Chợt nhớ đến chuyện ngụ ngôn Tăng Sâm giết người, nhớ đến câu triết lý của một kẻ độc tài từ thế kỷ trước về cái sự dối trá: "Cứ nói dối, nói dối, nói dối mãi thì thiên hạ sẽ tin". Nhưng thời cuộc ta đang sống là của thế kỷ 21, của thế giới phẳng. Và những giá trị văn minh văn hóa, đương nhiên không thể chấp nhận sự dối trá, sự gian dối.
I- Thế giới đang ngả nghiêng, lo sợ vì sự hoành hành của căn bệnh Ebola mà y học nhân loại hiện đang vẫn bó tay, chưa biết chống đỡ ra sao. Ngành y tế VN cũng gấp gáp triển khai các phương án dự phòng. Thế nhưng, có một loại virus khác, một căn bệnh khác, còn nặng hơn cả virus Ebola, đã hoành hành ngang dọc trong xã hội từ khá lâu. Và nước Việt hiện cũng dường như botay.com trước nó.
Điều nguy hiểm, nó lây từ tỉnh đến bộ, từ dân sự sang cả lĩnh vực phi dân sự. Và thuộc về phạm trù đạo đức, phạm trù nhân cách. Đó là bệnh gian dối, bệnh dối trá. Nhưng cái “nhân” của nó lại rất… vật chất, rất mê dụ, đến tàn nhẫn- đó là đồng tiền.
Đồng tiền ở xã hội nào cũng là bậc “Chúa tể của những con người”. Nhưng nó sẽ là Chúa tể mặc sức khiêu vũ những vũ điệu ma quái trên những vũ trường quốc gia và quốc tế, mà ở đó, sự công khai, minh bạch thì “che mặt”, mà sự hắc ám lại nghiễm nhiên nhởn nhơ… dưới ánh sáng mặt trời.
Mới đây, dư luận xã hội vừa thấy hài hước, vừa bất bình trước một vụ việc bị vỡ lở ở TTGDTX Thanh Hóa. 40 học viên các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh thi đầu vào cao học ngành quản lý kinh tế của ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) nộp tiền “chống trượt”, với cái giá 27 triệu đồng/ người. Tổng số tiền “chống trượt” là 1, 08 tỷ đồng. Thế nhưng, kết quả chỉ có 07/40 học viên đỗ, còn lại trượt vẫn hoàn trượt.
Của đau con xót, các học viên còn lại rủ nhau đòi tiền. “Con nợ” ngắn hạn ở đây là 03 vị cán bộ thuộc TTGDTX Thanh Hóa- ông Bùi Sỹ Hồng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Lê Trọng Sơn - Phó Trưởng phòng QLĐT, bà Lê Thị Liên - cán bộ phòng QLĐT. Chuyện tóe loe, và rút cục cả 43 vị học viên lẫn cán bộ phụ trách lớp học này… trượt chân vào con đường vi phạm pháp luật. Đươc biết mới đây, cơ quan chức năng đã vào cuộc, điều tra những người có liên quan.
Cũng dính líu đến thi cử, đến quản lý kinh tế, và kết quả thi cũng rất tai tiếng, là chuyện của Bộ Công thương. Vụ việc thì có vẻ đơn giản, nhưng những cái xảy nảy cái ung của nó lại có vẻ nghiêm trọng hơn, và ồn ào đến tận bây giờ.
Tháng 10/2013, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức thi tuyển công chức vào ngành QLTT- cái ngành “ngon ăn” trong con mắt không ít người bây giờ. Có gần 300 thí sinh dự thi cho 10 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi xấp xỉ 1/30). Kết quả chỉ có 10 thí sinh trúng tuyển.
Bất ngờ, những người thi trượt gửi đơn khiếu nại tố giác cuộc thi lộ đề. Còn không bất ngờ, là 10 thí sinh trúng tuyển đều thuộc diện 5C trong cục (con cháu các cụ cả).
Cơ quan chức năng phải vào cuộc. Nhưng cái cách xử lý của Bộ CT xem chừng không khiến xã hội tâm phục, khẩu phục. Vì Bộ giơ cao đánh khẽ quá chừng. Chỉ có 03 thí sinh bị hủy bỏ kết quả trúng tuyển. Một cán bộ cấp phòng bị hạ bậc lương và một cán bộ bị cảnh cáo.
Đánh khẽ, bởi ở góc độ thi cử, nếu đề thi đã lộ, thì theo nguyên tắc, cuộc thi đó phải hủy bỏ, và tổ chức thi lại.
Đánh khẽ, bởi tính chất nghiêm trọng của cuộc thi lồ lộ, ai cũng hiểu, chỉ mỗi Bộ CT không hiểu.
Nói như nhà báo Bùi Hoàng Tám, cuộc thi “thoảng mùi tiền” và “mùi o bế cháu con”. Bởi chẳng lẽ trong số gần 300 thí sinh ấy, những “tài năng” đều thuộc về đối tượng 5C? Còn ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực UBPL của QH thì cho rằng, về phương diện luật pháp, đây là một sai phạm nghiêm trọng “không đơn thuần là làm lộ đề một cuộc thi tuyển công chức mà còn làm lộ bí mật của cơ quan Nhà nước. Thậm chí, nếu xem xét đến cùng thì có thể phải đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố vụ án”.
Đánh khẽ, bởi hai vị quan chức có chức danh cao nhất lại yên vị. Đó là Chủ tịch HĐ thi Trương Quang Hoài Nam (nguyên Cục trưởng Cục QLTT, hiện lại là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ) và Phó Chủ tịch HĐ thi Trịnh Văn Ngọc (hiện là Quyền Cục trưởng Cục QLTT) (Dân trí, ngày 11/8).
Chả lẽ, luật pháp với quan chức là chuyện bụt chùa nhà không thiêng? Hay Bộ Công thương không xấu hổ, vì “O bế cháu con” là chuyện cả làng. Cả làng o bế có mình Bộ em đâu?
Dù vậy, các cấp quản lý của những cơ sở để xảy ra các vụ việc linh xình nói trên không thể vô can.
Không thể nói như ông Đào Phan Thắng - Giám đốc TTGDTX Thanh Hóa: Trung tâm chúng tôi không có chuyện tổ chức lớp ôn thi đầu vào cao học! Bởi các TTGDTX, không chỉ là nơi tổ chức đào tạo học viên theo mục tiêu, đối tượng của TT, mà còn là nơi cho các cơ sở thuê để tăng nguồn tài chính. Vậy, ông Đào Phan Thắng quản lý kiểu gì?
Cũng không thể nói như ông Trương Quang Hoài Nam rằng: Đã chuyển công tác lâu rồi, có gì thì hỏi Bộ Công thương! Chả lẽ chuyển công tác là hết trách nhiệm chuyện lộ đề thi, chuyện “thoảng mùi tiền” và “o bế cháu con”?
Được biết, mới đây nhất, Bộ Công thương công bố hủy bỏ kết quả cuộc thi, tiến hành kỉ luật hàng loạt cán bộ có liên quan. Đồng thời giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục QLTT xem xét tổ chức thi lại theo quy định hiện hành.
Một câu hỏi cần đặt ra: Vì sao những chuyện đáng xấu hổ bây giờ không còn là của hiếm? Vì sao, ở thời cuộc này, cái xấu, cái gian dối nhan nhản, đảo lộn các quan niệm giá trị đến mức, người ta ngụy biện, triết lý và làm những việc xấu mà vẫn cảm thấy bình thường. Đến mức, một việc đàng hoàng, tử tế như của Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự mới đây- chỉ đạo cho cán bộ, công chức Hội An- không được phép nhận phong bì của doanh nghiệp, hạn chế sự nhũng nhiễu người dân, thì người ta xôn xao bình phẩm bởi nó trở thành… bất thường.
Nạn nhân của căn bệnh Ebola, khi không còn cứu chữa nổi, thì bị chính đồng loại, cộng đồng của mình vứt ra đường, phó mặc sự sống chết. Còn “nạn nhân” của thói gian dối, giả dối, của căn bệnh hối lộ, tham nhũng, đi đêm, chạy ghế…, lại nghiễm nhiên sống trong cộng đồng, quần là áo lượt. Có khi còn có quyền sinh quyền sát với số phận người khác?
**************
II- Nhưng xét cho cùng, căn bệnh đó là của cả xã hội, và cái dịch gian dối này có từ rất lâu. Cái “nhân” của nó không chỉ rất vật chất tiền bạc, mà còn mang cả bản chất màu cờ sắc áo – đó là cái danh hão.
Tại Hội nghị toàn ngành Kế hoạch và đầu tư ngày 7/8 mới đây, người đứng đầu CP đã có một phát ngôn ấn tượng: Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay không sát thực tế và so với quốc tế, không giống ai! Phát ngôn ấn tượng đó nhận được những tiếng cười râm ran của cả hội nghị, của các đại biểu ở các địa phương, như một sự đồng tình… thú nhận.
Thật ra, nhận định này không mới. Cách đây 06 năm, ĐBQH Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định tại cuộc họp báo chí tháng 10/2008, đã băn khoăn khi cho rằng, nếu hơn 60 tỉnh, t/p, nơi nào cũng tăng trưởng 9%- 10% trở lên, cộng lại bình quân thì làm sao cả nước chỉ có 6,52% GDP (một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ) (VTC, ngày 12/8)
Có điều, đây là lần đầu tiên, người đứng đầu CP nói thẳng một sự thật của các địa phương, nhân danh sự phát triển. Hay đây cũng là cách các bác địa phương thách đố xã hội giải bài toán phản biện- một "dạng" đầu cừu, đuôi thuyền trưởng?
Những tiếng cười chữa ngượng trong hội trường thực ra đã không che giấu được một sự thật, dẫn đến một hệ lụy tai hại khác. Sự thật và hệ lụy đó được các nhà quản lý kinh tế, các chuyên gia kinh tế chỉ ra, với các góc nhìn khác nhau.
Theo Bộ trưởng KH và ĐT Bùi Quang Vinh, từ lâu, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tiền tệ quốc tế (IMF)..., đã không dựa vào số liệu GDP của VN, mà thường tính toán theo chuẩn mực đã được thế giới công nhận. Các chỉ số GDP do WB, IMF tính toán thường thấp hơn chỉ số GDP mà VN công bố. Nhưng điều đáng nói, hậu quả của nó có thể dẫn tới những định hướng phát triển kinh tế - xã hội sai lệch (Tuần Việt Nam, ngày 12/8).
Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khi trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, con số GDP tự dưng biến thành con số che giấu cho lợi ích nhóm lũng đoạn. Vì muốn GDP tăng, các địa phương cho cấp phép khai thác rừng, khai thác mỏ tăng tràn lan, không có quy hoạch. Việc khai thác tài nguyên kiểu này lại không công khai minh bạch nên nhiều người được lại quả, rất tai hại.
Ông cũng chỉ ra, ngay cả Tổng cục Thống kê cũng phải xem lại phương thức tiếp cận, cách thức tính cái chỉ số GDP này hiện nay thường cao hơn con số đã công bố ước tính trước đó.
Theo ông, GDP là con số có nhiều phương pháp tính, trong đó có phần đóng góp của doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài). Các DN này chiếm 19% tổng đầu tư, 63% tổng hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp FDI, lãi thì họ rút vốn về, nhưng lại vẫn được… thể hiện trong GDP của VN (VTC, ngày 12/8)
Thật ra, cách tính GDP theo một “dạng” đầu cừu, đuôi thuyền trưởng này không chỉ thể hiện ở GDP, mà nó có mặt ở các lĩnh vực khác.
Tỉ như cách tính nợ công chẳng hạn, con số của Bộ Tài chính cho biết, tổng số dư nợ công (đến ngày 31/12/2013), bằng 53,4% GDP; dư nợ CP bằng 41,5% GDP. Mà giới hạn cho phép là nợ công dưới 65% GDP, nợ CP dưới 55% GDP.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, các con số nói trên chưa bao gồm nợ của DNNN, nợ chi phí quản lý và cấp bù lãi suất đối với Ngân hàng Phát triển VN và Ngân hàng Chính sách xã hội VN, nợ xây dựng cơ bản, nợ quỹ bảo hiểm xã hội…, (VnEconomy, ngày 01/8).
Những con số chênh vênh, dù toàn là ngàn tỷ, đầy sức nặng nhưng lại khiến xã hội mang nỗi lo mơ hồ, và hoài nghi, không biết cách tính nào đúng, cách tính nào sai?
Và cách tính không hề đúng với chuẩn mực, thông lệ quốc tế của VN còn “dư tồn” ở tất cả các ngành, các lĩnh vực như tài chính, thuế, hải quan, bảo hiểm… cho đến giáo dục- đào tạo
Đâu đâu cũng thấy cái bài toán “dạng” đầu cừu, đuôi thuyền trưởng chả giống ai. Giữa con số % tốt nghiệp với chất lượng thật trong ngành GD. Giữa con số hàng mấy chục ngàn tiến sĩ, với lèo tèo vài công trình, nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế. Giữa con số hàng ngàn TS với việc các bằng cấp đào tạo ĐH cũng chưa được quốc tế công nhận v.v. và v.v..
Sự khác biệt, không giống ai trong xã hội rất đáng được tôn trọng. Vì nó là điều kiện quan trọng kích thích năng lực sáng tạo cá nhân, thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng sự khác biệt, không giống ai của nước Việt trong các tính toán theo tiêu chí, thông lệ quốc tế, lại chỉ hàm chứa sự tụt hậu, và cả sự hổ thẹn trước yêu cầu hội nhập văn minh, hiện đại để phát triển.
Các vụ việc tai tiếng nói trên của TTGDTX Thanh Hóa, Bộ Công thương, của những ngành từ dân sự đến phi dân sự, phản chiếu sự rối loạn các giá trị trong xã hội. Khiến con người yếu đuối về nhận thức và nhân cách thường vịn vào sự rối loạn đó, ngụy biện cho cái sai, cái dở của mình, bộc lộ tham sân si. Còn cái nền tảng đạo đức xã hội thời kinh tế thị trường vốn mỏng manh, lại sẵn sàng dung dưỡng, che đỡ cho cái rối loạn tư cách đó.
Thì các căn bệnh gian dối của các địa phương, các ngành, các bộ, các lĩnh vực, phản chiếu sâu sắc tâm lý háo danh, háo thành tích, bệnh màu cờ sắc áo đến độ gây tổn thương cho cả xã hội. Nó nguy hiểm không kém quốc nạn tham thũng, bởi nó do cả tập thể đồng tình, nhất trí, nhân danh những điều tốt đẹp. Điều nguy hiểm ẩn họa ngay trong cái nhân danh tốt đẹp đó, là dẫn đến việc định hướng phát triển kinh tế- xã hội với những mục tiêu, cách đi, cách làm không chuẩn mực, thậm chí ảo tưởng, khiến người dân hoài nghi, thất vọng.
Chợt nhớ đến chuyện ngụ ngôn Tăng Sâm giết người, nhớ đến câu triết lý của một kẻ độc tài từ thế kỷ trước về cái sự dối trá: Cứ nói dối, nói dối, nói dối mãi thì thiên hạ sẽ tin! Nhưng thời cuộc ta đang sống là của thế kỷ 21, của thế giới phẳng. Và những giá trị văn minh văn hóa, đương nhiên không thể chấp nhận sự dối trá, sự gian dối.
Virus Ebola đến giờ vẫn chưa có thuốc chữa. Y học thế giới đang nghiên cứu và câu trả lời có thể ởthì hiện tại, hay thì tương lai, tùy thuộc vào sự tài năng của các nhà nghiên cứu, các thầy thuốc.
Nhưng virus gian dối, bệnh thành tích hoàn toàn có thể có phương thuốc chữa ngay ở thì hiện tại. Vấn đề là xã hội, là nước Việt có muốn… chữa chạy hay không mà thôi?
Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét