Dân Luận: Xoay quanh việc tờ báo Trí Thức Trẻ bị Bộ Thông Tin Truyền Thông phạt 207 triệu đồng và bắt đình bản 03 tháng sau khi đăng bài xúc phạm người phụ nữ miền Tây, dư luận đã tỏ ra đồng tình với việc xử phạt này.Tuy nhiên, nhiều blogger, nhà báo và luật gia đặt câu hỏi về tính hợp lý và hợp pháp của quyết định xử phạt. Nếu trong một nền dân chủ pháp trị thì sự việc này sẽ được xử lý ra sao, Dân Luận xin tổng hợp một số ý kiến quan trọng để độc giả tham khảo:
Trương Nhân Tuấn: Tờ báo bị phạt 207 triệu đồng và đình bản ba tháng. Theo báo chí thì các yếu tố đưa đến việc xử phạt là: viết báo không ký tên (hoặc bút danh), đăng hình người khác mà chưa được sự đồng ý (của người này) và « đăng thông tin gây mất đoàn kết dân tộc ».
Các yếu tố đưa đến vệc xử phạt có thể bị xem là « vi phạm pháp luật » hay không thì còn bàn cãi. Cũng như việc xử phạt có thuộc về các cơ quan thông tin (của nhà nước) hay không cũng cần phải bàn cãi. Nhưng đây không hề là « một phán quyết thuần túy về đạo đức của nhà nước », như có người đã nói vậy.
Theo tôi có một số điều cần thảo luận.
Việc xử phạt trong trường hợp này có thuộc thẩm quyền của ông thứ trưởng bộ TT&TT?
Trên căn bản một nhà nước pháp quyền (thực ra phải gọi là nhà nước pháp trị), mọi hành vi vi phạm luật lệ phải do các cơ quan phụ trách về « tư pháp », (tức thuộc về tòa án, công tố viện…) đảm nhiệm.
Ở đây ông thứ trưởng có thể « khiển trách » nhân sự của tờ báo, nhất là chủ nhiệm của tờ báo, theo qui định của luật pháp dành cho bộ TT&TT hoặc theo « nội qui » của báo giới.
Nhưng không thể nói tác giả bài báo là « phạm tội ». Phạm tội hay không là do phán quyết của tòa án.
Các yếu tố đưa đến việc xử phạt có thể bị xem là « vi phạm pháp luật » hay không? Theo tôi, các hành vi ghi trên đều vi phạm với luật lệ VN (và pháp luật ở một số nước tiêu biểu khác).
Người ta không thể viết báo thế nào cũng được. Xã hội có những qui định về quyền tự do cá nhân, về an ninh v.v… Người ta không thể nhân danh « tự do ngôn luận » rồi bịt mặt nặc danh, xúi giục bạo loạn hay dựng chuyện xâm phạm đời tư cá nhân, phỉ báng danh dự cá nhân được… Xâm phạm đời tư cá nhân là phạm luật (cũng như việc xúi giục bạo loạn).
Bài báo ở đây đã xâm phạm đời tư của cá nhân, qua việc tác giả phỉ báng (phụ nữ miền Nam): « ngu ». Nạn nhân có thể đứng đơn kiện về điều phỉ báng này, cũng như việc sử dụng hình ảnh không xin phép. Nếu nạn nhân không đứng kiện, công tố viện có thể làm việc này để pháp lý được thực thi và trật tự xã hội được bảo vệ.
Qui ước làm báo từ xưa đến nay, người chủ nhiệm tờ báo phải biết cá nhân người viết là ai, cũng như người chủ nhiệm phải chia sẻ trách nhiệm của tác giả bài viết. (Cũng thật phiền khi một số các web site trên internet, một vài trường hợp đã mở diễn đàn lập lại hình thức « toà án nhân dân » để phỉ báng cá nhân người khác (vắng mặt). Đây là một hình thức vi phạm pháp luật (ở bất kỳ nước dân chủ nào), người chủ diễn đàn có thể chịu trách nhiệm liên đới).
Ở các xứ Tâu Âu, hình luật qui định một số phạm trù tội phạm về « kỳ thị », có thể đến 5 năm tù giam và phạt đến 25.000 đô la, cho những người có hành vi kích thích (xúi giục) kỳ thị hay có hành động kỳ thị.
Bài báo rõ ràng đã xúc phạm (nặng nề đến phẩm giá) phụ nữ miền Nam. Đây là hành vi « kỳ thị », nếu không nói là « miệt thị ».
Riêng hình luật VN có qui định tội « gây chia rẽ dân tộc ». Điều luật này « bao la » quá, không xác định được tội phạm là thế nào.
Những tranh đấu của dân Khmer về lãnh thổ, dân Hmong, Thuợng… về tôn giáo, dân Chăm về văn hóa… đều có thể đưa đến việc « chia rẻ dân tộc » mà nguyên nhân của nó lại do chính trị hà khắc của nhà cầm quyền VN. Tất cả các phạm trù « văn hóa », « tôn giáo »… đều thuộc về phạm vi « nhân quyền ». Trong chừng mực, chính nhà nước VN, vì đã không tôn trọng các công ước quốc tế đã ký kết, do đó đưa đến việc « đối đầu » giữa nhà nước và các dân tộc này. Tác nhân việc gây « chia rẻ dân tộc » là nhà nước VN.
Tính chính danh của nhà nước VN vì vậy cũng bị ảnh hưởng.
Luật gia Trịnh Hữu Long: Quyết định đình bản và xử phạt 207 triệu đồng với báo Tri Thức Trẻ vì đăng bài "3N" làm hài lòng nhiều người vì có vẻ đa số đều lên án bài báo. Nhưng suy cho cùng thì nó vẫn là một hành vi kiểm duyệt và là biểu hiện sinh động cho một nền báo chí bị nhà nước thao túng.
Về cơ bản, tòa soạn này có quyền đăng bất cứ cái gì nó muốn, kể cả đăng bài chửi một lãnh đạo nào đó là "3N". Vấn đề phán xét bài báo có đạo đức hay không là việc của xã hội chứ không phải của nhà nước. Nếu muốn, người ta có nhiều cách để trừng phạt và ngăn chặn những hành vi tương tự thông qua việc tẩy chay tờ báo với tư cách là người tiêu dùng hoặc thông qua việc khởi kiện dân sự, trong đó người khởi kiện có nghĩa vụ chứng minh sự liên quan giữa bài báo và thiệt hại của bản thân.
Việc nhà nước đưa ra một phán quyết thuần túy về đạo đức vô hình chung áp đặt cho toàn xã hội một tiêu chuẩn đạo đức duy nhất và phá vỡ tính đa nguyên của xã hội, chẳng khác nào các quốc gia hồi giáo xử tử hình phụ nữ ngoại tình.
Nếu như xã hội hài lòng với quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông thì điều đó cho thấy tâm lý xã hội chưa sẵn sàng cho một xã hội dân sự và xã hội vẫn muốn phó thác cho nhà nước những công việc đúng ra là của mình. Đó là mảnh đất tương đối màu mỡ cho các nhà độc tài.
Nhà báo Trương Huy San (Osin): Nhiều người hoan nghênh Bộ Thông tin Truyền thông khi Bộ đình bản và xử phạt tờ Trí Thức Trẻ rất nặng. Sự thô bỉ của bài viết "Gái Miền Tây và 3 Chữ N" rõ ràng cần được xử lý. Đấy không phải là một sai phạm báo chí mà là sự xúc phạm danh dự và nhân phẩm hàng loạt phụ nữ. Tuy nhiên, số phận của một tờ báo mà được định đoạt đơn giản chỉ bằng một quyết định hành chánh thì rõ ràng quy trình đi tìm công lý của chúng ta đang có vấn đề.
Hôm qua, một nhà báo có mẹ, vợ là phụ nữ miền Tây - anh Binh Nguyên - tuyên bố nếu không gỡ bài báo thì anh sẽ kiện. Tôi thì cho rằng trong trường hợp "hành vi phạm tội đã hoàn thành" như bài báo "3 N", ngay cả sau khi gỡ bỏ, tờ báo này cũng cần bị kiện.
Không chỉ có những phụ nữ thông minh, quả cảm của miền Tây mà những người như anh Binh Nguyên và chúng ta đều cảm thấy có "nghĩa vụ và quyền lợi liên quan" để khởi động một vụ kiện, có thể với tội danh "xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác", với "tình tiết tăng nặng" là có nạn nhân hàng loạt. Bên khởi kiện còn có thể là Hội phụ nữ các tỉnh miền Tây nếu Hội cho rằng mình cũng là tổ chức của các phụ nữ.
Quy trình tố tụng, với sự quan tâm của các phương tiện truyền thông, không chỉ tiến tới một hình phạt mà còn có ý nghĩa giáo dục. Công luận cũng qua đó mà phân biệt được giữa báo chí và lá cải; giữa những người làm báo có trách nhiệm xã hội và những kẻ làm tiền bất chấp phẩm giá.
Đây không chỉ là sự trừng phạt mà còn là công lý, cho cả những người làm công ăn lương trong tờ báo này. Nếu cứ nhân danh sự phản ứng của "công luận" để chấm dứt số phận của một tờ báo bằng một quyết định hành chánh thì rủi ro sẽ rất cao cho báo chí tử tế chứ không phải là cho "lá cải".
Năm 2009 tờ Du Lịch cũng đã bị đình bản 3 tháng sau khi đăng cụm bài viết về chủ quyền biển đảo của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, về phong trào biểu tình yêu nước và bài thơ về Ải Nam Quan của Nguyễn Trãi. Liệu chúng ta có thể cảm nhận được công lý khi Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt những bài báo nói về lòng yêu nước "ngang hàng" với một bài viết thô bỉ xúc phạm phụ nữ miền Tây.
Nhà báo Đỗ Hùng (Mít Tờ Đỗ): Bài viết "Gái miền Tây và 3 chữ 'N' nổi danh thiên hạ" trên báo Trí Thức Trẻ đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong công chúng trên mạng (nơi mà tôi có thể kiểm chứng được). Bài viết đại ý nói rằng gái miền Tây Nam Bộ "Ngon", "Ngoan" và "Ngu" với đầy đủ ý nghĩa bỡn cợt, kỳ thị và tào lao của nó.
Bài viết khiến nhiều người giận dữ là điều dễ hiểu, tương tự như việc tờ báo Mỹ New York Post đăng tranh biếm ví ông Obama với con khỉ đột khiến nhiều người giận dữ, hay vụ báo chí vẻ tranh biếm đấng tiên tri Muhammad của đạo Hồi khiến dân trùm khăn vùng lên.
Đối với bài báo ở Việt Nam, bằng nhiều cách, cả những cú điện thoại thông qua quan hệ cá nhân lẫn những cú tag trên thế giới ảo, người ta đã kêu gọi chính quyền và công an vào cuộc xử lý tờ báo.
Rất nhanh, một quyết định hành chính được đưa ra: tờ báo bị đóng cửa kèm theo khoản phạt hơn 200 triệu đồng.
Nhiều người coi đây là một thắng lợi trong cuộc chiến dẹp báo lá cải, đặc biệt là tờ-báo-ba-trợn đăng bài miệt thị phụ nữ, kì thị vùng miền.
Tờ báo kia chết thì mình thấy cũng đáng nhưng cái cách mà người ta khiến nó chết làm mình băn khoăn, băn khoăn, băn khoăn.
Nhớ lại ngày 30.9.2005, báo Jyllands-Posten đăng tải tranh biếm họa đấng tiên tri Muhammad của đạo Hồi. Hành động này đã khiến dân Hồi giáo nổi giận, thậm chí bạo động nổ ra ở nhiều nơi.
Các quốc gia Hồi giáo thì gia tăng sức ép ngoại giao để chính phủ Đan Mạch xử lý tờ báo nọ. Đại sứ quán 11 nước Hồi giáo gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iran, Pakistan, Ai Cập, Indonesia, Algeria, Bosnia & Herzegovina, Libya và Ma Rốc, sau khi nhận được thỉnh nguyện thư của các giáo sĩ đạo Hồi, đã gửi công thư tới chính phủ Đan Mạch, trong đó viết: “Chúng tôi phản đối những phát biểu và những bài báo đó, và chúng tôi kêu gọi chính phủ của quý ngài đưa tất cả những người chịu trách nhiệm ra trước pháp luật của quý quốc, vì lợi ích của một xã hội hài hòa và sự hội nhập bên trong cũng như các mối quan hệ toàn diện của Đan Mạch với thế giới Hồi giáo”.
Đại sứ 11 nước cũng đề nghị gặp Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen.
Chính phủ Đan Mạch sau đó đã trả lời bằng một công thư, trong đó không đề cập tới vấn đề gặp mặt.
Công thư có đoạn: “Quyền tự do ngôn luận có một phạm vi rộng lớn và chính phủ Đan Mạch không thể gây tác động lên báo chí. Tuy nhiên, luật pháp Đan Mạch cấm hành động hoặc phát ngôn mang tính phỉ báng hoặc kì thị. Bên bị ảnh hưởng có thể đưa những hành vi hoặc phát ngôn đó ra trước tòa, và tòa có thẩm quyền để đưa ra phán quyết theo từng vụ việc”.
Dân Luận tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét