Nước Mỹ thua cuộc đã nhắm mắt trước những kinh hoàng của cuộc chiến trong rừng rậm Việt Nam mười năm liền. 1,5 triệu người Việt, trên 55.000 người Mỹ đã chết. Ronald Reagan muốn tuyên bố thảm họa Việt Nam thành một chiến thắng về luân lý. Giới truyền thông Mỹ trình bày thêm một lần nữa những cảnh khủng khiếp của cuộc chiến.
Phan Ba dịch từ báo Der Spiegel số 16/1985:
Qua cái nhìn đầu tiên, ba bức tượng đồng màu xanh ôliu trông giống như quảng cáo tuyển quân của U.S. Army: những người đàn ông mang dáng vẻ chiến đấu trên một tượng đài tưởng niệm ngay giữa Washington. Nhưng rồi điệu bộ của họ có một tiếng nói rõ ràng – những người lính trên tượng đài thật sự là đã kiệt quệ. Họ không toát ra một niềm tin chiến thắng – ngược lại: tư thế của họ mang một vẻ mất mát nào đó.
Mặc dù vậy, những người Mỹ yêu nước vẫn có thể sống với tượng đài kỷ niệm truyền thống này, những người mà hồi ức của họ về cuộc Chiến tranh Việt Nam, “ý định cao quý đó” (Reagan), được lát đá hoa cương như một đền thờ danh nhân: chiến bại của nước Mỹ không còn có ở trong đầu của họ nữa; lần cất cánh đầy nhục nhã của chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng trong đêm 29 rạng sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 từ mái của một căn nhà ở Sài Gòn. Một cơn ác mộng – đã qua rồi.
Giờ đây, một tưởng nhớ chính xác hơn về khoảng thời gian này được gìn giữ cách đội ngũ tưởng niệm bằng đồng đó chỉ vài mét – trên một bức tường bằng đá hoa cương màu đen dài 150 bộ. Đó là bức tường truy điệu của Mỹ, “The Wall”.
58.022 tên họ được khắc vào đá hoa cương – những người Mỹ đã hy sinh và mất tích của cuộc chiến ở Đông Nam Á. Thêm vào đó là hai thời điểm: bắt đầu chiến tranh 1959, chấm dứt chiến tranh 1975. Một bức tường tương ứng như vậy cho 1,5 triệu người Việt nạn nhân của cuộc chiến sẽ dài nhiều kilômét.
Có những người tình nguyện đứng trước bức tường đơn giản đó với những quyển sách tra cứu dầy cộm. Khi hỏi, họ sẽ thông báo cho biết ngày tháng hy sinh, ngày tháng năm sinh, tiểu bang quê hương. Tròn 22.000 người đã hy sinh khi còn chưa tới 21 tuổi – Việt Nam là một cuộc chiến của lứa tuổi teen Mỹ, thường là con cái của gia đình công nhân chống lại những du kích quân giàu kinh nghiệm. Sinh viên được miễn quân dịch, nhiều người con của giới trung lưu đã trốn tránh.
Cha mẹ của người chết đến cạnh bức tường này, sờ vào những cái tên, hôn lên mặt đá. Có nhiều người khóc òa, không kiềm chế, ngay giữa đám đông – vào những ngày lễ có tới 12.000 người.
Năm 1982, Reagan đã bỏ lỡ buổi lễ khai mạc đài kỷ niệm này – tượng đài, được một phụ nữ trẻ tuổi người Mỹ gốc Hoa phác thảo, không tương ứng với hình ảnh anh hùng sai lệch của ông về tấn bi kịch đó, tấn bi kịch mà nước Mỹ đã “đánh mất sự trong trắng ngoại giao của nó ở trong đó”, theo Henry Kissinger ngày nay [1985],
Hoa Kỳ, đất nước mà năm 1917 và 1941 sau một thời gian dài do dự đã bước vào các cuộc thế chiến để giải phóng châu Âu ra khỏi những mối phiền toái của sự điên rồ trong ngoại giao và những tội phạm của phát xít – họ bước vào cuộc Chiến tranh Việt Nam với sự chắc chắn sai lầm của những người mộng du. Năm 1954, khi nước Pháp đánh mất thuộc địa Đông Dương của nó trong trận Điện Biên Phủ về tay các du kích quân Việt Minh dưới quyền của Hồ Chí Minh, Washington đã chi trả 80 phần trăm chi phí chiến tranh. Kết quả của Hội nghị Đông Dương ở Geneve – một Việt Nam độc lập – không bao giờ được Hoa Kỳ công nhận; ở phía Nam của vĩ tuyến 17, một chính phủ tham nhũng, tư sản, hình thành với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Từ Diệm cho tới Thiệu: các nhà cầm quyền độc tài của Sài Gòn dựa vào các “cố vấn” Mỹ – lúc đầu là 500 (1958), rồi cuối cùng là 538.000 (1969) – tất cả họ đều dính líu vào trong một cuộc chiến chống Việt Cộng và người Bắc Việt, những người thành thạo các chiến thuật khác với các chiến thuật được giảng dạy cho các sĩ quan Mỹ trong các học viện quân sự của họ.
Lính thủy quân lục chiến Mỹ, những người năm 1965 đánh chiếm một ngọn đồi mang tên “Thịt Băm” ở gần Khe Sanh, đã để lại một tấm bảng nhỏ sau khi rút quân: “Việt Nam – có đáng giá như thế không?”
Câu hỏi này vẫn còn được đặt ra:
- Trong cuộc chiến dài nhất của lịch sử họ, Hoa Kỳ đã tự loại bỏ yêu cầu mà họ đã tự đặt ra cho họ, dẫn đầu về đạo đức và chống đế quốc, và đã triển khai sức mạnh vật chất của họ một cách không kiềm chế. Việc dội bom thường dân Hà Nội được xem là “cố gắng chuyển hóa niềm tin một cách chiến lược”, việc sử dụng những loại vũ khí kinh dị mới như “Agent Orange”, một chất làm rụng lá có chứa dioxine, dường như là có thể chấp nhận được. Trên bảy triệu tấn bom và đạn pháo Mỹ đã rơi xuống đất nước này, hơn ba lần rưỡi con số mà Đồng Minh đã ném xuống nước Đức và châu Âu bị chiếm đóng trong Đệ nhị Thế chiến. Nhưng những vật nổ này cũng gây ra tác động không muốn có tại các đồng minh xa xôi – một làn sóng chống Mỹ lan tràn qua khắp Tây Âu. Thay vào vị trí của Kennedy bị ám sát năm 1963 (người ngay trước khi chết đã cân nhắc chấm dứt tham chiến ở Việt Nam) là những vị thánh khác của thế hệ trẻ – Hồ Chí Minh ở châu Á, Che Guevara ở Nam Mỹ.
- Trong xung đột nội bộ gay gắt nhất của Mỹ từ cuộc nội chiến, quốc gia này đã chia ra thành hai phái thù địch nhau. Những người thủ cựu quanh Goldwater và Reagan thích nhất là bỏ bom nguyên tử Bắc Việt Nam (“let’s nuke ‘em”); những người tự do quanh Robert Kennedy không nhìn thấy một ý nghĩa nào trong việc “tham gia một cuộc nội chiến của người Á châu”, một cuộc chiến mà theo từ ngữ của quốc vụ khanh Hoa Kỳ George Ball “phải được tiến hành trong một lãnh thổ đầy rừng rậm giữa những người dân từ chối không hợp tác với quân đội da trắng”.
- Là cố vấn của John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson, giới tinh hoa ở bờ biển Đông dưới McGeorge Bundy, Rusk và Walt Rostow đã hao mòn vì cuộc chiến tranh ở nơi xa xôi. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara, một người sùng đạo Tin Lành, đã suy sụp vì trách nhiệm của mình, rút lui ra khỏi chính trường và cho tới vụ kiện bị xúc phạm của cựu tướng Westmoreland chống lại đài truyền hình CBS thì không hề nói một lời nào về Việt Nam – cả riêng tư lẫn công khai đều không. “Hồ sơ Lầu Năm Góc”, do tờ “New York Times” công bố, ghi nhận “sự ngạo mạn của quyền lực” (thượng nghị sĩ Fulbright).
- Nền văn hóa chính trị Mỹ trở nên cực đoan: “Yippies” cánh tả [Youth International Party] suýt nữa thì đã làm tan vỡ đại hội của đảng Dân Chủ tại Chicago (1968); Vệ binh Quốc gia bắn vào các sinh viên biểu tình thuộc Kent State University (bốn người chết). Uy quyền của ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ đã giảm sút dưới sự phê phán của giới công khai. “Hey, hey, LBJ, how many kids did you kill today?”, đạo quân biểu tình của những người phải đi lính cất tiếng hát – và vị Tổng thống Johnson mất tinh thần đã từ bỏ không ra ứng cử lần thứ hai.
- Người kế nhiệm Nixon, với việc ném bom Campuchia đi ngược lại hiến pháp và pháp luật quốc tế, đã mở đường cho tên cộng sản giết người hàng loạt Pol Pot với nhóm du kích quân Khmer Đỏ của hắn. Khủng bố bằng cách bỏ bom chiến lược từ những chiếc máy bay B-52, Nixon hy vọng sẽ thương lượng được những điều kiện rút quân thuận lợi hơn cho quân đội bại trận của Hoa Kỳ. Cố vấn Kissinger đã thuyết phục được Nixon: Nước Mỹ không thể chiến thắng được cuộc chiến. Không thể nghĩ tới việc có thể mang tính quyết định cho cuộc chiến là tiến quân vào Bắc Việt Nam bạn của Moscow.
- Thất bại thật sự của Mỹ, các tướng lĩnh của ngày xưa khẳng định như vậy vào ngày nay, đã diễn ra trong các phòng khách của nước này. Trong tường thuật live hàng nhiều năm trời, truyền hình Hoa Kỳ đã biến các sự kiện ở Việt Nam thành một phim truyện phản chiến vô tận. Đài truyền hình và những người đọc tin của họ đã vươn lên trở thành các thể chế đạo đức mang tính chi phối: những gì mà họ đưa ra dường như là đáng tin hơn những lời hứa hên hòa bình bất tận của các chính trị gia.
Khi cuộc chiến cuối cùng rồi cũng chấm dứt, toàn bộ đất nước đã biến đổi; những năm 50, tinh thần cục bộ hạnh phúc của những năm dưới thời Eisenhower, tất cả những cái đó đã chìm xuống vĩnh viễn. Trên màn hình, trẻ em châu Á cháy trong ngọn lửa của napalm. Người Mỹ bị lột trần ra là những kẻ giết chết hàng loạt các bà mẹ và trẻ sơ sinh Việt Nam. Những người ở quê hương đã nhìn thấy các hình ảnh nhiều màu sắc của bạo lực từ chính họ, và họ đã buồn nôn.
Từ đó, nước Mỹ cố gắng quên Việt Nam như quên một cơn bệnh lây nhiễm đã qua khỏi.
(Còn tiếp)
Phan Ba dịch từ báo Der Spiegel số 16/1985:
Đọc những bài khác ở trang Chiến tranh Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét