'Nỗi sợ' của Chủ tịch Nước Việt Nam về việc người dân đang 'mất lòng tin' ở Đảng là có cơ sở, theo bình luận của một quan chức thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN.
Trong một thông điệp đăng trên tờ BấmTạp chí Cộng sản mới đây nhân dịp ngày 19/8 và 2/9, Chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang viết: "Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta."
Bình luận với BBC hôm 21/8 từ Hà Nội, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, nói:
"Điều Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nói là có căn cứ, bởi vì quy luật của muôn đời là có dân thì có tất, mà mất dân thì cũng mất hết...
"Thế còn nói không sợ bất kỳ thế lực xâm lăng nào, chỉ sợ nhất là mất lòng dân, thì muốn vậy phải chống được giặc nội xâm, chủ nghĩa cá nhân,
"Cái mà nhân dân hiện nay người ta đang mất lòng tin chính vì không nhìn thấy những cán bộ, đảng viên công chức, quan chức của mình gương mẫu, hy sinh vì dân, mà lại làm hại cho dân.
"Dù bộ phận này không phải là tất cả, nhưng cũng là một bộ phận đáng kể, đáng phải lưu ý trong việc xử lý.
Trong một đoạn khác, thông điệp của ông Sang viết: 'Chúng ta không thể chấp nhận những người miệng nói yêu nước nhưng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm" mà tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến đất nước, làm nghèo, suy yếu đất nước.
"Đây là giặc nội xâm, là những khối u trên cơ thể đất nước cần phải cắt bỏ."
'Dũng cảm, nghiêm khắc'
Trước đây, Chủ tịch Sang từng ví tham nhũng trong Đảng như những "con sâu", "đàn sâu", khi được hỏi lần này ông Sang có hàm ý gì hay không khi lại ví tệ nạn này với 'nội xâm' và 'các khối u' cần cắt bỏ, Giáo sư Bảo nói tiếp:
"Những cách diễn đạt ấy của Chủ tịch Trương Tấn Sang ở những thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một ý nghĩa, bản chất, tức là nhấn mạnh nỗi lo lắng của chúng tôi (VN) hiện nay trước tình trạng tham nhũng đã trở thành quốc nạn...
"Và nói rõ điều là trong một số người có chức, có quyền hiện nay mà thoái hóa, hư hỏng, thì người ta có thể 'miệng nói vì dân', nhưng mà hành động của họ lại 'không phải vì dân', cái gọi là 'lợi ích nhóm' đấy, thì đó là một cách nói rất dũng cảm, thẳng thắn và nghiêm khắc."
Hôm thứ Năm, một cựu Quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nói với BBC cho rằng bài viết của Chủ tịch Việt Nam trong thời điểm hiện nay là một thông điệp có tính 'nhắc nhở' và 'thức tỉnh'.
Từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội nói:
"Bài đó cũng là một bài đánh động để mọi người phải nhìn thấy ra nên đặt lợi ích của dân tộc này, đất nước này, với độc lập dân tộc, tự do, thống nhất đất nước, lãnh thổ là trên hết.
'Sai phạm đồng chí X'
Theo luật sư Thuận, thông điệp của Chủ tịch Sang trong thời điểm này không nhất thiết liên quan điều được cho là một "chiến dịch PR" chuẩn bị cho cuộc vận động tái tranh cử của cá nhân ông cho Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới.
Ông nói: "Cái đó không có ai có thể đoán được, nhưng rõ ràng cái nguyên tắc của nó là những người nào đã làm công việc của mình không hoàn thành một cách xuất sắc, chưa nói rằng hư hại, thì không thể được đưa lên chức vụ cao hơn.
"Cho nên những người nào ở trên cương vị đó mà làm thành công, tốt, thì xứng đáng được tín nhiệm trong nước và quốc tế, được đề cao, thì người đó xứng đáng được đưa lên, thì tôi cho rằng như vậy thì Đại hội Đảng chọn người như thế mới là sáng suốt, chứ không phải cứ là tuần tự như tiến,
"Ông này đi, ông kia ở, còn nếu những người đang làm được việc mà để nghỉ thì đó cũng là một việc hoang phí, mà Đảng và dân tộc Việt Nam người ta cũng không thể để một người hoang phí như thế được."
Liên hệ việc một lần Chủ tịch Trương Tấn Sang đề cập sai phạm của "đồng chí X" với thông điệp nhân dịp 19/8 và 2/9 năm nay của nhà lãnh đạo này vốn nhấn mạnh chỉnh đốn trong Đảng, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
"Những sai phạm của những người, mà tạm gọi như sai phạm của đồng chí X, thì sai phạm đó ở trên các cơ quan trung ương, thủ trưởng cơ quan Trung ương, cũng như những người ở địa phương, là 'sai phạm đồng dạng'...
"Hiện bây giờ những người đó họ cũng phải nghĩ ra rằng nếu họ cứ tiếp tục như thế này, họ không tỉnh ra, thì thử hỏi cái đảng này, dân tộc này sẽ đi đâu, cho nên lúc nào họ nghĩ ra, họ tỉnh ra, và đặt lợi ích dân tộc lên trên, thì lúc đó đất nước này mới khá."
'Toát lên nỗi sợ'
Cũng hôm thứ Năm, bình luận với BBC về điều mà Chủ tịch Việt Nam đang quan ngại như một 'nỗi sợ' trong thông điệp tháng Tám của ông, một nhà hoạt động trên mạng xã hội của Việt Nam từ trong nước nói.
"Bài viết này toát lên một nỗi sợ, đó là điều mà tôi thấy rõ nét nhất..." kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nêu quan điểm từ Hà Nội.
"Ông Trương Tấn Sang viết "chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất".
"Tôi tự hỏi là cái chữ 'chúng ta' này là ai? Chúng ta này là nhân dân ta, hay đảng ta hay chính quyền ta?"
Khi được hỏi về khả năng và phạm vi có thể tác động đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ, của thông điệp này, nhà hoạt động bình luận thêm:
"Có lẽ không tới 1% thanh niên người ta có thể đọc hết được bài này, một cái bài này nó cũng giống như một chục năm trước đây,
"Nó là những câu từ rất sáo rỗng, cuối cùng thực hiện những điều ấy, thì các ông làm được những cái gì?
"Đất nước này ngày càng tan hoang, cứ theo dõi truyền thông báo chí thì bao nhiêu tệ nạn, bao nhiêu thứ và bức xúc của người dân, mà cuối cùng thì ngày càng tệ hại hơn, không giải quyết được cái gì cả," kỹ sư Lân Thắng nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét