Cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Photo courtesy of Wikipedia.
Tvmlvh119.mp3
Làm thơ năm 14 tuổi
Theo lời những người bạn cùng trường thì Nguyễn Tất Nhiên làm thơ rất sớm khi mới 14 tuổi. Năm 1966, cùng với Đinh Thiên Phương, Nguyễn Tất Nhiên dùng bút hiệu Hoài Thi Yên Thi cho ra đời thi phẩm Nàng thơ trong mắt. Nhà thơ Du Tử Lê nhớ lại kỷ niệm mà ông có với Nguyễn Tất Nhiên trong giai đoạn này như sau:
“Giữa năm 1970, khi
tôi đang ngồi ở cà phê La Pagode ở Sài Gòn cùng với mấy người bạn của tôi là
các anh Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ thì có một cậu học
trò đẩy cửa đi vào hỏi tôi có phải là Du Tử Lê không, thì tôi nói là: “phải”.
Sau đó cậu ấy tặng cho tôi một tập thơ nhan đề là Thiên Tai, và tác giả tập thơ
đó tên là Hoài Thi Yên Thi. Cậu ấy cho biết là cậu đang học ở trường Ngô Quyền,
Biên Hòa. Sau đó chúng tôi trở thành tình anh em rất là thân thiết. Đến lần gặp
thứ hai thì cậu nói với tôi là cậu muốn có một tên hiệu khác, tức là một bút
hiệu khác, vì bút hiệu Hoài Thi Yên Thi có vẻ thi văn đoàn quá. Tôi có chọn cho
cậu ấy cái tên“Nguyễn Tất Nhiên”. Đó là kỷ niệm mà tôi rất nhớ.”
Khúc Tình Buồn
Trong những năm đó sinh viên học sinh miền Nam có phong
trào thành lập Thi văn đoàn và những người có năng khiếu văn chương cùng tụ tập
nhau lại để in những bài thơ, hay văn xuôi chung với nhau. Kỹ thuật quay ronéo
để xuất bản tác phẩm của những người trẻ trong giai đoạn này rất phổ biến. Nguyễn
Tất Nhiên nổi lên như một ngôi sao khi bài thơ Khúc Tình Buồn của ông được nhạc
sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Khúc Tình Buồn được đặt lại tên “Thà như giọt mưa” và
trong nhiều tuần lễ sau đó, nhạc phẩm này hầu như ngày nào cũng phát trên đài
phát thanh Sài Gòn được giới sinh viên học sinh chuyền tay nhau tập thơ của ông
với tất cả sự thích thú vốn có của tuổi trẻ:
Khuc tình buồn
Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng
(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
Khúc tình buồn
Người con gái tên Duyên
Bài thơ “Khúc Tình Buồn” không nhắc tới tên Duyên như trong
nhạc phẩm “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy. Cô gái tên Duyên này là một nhân vật
có thật và học chung lớp với nhà thơ tại trường trung học Ngô Quyền thành phố
Biên Hòa, và tình cảm của ông đối với cô chính là nguồn cảm hứng khiến ông liên
tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô. Tuổi
trẻ thời ấy thích thú với những dỗi hờn rất con nít của tác giả bài thơ khi
mong cho người con gái tên Duyên sẽ đau khổ muôn niên, sẽ đau khổ trăm năm…lời
lẽ như là chính cô gái đã phụ tình tác giả.
Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào nay sống tại
Michigan, Hoa Kỳ. Cô nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng:
“Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ. Trường đó là
trường nam-nữ học chung. Đến khi học sinh đông quá thì họ phân lớp ra, trong đó
có một lớp đệ tứ “mix” giữa con trai với con gái. Sau đó tôi lên học ban B thì
tôi học luôn đến lớp đệ nhất, học chung với tụi con trai, trong lớp chỉ có vài
cô con gái thôi. Tụi này biết nhau từ hồi nhỏ, lúc đó cũng ngây thơ, tôi chưa
nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp
nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất
Nhiên nói là có ba bản chính. Một bản của Nhiên, một bản cho tôi và một bản cho
ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành
quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không, nhưng thật ra là chẳng có
gì hết, tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ.”
Thật ra chính cái tên Duyên mới làm bài thơ nổi tiếng. Trong
tập thơ Thiên Tai, Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bài nói về người thiếu nữ tên
Duyên và tập thơ này viết bởi nguồn cảm hứng duy nhất đó.
“Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho
tôi. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Tất Nhiên ngay từ đầu là mình làm bạn thôi,
nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau anh ấy phải công nhận là muốn làm
bạn, để còn được tiếp tục gặp một người bạn như tôi.Chắc anh ấy cũng quý tôi
lắm.”
Nguồn cảm hứng tôn giáo
Thời gian trôi qua, những vần thơ nói về Duyên hay ám ảnh
bởi Duyên không còn là nguồn cảm hứng chính trong thơ Nguyễn Tất Nhiên nữa.
Thay vào đó nguồn hứng khởi tôn giáo bắt đầu đi vào thơ ông một cách tình cờ,
bắt đầu từ bài “Hai năm tình lận đận”:
Hai năm tình lận đận
Chuông nhà thờ đổ mệt
Tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
Rơi xuống trần gian mưa
Anh bây giờ có lẽ
Thiết tha hơn tín đồ
Nguyện làm cây thánh giá
Trên chót đỉnh nhà thờ
Cô đơn nhìn bụi bậm
Làm phân bón rêu xanh
Dù sao cây thánh giá
Cũng được người nhân danh
Càng về sau Nguyễn càng thấy hình tượng của Chúa, của Linh
Mục, Ma Soeur gần gũi với ông hơn mặc dù nhà thơ là người ngoại đạo. Vì ngoại
đạo nên thơ ông không chịu sự ràng buộc của tín lý, của đức vâng lời, tôn kính.
Nguyễn Tất Nhiên tung tăng trong ngôn ngữ đức tin và bởi vô úy nên những lời
thơ truyền thẳng vào tâm tình người đọc, bùng lên thứ cảm nhận vừa xuýt xoa
ngạc nhiên vừa lâng lâng niềm khoái cảm của người ăn trái cấm:
vì tôi là linh mục
vì tôi là linh mục
không mặc chiếc áo giòng
nên suốt đời hiu quạnh
nên suốt đời lang thang!
vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian
nên không có thánh kinh
nên không có bổn đạo
nên không có giáo đường
(một tín đồ duy nhất
vừa thiêu hủy lầu chuông!)
vì tôi là linh mục
phổ lời tình nhân gian
thành câu thơ buồn bã
nên hạnh phúc đâu còn
nên người tình duy nhất
vừa thiêu hủy lầu chuông
Nguyễn Tất Nhiên chậm rãi dìu người tình của mình nay hóa
thân thành một Ma Soeur đằm thắm. Ma-Soeur-Người-yêu này nhẹ nhàng xưng tụng
niềm thống hối như tín đồ xưng tội. Kẻ ngoại đạo cảm thấy Thượng Đế mỉm cưởi
với mình qua ẩn dụ tràn ngập chân phước. Tình Yêu trở thành bất tử, và thánh
hóa dưới ánh mắt hiền hòa của Chúa qua những vần thơ xưng tụng.
Ðưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán vắng
Chia nhau tình phôi thai
Xa nhau mà không hay
Hỡi em cười vô tội
Ðeo thánh giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng!
Em hiền như ma soeur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma soeur
Có dịu dàng ánh mắt
Có êm đềm cánh môi
Ru ta người bệnh hoạn
Ru ta suốt cuộc đời
Những năm cuối đời
Nguyễn Tất Nhiên ở những năm cuối đời đã có những biểu hiện
của chứng trầm cảm. Người thơ thường đặt những câu hỏi gần gụi với cái vĩnh
hằng, là sự chết. Chết trở thành một câu hỏi lớn theo đuổi nhà thơ, như bóng ma
thời gian ám ảnh sự sống không ngừng. Trong bài Thiên Thu, nhà thơ thở dài buồn
bã nhận ra bóng mình in trên bức tường vôi luống tuổi mang tên “Con người”:
thiên thu
sao thiên thu không là chôn sâu?
nên nắng xưa còn hanh mái tóc
nhầu
tôi đứng như xe tang ngừng ngập
và một họ hàng khăn trắng buồn
đau!
sao thiên thu không là đường
chim?
nên mây năm xưa còn trên tay
phiền
tôi đứng như tường vôi luống tuổi
và những tàng xanh chùm gởi quê
hèn!
sao thiên thu không là lãng
quên?
nên tình xưa còn cháy âm thầm
tôi đứng như căn nhà nám lửa
và những người thân trốn chạy
vội vàng!
sao thiên thu không là sương
tan?
nên mặt trời xưa còn gượng huy
hoàng
tôi đứng như dòng sông yên lặng
và những cánh buồm kiệt sức lang
thang!
“Cánh buồm kiệt sức” ấy không còn lang thang nữa, theo như
lời kể của nhà báo Đinh Quang Anh Thái, người quen thân với nhà thơ từ thuở
thiếu thời:
“Một tuần lễ trước ngày Nguyễn Tất Nhiên quyết định con
đường ra đi, tôi và Nhiên ngồi với nhau ở ngoài lề đường. Tôi nói Nguyễn Tất
Nhiên đi vào ăn cơm thì Nhiên nói rằng:“Cái thằng sắp chết không ăn”. Biết tính
Nhiên từ lúc còn bé chơi với nhau, nên tôi cũng không để ý câu nói đó, tôi
hỏi:“Vậy thì hút thuốc không?”, Nhiên cũng nói rằng:“Cái thằng sắp chết không
hút thuốc lá”. Và đó là lần chót mà hai đứa có trao đổi với nhau. Và tuần lễ
sau thì Nhiên mất. Thực sự ra thì từ lúc chơi với nhau ở Sài Gòn trước 75, và
sau 75 thân thiết hơn, thì lúc nào Nhiên cũng mang một ý định muốn tự quyết
định cuộc đời mình. Mãi sau, những người bạn thân với Nguyễn Tất Nhiên đều hiểu
rằng có thể đó là một lúc mà tinh thần không được ổn định thì Nhiên nói thế
thôi. Anh em không còn để ý và xem đó như là một lời nói có tính cách nghiêm
trọng nữa. Không ngờ một tuần lễ trước khi Nhiên quyết định tự tử, Nhiên lại
nói với bản thân tôi hai lần câu: “Người sắp chết không ăn cơm và người sắp chết
không hút thuốc lá.”
Nguyễn Tất Nhiên ra đi ở tuổi 40 khi còn rất trẻ, khi mầm
sống thi ca đến độ chín muồi nhất. Thế nhưng đối với trường hợp riêng ông thì
quyết định chọn được nằm im để hòa mình vào nguồn minh triết của suy tưởng bất
diệt có lẽ là một quyết định đúng với nhà thơ khi ông chợt nhận ra cõi đời đã
trở nên vô nghĩa …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét