...nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề thì có lẽ để hàng bẩn, hàng độc của Trung Quốc có thể tồn tại được lại nằm ở hệ thống quản lý chất lượng từ cấp trung ương, kiểm duyệt chất lượng cho tới hệ thống phân phối và chính lương tâm người bán hàng tiếp tay ở các địa phương Việt Nam...
Những vụ tai tiếng về thực phẩm Trung Quốc có thể bắt gặp hàng ngày hàng giờ thượng vàng hạ cám từ trái cây, đồ ăn, trứng, sữa, thịt… cho tới gạo, muối, rượu, dầu ăn… nếu chỉ cần đánh cụm từ "hàng hóa độc hại của Trung Quốc" hay "đồ ăn bẩn của Trung Quốc" vào google, thì người ta có thể có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn những mặt hàng như : đậu phụ thối ngâm nước phân, dầu ăn tái chế từ nước thải, sữa gây sỏi thận, trứng gà làm từ cao su, nước tương làm từ tóc, bánh bao nhân giấy độc hại…
Quả thực dù trí tưởng tượng có giàu đến mấy, người ta cũng khó hình dung được sự độc hại và giả tạo mà nhiều sản phẩm của Trung Quốc làm ra không ngoài mục đích kiếm lời bất chính và sức khỏe của người tiêu dùng xếp xuống cuối bảng.
Nhưng điều trớ trêu thay là những đồ ăn, đồ uống "Made in China" ấy lại vẫn ngày đêm được tuồn ra thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Chia sẻ vì sao người Việt không mặn mà với những đồ ăn hay trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc, chị Châu hiện đang sinh sống ở Sài Gòn cho biết :
Nói về mặt đồ ăn, tôi rất ngại khi mua sản phẩm đó, tất cả các loại không riêng gì loại trước khi chế biến hay là loại mua về mình phải chế biến, tất cả các sản phẩm đó rất ngại. Trước đây, mọi chuyện đối với tôi đơn giản thôi, có thể sản phẩm đó chỉ Trung Quốc mới có, còn các nước khác họ không có, nhưng sau này vì những thông tin đại chúng sản phẩm của Trung Quốc thường xuyên có những sự cố cho nên mình rất ngại, mình không biết sản phẩm mình mua có thật giống như người ta nói hay không.
Theo chị Châu không chỉ có chị và các thành viên trong gia đình chị nói "không" với đồ ăn Trung Quốc mà bè bạn tại công sở của chị cũng ngày càng có nhiều quay lưng lại với thực phẩm xuất xứ từ nước này.
Cũng giống với chị Châu, chị Uyên, một cô giáo dạy học đang sinh sống ở Sài Gòn cũng đồng tình với quan điểm "chỉ nghe thấy hàng của Trung Quốc là tránh" :
Kinh nghiệm của mình về chuyện sử dụng hàng Trung Quốc không tin cậy là vì chất lượng, thứ nhì là vì mình không thích họ nên mình cũng không dùng luôn. Trước đây mình sử dụng rất vô tư, trái cây mình ăn mình nghĩ là bổ còn bây giờ thì rất khác rồi, ăn mà rất đắn đo vì mình không biết là mình đang ăn cái gì.
Mình nghe nói quá nhiều về trái cây Trung Quốc, thành ra bây giờ tránh không mua, những thứ gì mình nghĩ có thể là của Trung Quốc là mình tránh không mua mặc dù trái cây không có ghi hẳn là của Trung Quốc hay không vì ở Việt Nam mình rất nhiều món không ghi xuất xứ, mình thấy có "nguy cơ" của Trung Quốc là mình không dám ăn. Trước đây có thể mua những thứ như nho cam lê còn bây giờ chỉ ăn những thứ của Việt Nam như mãng cầu, ổi… với lại đó là những thứ mình thấy chứ còn có rất nhiều thứ mình không thấy được thì biết làm sao ?
Băn khoăn "không biết làm sao" của chị Uyên có lẽ cũng là những trăn trở của rất nhiều những người tiêu dùng phải nhắm mắt mà ăn vì thực phẩm, đồ ăn của Trung Quốc hầu như tràn lan khắp thôn cùng ngõ hẻm Việt Nam.
Mặc dù chưa có một số liệu thống kê nào cho thấy lượng hàng giả, hàng kém chất lượng hay độc hại Trung Quốc tác động đến sức khỏe cộng đồng thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng, nhưng những lời cảnh báo của chính giới chức tại Trung Quốc đã phần nào cho thấy rõ tính chất độc hại từ sản phẩm của nước họ. Phát biểu trên Nhân Dân Nhật Báo số ra tháng 4/2011, cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo không ngần ngại cho rằng : "tất cả những vụ bê bối an toàn thực phẩm nghiêm trọng đủ để cho thấy sự suy giảm đạo đức và liêm chính trong kinh doanh đã trở thành vấn đề nghiêm trọng." Trong khi đó một vị luật sư tại Trung Quốc lý giải nguyên do chính là tâm lý kiếm lời bằng bất kỳ giá nào và không cần quan tâm tới tác hại đến người tiêu dùng, đồng thời, ông này cũng chỉ ra đó là sự quản lý kém cỏi, thậm chí bất lực của chính phủ Hoa Lục.
Điều trớ trêu là những đồ ăn độc hại của Trung Quốc không chỉ Việt Nam hay các quốc gia khác phải hứng chịu, mà chính người dân của nước họ cũng đang phải đối đầu. Theo một kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu an toàn dược phẩm và thực phẩm Thượng Hải hồi năm 2012, có tới gần 75% chính người tiêu dùng bản địa Trung Quốc không yên tâm khi sử dụng thực phẩm của chính nước họ và gần 30% cho rằng đồ ăn được làm ra từ Trung Quốc "cực kỳ không an toàn."
Phản ứng của người dân
Quay trở lại với câu chuyện trong nước, khi đặt câu hỏi "anh/hoặc chị sẽ phản ứng ra sao khi gặp thực phẩm của Trung Quốc ?" chị Kim hiện đang sinh sống ở Hà Nội đánh giá :
Tôi bây giờ mà đi ra chợ khi chọn mua các sản phẩm rau củ quả trông rất là tươi ngon nhưng tôi không bao giờ mua đồ của Trung Quốc, bởi thực tế là họ rất hay ngâm tẩm các hóa chất độc hại để giữ cho hoa quả được lâu, nhiều khi thắp hương từ mùng một mà đến tận 12-13 mà hoa quả vẫn còn tươi nguyên, chứng tỏ họ phải ngâm tẩm các hóa chất, mà đã là hóa chất đưa vào cơ thể độc hại, cho nên tôi không bao giờ mua hoa quả của Trung Quốc, mặc dù rất đẹp mã.
Tuy nhiên, chị Kim cho rằng chuyện tránh mua hàng Trung Quốc của chị chỉ dựa trên đồn đãi và kinh nghiệm bản thân, chứ chị không cực đoan như nhiều bạn bè của chị, vì với họ dù "Made in China" ở bất kỳ thứ gì họ cũng không đụng tới.
Vậy lý do vì sao mà những hàng hóa độc hại, kém chất lượng của Trung Quốc vẫn có đất sống khi thâm nhập vào Việt Nam ? Chị Châu nhận xét bởi giá thành các sản phẩm quá rẻ và dù đôi khi biết là độc hại, nhưng vì gia cảnh nghèo túng, nên người ta vẫn phải chấp nhận "nhắm mắt" mà mua :
Nếu nhìn ra ngoài xã hội, bạn sẽ thấy rất nhiều người vẫn sử dụng và họ không có suy nghĩ đắn đo nào hết vì giá thành rất rẻ, giá thành rẻ như vậy người ta mới có thể ăn được, mới có thể mua được, nếu cao cấp hơn người ta sẽ không mua nổi. Những người lao động ở đây nghèo lắm, không bao giờ người ta nghĩ là người ta mua được cho con họ một trái táo đâu, nhưng bây giờ bạn thấy đó, táo bây giờ được bầy bán tràn lan, 10 -20 ngàn một ký lô 4-5 trái, vậy người ta mới có cơ hội mua và họ ăn bình thường.
Tuy vậy, nếu nhìn sâu hơn vào vấn đề thì có lẽ để hàng bẩn, hàng độc của Trung Quốc có thể tồn tại được lại nằm ở hệ thống quản lý chất lượng từ cấp trung ương, kiểm duyệt chất lượng cho tới hệ thống phân phối và chính lương tâm người bán hàng tiếp tay ở các địa phương Việt Nam :
Tôi nghĩ là cơ quan quản lý trung ương của mình nói chung còn để có nhiều kẽ hở, hay trên cửa khẩu, bộ phận xuất nhập khẩu thì nhiều khi làm việc không thể sát sao hết được bởi lượng hàng vào, hàng ra xuất khẩu, nhập khẩu rất là nhiều cho nên nhiều khi họ làm việc không thể chỉn chu hết được. Thế rồi, đường thương lái tiểu ngạch cũng thế họ đưa hàng vào mà không qua kiểm duyệt. Tôi nói thật, ở bộ phận phân phối của mình, những người trực tiếp lấy hàng bán cho bà con nhân dân, có thể là siêu thị hay các nhà tiểu thương người ta chỉ bán những hàng có lợi nhuận cho họ thôi và làm cho chính những người tiêu dùng là nạn nhân vì sử dụng những hàng không tốt đưa vào cơ thể mình. Nói chung là chúng tôi rất là bất bình trong chuyện này.
Có lẽ vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn là những câu chuyện dài, chỉ biết rằng để tránh trở thành nạn nhân, người tiêu dùng chỉ còn cách tự bảo vệ mình và hãy nói "không" trước khi quá muộn.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét