn chặn. Do biết được phía công an có thể định vị qua điện thoại, ngay từ khi xuất phát, những facebooker đã phải tháo bỏ sim, tắt chế độ định vị, tắt 3G và chỉ dùng wifi để liên lạc bằng facebook, skype hay line....

Khu vực Sài Gòn có vẻ yên bình nhưng các facebooker không tin vào điều đó. Những cái bẫy vô hình được giăng sẵn ở các bến xe, nhà chờ tại Sài Gòn đi Đồng Tháp đã được đề phòng. Ai cũng hiểu là lực lượng an ninh đã được huấn luyện để nhận mặt những con người đấu tranh vì tự do, dân chủ nên chẳng có ai vào đó để đón xe. Phương án được lựa chọn là đi theo nhiều chặng, đón xe dù dọc đường theo một lộ trình chỉ có mình người đó biết.

Chặng đường từ Sài Gòn đến Đồng Tháp khoảng 150km, các chốt công an được bố trí dày đặc với số lượng tăng bất thường. Xe dù không bị kiểm tra gắt gao, nhưng tất cả các loại xe chở số khách trên 4 người không phải đơn vị kinh doanh đều bị chặn dừng lại, công an lên xe kiểm soát, hỏi lý do, soi đèn pin vào tận gầm ghế ngồi. Lái xe nhận định: “Chưa từng thấy có bao giờ công an lại làm như vậy”.

Đồng Tháp thực sự trở thành một chảo lửa và thành phố Cao Lãnh, nơi diễn ra phiên tòa là một thách thức cho những người dũng cảm, thích phiêu lưu, mạo hiểm và chấp nhận khó khăn.

Đêm 25/8, trời mưa lâm thâm, nhưng an ninh, cảnh sát vẫn tuần tra không ngừng nghỉ, các xe ô tô cảnh sát giao thông đi cùng với các xe ô tô cảnh sát cơ động. Các xe máy đi hai người mặc thường phục vẫn lầm lũi đi trên các tuyến đường, liên tục nhìn ngó xung quanh và quan sát những người đi bộ. Một bầu không khí nghẹt thở lan tràn, không khí khủng bố diễn ra trên khắp tỉnh Đồng Tháp. Các nhà nghỉ, khách sạn bị kiểm tra, truy quét liên tục, có nhà nghỉ bị kiểm tra tới 3 lần trong 1 đêm.

Những facebooker ưa mạo hiểm, tinh nghịch và hài hước đã ở tại thành phố Cao Lãnh, trả phòng từ buổi chiều nhưng lại nói với chủ nhà nghỉ là đêm sẽ quay trở lại. Tổ phục kích của công an có lẽ đã phải chầu chực suốt đêm. Các facebooker xác định chuyến đi này vô cùng khó khăn, việc ngủ tại các khách sạn, nhà nghỉ qua đêm trên toàn Đồng Tháp là hành động chui đầu vào rọ. Những người tuân thủ nghiêm ngặt đã lọt lưới công an và mỗi sơ xẩy đã đều phải trả giá.

Khi phát hiện các facebooker tại các nhà nghỉ, khách sạn, lực lượng công an hùng hậu ngay lập tức vây giữ. Ngay trong đêm 25/8, gần 20 facebooker đã bị vây ráp. Không chỉ những người ở thành phố Cao Lãnh. Những người cẩn thận ở tại các nhà nghỉ tại thành phố Sa Đéc (cách thành phố Cao Lãnh khoảng 20km) cũng chung số phận. Họ đơn giản là dừng cuộc chơi. Đêm hôm đó, các thông tin gấp gáp về việc bắt bớ đã khiến nhiều facebooker không ngủ. Nhưng vẫn còn rất nhiều người có kỹ thuật tác chiến tốt, họ kiên nhẫn ẩn mình nhằm thoát khỏi nanh vuốt của công an chờ ngày mai vạch mặt phiên tòa trừng trị người yêu nước.



Sáng 26/8, trận chiến mở màn. Theo lịch, 7h30 phiên tòa xét xử sẽ bắt đầu. Những những người dân oan thuộc phật giáo Hòa Hảo do không có phương tiện thông tin, chưa có mối liên hệ chặt chẽ với các nhóm khác đã đến địa điểm diễn ra phiên tòa sớm. Ngay từ 6h30, khoảng 40 người thuộc giáo hội phật giáo Hòa Hảo bị chặn tại đầu đường, cách phiên tòa “công khai” hơn 100m, họ ngồi xuống cầu nguyện và bị đánh đập không thương tiếc trước khi bị lôi lên xe thùng chở đi các nơi khác.

Trận chiến này khác các trận chiến khác. Ngoài đường, công an tuần tra liên tục. Tại các địa điểm quan trọng lực lượng công an, dân phòng được bố trí dày đặc, tại Bưu điện tỉnh, UBND tỉnh số lượng công an lên tới 40 người. Mỗi ngã ba, ngã tư thuộc vòng ngoài xung quanh tòa án có khoảng 10 người, vòng trong khoảng 50-60 người. Chưa kể lực lượng công an mặc thường phục cả nam lẫn nữ với thiết bị bộ đàm mini trà trộn vào đám đông để quan sát và làm chỉ điểm.

Lần này, với sự hỗ trợ từ bộ công an, lực lượng an ninh đã được huấn luyện kỹ để nhận mặt các facebooker. Danh sách các facebooker, tên thật, địa chỉ, cùng ảnh và số chứng minh nhân dân đã được triển khai tới từng tổ. Các facebooker chỉ cần xuất hiện quanh khu vực tòa hoàn toàn ôn hòa và không cần phải có bất cứ hành động gì thì lực lượng chỉ điểm, an ninh mặc thường phục cũng đã ngay lập tức chỉ đạo lực lượng cảnh sát cơ động và dân phòng quây lại đấm đá, bắt giữ. Những người chụp ảnh, quay phim ngay lập tức bị đánh đập và cướp điện thoại, máy quay. Những ngôn từ của CA, dân phòng như: “Đù mạ, mày dám quay phim hả”, “Bố đánh chết mẹ mày bây giờ” liên tục được tuôn ra. Những người bảo vệ phiên tòa tỏ thái độ vô cùng hung dữ, ánh mắt họ vằn lên những tia nhìn thù địch. Qua tìm hiểu được biết, lực lượng CA, dân phòng được huy động từ các tỉnh xung quanh như Tiền Giang, An Giang, Long An... họ được chỉ đạo rằng “ngày 26/8, những kẻ đến xem phiên xử Bùi Thị Minh Hằng sẽ gây bạo loạn, khủng bố nên phải quyết liệt ngăn chặn”!?

Những xe thùng chở tội phạm hoạt động liên tục đưa những người bị bắt về công an các phường xung quanh. Tổng số người bị bắt giữ lên đến hàng trăm người. Một facebooker đứng quan sát từ xa chứng kiến: “Chỉ trong vòng 30 phút, đã có khoảng trên 20 chiếc điện thoại, máy ảnh bị công an cướp”.

Sự khủng bố, đàn áp của chính quyền là có thật, nó không dừng lại ở việc bắt giữ những người đến xem phiên tòa, nó còn vươn tay tới cả những nhân chứng. Rất nhiều nhân chứng bảo vệ cho các bị cáo đã không được triệu tập, luật sư yêu cầu hoãn phiên tòa do quyền lợi của bị cáo không được đảm bảo nhưng thẩm phán đã từ chối. Ngay buổi trưa hôm đó, 2 nhân chứng đã bị bắt giữ. Bản chất của một phiên tòa “công khai” mà một chế độ độc tài đang tìm cách trừng phạt người yêu nước đã dám vạch mặt những xấu xa của nó giờ đây đã bị phơi bày. Một chính quyền bất chấp pháp luật, sẵn sàng đánh đập, cướp tài sản công dân đã hiện nguyên hình là một chính quyền khủng bố. (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét