"...24 năm trước, tôi chưa biết đó là chuyến đi tới Thành Đô. Nhưng đã cảm nhận thấy đó là một chuyến đi rất không bình thường. Trong những ngày này, tôi thấy cảm nhận của mình khi đó là đúng. Và ấn tượng về vị yếu nhân này cũng không sai lệch..."
Người mà tôi nói đến ở đây là một yếu nhân của đất nước. Đó là người từng được dư luận rộng rãi nhìn nhận như ngọn cờ đã khởi xướng và dẫn dắt một cuộc thay đổi khá lớn lao trong đời sống xã hội.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi nhìn bức chân dung của người này là ông có hai lỗ mũi "lộ khổng". Đó là kiểu lỗ mũi mà nhìn từ phía trước cũng thấy rõ bên trong. Kiểu lỗ mũi "hướng ngoại". Theo nhân tướng học, người như vậy không giữ gìn được những gì thuộc về "nội bộ", kể cả những chuyện cần giữ kín cũng như những quyền lợi chính đáng.
Trong cuộc chiến tranh chống người Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhân vật này là một trong những nhân vật có công lớn (với Đảng Cộng sản Việt Nam), nên sau khi 2 miền "thống nhất" với nhau, ông ta được đưa vào cơ quan lãnh đạo cao nhất. Đến đầu những năm 1980 thì ông bị thất sủng, phải ra khỏi cơ quan này. Cái "nhiệm kỳ" mà ông gần như bị "ra rìa" là giai đoạn đói khổ, kinh tế cả nước gần như tê liệt. Ở một đô thị lớn miền Nam, nhờ dân nơi đó đã có tác phong làm ăn khá linh hoạt, ông này nhận ra được một điều là không nên trói buộc dân chúng bằng những luật lệ quá hà khắc. Nhờ tiềm năng sẵn có của địa phương mà ông quản, tự nhiên ông được coi là nhà lãnh đạo sáng suốt. (Điều đó phần nào cũng đúng, do khi bị hất ra rìa hệ thống quyền lực "siêu mạnh" thì người ta có điều kiện nhìn nhận vấn đề theo cách khách quan hơn.) Do đó, khi nạn đói đe dọa sự tồn vong của cả một thể chế, và khi nhân vật quyền lực số 1 vừa mất, thì người ta buộc phải nghĩ đến việc tìm người thay thế trong những nhân vật có quan điểm linh hoạt hơn. Và thế là yếu nhân của chúng ta trở thành "ngọn cờ".
Thời kỳ chấp chính của ông được ghi dấu bằng việc bãi bỏ một loạt các rào cản trong quản lý kinh tế. Sản phẩm xã hội tăng đáng kể, do người lao động thấy rõ việc tăng sản phẩm sẽ trực tiếp làm cho đời sống của mình được nâng cao. (Đối với người bình thường, điều cực kỳ giản dị này hoàn toàn không có gì mới, nhưng với những "trí tuệ đỉnh cao" thì đó lại là "phát kiến vĩ đại". Người ta hô hào "đổi mới tư duy", trong khi đáng ra chỉ nên hô hào "hãy tập tư duy" thôi, vì trước đó là cả một thời kỳ u mê, làm theo những tín điều một cách máy móc, làm gì đã có "tư duy" mà "đổi mới"!? Và cứ tư duy đúng thì sẽ hành động đúng, cần gì phải "đổi mới tư duy"!). Ông cũng nói đến việc "cởi trói" cho văn nghệ sỹ và các tầng lớp trí thức nói chung, đồng thời khuyến cáo họ "tự cứu mình trước khi "trời" cứu". (Tôi đã rất thắc mắc khi nghe cái từ "trời" trong câu này. "Trời" ở đây ám chỉ ai vậy? Là ông ấy chăng? Nhưng việc "cởi trói" trong đời sống tinh thần đã nhanh chóng bị hạn chế. Một số nhà văn "tưởng bở", đã viết thật lòng mình, bị quy kết và phải chịu hình phạt. Chính vị yếu nhân của chúng ta đã đưa ra những lời cảnh cáo các văn nghệ sỹ không được đi "quá đà". Trong một cuộc nói chuyện ở Đại học Vinh, khi nhắc đến cái tên Dương Thu Hương (nhà văn, hiện đã định cư tại Pháp), ông nói : "Cả một hệ thống khổng lồ mà không làm gì được một con ranh con!".
Trong khi rất nhiều người, kể cả đa số trong giới trí thức, vẫn ca ngợi vị yếu nhân này như một người có tư tưởng tiên tiến đi trước thời đại, thì khi nghe câu này, tôi thấy người phát ngôn không phải là một nhân cách đáng nể. Ra thế! Trong khi ở các nước, tầng lớp thực sự được kính trọng trước hết phải là những người tạo ra những giá trị (vật chất và tinh thần) cho xã hội (công nhân, nông dân, nghệ sỹ, nhà văn, nhà khoa học…), thì ở nước ta, một nhà văn nữ dám viết những điều không vừa ý một vị lãnh đạo chỉ được vị này coi là một "con ranh con"! Thế mới biết khi cần giữ quyền lực, con người ta (nhất là kẻ không thật sự coi trọng cuộc sống tinh thần) có thể thay đổi quan điểm như thế nào!
Nhưng làm nản lòng hơn cả là cái câu ông nói vào năm 1990, khi đứng ở "Hữu Nghị Quan" (bấy giờ cái ải này chưa bị cắt sang Trung Quốc). Hồi đó, nhà tôi chưa có TV ; để theo dõi thời sự, tôi phải dùng radio. Hôm đó, đài TNViệt Nam đưa tin về chuyến thăm không chính thức của các "đồng chí lãnh đạo cấp cao" sang Trung Quốc. Khi đi thì không đưa tin. Về rồi mới nói nửa úp nửa mở. Nhưng có thể cảm nhận đó là chuyến đi chấm dứt thời kỳ thù địch giữa 2 nước, trở lại mối quan hệ "môi-răng" hoặc "hơn thế". Vô cùng thỏa mãn vì thành tích "vĩ đại" phá tan tảng băng trong quan hệ hai nước mà đời lãnh đạo trước đã tạo ra, và hết sức xúc động vì "tình anh em" (hay "hơn thế") với các đồng chí đàn anh Trung Quốc, vị yếu nhân nói (với giọng hơi nghẹn ngào) : "HỮU NGHỊ QUAN ĐỜI ĐỜI LÀ HỮU NGHỊ QUAN!"
Ý nghĩa sâu xa của câu nói này là gì? Là "tình hữu nghị Việt-Trung" đời đời bền vững. Dù Trung Quốc có là của Mao, kẻ từng đem đến cái chết cho gần 70 triệu người trong cái gọi là Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản, từng bắt tay Nixon để Mỹ yên tâm trút bom đạn xuống miền Bắc VN, là của Đặng Tiểu Bình, kẻ từng xua quân vào Việt Nam để giết hàng ngàn thường dân vô tội và cho xe tăng nghiền nát thân xác hàng ngàn người tại quảng trường Thiên An Môn, của Tập Cận Bình, kẻ đang hiện thực hóa âm mưu chiếm toàn bộ Biển Đông, hay của bất kỳ một tập đoàn cầm quyền nào, thì Việt Nam cũng sẽ vẫn trung thành với "tình hữu nghị", không bao giờ xa rời Trung Quốc. Một kiểu thể hiện cái thứ "tình" vô điều kiện với ngoại bang!
Trong đầu tôi lúc đó lởn vởn ý nghĩ mà sau này tôi được biết phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thốt thành lời : "Một thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu!".
Đứng giữa là ông Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Ông Giang cầm cánh tay Nguyễn Văn Linh. Bên trái là Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng (chắp tay)
Và kết quả của cái "tình" đó là ngay cả cái gọi là "Hữu Nghị Quan" cũng không còn nằm ở biên giới giữa hai nước để tiếp tục là biểu tượng của tình hữu nghị nữa, mà nó đã lọt hẳn vào đất Tàu. Ai đã đẩy nó sang bên kia vậy? Hay là nó tự chạy sang? Không. Cố nhiên đó phải là kết quả của sự "đẩy" đường biên sang phía Việt Nam!
Ngày nay, người dân đã không còn có thể im lặng mà không nhắc đến một thỏa ước gọi bằng cái tên của một thành phố bên Tàu : Thành Đô! Vâng. Nó chính là Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Thỏa ước mang tên thành phố này, một thỏa ước vẫn còn bị che phủ bởi màn sương dày đặc, với những nội dung mà ¼ thế kỷ sau vẫn không được công khai cho dân Việt Nam ta được biết, rõ ràng đã tạo ra những khó khăn ghê gớm cho những lực lượng muốn đất nước đi theo một đường lối ngoại giao độc lập.
Hai mươi bốn (24) năm trước, tôi chưa biết đó là chuyến đi tới Thành Đô. Nhưng đã cảm nhận thấy đó là một chuyến đi rất không bình thường. Trong những ngày này, tôi thấy cảm nhận của mình khi đó là đúng. Và ấn tượng về vị yếu nhân này cũng không sai lệch.
Đào Hiếu
Theo Anhbasam.info
Theo Anhbasam.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét