Cổ nhân có câu: “con vua thì lại làm vua”, con cái các “ông lớn” như Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh… nối gót cha làm lớn là lẽ đương nhiên, thiên hạ bố ai dám so bì. Tuy nhiên trong văn học nghệ thuật tình hình có khác. Ngoại trừ trường hợp ái nữ thi sĩ Chế Lan Viên, là Phan thị Vàng Anh nối nghiệp bố leo lên tới được cái ghế Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, còn “hổ tử” của các nhà văn, nhà thơ khác, chưa thấy ai. Chẳng hạn ông nguyên Vụ trưởng Vụ Văn Nghệ của Đảng là nhà thơ Lưu Trọng Lư có con trai cũng làm thơ, viết báo là Lưu Trọng Văn, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Đình Thi có con trai là Nguyễn Đình Chính cũng viết văn, viết báo nhưng cả hai đều đứng ngoài “bộ máy lãnh đạo văn nghệ” của đảng và chỉ sống bằng ngòi bút.
Mới đây, hai “quí tử” này có một cuộc đối thoại trên báo về…bố mình khá lý thú:
o0o
LƯU TRỌNG VĂN: “Nghe thiên hạ đồn thổi một đêm cuối tháng 9 -2006 vừa rồi ở viện Gớt Hà Nội, ông đã bình luận khá nhiều về bố ông là nhà văn Nguyễn Đình Thi nổi tiếng…”
NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH: “Đó là một đêm giới thiệu tập thơ của Nguyễn Đình Thi vừa được dịch sang tiếng Đức. Ông Tiến sĩ người Đức - dịch giả của tập thơ có mời tôi cùng làm MC. Trong khi giao lưu với đám đông tới dự, tôi đã trả lời một số câu hỏi của độc giả về ông Thi…”
LTV: “Và ông đã phủ nhận nhà thơ Nguyễn Đình Thi là nhà thơ số một hiện nay như ông tiến sĩ người Đức đã nhận định.”
NĐC: “Mọi sự xếp hạng trong nghệ thuật đều nghêu ngao, vớ vẩn. Ông nhà thơ nào tự nhận mình là số một thì cũng là một ông nghêu ngao, vớ vẩn…”
LTV: “Ô hay ! thế thì các giải thưởng thơ ca hàng năm của hội nhà văn Việt Nam hạng nhất nhì ba …a b c … cũng là trò nghêu ngao vớ vẩn sao?”
LTV: “Với ai đó (Ban chấp hành một hội nhà văn nào đó hoặc là người được giải thưởng hoặc là đông đảo người đọc) thì đấy có thể là một tưởng thưởng quí báu, danh giá của văn chương. Nhưng với tôi thì đó là một món quà nghêu ngao, vớ vẩn.”
LTV: “Nó không có giá trị gì hay sao?”
NĐC: “Tất nhiên là có.Tiền bạc. Một vài chục triệu đồng tiền Pôlime Việt. Cho qua vấn đề này đi. Mất hứng thú quá.”
LTV: “Ông nhận định về sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Đình Thi như thế nào.”
NĐC: “Hồi còn sống ông Thi đã có một lần nói trên báo đại để là : Tôi (NĐT) giống như một con vịt. Biết bơi một tí, biết chạy một tí, biết bay một tí…”
LTV: "Ông Thi rất khiêm nhường.”
NĐC: ”Chưa chắc. Nói như vậy là khiêm nhường. Nhưng những người cực kỳ kiêu ngạo cũng có kiểu nói như vậy. Chúng ta không nên lạc đề. Là một người cũng viết văn, tôi rất khâm phục những hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật của cha tôi. Tuy nhiên tôi cũng thấy tiếc cho ông, nếu như ông không trải rộng như thế mà tập trung toàn bộ tinh lực của mình vào một lĩnh vực thôi.”
LTV: “Thí dụ.”
NĐC: “Âm nhạc hoặc thơ ca.”
LTV: “Nhà thơ Phạm Tiến Duật vẫn thường ngợi ca ông Thi là một nhà văn hoá lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20.”
NĐC: “Om sòm quá. Tôi thấy được là một nghệ sĩ thì cũng đã quá đủ vinh dự đối với một kiếp người. Tôi nói như vậy vì, thú thật nhé, tôi cũng chẳng hiểu nhà văn hoá, nhất là nhà văn hoá lớn là thế nào. Cũng chính vì thế mà tôi đâm nghi ngờ không biết thế kỷ 20 nước Việt ta có nổi một nhà văn hoá hay không.”
LTV: “Ông Thi là một nhà triết học.”
NĐC: “Lại thêm một om sòm nữa rồi. Hình như nước Việt Nam trong mấy chục năm qua chỉ có một nhà triết học họ Trần.”
LTV: “Ngay từ hồi còn rất trẻ ông Thi đã viết nhiều sách triết học.”
NĐC: “Để tôi kể cho mà nghe cái chuyện viết sách triết học của cha tôi. Thực ra đó là những bài viết có tính tóm tắt về triết học Kant, Schopenhauer, Herbert Spencer, Nietzsche, Bacon… Viết để bán cho các sinh viên con nhà giàu học cùng lớp học dốt lại lười học. Một nhà xuất bản in thành sách và thế là cha tôi nổi tiếng thành nhà triết học. Có lẽ vì thế mà những ngày đầu tiên khi ông Trần Đức Thảo nghe lời cụ Hồ từ Pháp về Việt Bắc theo kháng chiến, ông Xuân Thuỷ đã mời ông Thi tới đối thoại với ông Thảo về triết học khai sáng. Những năm cuối đời ông Thi mới nghiên cứu nghiêm túc triết học phương Đông và đạo Phật. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Đình Thi là một triết gia thì đúng hơn. Bất kì ai cũng có thể là một triết gia, nếu tự dưng người đó bỗng nhiên đốc chứng ngồi lặng đi suy ngẫm về thế giới và thân phận con người…”
LTV: “Hình như ông có điều gì không êm thuận lắm với ông Thi.”
NĐC: “Ô hay! Cứ phải mẹ hát con khen thì mới là êm thuận à ?”
LTV: “Không hẳn như thế nhưng mà nghe cái cách trả lời của ông thấy nó cứ gờn gợn thế nào ấy.”
NĐC: “Trong gia đình thì tôi là người con hiếu thảo, lễ phép. Nhưng trong văn chương thì tôi là bạn vong niên gần gũi của ông Thi. Ấy là ông Thi nói như vậy. Tôi trả lời những câu hỏi của bạn với tư cách một nhà văn nói về nhà văn Nguyễn Đình Thi. Vả lại về viết tiểu thuyết tôi và ông Thi rất lủng củng với nhau. Mặc dù đã cố hết sức nhưng tôi vẫn không thể chịu nổi văn tiểu thuyết chuẩn mực, trong sáng đến quang quẻ của ông.”
LTV: “Hỏi một tí về những chuyện riêng tư có của nhà văn Nguyễn Đình Thi có phiền không. Nghe nói nhà văn NĐT có con ngoài giá thú.”
NĐC: “Ông Thi học trường luật của Tây nên rất cẩn thận. Có thể vì thế mà trong di chúc của ông ghi rất rõ là ông chỉ có 3 người con tên là Lễ Chính Như cũng là con bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga là người vợ đầu tiên của ông đã chết trong kháng chiến chống Pháp năm 1951 ở Việt Bắc.”
LTV: “Trong nhiều năm qua người đời nói nhiều đến mối tình quốc tế nổi tiếng của nữ nhà báo người Pháp Madeleine Riffaud và nhà văn Nguyễn Đình Thi...”
NĐC: “Đúng là một mối tình thiên thu không biên giới. Năm 1952 Nguyễn Đình Thi sang dự đại hội liên hoan thanh niên thế giới ở Béc Lanh và quen bà. Thế rồi một nhà thơ Thổ Nhĩ Kì lưu vong nổi tiếng đã chắp nối cho hai người. Năm 1956 bà có sang Việt Nam định làm dâu danh chính ngôn thuận ở Việt Nam nhưng cụ Hồ có khuyên là không nên vì nếu như vậy Đảng Cộng sản Pháp sẽ mất một cán bộ tốt và e rằng bà sinh hoạt ăn ở làm việc lâu dài ở Việt Nam sẽ rất vất vả… Tất nhiên ông Thi vâng lời lãnh tụ.”
LTV: “Hai ông bà không cưới nhau nhưng vẫn yêu nhau.”
NĐC: “Tôi chỉ biết hai người vẫn thường xuyên đi lại, thư từ cho nhau. Di cảo của ông Thi còn tới cả ngàn lá thư của hai ông bà viết cho nhau từ năm 1952 cho đến năm 2003. Sau khi ông Thi qua đời bà có viết cho tôi một lá thư dài tới 7 trang nói lên lòng đau đớn tiếc thương vô hạn của bà trước cái chết của ông Thi và bà có ý muốn xin lại cả ngàn lá thư đó.”
LTV: “Và ông đã làm theo ý muốn đó của bà?”
NĐC: “Tôi chỉ làm theo di chúc của ông Thi viết riêng cho tôi.”
LTV: “Ông đang cất giữ di cảo của nhà văn Nguyễn Đình Thi.”
NĐC: “Bản thảo thì ông Thi đưa cho anh trai tôi cất để chia cho các cháu nội ngoại làm kỷ niệm của ông. Còn di cảo thì ông Thi trao cho tôi.”
LTV: “Ông có thể nói đôi chút về di cảo của nhà văn Nguyễn Đình Thi.”
NĐC: “Nếu như không có gì thay đổi thì năm 2014 tôi sẽ cho in toàn bộ di cảo này nguyên văn bằng tiếng Pháp theo di chúc của ông Thi. Nhưng cũng có thể tôi sẽ cho đốt tất cả di cảo của ông Thi vì ông cũng lại dặn rõ ràng là nếu tôi thấy nên đốt đi thì cũng đừng tiếc gì một mồi lửa.”
LTV : “Hình như hiện nay có một vài nơi đang sốt sắng quan tâm đặc biệt tới di cảo của ông Thi.”
NĐC: “Tất nhiên, thí dụ như cánh đầu nậu sách chẳng hạn.”
LTV: “Tôi muốn nói là những nơi khác.”
NĐC: “Cách đây không lâu một cán bộ an ninh văn hoá cũng lưu ý tôi hiện nay đang có những quan tâm ở đâu đó tới di cảo của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Tôi nghĩ rằng họ sẽ chưng hửng mà thôi.”
LTV: “Vì sao.”
NĐC: “Với người nghệ sĩ thì chỉ có những sáng tạo nghệ thuật đích thực để lại cho đời là có giá trị. Còn tất cả những cái khác chỉ là nghêu ngao, vớ vẩn. Tôi xin cam đoan là những gì đáng đọc nhất của Nguyễn Đình Thi thì chúng ta đã đọc rồi. Di cảo của ông Thi ư. Đó chỉ là một đống những tình yêu bí mật của ông mà thôi….”
Nghe xong hai “quí tử” trò chuyện, một “quí tử” con một ông nhà thơ khác gọi điện tới cho Nguyễn Đình Chính:
“Ông nói về ông Thi được đấy nhưng thiếu một câu căn bản…”
“ Câu gì ?”
“Giá như bố tôi bớt bồi bút đi thì ông sẽ viết hay hơn…”
“Viết thế bố báo nào dám đăng!”
Và ông “con trai” nhà văn Nguyễn Đình Thi đặt máy xuống cái rộp.
NT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét