Phần 2
Để tiện cho các cụ theo dõi, em xin hệ thống qua về mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1984-1989
Bối cảnh :
Từ sau năm 1979, TQ tiếp tục tấn công lấn chiếm vào đất ta ở nhiều điểm.
Ở địa bàn QK1, tháng 5/81 địch đánh bình độ 400 (Cao Lộc, Lạng Sơn), cao điểm 820, 630 (Thất Khê, Lạng Sơn).
Ở địa bàn QK2, tháng 8/80, địch đánh điểm cao 1992 (Sín Mần, Hà Tuyên). Tháng 5-1981 đánh cao điểm 1800A-1800B (Lào Chải, Hà Tuyên). Tháng 2-1982 tiến công vào Đồng Văn, Mèo Vạc. Tháng 4-1983 tiến công vào Mường Khương. Đặc biệt từ tháng 4-1984 tiến công lớn vào Vị Xuyên – Yên Minh (Hà Tuyên).
Thời điểm này, ta bố trí dọc tuyến biên giới 3 quân đoàn, 11 sư đoàn, 13 trung đoàn và 70 tiểu đoàn độc lập. Các lực lượng bảo đảm, phục vụ... tuyến sau tương đương 4-6 sư đoàn. Tổng quân số khoảng 300.000 người. Ngoài ra, sâu trong nội địa còn có 3 quân đoàn chủ lực Bộ làm dự bị.
Mặt trận biên giới Vị Xuyên - Yên Minh diễn ra từ tháng 4-1984 đến tháng 4-1989, chia thành 4 thời kỳ :
- Từ 2-4-1984 đến 16-5-1984 : địch tiến công lớn, ta phòng ngự.
- Từ 16-5-1984 đến 7-1-1987 : ta củng cố phòng ngự, tổ chức tiến công một số điểm bị chiếm đóng, địch tiếp tục tiến công lấn chiếm.
- Từ tháng 2-1987 đến tháng 12-1988 : ta và địch đều ngừng tiến công lớn, chủ yếu củng cố phòng ngự và bắn pháo.
- Từ tháng 12-1988 đến tháng 4-1989 : địch ngừng bắn phá và bắt đầu rút dần các điểm lấn chiếm.
Phía ta 7 lần thay phiên các sư đoàn chủ lực lên chiến đấu.
QK1 có eBB981, 982, 983.
QK2 có fBB313, 314, 316, 356; lữ CB 543, lữ PB 168, lữ PK 297, eXT406, eTT604, eVT652, các d đặc công, trinh sát, các đơn vị địa phương của BCHQS tỉnh Hà Tuyên và eBB754 của BCHQS tỉnh Sơn La.
Đặc khu Quảng Ninh có eBB568/fBB328.
Các đơn vị chủ lực Bộ có fBB312/QĐ1, fBB325/QĐ2, fBB31/QĐ3, lữ PB 368/BTL Pháo binh...
Ngoài ra còn nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn, đại đội bộ binh và pháo binh cũng được điều lên tham gia chiến đấu.
Khu vực Tây sông Lô :
- Từ đầu năm 84 đến 12-85 : fBB313/QK2 + fBB356/QK2.
- Tháng 5/85 : fBB313/QK2 + eBB2/fBB3/QK1.
- Tháng 12/85 : fBB31/QĐ3.
- Tháng 6/86 : fBB313/QK2.
- Tháng 2/87 : fBB356/QK2.
- Tháng 8/87 : fBB312 (-eBB209)/QĐ1 + e48BB/fBB390/QĐ1 + 2d/fBB308/QĐ1.
- Tháng 1/88 : fBB325/QĐ2.
- Tháng 9/88 : fBB316(-eBB98)/QK2.
- Tháng 5/89 : fBB313/QK2.
Ở hướng này khoảng 6 tháng ta thay quân một lần. Riêng fBB313/QK2có đợt chiến đấu kéo dài liên tục gần 1 năm, gặp rất nhiều khó khăn.
Khu vực Đông sông Lô :
- Từ đầu năm 84 : eBB266/fBB313/QK2.
- Tháng 7/84 : eBB141/fBB312/QĐ1.
- Tháng 4/85 : eBB568/fBB328/ĐKQN.
- Tháng 11/85 : eBB818/fBB314/QK2.
- Tháng 2/87 : eBB881/fBB314/QK2.
- Tháng 9/87 : eBB818/fBB314/QK2 + 1d/eBB754 Sơn La.
- Tháng 6/88 : eBB728/fBB314/QK2.
- Tháng 10/88 : eBB247 Hà Tuyên.
Hướng phòng ngự Đông sông Lô gặp nhiều khó khăn hơn phía Tây, nhiều đơn vị phải chiến đấu những đợt kéo dài 7-10 tháng.
Phía địch, đã dùng 20 lượt sư đoàn, 171 lượt trung đoàn đến đại đội tấn công lấn chiếm vào đất ta 1-2km trên chính diện 11km. Cũng giống như ta, TQ cũng thay phiên nhiều lượt quân đoàn, sư đoàn :
4/84 – 4/85 : fBB31/QĐ11, fBB32/QĐ11, fBB40/QĐ14, fBB41/QĐ14 ĐQK Côn Minh; fPB4 ĐQK Côn Minh.
12/84 – 5/85 : fBB1/QĐ1, fBB36/QĐ12 ĐQK Nam Kinh; fPB3 ĐQK Phúc Châu, fPB9 ĐQK Nam Kinh.
5/85 – 6/86 : fBB138/QĐ46, fBB199/QĐ67 + 1e/fBB200/QĐ67 ĐQK Tế Nam; fPB12 ĐQK Tế Nam.
4/86 – 5/87 : fBB61/QĐ21, fBB139/QĐ47 + 1e/fBB141/QĐ47 ĐQK Lan Châu, lữ PB1 ĐQK Lan Châu.
4/87 – 4/88 : fBB79/QĐ27 + 1e/fBB81/QĐ27, fBB80/QĐ27 ĐQK Bắc Kinh; fPB14 ĐQK Bắc Kinh.
4/88 – 10/89 : fBB37/QĐ13, fBB38/QĐ13 ĐQK Thành Đô.
Diễn biến chính :
Trên hướng đối diện QK2, từ tháng 1 đến tháng 3/84, địch điều 5 sư đoàn bộ binh và 5 trung đoàn pháo binh chủ lực gồm 3 sư đoàn của QĐ14 đối diện Quản Bạ, Vị Xuyên (Hà Tuyên) và 1 sư đoàn của QĐ11 đối diện Yên Minh (Hà Tuyên) cùng các đơn vị biên phòng áp sát biên giới ta. Đến trước ngày 28/4/84, lực lượng địch tập trung cho chiến dịch “Kỵ tuyến bạt điểm” lấn chiếm biên giới khoảng 6 sư đoàn, trong đó 4 sư đoàn triển khai trên thê đội 1, tiến công hướng chính diện Vị Xuyên – Yên Minh.
Trên hướng đối diện QK1, ĐK Quảng Ninh và hướng biển, địch tập trung 37 sư đoàn bộ binh chủ lực và biên phòng, 8 sư đoàn không quân, hạm đội Nam Hải tiến hành tập trận quy mô lớn để nghi binh, thu hút, phối hợp chiến trường.
Từ ngày 2-4 đến 27-4-1984, địch mở đợt pháo kích lớn trên toàn tuyến biên giới (1 tuần sau khi ta tiến công lớn ở CPC ngày 26/3/84) với 28.300 viên đạn pháo cối vào 205 mục tiêu, 20 khu vực của 6 tỉnh biên giới. Trong đó hướng Hà Tuyên 11.300 viên, Lạng Sơn 10.900 viên, Quảng Ninh 3.000 viên, Cao Bằng 2.150 viên, Hoàng Liên Sơn 370 viên, Lai Châu 340 viên. Mật độ bắn phá cao nhất 6.000 viên/ngày, các mục tiêu trọng điểm chịu 1.000-3.000 viên/ngày. Mục tiêu nằm sâu nhất bị bắn phá là thị xã Hà Giang (18km).
Riêng từ ngày 28-4 đến 30-4-1984, địch bắn 12.000 quả đạn pháo vào 6 điểm tựa của ta để chi viện cho bộ binh của chúng tấn công đánh chiếm các điểm cao 226, 233, bình độ 300 - 400, 1509, 772, 685. Trong 2 ngày địch đã đánh chiếm được 226, 233, 772, 1509, bình độ 300 - 400, E1, 685 do eBB122/fBB313/QK2 của ta phòng ngự.
Ngày 15-5-1984, địch mở đợt tiến công Đông sông Lô (từ điểm cao Si Cà Lá đến M13) với lực lượng 1 trung đoàn tăng cường. Sau 1 ngày chiến đấu, địch đã chiếm được các điểm cao 1030, Si Cà Lá, 1250, đài 2, M13 do eBB266/fBB313/QK2 và dBB3 Yên Minh của ta phòng ngự.
Như vậy, từ 28-4 đến 16-5-1984, địch đã chiếm và triển khai phòng ngự chốt giữ 29 điểm trên lãnh thổ VN. Trong đó có khu 1545, 1509, 772, 226, 233, 685/Vị Xuyên (địch gọi là Lão Sơn), điểm cao 1030/Vị Xuyên (địch gọi là Đông Sơn), khu 1250, Si Cà Lá tức Núi Bạc/Yên Minh (địch gọi là Giả Âm Sơn). Chúng bố trí trên hướng Vị Xuyên 1 sư đoàn phía trước, 2 sư đoàn phía sau; trên hướng Yên Minh 1 trung đoàn phía trước, 2 trung đoàn phía sau.
Trên toàn tuyến địch tiếp tục tiến hành các vụ pháo kích, tập kích, phục kích… Từ 28/4/84 đến 26/5/84 đã bắn 43.670 viên đạn pháo cối, riêng Hà Tuyên 27.380 viên, Lạng Sơn 13.300 viên, Quảng Ninh 1.625 viên, Cao Bằng 960 viên, Lai Châu 340 viên, Hoàng Liên Sơn 170 viên.
Ngày 11/6/84, ta tiến công hiệp đồng bộ - pháo với quy mô trung đoàn, do eBB876/fBB356/QK2 đánh 233, 685 không thành công.
Cuối tháng 6-1984, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định tổ chức tiến công lớn để giành lại các chốt bị chiếm đóng. Lực lượng tham gia đợt tiến công này gồm 3 trung đoàn : eBB141/fBB312/QĐ1 đánh 1030, Si Cà Lá; eBB174/fBB316/QK2 đánh 233, bình độ 300 – 400; eBB876/fBB356/QK2 đánh 772, 685.
Ngày 12-7-1984, trên cả 3 hướng ta đồng loạt nổ súng tiến công địch. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa chu đáo, đánh giá địch không chính xác, quyết tâm và cách đánh không phù hợp, nóng vội… nên trận tiến công thất bại, các đơn vị bị tổn thất lớn.
Đến tháng 11-1984, Bộ Tư lệnh mặt trận hạ quyết tâm mở tiếp một đợt tiến công vây lấn. Lần này các đơn vị có 4 tháng chuẩn bị.
Ngày 18/11/84, pháo binh ta bắt đầu bắn phá hoại các mục tiêu ở 300 – 400, 685. Sau 5 ngày đêm, eBB14/fBB313/QK2 thực hành vây lấn ở 300-400, eBB153/fBB356/QK2, tăng cường 1d đặc công thực hành vây lấn ở 685.
Đợt chiến đấu kéo dài từ 18-11-1984 đến 18-1-1985 (ta ngừng tiến công vào dịp Tết Nguyên đán). Ta không chiếm được A5, không khôi phục được hoàn toàn 300 - 400, 685 nhưng đã giành lại được một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát địch ở đồi Chuối, đồi Cô X, đồi Đài, A4, A21, khu Cót Ép, khu C và mỏm E2, E3, E5 của 685, có nơi chỉ cách địch 15-20m. Cá biệt ở Bốn hầm, chốt của ta và địch chỉ cách nhau 6-8m. Ở khu vực này cả 2 bên thay nhau phản kích, giành giật chốt liên tục như ở Bốn hầm 38 lần, 685 41 lần, đồi Cô X 45 lần… Tuy nhiên do địa hình hiểm trở, tiếp tế khó khăn, đến tháng 3/85 địch chiếm lại được E2, E3, E5 ở 685.
Từ 27/5 đến 30/5/85, sau khi thay quân địch mở đợt tiến công lớn vào các điểm tựa của ta ở đồi Đài, Cô X, bình độ 1100 (tây sông Lô) bị ta đánh bại.
Ta cũng mở một số trận tiến công hoặc tập kích bằng bộ binh và đặc công, trong đó đáng chú ý nhất là trận tiến công chiếm lại A6B (31/5/85) và chốt giữ, đánh bại 21 đợt phản kích của địch từ 1/6-13/6/85, trận tái chiếm điểm cao 400 (19/7/85)…
Từ 23/9 đến 25/9, địch mở đợt tiến công lớn vào các điểm tựa của ta ở đồi Tròn, lũng 840, Pha Hán (đông sông Lô) đến đồi Cô X, 1100 (tây sông Lô) bị ta đánh bại. Riêng ở Pha Hán ta mất chốt nhưng sau 1 ngày đêm đã tổ chức phản kích khôi phục được trận địa.
Tháng 10 và 11/86, địch mở nhiều đợt tiến công vào khu vực bắc suối Thanh Thuỷ, Pha Hán, Minh Tân đều bị ta đánh bại.
Từ 5 đến 7/1/87, địch mở đợt tiến công lớn với quy mô sư đoàn, trong 3 ngày bắn hơn 100.000 viên đạn pháo cối để chi viện bộ binh tiến công các điểm tựa của ta mà chủ yếu là đồi Đài và Cô X. Đợt tiến công này cũng bị ta đánh bại.
Từ sau đợt tiến công này, địch bắt đầu giảm dần các hoạt động lấn chiếm và bắn phá. Chiến sự ở mặt trận biên giới Vị Xuyên dần dần lắng xuống. Ngày 21-12-1988, lần đầu tiên địch ngừng bắn pháo vào Vị Xuyên, nơi chưa hề có một ngày im tiếng pháo kể từ năm 1984. Từ năm 1989, địch giảm bắn pháo và rút khỏi một số điểm ở phía Bắc suối Thanh Thủy.
Ngày 13-3-1989, địch rút khỏi 20 điểm chiếm đóng và đến tháng 9-1989, địch rút khỏi 9 điểm còn lại.
Trong 5 năm tác chiến, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 15.000 tên địch, bắt 325 tù binh (bắt 6 tên trong chiến đấu và 319 tên thám báo, trinh sát đột nhập).
Đánh thiệt hại nặng 4 trung đoàn, 43 tiểu đoàn, 18 đại đội, 10 trung đội; đánh thiệt hại vừa 4 tiểu đoàn, 5 đại đội, 4 trung đội; đánh thiệt hại nhẹ 4 tiểu đoàn, 7 đại đội, 10 trung đội.
Phá hủy 100 khẩu pháo các cỡ, 100 khẩu súng cối các cỡ, tiêu diệt 13 trận địa pháo cối, 170 xe vận tải, 130 kho tàng, 1.550 ụ súng, lô cốt, hoả điểm, đài quan sát của địch...
Thu được 50 khẩu súng bộ binh, 50 máy thông tin cùng một số khí tài khác.
Địch bắn vào biên giới Hà Tuyên (chủ yếu là Vị Xuyên - Yên Minh) tổng cộng 1.858.613 quả đạn pháo cối, giai đoạn khốc liệt nhất là từ 1984-1987, ngày cao nhất 61.115 quả.
Em lại kể tiếp chuyện Vị Xuyên năm 1984:
Lại nói lúc rút xuống khe đá đó thì bọn em không ra được nữa vì bên đối diện là 685 có lính TQ đang bắn 12,7 sang, bọn em cứ thò khỏi khe đá là nhìn thấy nó bắn rầm rầm khiến cho thằng nào cũng khiếp đành nằm lại đó đợi tối sẽ bò ra. Lúc đó ngoảng lại em đếm có 17 người tất cả và mừng thầm là không có ai bị thương.Vì em là y tá nên cứ nghĩ là lành lặn như mình mà còn không chắc về tới đơn vị nữa là giờ phải kèm một thương binh thì chắc chết quá. Mà ở trong khe đá đó nhìn về bên tay trái thì có lính TQ đang bắn mà nhìn sang tay phải là thấy xa xa là lèn đá 468 nơi trú quân của đơn vị .Bọn em nằm lại đó anh Hậu có cắt cử người chốt giữ bên trên cứ một lúc lại có lính mình đi xuống thêm,có một cậu lính thông tin mang cái máy to như cái ba lô có ăng ten nhô lên như của Mỹ vừa xuống đến nơi đã định bật máy lên bị anh Hậu đá một cái vào người không cho bật vì sợ lộ. Bọn em cứ nằm ở đó đến tối mịt mới lục tục rời khe đá lúc này có mấy thương binh xuống rồi nhưng bị nhẹ thôi,anh Hậu giao cho em mang một cậu lính tháng 3-84 người dân tộc ở Yên Bái bị thương đứt động mạch cẳng tay có ga rô ở gần nách. Em tự nhủ thế cũng may chứ có ai què mà mình phải cõng thì hết hơi. Khi ra khỏi khe đá đó để tìm đường về đơn vị thì bọn em đi hàng dọc và tụt dần xuống khe suối, lúc này do người đi nhanh người đi chậm và mỗi người một phán đoán và đi theo ý mình nên cứ lạc lung tung. Pháo sáng TQ liên tục bắn lên sáng như ban ngày soi rõ từng ngọn cỏ khiến bọn em phải nằm xuống để tránh nên đi rất lâu. Đã thế cậu thương binh em dìu về bị tức tay do ga rô lâu cứ kêu ầm lên nữa chứ, em cứ một lúc lại phải dừng lại để nới ga rô ra mỗi lần nới máu ở vết thương lại phun ra mà phần dưới ga rô cứ thâm hết cả lại. Cứ đi mãi đến khi phát hiện thấy đến đường mòn thì mọi người đã đi trước đâu mất còn có 2 thằng bọn em. Lúc này em mới thấy khổ vì cậu thương binh, cậu ta luôn miệng đòi nước uống mà không có nên cùn lắm, khi pháo sáng bắn cậu ta cứ đứng sừng sững em giục nắm xuống thì cậu ta bảo " Kệ nó, bắn chết tao cũng được, không cho tao uống nước thì chết còn hơn ". Các cụ tính mình thì nằm bẹp dưới cỏ, nó thì đứng sừng sững mặc kệ pháo sáng tức mà không làm gì được em đành phải dỗ dành là lát nữa gặp ai xin được nước sẽ cho cậu uống. Rất may là một lúc sau có mấy bác trinh sát đi tới hỏi em là lính đơn vị nào, em nói " Lính D2 E876 đánh 772 đang rút về 468 ". Các bác ấy chỉ đường cho bọn em đi và em cũng xin được nước cho cậu ta uống mà chỉ dám rót ra cho một nắp bi đông thôi. Khi em đưa cho cậu ta thì cậu ta cứ đòi đưa cả bình tông đây rồi cậu ta uống xong sẽ đi về cùng em, em đành phải đưa và dặn uống ít thôi không là chết vì mất máu đấy, thế mà nó tu một phát hết nửa bình tông nước rồi mới chịu đi. Đến khi trời sáng thì 2 thằng bọn em cũng về đến lèn đá 468, giao thương binh cho tiểu đoàn xong em mò về võng của mình lăn ra ngủ luôn, cậu lính hậu cần ở nhà bảo có cơm đây rồi anh đợi em nấu cái gì rồi ăn rồi hãy ngủ vậy mà khi nằm lên võng là em lịm luôn đến tối mới tỉnh. Tỉnh dậy ăn ba bát cơm với thịt hộp xong em lại ngủ tiếp đến sáng hôm sau . tính ra đến sáng ngày 13 -7 khi em về đến đơn vị là đúng 2 đêm 1 ngày em không ăn không ngủ, thiệt hại là xước hết người do cỏ tranh cào, mất khẩu súng AK và rách tan mất cái quần do đá móc vào, ba lô lúc đi vào bọn em để dưới chân suối cũng mất do pháo bắn tan tành nên em lúc này chỉ mặc mỗi quần đùi và một cái áo dính đầy máu tanh lòm.
Em lại kể chuyện này hơi duy tâm một chút nhưng là sự thât đấy, chả là mẹ em mất tháng 2 năm 84 nên trong giấc ngủ em có mê thấy mẹ em vẫn đang ốm và em thì bỏ trốn về nhà, mẹ em có hỏi sao mày lại trốn về em có kể lại chuyện đánh nhau ở trên này mẹ em lại nói mày muốn về thì nói thế chứ làm gì mà ghê gớm thế đâu. Em bèn cãi lại như hồi ở nhà vẫn hay cãi lại mẹ em là " Mẹ nằm một chỗ biết gì mà lại bảo thế, có thế nào con nói thế chứ, con bịa ra làm gì ".Mẹ em lại nói ''Ừ tao không biết gì, lúc nào tao chẳng ở bên cạnh mày nên chuyện gì mà tao chẳng biết ''. Tỉnh giấc dậy em vẫn thấy bàng hoàng nhưng cũng nghĩ là đúng hay sao mà mình không bị một vết sứt nào.
Hôm sau khi anh em đã về hết kiểm tra quân số đại đội còn 39 người, cán bộ hy sinh mất đại đội trưởng và một b trưởng, mất một y tá của C và một quản lý nữa. Bắt đầu từ hôm 13-7 tình hình rất là yên tĩnh hai bên đều không có màn đấu pháo nữa mà chỉ có truyền đơn của TQ bắn sang rất nhiều nội dung chủ yếu là cho bộ đội mình lên lấy tử sỹ trên chiến hào tiền duyên.
Thôi để hôm sau em kể chuyện đi lấy tử sỹ nhé, giờ em pots lên đây tờ truyền đơn của TQ bắn sang ta sau hôm 12-7.
Phần 1
Phần 2
tham khảo tại đây
- http://www.otofun.net/threads/431843...uoi-trong-cuoc
- http://www.otofun.net/threads/443093-chien-tranh-bao-ve-bgpb-1979-1989-theo-loi-ke-cua-nguoi-trong-cuoc-phan-2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét