Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Dưới bóng ông trùm


Theo VKSND Tối cao, việc Thường trực HĐQT ACB ra Nghị quyết (ngày 22/03/2010) về việc uỷ thác gửi tiền tiết kiệm là vi phạm Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực 01/01/2011) vì Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ uỷ thác...
Một phiên tòa được trì hoãn đến gần hai năm, phá vỡ Bộ luật Tố tụng hình sự cho khung thời gian tạm giam để điều tra xét xử nhưng chẳng mấy ai lấy làm thắc mắc. Có lẽ, sống trong một chế độ mà người ta vốn quen hành xử theo những ý đồ riêng tư của Đảng, tư pháp cũng như là cái cối xay của bà hàng thịt, lúc nhanh lúc chậm tùy vào miếng mỡ hay nạc. Thế nhưng, họ dùng cả sợi xích, vốn chỉ nhằm dẫn áp những tên tội phạm có thái độ chống đối quyết liệt để đeo cho một ông trùm vốn chẳng bao giờ dùng sức mạnh cơ bắp. Có lẽ chỉ thiếu một cái gông nữa, ông Kiên sẽ bằng các nghĩa sĩ Yên Thế bị thực dân Pháp đem ra để chém. Xét cho cùng chẳng lấy gì làm lạ, người ta có thể bịt miệng một linh mục ngay giữa phiên tòa thì xâm phạm nhân phẩm ông Kiên chắc cũng không làm cho người dân thêm phần kinh hãi.
10176168_10201005625022304_2246150886067890149_n_0.jpg

Đội mái tóc bạc trắng khi mới ngoại ngũ tuần, đôi mắt tỏ rõ sự tinh lanh và bạo tợn, nắm trong tay tài sản khổng lồ, một ‘tên tội phạm’ có một trí tuệ vượt trội với mánh khóe kinh doanh chủ yếu là từ buôn chính sách, thao túng thị trường tiền tệ. Giữ cho mình quyền mặc bộ áo quần tự chọn, khác hẳn các bị cáo tạm giam còn lại, không phải ngẫu nhiên mà người đời gọi ông là trùm. Thái độ trước phiên tòa cho thấy ông am hiểu luật pháp và tự tin về các việc làm của chính mình, hoặc cũng có thể bàn tay ông đã rờ được vào chính cung. Ông bước đi, chính xác hơn là ông lê đôi xích giữa một giàn anh ninh trẻ đang thị uy bằng dùi cui và súng đạn, cái nhếch mép của bầu Kiên chỉ để chứng minh rằng chế độ đang sợ hãi.
Họ sợ hãi trước những lí lẽ của ông, họ sợ hãi vì động chạm đến các quyền lực mà chính họ cũng không kiểm soát được, họ sợ hãi trước viễn cảnh bị các ông trùm thao túng, họ sợ hãi dân chúng có thể làm giàu ngoài sự kiểm soát của họ.
Kéo theo đó, họ lại sợ hãi chính những ý tưởng mà họ đã từng mạnh dạn thúc đẩy, buộc tội cả nguyên Bộ trưởng KHĐT, tác gia của Luật doanh nghiệp 1999 bởi ý tưởng tự do “dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Nếu bắt vì tội “kinh doanh pháp luật không cấm” thì sao người ta không trát bắt Hội đồng thành viên SCIC, nơi đương kim Thứ trưởng Bộ Tài chính đang là chủ tịch, bởi lẽ, siêu công ty này mối năm gửi vào ngân hàngcả chục nghìn tỉ [1], trong khi nhiệm vụ nó vạch ra là để kinh doanh vốn. Gửi vào ngân hàng thì đẻ ra doanh nghiệp tiêu tốn tiền thuê văn phòng, chi phí vận hành mỗi năm hàng triệu đô la có được xem là gây hại cho kinh tế nhà nước? Đây chẳng phải là chiêu ‘lách luật’ của SCIC hay sao [2], trong điều lệ hoạt động công ty này không có khoản mục ‘kinh doanh’ gửi tiền nhưng hệ thống luật cũng không cấm.
“Lách luật”, một từ vốn đã sai với nguyên tắc pháp quyền lâu nay được lực lượng tư pháp sử dụng để kết tội rất nhiều người, và cũng là cách để tống tiền doanh nghiệp. “Lách luật” xuất phát từ luật không kín kẽ, hoặc là do các nhà lập pháp yếu kém trong khâu thiết kế, hoặc cũng có thể xã hội càng ngày càng phát triển, luôn có những con người thông minh (tinh ranh) tận dụng khoảng trống luật để khai thác. Nhà nước hằng năm trả lương cho các nhà lập pháp chính là để khỏa lấp những sai sót và tinh chỉnh những cái bất hợp lí bởi các chính sách đã ban ra. Một thiết chế tốt thì các vấn đề phát sinh được định tính nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Ngược lại, một thiết chế tồi thì mỗi vấn đề phát sinh đem lại hậu quả chua cay. Cái giật mình của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, đáng tiếc lại được xử lí một cách thô bạo cũng chỉ bởi thiết chế tồi.
Khó có thể lấy chậm trễ và sơ hở về ban hành chính sách của ngày hôm qua để buộc tội việc làm của ngày hôm trước. Không thể bắt nhốt dân chúng trong bộ quy ước mậc mờ, khó nói ra lời bởi sự tham lam và miếng bánh của chính quyền. Không thể thị uy, trấn áp những tay “mafia” khi mà lỗ hổng pháp luật tạo cơ hội cho người ta thực hiện nó. Không thể lấp chỗ trống trách nhiệm bằng cách mang một vài con tốt ra xử, càng không thể trả lại cho ngân khố 1.700 tỉ bởi lỗi trước hết là khâu ban hành chính sách và tổ chức quản lí của cả hệ thống chính trị.
Thay vì, chỉ chuyên về trừng phạt và răn đe, thì trước hết pháp luật phải được thượng tôn để quyền con người là thứ cao nhất cần được bảo vệ, bất kể đó là kẻ ‘trộm” tiền tỉ nhưng chưa có luận cứ rõ ràng để khép tội. Thay vì, luôn nơm nớp lo sợ chế độ bị đánh cắp bởi các tay tài phiệt, cần đẩy mạnh khâu thiết kế thể chế để nó thực sự dân chủ và thông minh. Còn nếu cứ giữ cho mình cái lí sự cùn “luật và chính sách chậm và hổng cũng là của dân, dân đi trước thì dân phải chịu”, chắc chỉ nhận được tiếng súng và đại bác nã vào thân và thanh danh của chính mình.

Hy Văn
Chia sẻ bài viết này
[1] http://tuoitre.vn/Kinh-te/536871/scic-dem-ca-chuc-ngan-ti-gui-ngan-hang-lay-lai.html, trong đó ước tính 2012 ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỉ đồng).
[2] Quyết định số 152/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét