Hội nghị Ngoại trưởng khối 10 nước ASEAN lần thứ 47-AMM47, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á- EAS và Diễn đàn Khu vực ASEAN với sự tham gia của 27 quốc gia tại thủ đô Naypyitaw của Miến Điện vừa kết thúc hôm chủ nhật 10 tháng 8.
Tại diễn đàn khu vực và quốc tế này Việt Nam đã nổ lực đấu tranh để bảo vệ chủ quyền trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc được đánh giá ra sao?
Nỗ lực đáng chú ý
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 tại thủ đô nước chủ nhà luân phiên năm nay là Miến Điện cũng đã ra thông cáo chung. Trong thông cáo chung đó có nội dung về Biển Đông với 8 điểm. Những người đứng đầu ngành ngoại giao của các nước ASEAN tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây tại khu vực biển hiện đang có tranh chấp giữa 6 quốc gia gồm Brunei, Đài Loan, Malayisa, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam.
Điều này được cho là không mới vì sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào đầu tháng 5, 10 ngày sau đó các bộ trưởng ASEAN cũng đã thông qua tuyên bố riêng về Biển Đông.
Điểm được hãng thông tấn Kyodo nêu ra là đoàn Việt Nam lần này ở Naypyitaw đã đề nghị đưa thêm từ sâu sắc ‘serious’ vào thông cáo chung mà trước đó bản dự thảo không có.
Thông tin còn cho biết ngay trước khi hội nghị diễn ra, ngoại trưởng của ba nước Việt Nam, Philippines và Malaysia đã có cuộc họp riêng hội ý để thống nhất lập trường về Biển Đông.
Nhiều người còn nhớ hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 45 tại thủ đô Phnom Penh vào năm 2012, lúc đó lần đầu tiên trong lịch sử của khối ASEAN, một hội nghị bộ trưởng không thể đưa ra thông cáo chung khi kết thúc hội nghị mà phải chừng một tuần sau mới có thể thống nhất được những điểm tuyên bố công khai.
Với thông cáo chung lần này dù không nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm gây ra những căng thẳng tại khu vực biển đang có tranh chấp giữa 6 quốc gia như vừa nêu, bộ trưởng các quốc gia ASEAN cũng đã kêu gọi cần phải kiềm chế không nên có những hành vi gây căng thẳng làm tình hình trở nên phức tạp thêm, gây mất ổn định và an ninh trong khu vực.
Trước phản ứng của những quốc gia thành viên ASEAN lần này, Trung Quốc một mặt vẫn cho rằng không gì có thể làm ảnh hưởng đến ý chí bảo vệ chủ quyền, các quyền hàng hải và quyền lợi của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông, nhưng đồng thời cũng đề cập đến việc chờ đợi ký kết Bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông- CoC.
Trung Quốc tỏ ra lạnh nhạt trước đề nghị mà ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa ra khi có mặt tại Naypyitaw là ‘đóng băng’ mọi hành động khiêu kích tại khu vực Biển Đông
Đánh giá lập trường mới
Đối với giới chuyên gia quan sát tình hình khu vực thì những diễn tiến vừa qua có những điểm tích cực được xem như là bước tiến đáng chú ý của khối ASEAN.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, đưa ra đánh giá:
Theo những gì tôi được biết, đặc biệt vừa rồi Hội nghị AMM có ra thông cáo mà lần này tôi nghĩ có những nội dung rất cụ thể. Đặc biệt trong đó có nêu lên các bên cần tuân thủ Điều 4, Điều 5 của DoC, các bên cùng nhau giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng giải pháp, biện pháp hòa bình gồm cả đàm phán song phương, đa phương và các biện pháp khác. Ngoài ra còn có kêu gọi các bên phải giữ nguyên hiện trạng theo nghĩa thông thường là phải ‘đóng băng’ tất cả, không được làm phức tạp tình hình. Không được đóng quân mới, không được xây dựng nhất là tại các đá, bãi cạn, bãi cát mà từ trước đến nay chưa có người chiếm đóng. Rõ ràng trong kêu gọi có nhắc lại điều đó. Nhắc lại sở dĩ vì trong thời gian vừa qua Trung Quốc tiến hành xâm chiếm một số bãi cạn nằm trong thềm lục địa của một số nước như bãi cạn Scarborough, với việc nâng cấp một số nhóm đảo ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm từ năm 88. Đặc biệt sự kiện họ đào, đổ thêm đất đá mở rộng vùng đá chìm, bãi nổi, làm đường băng trên nhóm đảo Gạc Ma mà họ chiếm của Việt Nam từ năm 88 là việc làm thay đổi hiện trạng. Điều đó hoàn toàn vi phạm những cam kết mà họ đã ký kết.
Nếu so với tuyên bố trước đây thì mạnh, cụ thể hơn và theo tôi rõ ràng là một bước tiến mới trong thái độ, lập trường của các nước ASEAN trước những hành động của Trung Quốc gây ra trong thời gian vừa rồi.
Biện pháp đối với vi phạm của Trung Quốc
Mặc dù các nước trong khu vực và trên thế giới như Hoa Kỳ đều có kêu gọi phải ngưng mọi hoạt động gây căng thẳng tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết nước này vừa có thêm những hành động mới tại khu vực biển tranh chấp. Đó là hạ thủy và đưa xuống Biển Đông tàu khảo sát dầu khí Hải dương Thạch du 721. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cho tiến hành xây dựng hải đăng trên 5 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Một biện pháp được nêu ra trong thông cáo chung của AMM 47 là phải sử dụng các biện pháp hòa bình trong tình hình tranh chấp lâu nay. Theo tiến sĩ Trần Công Trục một trong những biện pháp hòa bình đó là biện pháp pháp lý, tức đưa vụ việc ra trước tòa án quốc tế. Ông nói:
Rõ ràng thông cáo chung của AMM 47 cũng nhấn mạnh đến việc áp dụng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; một trong những giải pháp đó là dùng biện pháp pháp lý, nghĩa là sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế. Tôi cho rằng đó là một biện pháp hết sức sòng phẳng, hết sức văn minh, hết sức hiện đại. Đó là cứu cánh cho mọi tranh chấp phức tạp mà có thể dẫn đến nguy cơ xung đột. Vì vậy cần phải có sự xúc tiến mạnh mẽ hơn về tất cả các phương diện. Vì việc này muốn làm tốt phải chuẩn bị rất nhiều về mặt thủ tục, nội dung, về mặt con người cụ thể. Đặc biệt chúng ta phải làm sao đó để kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của các nước có lợi ích liên quan ở trong khu vực và quốc tế. Đồng thời chúng ta cũng sẽ cố gắng làm sao để kêu gọi phía Trung Quốc để có thể có thiện chí cùng chúng ta đưa ra các cơ quan tài phán- những cơ quan được lập ra để xử lý các tranh chấp, để bảo vệ chân lý, bảo vệ sự đúng đắn.Tôi nghĩ điều đó là rất bình thường trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Tất cả những diễn tiến lâu nay tại khu vực Biển Đông cho thấy phía Trung Quốc có kế hoạch rất kỹ lưỡng, từng bước thôn tính các đảo bất chấp luật pháp quốc tế cũng như cam kết với các nước trong khu vực như Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS 1982 Tuyên bố về hành xử của các bên tại Biển Đông DoC năm 2002.
Trước những vi phạm đó của phía Trung Quốc, nhiều người quan tâm trong nước đang chờ xem liệu vấn đề kiện Trung Quốc như chính thủ tướng Việt Nam từng nêu ra tại Manila hồi cuối tháng 5 có được quyết định tại một Hội nghị Trung ương sắp diễn ra hay không.
Gia Minh - Biên tập viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét