Vào đầu tháng 4 vừa qua tôi có dịp đi dự buổi ra mắt cuốn phân cảnh phim Yêu của ông bạn đa tài “nhiều nhà” (như một diễn giả đã đùa gọi nhà văn, nhà báo, nhà đạo diễn) Đỗ Tiến Đức. Đây có thể nói là cuốn phân cảnh duy nhất đã được xuất bản ở Miền Nam trước 1975, về cuốn phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn/nhà báo Chu Tử. Cuốn sách ra mắt đã được chụp lại từ cuốn sách nguyên thủy xuất bản lần đầu vào năm 1972 tại Sàigòn, mà tôi đã có dịp viết về cuộc đời nổi trôi của nó trong bài viết nhan đề “Cuộc đời nổi trôi của một cuốn sách” (*) khi được biết đến sự hiện diện của nó trên đất Mỹ sau bao nhiêu thăng trầm.
Hình bên trái, đạo diễn Đỗ Tiến Đức, tác giả cuốn phân cảnh phim Yêu, phải, đang giới thiệu một số trong nhóm thực hiện phim Yêu có mặt tại Quận Cam, Nam Cali: từ trái, giám đốc âm thanh Nghiêm Xuân Trường, giám đốc sản xuất Trùng Dương, nữ tài tử chính (vai Diễm trong phim) Thanh Lan, và phụ tá đạo diễn Trần Quang Đôn. Ở giữa các chuyên viên và nhà đạo diễn là bìa sách phóng lớn của cuốn phân cảnh phim Yêu ấn bản đầu tiên năm 1972, và cũng là một phần tấm bich chương của phim Yêu do hoạ sĩ Đằng Giao trình bầy. (Ảnh Trần thị Hảo) Hình bên phải, đạo diễn Đỗ Tiến Đức với bức hình tài tử ca sĩ Anh Ngọc (vai chú Đạt) chụp hồi còn trẻ được các con in thành lịch do con trai của Anh Ngọc, Michael Tú, đem lại để chung vui. Phía trái của hình là cuốn phân cảnh phim Yêu đã được chị Phương Nga, phu nhân đạo diễn và các cháu, trang trọng lồng trong khung để bảo tồn cuốn sách đã tơi tả vì cuộc đời thăng trầm của nó. (Ảnh Trùng Dương)
Buổi ra mắt đã diễn ra tại nhà hàng Diamond Seafood Palace trên đường Lampson Ave ở Garden Grove, Nam California, trước một hội trường khoảng 200 khách, với phần lớn là thân hữu của nhà đạo diễn kiêm tác giả cuốn tiểu thuyết “Má Hồng”, ba cuốn phim và nhiều tác phẩm xuất bản trước và sau 1975. Buổi sinh hoạt này do ông Nguyễn Đắc Điều, cựu chủ tịch Tổng Hội Cựu Sinh viên Quốc gia Hành chánh (cái “gốc” của người “nhiều nhà” Đỗ Tiến Đức), đứng ra tổ chức buổi ra mắt cuốn phân cảnh phim Yêu. Cùng góp mặt là một số trong nhóm thực hiện phim Yêu, ngoài nhà đạo diễn kiêm viết truyện phim và phân cảnh phim Yêu, là nữ tài tử chính ca sĩ Thanh Lan, phụ tá đạo diễn kiến trúc sư Trần Quang Đôn, giám đốc âm thanh nghiêm Xuân Trường, và tôi với tư cách là giám đốc sản xuất (đúng ra là… chạy cờ vòng ngoài) của phim Yêu.
Một số trong các thân hữu tham dự đã lên phát biểu cảm tưởng về buổi ra mắt bản phân cảnh phim Yêu, từ trái, ông Nghiêm Xuân Trường, giám đốc âm thanh của phim Yêu và là vị giám đốc cuối cùng của Trung tâm Quốc gia Điện ảnh cho tới ngày 30 tháng 4, 1975; nữ tài tử Kiều Chinh; nhà văn Trần Phong Vũ; và ca sĩ Ngọc Minh dứng giữa hai MC của chương trình là Thúy Anh và Đặng Mạnh Hùng trong hình bên phải. (Ảnh Trùng Dương)
Một người bạn khi nghe nói về buổi ra mắt cuốn phân cảnh này đã hỏi thế có được xem phim không. Tôi bật cười đáp có phim đâu ra mà chiếu, vì, như đạo diễn Đức nói, phim đã bị cộng sản tiêu diệt cũng với các tác phẩm văn học nghệ thuật khác của Miền Nam trong chiến dịch “đốt sách” như Tần Thủy Hoàng đã làm xưa, để hủy hoại cái gọi là “văn hoá đồi trụy”.
Do đấy khi xem bản chương trình của buổi ra mắt, tôi đã e ngại là sẽ không được hào hứng lắm vì hết người này nói tới người kia nói. Nhưng kết quả tốt đẹp không ngờ: chúng tôi, và hy vọng cả khách tham dự, đã có những phút vui vẻ ấm cúng, cảm động khi cùng nhìn lại một quãng thời gian đã sống qua với những đam mê tuổi trẻ và một kỳ vọng làm mới làm đẹp ngành nghệ thuật điện ảnh hồi ấy còn đang trong thời kỳ phôi thai. Tóm lại, chúng tôi đã sống và làm hết mình. Chỉ phải cái tội… nửa đường đứt gánh vì những biến động thời thế.
Riêng đối với tôi, sự việc cuốn phân cảnh phim Yêu đã có một cuộc đời nổi trôi nhưng không chìm -- từ một tủ sách nhà ai cuốn sách đã, sau chiến dịch “đốt sách” của cộng sản sau khi chiếm được Miền Nam nhằm quét sạch nền “văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy”, thoát được vào nằm trong thư viện của “Thành Hồ” (do cái triện đỏ đóng ở trang đầu cuốn sách), rồi không biết do đâu lại ra nằm lề đường chịu cảnh bán son, song may mắn được người yêu sách là ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương vừa đi tù cộng sản về lang thang ngoài phố “chộp” mua được và đóng thùng đem sang Mỹ, sau đó được bàn giao lại cho nhà văn Nhật Tiến, để rồi cuốn cùng được trao lại cho người cha tinh thần của nó là tác giả Đỗ Tiến Đức -- cuốn sách tự nó mang một biểu tượng cao đẹp, nói lên sự sinh tồn của nền văn học nghệ thuật của Miền Nam đã cưu mang và sản sinh nó.
Trái, quang cảnh phòng hội khá trang trọng và lịch sự của nhà hàng Diamond Seafood, với dàn nhiếp ảnh viên cá nhân và phóng viên đại diện của một số cơ quan truyền thông của Quận Cam, như Người Việt, Việt Báo, SBTN, VHN, và FreeVN. (Ảnh Trùng Dương) Phải, bìa của cuốn phân cảnh phim Yêu do Thời Luận tái bản tại Hoa Kỳ, 2014. (Ảnh Thời Luận)
Nền văn học nghệ thuật Miền Nam từ 1954 tới 1975 nẩy nở phong phú, nhờ có tự do dù tương đối, chưa từng thấy trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam ấy, cùng với nền văn học tiền chiến và những tác phẩm của thời Nhân Văn Giai Phẩm ngắn ngủi của Miền Bắc vào các năm 1955-56 mà nó giúp nuôi nấng và tồn trữ, hiện là cái gia tài mà các văn nghệ sĩ trong nước đang thừa hưởng, như nhà phê bình của Hànội, Vương Trí Nhàn, đã phát biểu trong một bài viết gần đây:
“Không có các anh trong ấy bao năm gìn giữ, Hàn Mặc Tử chẳng hạn, rồi Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… không thể trọn vẹn như ngày nay. […] [S]ự tiếp nhận văn học nước ngoài từ các lý thuyết văn học tới các tác giả cụ thể. Các tạp chí ở Sài Gòn đã làm công việc này một cách tự nhiên và cuộc hội nhập với thế giới mà các bạn trẻ đầu thế kỷ XXI này đang làm là tiếp tục đi theo cái mạch đó.” (**) [TD, 2014/04]
Chú thích:
(*) Trùng Dương, “Cuộc đời nổi trôi của một cuốn sách”, http://www.diendantheky.net/2013/10/trung-duong-cuoc-oi-noi-troi-cua-mot.html, và “Chuyện trò với đạo diễn Đỗ Tiến Đức”,http://www.diendantheky.net/2013/09/trung-duong-chuyen-tro-voi-ao-dien-o.html
(**) Vương Trí Nhàn, “Văn học Sàigòn đã đến với Hànội từ trước 1975”, http://vuongtrinhan.free.fr/baiviet/vanhoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét