Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Nếu dõng dạc lên tiếng thì tốt biết bao!



Chưa một lần Hà Nội công khai cho dân biết tổng kinh phí chi cho Đại Lễ hội, nói cho rõ phần nào là đầu tư chiều sâu, là không thể không làm trong tiến trình phát triển của bộ mặt Thủ đô? Đâu là chi cho phần lễ hội thực sự? Đâu là phần thuộc về ngân sách? Đâu là phần vận động theo lối xã hội hóa?

Từ chuyện cũ, Đại lễ 1000 năm Thăng Long

Sự kiện Đại lễ 1.000 năm Thăng Long được tổ chức hoành tráng cách đây đã 4 năm, ngay từ thời điểm đó, có ý kiến cho rằng việc tổ chức xem ra khá tốn kém, lãng phí. Và rồi, khi hay tin chúng ta đăng cai tổ chức Asiad 18 vào năm 2019, nhiều người không khỏi lo ngại, sợ rồi cũng tốn kém vì kinh phí phụ trội khó lường trong khi nền kinh tế nước nhà đang gặp khó khăn chồng chất. 

Phải chăng, sự âu lo này có lý của nó khi mà sau 4 năm, chúng ta chưa thấy HĐND TP.Hà Nội công khai kinh phí đã chi. Đó quả là điều đáng tiếc!


Ngay từ hồi đó, cũng có quan điểm cho rằng cả ngàn năm đất nước ta mới có một ngày trọng đại, nếu làm lùi xùi quá, coi sao được?

Song có một điều đáng phải nhắc lại: chưa một lần Hà Nội công khai cho dân biết tổng số kinh phí chi cho Đại Lễ hội, nói cho rõ phần nào là đầu tư chiều sâu, là không thể không làm trong tiến trình phát triển của bộ mặt Thủ đô? Đâu là chi cho phần lễ hội thực sự? Đâu là phần thuộc về ngân sách? Đâu là phần vận động theo lối xã hội hóa? 

Việc chi tiêu cho các hoạt động Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội, theo tôi, càng minh bạch càng tốt. Đây chẳng hề là bí mật quốc gia, nhất là dư luận lại quan tâm thì càng nên công bố và giải thích rõ từng khoản chi tiêu.

Ấy là chưa nói tới chuyện, ngay trong lúc cận kề ngày diễn ra Đại lễ, không hiểu sao có thông tin Hà Nội đã chi tới 94.000 tỷ đồng (!) cho việc này. Quả là phần nào đó oan cho Hà Nội bởi lẽ khi còn chưa tới ngày tổ chức, còn biết bao bộn bề phải lo, làm sao có thể khẳng định con số như vậy? 

Con đường gốm sứ ven sông Hồng (Hà Nội) là công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, đến nay đã xuống cấp

Cũng vào thời điểm đó, GS.TS Đào Trọng Thi đã phát biểu rằng "Cần phân biệt rõ giữa hai loại đầu tư chứ không nên đánh đồng làm một. Một là kinh phí cho các hoạt động lễ hội, tổ chức xong là... mất. Hai là kinh phí đầu tư xây dựng các công trình chào mừng Đại lễ, sau đó là tài sản sử dụng lâu dài. Những công trình xây dựng để lại lâu dài cũng cần phân tích minh bạch về chất lượng công trình, về hiệu quả sử dụng như thế nào...". 

Song, như trên tôi đã đề cập, để có thể tự "giải oan" và để phủ nhận con số râm ran rằng đã chi tới 94.000 tỷ đồng cho lễ hội là sai, lẽ ra Hà Nội dõng dạc lên tiếng thì tốt biết bao!

Thực tế sau đó, trên các phương tiện truyền thông, chưa bao giờ chúng ta được biết một số liệu nào trong vấn đề tài chính của Đại lễ được nêu ra nhằm thanh minh, qua đó gián tiếp phủ nhận và để chứng minh rằng TP. Hà Nội cũng đã căn cơ, tiết kiệm ra sao trong suốt quá trình chuẩn bị Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Và đó chính là điều đáng tiếc!

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhìn từ máy bay

Tôi thiết nghĩ, con số chốt lại của khâu tài chính ấy không nhỏ và không phải không có phát sinh, nếu không nói là phát sinh lớn.Thậm chí, có những hạng mục công trình phát sinh ngoài ý muốn và rồi cũng phải quyết toán với nhiều lý do, nghe thì cũng có cái sẽ có lý không nhiều thì ít, nào là tiến độ đòi hỏi gấp rút, nào là làm rồi mới phát hiện ra không phải chỉ vậy mà xong được...

Phải chăng, đó cũng là lý do chúng ta không muốn công khai con số chi tiêu cho Đại lễ với người dân?

Nghĩ về Asiad 18

Quay trở lại sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức Asiad18 vào năm 2019, đương nhiên thủ đô Hà Nội sẽ là trung tâm lớn của các môn thi đấu và cả lễ Khai mạc, Bế mạc... Phải nói cho công bằng, những gì thuộc về hạ tầng của Hà Nội được làm để phục vụ Đại lễ năm đó, nay vẫn được sử dụng, nó cũng không hề mất đi hoặc xem như là công trình phải chi cho Đại lễ. Nó là những công trình cần phải có, dù chúng ta không tổ chức Đại lễ thì vẫn phải đầu tư xây dựng, như một tất yếu. 


Cũng với lối suy nghĩ đó, không hẳn cứ cái gì chi cho việc phục vụ Asiad18, nếu ta mà làm cũng là lãng phí. Chẳng hạn như việc tu sửa các công trình thể thao đã có, nay cũng cần thiết phải sửa thì vẫn sửa. Song, nếu là làm mới, sau khi kết thúc thi đấu (2019), nó có khả năng không được sử dụng bao nhiêu mà tiền đầu tư thì lớn, đó mới là điều đáng quan tâm, thậm chí âu lo. 

Bởi thực tế đã cho thấy, có khá nhiều công trình phục vụ Seagame 22, nay đang trùm mền hoặc dùng sai công năng, hoặc thi thoảng mới có nơi thuê, và cũng vì cái sự "thi thoảng" ấy mà chủ sân rất hay "chém đẹp”.

Vì vậy việc người dân thiếu thông tin trong việc Nhà nước chi tiêu cho tất cả các dịp lễ hội (không chỉ có Đại lễ 1.000 năm Thăng Long) chính là việc làm đáng tiếc của nhiều cơ quan tổ chức đã khiến người dân hoài nghi những gì chúng ta đã làm.

Giá như sau mỗi kỳ tổ chức, tất cả đều được công khai, minh bạch, có khen, có chê (chê cả việc chi phát sinh với sự quá mức nào đó) thì sẽ góp phần rút kinh nghiệm sâu sắc cho những lần chúng ta tổ chức sau này. Thậm chí, nó giúp ích ngay cả việc có nên đăng cai Asiad19 hay không?

Một Thế Giới 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét