Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Tôi mong có những người quét sạch thế hệ chúng tôi


Nhạc sĩ Quốc Bảo
Chia sẻ bài viết này
Bất chấp những nỗ lực vươn ra thế giới của những cá nhân nhạc sĩ Việt mà tổng số họ không phủ đầy những ngón của một bàn tay, nền âm nhạc đại chúng của chúng ta – chưa bàn đến nhạc bác học hay những tìm tòi vượt chiều kích lịch sử – vẫn cứ mông muội. Tôi ngồi viết những dòng này, máy jukebox đang chạy đĩa Desert Visions của một nhóm có cái tên lạ hoắc, Prem Joshua, chơi loại nhạc vẫn thường được xếp vào world music, đầy sáo gỗ và trống tabla, thỉnh thoảng điểm vài sound effects rất tân kỳ và thoảng giọng hát bằng một thổ ngữ tôi chẳng hề biết, mà bỗng thấy mình buồn rũ – cái buồn của kẻ biết rằng mình chỉ mới vượt qua khoảng ba nấc thang trong khi đích đến là trời cao xanh trên kia. Sự mông muội của chúng ta, tôi nói thế với lời xin lỗi ân cần những nhà dân tộc chủ nghĩa tinh tuyền và những vị bái vật giáo thuần thành, phải chăng vô phương cứu chữa khi mà ngay cả những nước láng giềng vốn có bề dày lịch sử âm nhạc và “vốn cổ” nghèo hơn chúng ta rất nhiều nay vẫn ngang nhiên trở thành những thần tượng? Hàn Quốc đấy, Mã Lai đấy, Thái đấy, những thần tượng mới không chỉ của công chúng mà còn hiện hữu như những đích đến vô vọng của các nhạc sĩ sáng tác! Sự thể sao ra nông nỗi ấy?
Người Thái đặt cho công ty sản xuất âm nhạc hàng đầu của họ cái tên rất vọng ngoại là Grammy Entertainment, phải chăng vì Mỹ và cái giải thưởng hàng năm xôn xao đèn nến cờ xí tượng vàng vẫn được coi là tiêu chuẩn số một của âm nhạc, một mề đay đầy ân sủng cho những cá nhân? Hay vì người bạn láng giềng của chúng ta hằng muốn vươn ra cho bằng chị bằng em? Hay cái tên đặt thế như một liệu pháp doping, lên dây cót tinh thần? Bất luận ra sao, tôi chẳng hề tin rằng những sản phẩm Thái nhan nhản trên quầy đĩa lậu và ầm ầm nơi cà phê quán xá sàn nhảy lại là cái đích đến cho chúng ta, hay là một thứ thức ăn tinh thần gì gì đó cho công chúng. “Ố nà nà” và cái kiểu hát dẹt mồm như mèo già, những âm sắc chua ngoa, những tiết tấu dựa vào cha cha cha sôi động nhưng không giấu nổi nét nhí nhố trẻ con, là những tiêu chuẩn sao? Tôi có thể đi đầu xuống đất nếu điều đó thành sự thật.
May thay, điều đó không thành sự thật và tôi vẫn đi bằng chân vững chãi. Bởi tiêu chuẩn do chính công chúng chọn đã quay ngoắt từ Hồng Kông sang Thái, từ Thái sang Hàn và từ Hàn sang Đài Loan rất nhanh. Nay mai, cái “gu” sẽ rời Đài Loan mà nhảy sang quần đảo Nhật Bản mấy chốc. Không phải lo cho thị hiếu quần chúng.
Tôi lo cho nấc thang bắc lên trời, và dẫu chẳng lên được đến mây xanh, ít ra chúng ta cũng nên đặt ra đích đến là một tầng cao rộng nào đó trên không trung, thay vì luẩn quẩn ở những bãi lầy những ao nhà trong đục. Tôi chẳng biết sẽ phải bước tiếp bậc thang thứ tư, thứ năm bằng sức lực nào, song dứt khoát dặn lòng không tụt xuống. Và dứt khoát hơn, dặn lòng không được là kẻ cưa thang.
Công chúng, dẫu đông hay ít, dẫu chóng quên phút chốc hay trung thành đến hơi thở cuối, đều là những chủ-nhân-ông của nghệ thuật. Không có tác phẩm nào được phép ra đời nếu người cha của nó đã biết trước con mình vô thừa nhận, chẳng cơ quan hộ tịch nào thèm chứng sinh. Công chúng thời internet vèo vèo có đủ điều kiện – thậm chí thừa điều kiện – để nghe ngóng nhạc Tây nhạc Tàu, để đưa ra những đơn đặt hàng cho những món ăn chế biến vừa miệng, để khen nay và chửi mai, để những gì đang là giá trị bỗng nhiên sụp đổ như thành phố tội lỗi Sodom; song công chúng cũng chính là khối vô hình vô tướng nằm trong đầu óc những kẻ sáng tạo như một linh vật bắt buộc phải thờ. Đôi khi tôi cho chuyện ấy như oái oăm lớn nhất của cuộc đời nghệ sĩ.
Oái oăm là bởi, lẽ ra nghệ sĩ phải là những kẻ cô đơn bậc nhất. Tính bầy đàn, tinh thần tập thể, khả năng phê và tự phê, thái độ cầu thị, thái độ vâng phục những lời khuyên và những cảnh báo, khả năng teamwork, mọi thứ như thế và tương tự như thế chẳng giúp ích được gì cho sáng tạo; người ta chỉ có thể sinh ra những tác phẩm trong cô độc toàn diện. Thế mà, xu hướng hậu hiện đại với tinh thần “hướng khách hàng” (consumer-oriented) của nó lại buộc người nghệ sĩ phải lắng nghe và ở một mức độ nào đó, vâng phục công chúng! Làm thế nào bây giờ? Chỉ có hai lựa chọn: một là, anh sẽ tan loãng vào công chúng và tự biến thành người phục vụ ân cần trong một quán ăn, để ý từng ly lúc nào khách đánh rơi thìa nĩa hoặc cần thêm ít nước sốt; và hai là, chấp nhận rời xa công chúng nghĩa là vô hình trung, phóng đại bi kịch tinh thần của kẻ không được cảm thông. Đằng nào cũng là đau đớn.
Số phận nghệ sĩ phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm sáng tạo của họ. Trong thời đại mà chỉ cần nhắm mắt lại một giây thì biến động xã hội cũng như văn hóa đã vút qua không cách gì bắt kịp, nghệ sĩ có thể chọn phương cách sống an nhàn là thỏa thuận với thị hiếu bằng bản hợp đồng càng tù mù càng tốt, để mãi mãi chẳng ai bắt bẻ được anh ta, để những cố gắng phá bĩnh hay xoi mói cũng trở nên trơn trượt như khi ta cầm phải một con lươn. Nếu không muốn làm lươn, anh ta sẽ phải nhận chịu – như một hình phạt của Đấng-Chọn (mỗi nghệ sĩ là một kẻ được chọn) – sự bất hòa vĩnh cửu giữa khát vọng và thực tế, giữa mong muốn dành năng lượng cho sáng tạo với những màn tiêu tán năng lượng vô bổ luôn diễn ra. Đằng nào cũng là bé mọn.
Trong danh sách các nhạc sĩ hậu hiện đại được gợi ý nghe bởi một đại học đường văn chương New Zealand, tôi thấy có Sting, Bob Geldof, Beck và Public Enemy. Ba tên tuổi đầu không gây ngạc nhiên lắm, vì những sáng tác đầy ắp hơi thở thời đại và cả vì bao nhiêu hoạt động xã hội bổ trợ (consumer-oriented đấy chăng?) mà họ tham gia không biết mệt mỏi đã chứng minh họ vượt qua trào lưu hiện đại từ lâu; song Public Enemy vẫn làm tôi giật mình. Hip-hop, mà những biểu hiện của nó qua lối sống, âm nhạc, trang phục, ngôn ngữ, đã được liệt vào một trào lưu… sang cả thế, post-modernism! Vì sao thứ văn hóa phái sinh từ cuộc sống hè phố da đen lại trở nên à la mode nhất?
Chẳng vì sao cả. Tôi đang tự huyễn hoặc mình. Hậu hiện đại không hề sang cả như ta thường nghĩ. Thậm chí, nó chống lại sự sang cả. Nó chống lại đặc quyền hưởng thụ văn hóa của lớp người “tinh túy”, nó chống lại những xung năng “quý tộc” tỏa ra từ những nhà tiền phong, nhà hiện đại. Trở về với văn hóa quần chúng, làm rối tinh mọi thứ, giễu nhại mọi thứ, trộn tạp nham mọi thứ, là đang tiệm cận với hậu hiện đại. Thì đấy Wu-Tang Clan với lời rap thách thức công luận nổi tiếng, “F**k you, work out where we’ve stolen these samples from. If you dare.” Euréka! Thế thì tôi làm được!
Thế thì chỉ cần có tí máu Chí Phèo là làm được…
Euréka chưa kịp bật ra đã tắt ngóm khi tôi nghe lại những nhà hậu hiện đại được gợi ý thêm, như John Zorn, Philip Glass (người sau là một nhà tối giản chủ nghĩa), John Adams và Steve Reich. Nghe và quá ngưỡng phục. Bởi họ không cần đánh rối và giễu nhại, không bận tâm đến những món cocktail hổ lốn, không coi samplers là công cụ lao động duy nhất như thể rìu đá với người tiền sử. Bởi họ đã chọn cách biểu hiện hậu hiện đại theo một cung cách độc sáng, trí tuệ và đầy kỹ thuật: họ tạo ra một môi trường trong đó, âm nhạc không phải là yếu tố độc tôn, mà những gì xung quanh nó, được “tiết ra” từ nó – cảm giác, tiềm thức, năng lực nội tại, tư duy chủ quan, nỗi sợ hãi, lòng quả cảm, trí thông minh, khả năng hài hước, mới là đối tượng. Âm nhạc ấy là khí quyển của những ước mơ trong sạch nhất, của những thiên hướng tiến bộ nhất mà loài người có thể với đến. Nhạc của họ gắn liền với, nếu không muốn nói là thoát thai ra từ/gợi ý cho, những loại hình media khác – video art và feature film chẳng hạn.
Ngưỡng phục họ, tôi và những bạn đồng hành có thêm vài miligram can đảm để tiếp tục cuộc trèo thang bắc lên trời. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn hằng mong thế hệ nối tiếp, những người trẻ hơn, khỏe hơn, tài năng hơn, biết yêu thương hơn và biết sống cô đơn hơn, can đảm hơn và ít sai lầm hơn, sẽ nhanh chóng quét sạch thế hệ chúng tôi.
Bởi họ là những công dân của Ngày Mai. Bởi chỉ có họ mới, ngay từ đầu, biết mình sinh ra để chinh phục bầu trời cao xanh, chứ không phải để tập thể dục bằng cách trèo thang. Và càng không phải là thợ chữa thang sau những cuộc phá bĩnh.
Nhạc sĩ Quốc Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét