Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Dù việc đánh tráo có hay không...



Sau bài viết "Cuộc đánh tráo không thể có" trên VOA, tôi đã nhận được một số ý kiến tán đồng, một số ý kiến phản đối. Đây là chuyện bình thường. Tôi rất coi trọng những ý kiến phản đối để điều chỉnh nhận thức của mình, may ra được tiếp cận thêm chân lý. Đó là điều tôi cho là hệ trọng nhất.

Tôi cám ơn bạn Mai Linh và bạn Phan Châu Thành đã phát biểu trên báo Thông Luận và mạng Dân Làm Báo (ra ngày 6/4/2014), phản biện những ý kiến của tôi, cho tôi là "ấu trĩ", "lập luận chưa chặt chẽ", thậm chí còn cho rằng tôi vẫn bị niềm tin ở ông Hồ chi phối nặng nề do cái tệ sùng bái cá nhân nhiễm phải khi còn ở trong đảng CS nên đã mất sự sáng suốt cần thiết.

Trong tranh luận tôi luôn tự nhủ phải giữ thái độ trung thực, lương thiện, không tự ái, chủ quan, phải biết phục thiện, công nhận lẽ phải. Chính do thái độ ấy mà sự đánh giá của tôi về ông Hồ đã có những bước thay đổi dần, chắc chắn, trong cả quá trình từ khi ra nước ngoài năm 1990 đến nay, nghĩa là 25 năm. Trước đó tôi còn tiếc rằng khi kết thúc chiến tranh năm 1975 thì ông Hồ đã mất nên những người lãnh đạo kế thừa không có đủ bản lãnh để thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc, có những chính sách sai lầm dại dột, bỏ tù hàng loạt viên chức - quân nhân của VN Cộng hòa, gây thêm thù hận, chia rẽ, làm hại cho việc xây dựng lại đất nước. Tôi chủ quan nghĩ rằng ông Hồ luôn tỉnh táo, thường khuyên dân "thắng không kiêu, bại không nản", ông Hồ khôn ngoan, không đến nỗi tệ như Lê Duẩn.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, cả phe XHCN tan vỡ, tôi có dịp trở lại các nước Nga, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, tiếp xúc với nhiều nhà báo, nhà văn các nước này, trao đổi về lý luận, về chủ nghĩa Marx - Lenin, về CHXH hiện thực... thì sự đánh giá của tôi về ông Hồ thay đổi hẳn.

Trong những chuyến thăm Hoa Kỳ, tôi thường ghé qua Thư viện Quốc hội để đọc, ghi, chụp không biết bao nhiêu tài liệu hiếm quý, từ đó tôi hiểu rõ thêm về lý thuyết CS đã sai lầm tận gốc rễ, cả về nhân sinh quan và phương pháp luận. Tôi cũng nhận rõ thêm bộ mặt của Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và hàng loạt lãnh đạo CS khác.

Từ 1998 đến 2004, tôi có dịp gặp một số nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu quan tâm đến tình hình VN, viết sách về VN. Ở Paris tôi có dịp gặp, trao đổi ý kiến khá sâu với ông J. William Duiker, cô Sophie Quinn Judge, giáo sư Pierre Brocheux đều là những người viết kỹ nhất về tiểu sử của ông Hồ.

Qua những cuộc thảo luận ấy tôi hiểu rõ ông Hồ hơn, nhất là thái độ của ông Hồ sùng bái mù quáng Stalin, Mao Trạch Đông ra sao, thiếu quan điểm độc lập, tự chủ, bị Trung Quốc ép nên cam chịu chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 ra sao. Ông được đào tạo là nhân viên tình báo được KGB trả lương.

Tôi hiểu rằng muốn thay đổi chế độ độc đảng tai hại, chuyển đổi sang hệ thống chính trị đa nguyên - đa đảng, nhất thiết phải xóa bỏ hình tượng sùng bái ông Hồ, giải ảo - démystifier - cái ảo thuyết coi ông Hồ là lãnh tụ vĩ đại, thậm chí là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, để thuyết phục được cả xã hội ta sớm từ bỏ sự ngộ nhận ấy. Tôi cũng hiểu việc này khó khăn lắm, cần kiên trì nhẫn nại, không thể nóng vội.

Tôi đã cố gắng tham gia vào công cuộc giải ảo cực kỳ hệ trọng này. Ngay từ năm 1991 tôi đã viết bài chỉ rõ ông Hồ đã dùng ngòi bút mang tên Trần Dân Tiên để tự ca ngợi mình trong cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tự xếp mình ngang các anh hùng dân tộc Lê Lợi, Quang Trung, rồi tự xưng là Bác với nhân dân, trong đó có các cụ già cao tuổi hơn, là những điều không thể chấp nhận. Tôi bị ngay báo QĐND trong nước phản pháo bằng bài báo "Bùi Tín đi sâu vào con đường phản bội khi xúc phạm bác Hồ".

Năm 1994 tôi được anh Đỗ Nam Hải từ Úc hỏi về chuyện có thật ông Hồ được Liên Hiệp Quốc công nhận là Anh hùng dân tộc và Danh nhân Văn hóa thế giới không, tôi đã ghé qua trụ sở UNESCO ở Paris, tìm ra những tài liệu gốc để nói rõ không hề có một nghị quyết nào của LHQ như thế, rằng UNESCO chỉ thông báo là nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Hồ, phía VN có ý định tổ chức kỷ niệm nên LHQ thông báo để mọi thành viên tùy nghi tham gia, nhưng về sau do quá nhiều phản đối nên LHQ không chủ trương tham gia nữa. Đến ngày kỷ niệm, ở Paris cũng như ở Hà Nội, không có một đại diện nào của UNESCO, LHQ tham gia. Hà Nội đã xuyên tạc sự thật, nói dối không biết ngượng.

Sau đó, chính quyền không còn dám ba hoa về chuyện này nữa.

Tôi đã nghiên cứu lại hồ sơ Cải cách ruộng đất và thấy rõ thêm thái độ vô trách nhiệm của ông Hồ trong vụ giết bà Nguyễn Thị Năm cũng như việc sửa sai rất tùy tiện giả dối. Chính ông Hoàng Quốc Việt kể cho tôi nghe rằng ông đã vội đến gặp ông Hồ báo tin người ta sắp xử tử bà Năm, ông Hồ hứa sẽ can thiệp, nhưng rồi ông ta lờ đi. Mà chính ông ta còn viết bài "Địa chủ ác ghê", kể tội ác của bà Năm. Sau hơn 20 năm nghiền ngẫm, năm 2012 trong một cuộc họp tôi đã công khai nói rõ rằng "trong lòng tôi, ông Hồ không còn là một nhân vật tích cực, có đóng góp gì cho lịch sử VN; theo tôi, nếu như không có ông Hồ thì lịch sử VN sẽ khác, nhân dân ta có thể không bị chiến tranh tàn phá, không thành một con tốt trên bàn cờ chiến tranh lạnh, có thể không ở trong cái thế chia rẽ, rã rời, phân hóa giàu nghèo khủng khiếp như hiện nay. Cho nên nếu cho điểm, tôi sẽ cho ông Hồ điểm âm, là một nhân vật tiêu cực trong lịch sử." Như vậy nói tôi còn quyến luyến ông Hồ là không đúng, là oan uổng cho tôi.

Tôi đã nói với các bạn trẻ, cái giờ phút bi thảm của dân tộc có thể là vào một đêm nào đó ở ngõ Compoint (Pháp), người thanh niên non nớt Nguyễn Tất Thành ôm bản Luận cương Lenin vào lòng la toáng"Chân lý đây rồi", từ đó thành người Cộng sản và dắt toàn dân theo chủ nghĩa CS đến nay.

Thưa ông Phan Châu Thành và cô Mỹ Linh, đây là điều quan trọng nhất tôi muốn nhấn mạnh để đáp lại 2 bài phản biện tôi vừa nhận được. Để nói rằng tuy tôi vẫn chưa tin rằng trong lăng Hồ Chí Minh là xác một người Trung Quốc mang tên Hồ Tập Chương, nhưng điều đó không hề thay đổi về sự đánh giá của tôi đối với nhân vật từng đứng đầu đảng CS VN và chế độ VN Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1969. Đó là một nhân vật tiêu cực, có hại, với đường lối bế tắc, sai lầm, độc đoán.

Với tôi, đó là một quá trình vận động trí tuệ và tình cảm gay go, thú vị đi tìm sự thật, đạt đến kết quả cuối cùng là từ chỗ coi ông Hồ là lãnh tụ vĩ đại, sáng suốt, dấn thân vì nước vì dân, sống giản dị, vào tù ra khám, được cả nước kính yêu, thế giới ngưỡng mộ... thật ra chỉ là một nhà hoạt động cơ hội, thiếu kiến thức chính trị cơ bản, mù quáng theo chủ nghĩa Lenin và Stalin, sùng bái Mao, khinh thường luật pháp và các thể chế dân chủ, dẫn dắt đất nước vào con đường độc đảng tối tăm, dấn sâu mãi không còn có đủ nghị lực để quay lại con đường sáng của thế giới dân chủ, ngay cả khi tuyệt đại đa số các nước cộng sản cũ đã phải quay lại với thế giới dân chủ thì những kẻ kế thừa ông vẫn ù lỳ vì lòng tham.

Theo tôi việc chưa đạt được đồng thuận thật cao là trong lăng Hồ Chí Minh hiện tại là người Việt hay người Tàu, là Hồ Chí Minh hay Hồ Tập Chương, không ảnh hưởng gì đến việc đánh giá nhân vật lịch sử này, và việc đánh giá hiện nay đang trên quá trình vận động, thay đổi, nhất là trong lực lượng tuổi trẻ, không bị tác động bởi bộ máy tuyên truyền áp đặt của chính quyền.

Riêng với một bộ phận khá đông đảng viên CS lâu năm, theo kinh nghiệm bản thân tôi, các bạn nên ra sức thuyết phục bằng lý lẽ, không nên nóng ruột vội vã chụp mũ là"ngu lâu", là"ngoan cố", vì từ bỏ một nhận thức sâu, tình cảm đậm, nuôi dưỡng vài chục năm không dễ dàng. Con người ta có lúc kỳ lạ vậy đó; cổ xúy dân chủ, lên án độc tài, nhưng vẫn coi ông Hồ là thần tượng. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là thế. Luật sư Cù Huy Hà Vũ là thế; ông coi Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, cũng coi đại tướng Võ Nguyên Giáp là kiệt xuất. Tướng Vĩnh lên án quyết liệt chế độ tham quan ô lại hiện tại, xuống đường sát cánh cùng anh chị em dân chủ thế là đáng quý rồi. Rồi dần dà tướng Vĩnh, luật sư Hà Vũ cũng sẽ nhận ra. Kẻ trước người sau, khi đã có thiện chí, có tư duy độc lập, có lòng yêu nước thương dân mách bảo, sớm muộn sẽ nhận diện đúng ông Hồ, và khi đã nhận ra là như đinh đóng cột, như Galilê thuở xưa, trước dàn giáo hỏa thiêu vẫn dứt bỏ nhận thức cũ, nói lên chân lý: quả đất vẫn quay!

Tuy đánh giá ông Hồ là một vấn đề then chốt, hệ trọng, nhưng không nên coi đó là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá một con người, sẽ tự mình làm yếu hàng ngũ đấu tranh. Nên có cách nhìn thoáng rộng, bao dung, thuyết phục và chờ đợi. Bạn mình chưa hiểu ra là do ta chưa thuyết phục nổi.

Sau các bài phản biện của 2 bạn Mỹ Linh và Phan Châu Trinh, tôi vẫn chưa được thuyết phục rằng trong lăng ở Hà Nội là một người Trung Quốc được đánh tráo một cách trọn vẹn; rồi đây có thể việc khám nghiệm ADN của con cháu 2 người đó, hiện còn sống ở Đài Loan và Hà Nội, có thể cho một kết luận đáng tin cậy. Dù sao tôi rất biết ơn sự phản biện ấy, cho tôi dịp nghĩ đi rồi nghĩ lại...

Công cuộc đánh giá đúng con người cầm quyền cao nhất ở VN từ 1945 đến 1969, giải ảo sự sùng bái mù quáng dai dẳng lãnh tụ vẫn là một việc làm cần thiết, bằng những chứng cứ, lập luận vững chắc, tài liệu lịch sử đáng tin cậy, với thái độ bình tĩnh bè bạn chứ không thể bằng sự công kích, chia rẽ, lên án nặng nề, chỉ gây nên phản tác dụng, khi lực lượng dân chủ VN đang cần phát triển và đoàn kết.


gửi Danlambao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét