Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Nelson Mandela - Con đường dài tới tự do


Thưa các bạn,
"Long Walk to Freedom" ("Bước Đường Dài Đến Tự Do") là cuốn tự truyện chi tiết của Nelson Mandela. Tôi có ý định dịch sơ lược sang tiếng Việt hầu giúp một số trong các bạn có cái nhìn rõ hơn về tình hình nước Nam Phi trong mấy chục năm trước, đi từ chế phân biệt chủng tộc Trắng/Đen sang một xã hội sống trong hòa bình và hòa giải, sau khi trải qua những đấu tranh bất bạo động rồi chuyển thành bạo động cao độ và sau cùng là giải pháp hoà bình.
Dựa vào bản chính bằng tiếng Anhhttp://archive.org/stream/LongWalkToFreedom/PBI3231_djvu.txt, bài dịch sẽ tập trung vào những chủ đề quan trọng có thể giúp người xem rút ra những bài học từ kinh nghiệm của Nam Phi:
* Những biến chuyển trong con người và cuộc đời của Mandela
* Đấu tranh bất bạo động
* Đấu tranh bạo động
* Giải quyết xung đột bằng đường lối hòa bình
* Thực hiện hòa giải chủng tộc
Ghi chú:
- Những phần quan trọng được dịch chi tiết hơn so với lược dịch
- Những đoạn đặt giữa [ và ] là của người dịch ghi chú hay tóm tắt
- Công việc dịch thuật này là do thiện chí dù khả năng hạn hẹp, xin các bạn tự nhiên cải tiến bản dịch cho tốt hơn, có thể được DL đăng chính thức và lưu trữ cho nhiều người đọc (thiết nghĩ đăng ở Quán Nước bị nhiều hạn chế)
- Có thể một số bản dịch khác chuyên nghiệp hơn, nếu các bạn biết thì xin giới thiệu để cùng học hỏi
Trân trọng
LongWalk
Nội dung cuốn sách
1. Thời thơ ấu ở quê nhà
2. Thành phố Johannesburg
3. Nột chiến sĩ cho tự do ra đời
4. Đấu tranh là đời sống của tôi
5. Tội phản quốc
6. Hoa "phiền lộ" (Pimpernel) màu đen
7. Thị trấn Rivonta
8. Đảo Robben: Những năm đen tối
9. Đảo Robben: Bắt đầu hy vọng
10. Nói chuyện với kẻ thù
11. Nền Tự do
* * *

BƯỚC ĐƯỜNG DÀI ĐẾN TỰ DO

(tự truyện của Nelson Mandela)
Nguồn: Long Walk To Freedom
Phần I. THỜI THƠ ẤU Ở QUÊ NHÀ
Tôi sinh ra trong hoàng tộc của dân Thembu và được đặt tên Rolihlahla vốn có nghĩa "kẻ gây rối". Tôi không tin rằng tên họ là định mệnh hay rằng cha tôi đã chọn sẵn tương lai cho tôi, nhưng những năm về sau nhiều người nối kết cái tên khai sinh ấy với những bão tố mà tôi đã gây ra. Còn tên tiếng Anh Nelson được đặt cho tôi ngày đầu tiên tôi đi học.
Tôi sinh năm 1918, đó là năm kết thúc Thế Chiến I và một phái đoàn của ANC (African National Congress - Đại hội Toàn quốc Phi) đến viếng hội nghị hòa bình Versailles để gióng lên tiếng kêu thống thiết của dân chúng Phi ở Nam Phi.
[Một đoạn khá dài nói về thời thơ ấu của Mandela, với những thú vui, sinh hoạt hàng ngày với cha mẹ, anh chị em, bạn bè và láng giềng. Cũng nói về văn hóa của người Phi về mặt cá nhân, gia đình và cộng đồng. Thân phụ của Mandela là một Tù trưởng do huyết thống và phong tục (và cũng làm cố vấn cho Hoàng gia) được vị Vua xác nhận nhưng cũng phải được chính quyền Anh phê chuẩn. Cha của Mandela có một lúc bốn bà vợ; mẹ của ông là bà thứ ba, còn được gọi là "Vợ bên Tay Phải", bà này có bốn con gồm Mandela là con trai lớn và ba con gái nhỏ hơn. Về sau thân phụ ông bị người Da Trắng trừng phạt mà không qua xét xử do tội bất tuân lệnh nên mất chức vụ Tù trưởng và mất cả tài sản, phải đem vợ con về thôn quê sống trong cảnh nghèo khó]
Sau cái chết của cha vì bệnh phổi vào năm tôi lên chín tuổi, tôi được vị Quan Nhiếp chánh (Ngài Jongintaba vốn chịu ơn của cha tôi tiến cử khi ông làm cố vấn cho Hoàng gia) nhận làm giám hộ và nuôi ăn học. Tôi được đối xử bình đẳng với con ruột của ông tên Justice mà tôi xem như người anh. Sống ở vùng thị trấn, tôi có cơ hội quan sát và học hỏi từ vị Nhiếp chánh về cách làm việc và giao tế với dân chúng cũng như với các vị chức sắc. Tôi cũng được tiếp xúc với Giáo hội Methodist và đi lễ nhà thờ đều đặn (dù khi ở quê nhà tôi đã từng đến nhà thờ có một lần duy nhất để làm lễ theo đạo - baptized). Và về sau tôi đi dạy Thánh Kinh hàng tuần ở những ngôi làng kế cận trường học. Một chủ đề mà tôi bắt đầu chú tâm đến là lịch sử của người Phi, với những vị anh hùng trong suốt cả một thế kỷ phản kháng lại sự đô hộ của người Phương Tây, một số trong họ bị chính quyền Anh hạ ngục cho đến chết.
Cha tôi là người thất học (nhưng ăn nói rất giỏi) tuy nhiên ông hiểu giá trị của giáo dục, và ông đã tiến cử vị Nhiếp chánh vì ông này có học vấn cao. Theo ý nguyện của cha tôi và khuynh hướng của vị Nhiếp chánh, khi tôi đến tuổi trưởng thành, vị này cho tôi tiếp tục lên học những trường cao đẳng và đại học của đạo Cơ Đốc để sau này làm cố vấn cho vị Chánh Vương thay vì phải ở nhà đi phu hầm mỏ cho người Da Trắng. Mặc dù một người bạn ở khóa đàn anh (và cũng là anh họ của tôi, tên K.D. Matanzima mà tôi xem như bậc thầy) khuyên tôi nên học Luật, nhưng tôi chọn ngành Thông dịch ngôn ngữ.
[Môt đoạn khá dài nói về đời sống và sinh hoạt trong trường học và nhà nội trú]
Ở các trường, học sinh được dạy - và chúng tôi cũng tin tưởng - rằng những ý tưởng Anh là hạng nhất, chính quyền Anh là hạng nhất, và người Anh là hạng nhất.
Vào một kỳ nghĩ lễ, tôi mời bạn học Paul Mahabane cùng về quê tôi chơi. Paul nổi danh ở trường học (và được gán là tên nổi loạn) vì cha của anh đã hai lần làm Chủ tịch của ANC mà tôi vẫn còn biết rất ít về tổ chức này. Khi chúng tôi đang đứng trước nhà bưu điện thì một vị quan hành chánh địa phương người Da Trắng bước đến gần Paul và yêu cầu anh đi vào mua cho ông một ít tem thư. Những chuyện như vậy hay xảy ra: người Da Trắng thường sai bảo người Da Đen làm cho một việc gì đấy. Vị quan đưa cho Paul một ít tiền lẻ nhưng Paul không nhận. Vị quan mặt đỏ gay bực tức hỏi "Anh có biết tôi là ai không?". Paul trả lời "Không cần biết ông là ai. Nhưng tôi biết ông là gì." Vị quan hỏi Paul rằng chính xác anh ta có ý nói gì. Paul nói một cách ghét bỏ "Tôi biết ông là một tên ăn xin". Vị quan nổi nóng và xổ ra "Anh sẽ trả giá xứng đáng cho việc này" và rồi bỏ đi.
Tôi cảm thấy cực kỳ không thoải mái về cách ứng xử của Paul. Tôi trọng sự can đảm của anh, nhưng tôi cũng thấy nó gây phiền toái. Vị quan đã biết rõ ràng tôi là ai [vì địa phưong này là quê của Mandela] và tôi biết rằng nếu ông ta đã yêu cầu tôi thay vì Paul, thì tôi đã đơn giản đi vào mua tem thư cho ông và rồi quên đi chuyện này. Nhưng tôi thán phục Paul vì chuyện anh đã làm, mặc dù tôi chưa sẵn sàng tự mình làm theo cách ấy. Tôi bắt đầu nhận thức rằng một người Da Đen không buộc phải chấp nhận hàng chục những cách sỉ nhục nhắm vào mình mỗi ngày.
Sau kỳ nghỉ lễ, tôi trở về trường vào đầu năm trong cảm giác mạnh mẽ và phấn chấn. Tôi tập chú vào việc học, nhắm vào các bài khảo sát vào cuối năm; và tôi tưởng tượng mình sẽ lấy được tấm bằng Cử nhân. Chúng tôi cứ được ông Hiệu trưởng và các thầy nhắc nhở cho rằng khi tốt nghiệp từ Fort Hare chúng tôi sẽ là giới tinh hoa của dân Phi. Tôi tin rằng cấp bằng đại học sẽ là cái hộ chiếu cho phép đi đến không những vị trí lãnh đạo cộng đồng mà còn cả sự thành công tài chánh nữa. Với bằng Cử nhân, sau cùng tôi có thể phục hồi cho mẹ tôi những tài sản và danh giá đã mất sau khi cha tôi qua đời. Tôi sẽ giúp mẹ và các em gái đủ sức mua sắm những thứ mà họ thiếu thốn đã lâu. Đấy là giấc mơ của tôi và nó có vẻ ở trong tầm tay.
Một chuyện nữa, tôi được đề nghị ứng cử vào Ban Đại diện Sinh viên trường Đại học Fort Hare, và lúc ấy tôi không biết những sự cố liên quan đến cuộc bầu cử của sinh viên sẽ gây khó khăn và thay đổi cuộc đời của tôi. Theo hiến chương của trường, tập thể sinh viên sẽ bầu ra sáu thành viên của Ban Đại diện. Trước cuộc bầu cử, một buổi họp cho tất cả sinh viên được tổ chức để bàn thảo về những vấn đề và gióng lên lời than phiền. Mọi người đều cảm thấy rằng thức ăn ở trường quá tồi và rằng quyền hạn của Ban Đại diện cần được nâng lên nhằm xóa bỏ vị thế bù nhìn chỉ để đóng dấu thuận cho những quyết định của ban Giám hiệu. Tôi đồng ý với cả hai việc và cùng biểu quyết với đa số sinh viên sẽ tẩy chay cuộc bầu cử, trừ khi nhà trường chấp nhận sự đòi hỏi của chúng tôi.
Chẳng bao lâu sau buổi họp ấy, cuộc bỏ phiếu diễn ra theo lịch trình [có lẽ vì ít thời gian nên không có tranh đấu qua lại với Ban Giám hiệu]. Đa số sinh viên tẩy chay bầu cử, ngoại trừ 25 người (khoảng 1/6 tổng số sinh viên) bầu cho sáu đại diện mà tôi là một. Cùng ngày, sáu đại diện được bầu ấy gặp nhau để bàn thảo về các sự cố. Chúng tôi cùng quyết định từ chức căn cứ trên việc chúng tôi ủng hộ cuộc tẩy chay và không được bầu bởi đa số sinh viên. Chúng tôi thảo một bức thư và mang đến vị Hiệu trưởng là Tiến sĩ Kerr.
Nhưng vị Hiệu trưởng rất khôn ngoan. Ông ta chấp nhận việc chúng tôi từ chức và rồi ra thông báo rằng một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức vào ngày kế tiếp trong nhà ăn vào buổi ăn tối. Làm thế có lẽ sẽ bảo đảm đông đủ sinh viên hiện diện và không có lý do để nói rằng Ban Đại diện mới chẳng được đa số ủng hộ. Cuộc bầu cử thứ nhì này diễn ra, nhưng cũng chỉ cùng 25 sinh viên ấy bầu cho cùng sáu đại diện đã từ chức. Kết quả lại trở về chỗ cũ.
Lúc này, sáu người chúng tôi họp với nhau để xét lại vị thế của mình, nhưng việc biểu quyết lại khác với khi trước. Năm thành viên kia cho rằng chúng tôi được bầu trong khi mọi sinh viên có mặt và như thế không còn có thể cãi bướng chúng tôi không đại diện cho cả tập thể. Năm người ấy tin tưởng bây giờ chúng tôi nên chấp nhận chức vụ.
Tôi phản đối rằng thật ra không có gì thay đổi; dù tất cả sinh viên có mặt ở cuộc bầu cử, nhưng đa số sinh viên đã không bầu, và thật không đúng về đạo đức khi cho rằng chúng tôi được họ ủy quyền đại diện. Bởi mục tiêu nguyên thủy của chúng tôi là tẩy chay cuộc bầu cử [để tranh đấu cho những đòi hỏi], việc này đã được mọi người thỏa thuận cho nên bổn phận của chúng tôi vẫn phải đi theo quyết nghị ấy, và không để bị ông Hiệu trưởng răn đe bằng những tiểu xảo. Vì không thể thuyết phục năm thành viên kia, tôi từ chức lần thứ nhì, và tôi đơn độc làm việc này.
Ngày kế, vị Hiệu trưởng cho gọi tôi đến. Ông ta trầm tĩnh xem lại những sự cố trong mấy ngày qua và rồi yêu cầu tôi xét lại quyết định từ chức. Tôi bảo ông ta rằng tôi không thể làm vậy. Ông ta bảo tôi về suy nghĩ và ngày mai cho ông biết quyết định sau cùng. Tuy nhiên ông cũng cảnh cáo tôi rằng ông ta không cho phép học sinh của mình ứng xử vô trách nhiệm, và rằng nếu tôi nằng nặc từ chức thì ông ta buộc phải đuổi tôi khỏi trường đại học Fort Hare.
Lời ông Hiệu trưởng làm tôi hoảng hốt và trải qua một đêm không yên giấc. Tôi đã chưa từng làm một quyết định có thể mang mang lại nhiều hệ lụy như thế. Tôi hỏi ý kiến người bạn ở khóa đàn anh; anh K.D. cảm thấy về mặt nguyên tắc tôi làm đúng khi chọn từ chức và không nên đầu hàng. Lúc ấy tôi cảm thấy sợ anh K.D. còn hơn là sợ ông Hiệu trưởng. Tôi cám ơn K.D. và trở về phòng của mình.
Mặc dù tôi nghĩ mình đang làm phải lẽ về đạo đức, nhưng tôi vẫn không chắc như thế có phải là con đường đúng. Phải chăng tôi đang phá hỏng con đường học vấn của mình chỉ vì một nguyên tắc đạo đức trừu tượng không mấy quan trọng? Tôi cảm thấy khó nuốt cái ý tưởng rằng tôi sẽ hy sinh điều tôi xem là sự bó buộc với các sinh viên - cho những quyền lợi ích kỷ của chính mình. Cùng một lúc, tôi cũng không muốn ném bỏ con đường học vấn của mình ở Fort Hare.
Sáng hôm sau, khi đến văn phòng Hiệu trưởng, tôi còn ở trong trạng thái lơ mơ. Chỉ khi ông hỏi tôi đã quyết định chưa thì tôi mới xác nhận vị thế. Tôi bảo ông rằng với lương tâm tốt tôi không thể phục vụ trong Ban Đại diện Sinh viên. Ông Hiệu trưởng suy nghĩ một chút rồi nói "Tốt lắm. Dĩ nhiên đó là quyết định của ông. Nhưng tôi cũng đưa vào vấn đề một ý nghĩ, và tôi đề nghị điều này: ông có thể trở lại trường Fort Hare vào năm tới miễn là ông sẽ tham gia vào Ban Đại diện Sinh viên. Ông có cả một mùa Hè để xem xét đề nghị này, thưa ông Mandela.".
Theo một cách nào đó, phản ứng của tôi đã làm ngạc nhiên bản thân mình và cả ông Hiệu trưởng. Tôi biết rằng rời bỏ Fort Hare là điều thiếu khôn ngoan cho tôi, nhưng lúc ấy tôi cần sự cân bằng, và đơn giản tôi không thể làm như ông Hiệu trưởng đề nghị. Điều gì đó trong lòng đã không cho phép tôi. Tôi công nhận vị thế của ông Hiệu trưởng và sự sẵn lòng cho tôi một cơ hội khác, nhưng tôi căm giận cái quyền lực tuyệt đối của ông trên số phận của bản thân tôi. Đáng lẽ tôi nên có mọi quyền để từ chức khỏi Ban Đại diện nếu muốn.
Sau kỳ thi cuối năm học, tôi trở về nhà và cho vị Nhiếp chánh biết những gì đã xảy ra. Ông ta giận dữ cực độ, không thể hiểu được những lý do mà tôi đã hành động. Không cần nghe tôi giải thích tường tận, ông nói như ra lệnh rằng tôi phải theo lời vị Hiệu trưởng và trở về trường học vào mùa Thu tới. Thiết nghĩ tranh cãi với ân nhân của mình là bất kính mà cũng không ích gì nên tôi định để cho vấn đề lắng chìm trong một thời gian.
Cũng trong mùa Hè này, vị Nhiếp chánh xếp đặt sẵn mai mối rồi sẽ làm đám cưới cho anh nuôi Justice và tôi mỗi người một cô vợ. Cả hai cô đều xinh đẹp trong những gia đình danh giá. Chẳng may cô gái được vị Nhiếp chánh chọn làm vợ tôi lại là người yêu của anh Justice mà ông không biết! Hai anh em bàn với nhau và đồng ý về tình trạng tiến thoái lưỡng nan, lấy vợ như thế không được mà chống lại ý của vị Nhiếp chánh cũng không xong. Cả hai cùng quyết định giải pháp bỏ nhà ra đi và nơi duy nhất có thể đến được là thành phố Johannesburg.
[Một đoạn khá dài kể chuyện hai anh em lén đem bán hai con bò lấy tiền làm lộ phí; và nói về những khó khăn khi người Da Đen di chuyển từ địa phương này sang nơi khác, bị đòi hỏi những giấy tờ như hộ chiếu, chúng nhận đóng thuế, giấy giới thiệu, v.v. mà hai người không có]

LongWalk
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét