Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Chuột và người

Tư Mã Thiên kể sự tích Lý Tư, thừa tướng nước Tần, giới thiệu: Lý Tư, người đất Thượng Sái, nước Sở, lúc còn thiếu thời, làm một chức viên lại, nhìn thấy trong nhà xí của lại xá chuột ăn đồ bẩn, khi người hoặc chó lại gần thì chuột sợ hãi. Lý Tư vào kho lẫm, thấy chuột ăn thóc dự trữ, dưới mái đình, thấy người, thấy chó, chuột không chút kinh sợ. Lý Tư thở dài than “Con người ta tốt xấu, sang hèn cũng như chuột, tùy chỗ mà cư xử”. Ðoạn này trích từ Sử Ký, số 87, Lý Tư liệt truyện, nằm trong phần liệt truyện.* 

Tình cờ chiều hôm qua gặp lại đoạn văn kỳ thú trên, tôi chợt liên tưởng tới đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì tuần trước mới được biết thêm về hành trạng của quý vị lãnh đạo đảng sau khi đọc Ðèn Cù của Trần Ðĩnh. Nếu đặt đoạn này vào trang mở đầu cho Ðèn Cù thì thú lắm. Cũng những người đó, khi ở trong rừng thì họ cư xử với nhau một cách, khi về thành phố họ đối đãi với nhau khác hẳn. Ở trong rừng Việt Bắc, Trần Ðĩnh kể, lãnh tụ với thuộc cấp không xa cách. Trường Chinh vừa là tổng bí thư đảng, vừa làm chủ nhiệm báo Sự Thật, khi thấy mấy anh em trong tòa báo đùa giỡn ồn ào, nói một câu thì họ nói lại, phải dịu giọng yêu cầu: “Các cậu ra ngoài đùa với nhau cũng được, ở đây tôi đang làm việc.” Nói vậy thì ai cũng hiểu, vui vẻ nghe lời; mà không khí thấy thân mật, không phân biệt cao, thấp, trên dưới. 

Khác hẳn cảnh sau này, Trường Chinh bị Lê Duẩn gạt ra ngoài, đưa Lê Ðức Thọ, Nguyễn Chí Thanh lên làm vây cánh. Khi Trần Ðĩnh được lệnh Thọ viết tiểu sử chính thức của Hồ Chí Minh. Viết xong, đem in rồi, Lê Ðức Thọ mới bảo đem một bản cho Trường Chinh đọc. Trần Ðĩnh tới, “Xin anh cho ý kiến.” Trường Chinh hỏi: “In xong cả rồi, còn hỏi ý kiến tôi làm gì?” Trần Ðĩnh chỉ biết nói rằng anh Thọ bảo em đưa, có gì anh cứ hỏi anh Thọ. Bị coi thường đến như vậy, trước mặt một người vốn là đàn em thân cận của mình từ mấy chục năm trước, mà Trường Chinh vẫn chịu nhục, nhận cuốn sách mới in để mà đọc. Như người có khí phách thì sẽ đưa trả lại cuốn sách, nói rằng nếu có góp ý cũng quá muộn rồi. Nhưng Trường Chinh biết rằng mình chỉ là chủ tịch Quốc Hội, mà cả cái Quốc Hội đó cũng chỉ làm bù nhìn, đóng vai cây cảnh thôi. Không quyền hành bằng ông trưởng Ban Tổ Chức, càng sợ ông tổng bí thư lên thay chân mình. Quan hệ giữa hai, ba lãnh tụ đảng đã thay đổi, cách người ta đối xử với nhau đã khác.

Trần Ðĩnh nhớ lại lời Nguyễn Cơ Thạch khoe, một ngày mùa Ðông ở chiến khu Thạch ghé thăm ban biên tập báo Sự Thật: “Sáng nay Chủ Nhật, tớ ra suối giặt cho anh Giáp (Võ Nguyên Giáp) biết bao nhiêu quần áo... Này, tay còn nhợt đi đây này!” Ðèn tắt, chiếu ngay sang cảnh khác: Trong đại hội đảng kỳ thứ bẩy, Võ Nguyên Giáp đã bị đánh bật ra khỏi Trung Ương Ðảng, còn lên phát biểu ý kiến rằng đảng cần phát huy dân chủ, thì cậu thư ký giặt áo quần ngày nào, nay [đã vào] Bộ Chính Trị và đang ngồi trên chủ tịch đoàn, liền giơ tay cắt: “Ðồng chí nói quá mất mấy phút rồi, xin thôi. Ðồng chí hãy chú ý cho là đảng ta rất chú ý phát huy dân chủ!”

Cách cư xử thay đổi, không phải trong việc ngắt lời người phát biểu ý kiến, bởi vì trong một cuộc họp ai nói quá giờ cũng nên cắt. Hành vi thay đổi đổi quan trọng ở đây là cậu học trò lên giọng dạy dỗ ông thầy cũ của mình, mà lại dạy một điều rất sơ đẳng. “Ðồng chí hãy chú ý cho nhé!” “Ðảng ta rất chú ý phát huy dân chủ mà đồng chí nghe không thủng hay sao?”

Vì đâu mà các cán bộ, đảng viên và lãnh tụ cộng sản thay đổi nhiều như vậy? Nói vắn tắt như Tư Mã Thiên thuật lời Lý Tư: “Tại sở tự xử nhĩ,” tùy chỗ mà thay đổi cách cư xử đó thôi. Loài chuột sống dưới hầm nhà xí, hoặc sống trong kho thóc, đổi chỗ ở chúng thay đổi cả hành vi (bây giờ hay gọi là động thái).

Vậy trong đời sống của các đảng viên cộng sản, cái gì là “tại sở,” là cái “chỗ ở” đã thay đổi? Mới đầu, có thể nghĩ rằng đời sống trong rừng nó khác, thành phố nó khác. Hoặc giả, sống khi nghèo khó, thiếu thốn khác với lúc sung túc, thừa thãi. Muốn giữ lập trường thì nói rằng khi vào thành phố, từ đảng viên đến các lãnh tụ đều bị nhiễm “nọc độc tư bản, phong kiến,” cho nên “biến chất.” Làm như tác phong tư bản nó bay ở trong không khí, hay ngấm vào trong đất, trong nước! Giải thích như vậy thì trút được hết tội lỗi lên đầu người khác, mình lại tiếp tục ngồi bát ăn bát vàng! 

Nhưng chúng ta không nên chỉ nhìn thấy nhà xí và kho lúa trong truyện Lý Tư. Loài chuột ở đâu thì cũng là chuột; mà cuộc sống thay đổi hành vi, cách cư xử của chúng không hoàn toàn do nơi chúng sống và kiếm ăn. Chính công việc kiếm ăn của loài chuột đổi khác. Ở một nơi kín đáo tối tăm như nhà kho, khác ở ngoài trời như trong hầm xí. Nơi này thì sinh nhai khó khăn, người và chó qua lại đông, nơi kia thì chẳng mấy khi thấy bóng một sinh vật nào, ngoài giống chuột. Lại thêm con số khác nhau, một nơi lèo tèo mấy ổ chuột sống chui nhủi, nơi kia họ hàng nhà chuột đông hàng đoàn hàng lũ, giống chuột chúng ta tự do tung hoành, dọc ngang nào biết trên đầu có ai! Sống cách khác, hành vi loài chuột cũng khác.

Cho nên cũng khó dùng các điều kiện địa dư cũng như kinh tế để giải thích hành vi con người thay đổi. Có lẽ thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của các lãnh tụ và đảng viên cộng sản khi từ rừng về thành, rồi từ Bắc vào Nam, là quyền hành của họ đã thay đổi với thời gian. 

Ở trong rừng thì Trường Chinh cũng không biết ngày nào mình còn sống, hay sẽ trúng bom, trúng đạn; mà nhìn người chung quanh cũng thấy họ sống chết dễ như mình. Mình có thể sai khiến họ vì được họ thỏa thuận, nếu họ rút ra khỏi cái “hợp đồng ngầm” đó thì họ bỏ về thành phố, chẳng ai làm gì được ai. Quyền hành, dù được xác định hay chỉ hiểu ngầm, là do người dưới thỏa thuận cho người trên được hưởng.

Nhưng trong đời sống chính trị ở Hà Nội những năm 1960 thì quyền hành của đảng Cộng sản đối với dân chúng đã bám rễ, khó ai lay chuyển được. Hậu quả là quyền hành của các lãnh tụ trên các đảng viên của họ cũng kiên cố hơn. Tất cả đã được định chế hóa. Các cấp bậc được xác định, quyền sinh sát không bị ai kiểm soát.

Yếu tố giúp củng cố quyền hành cho các lãnh tụ là chế độ độc tài toàn trị. Trong một quốc gia tự do dân chủ thì mỗi chức vụ, mỗi cơ quan có quyền hành bao giờ cũng được một hay nhiều cơ quan, chức vụ khác kiểm soát. Việc kiểm soát có tính chất thường xuyên, định kỳ, do pháp luật yêu cầu và bảo đảm. Vì thế, quyền hành nào cũng có phạm vi giới hạn. Một chức vụ được phép sử dụng quyền hành trong một lãnh vực nào đó thôi, bước ra ngoài là thuộc quyền của chức vụ khác.

Trong chế độ độc tài toàn trị, đảng Cộng sản nắm toàn quyền trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội. Ðiều 4 bản Hiến Pháp Cộng Sản Việt Nam ghi rằng đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Bên trong nội bộ, đảng cũng lãnh đạo cuộc sống của từng đảng viên, trên tất cả các mặt. Không chỉ có lập trường chính trị, sinh hoạt kinh tế, mà ngay cả nhà anh ở, quần áo anh mặc, anh được phép yêu ai, cưới ai, đọc sách, coi phim nào, cũng phải nghe lời đảng lãnh đạo hết! Tự nhiên, hành vi con người, cách người ta cư xử với nhau cũng thay đổi. Lý thuyết chuyên chính vô sản của Lê Nin làm thay đổi hành vi con người, từ lúc đảng cộng sản chưa có quyền tới lúc nắm quyền sinh sát trong tay.

Phải công nhận Tư Mã Thiên là tay cự phách. Ông mở đầu Lý Tư liệt truyện bằng câu chuyện chuột. Rồi sau đó, không bao giờ nhắc tới nữa. Chúng ta theo dõi cuộc đời Lý Tư, sau khi quan sát loài chuột, cho là mình đã hiểu loài người rồi, bèn đi học “đạo làm đế làm vương” với Tuân Tử (Nãi tùng Tuân Khanh học đế vương chi đạo). Sự nghiệp lên như diều từ khi đầu quân cho nước Tần. Nhiều lần bị chống, lại biết phản bác, lần nào cũng lọt tai Tần Thủy Hoàng. Khi Tần Thủy Hoàng chết dọc đường, bị Triệu Cao thuyết phục tham dự âm mưu phế trưởng lập thứ. Cuối cùng, cũng tiêu vong với cơ nghiệp nước Tần. Suốt cuộc đời Lý Tư dùng biết dùng thuật giúp Tần Thủy Hoàng trị quốc dựa trên tâm lý con người, qua bài học về chuột.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng nắm được cái thuật cai trị nhờ học từ các ông Stalin và Mao Trạch Ðông. Như Trần Ðĩnh nhận xét: “Người ta lừa bịp đại trà được là nhờ khai thác những bản năng thấp kém của con người: Sợ và tham.” Nhưng các cụ ta vẫn dạy: Thực thà là cha quỷ quái. Tấm gương nhà Tần cho thấy quỷ quái đến mấy cũng tiêu vong.



Chú thích: 
* Người dịch: Ngọc Dung.
Sau đây là nguyên văn trong Sử Ký của Tư Mã Thiên:
李斯者,楚上蔡人也。年少時,為郡小吏,見吏舍廁中鼠食不絜,近人犬,數驚恐之。斯入倉,觀倉中鼠,食積粟,居大廡之下,不見人犬之憂。

於是李斯乃嘆曰:「人之賢不肖譬如鼠矣,在所自處耳 
Lý Tư giả, Sở Thượng Thái nhân dã. Niên thiếu thời, vi quận tiểu lại, kiến lại xá xí trung thử thực bất khiết, cận nhân, khuyển, sổ kinh khủng chi. Tư nhập sương, quan sương trung thử, thực tịch túc, cư đại vũ chi hạ; bất kiến nhân khuyển chi ưu. Ư thị Lý Tư nãi thán viết: Nhân chi hiền bất tiếu thí như thử hĩ, tại sở tự xử nhĩ.


Ngô Nhân Dụng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét