Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Im lặng là vàng

imlanglavang00"...Chắc chắn các vị quan chức càng cao thì càng hiểu biết về nguyên lý ứng xử "im lặng là vàng". Nhưng có lẽ vì họ có bổn phận phải nói theo đường lối đã được chỉ đạo từ cấp cao. Đó cũng là lẽ đương nhiên. Chỉ tiếc là, sự chỉ đạo đó bắt nguồn từ một nếp tư duy quá cũ kỹ, xơ cứng không còn sức co giãn, đàn hồi để thích ứng với dòng chảy của thời đại..."


Không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới đã đúc kết về thế nào là cách ứng xử hợp lý trước những tình huống khó xử, đó là giữ im lặng không nói điều gì : "Im lặng là vàng". Tuy nhiên, biết vậy mà không hiểu sao một số chính khách Việt Nam hay vi phạm điều này, có khi do vô tình có khi cố ý và ngay cả trong những tình huống rất nhạy cảm liên quan đến lợi ích quốc gia.
leluongminh01
Ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị
Ngoại trưởng ASEAN, Naypyidaw, Myanmar
Mới đây có chuyện ông Lê Lương Minh được hãng Reuters trích dẫn đã phát biểu với tư cách Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Naypyidaw, Myanmar ngày 9/8/2014 rằng "Đề xuất của Hoa Kỳ ("đóng băng" các hoạt động xây dựng của các bên tại Biển Đông) đã không được các Bộ trưởng ASEAN thảo luận vì ASEAN đã có nghị quyết ngăn chặn không được xây dựng trên các đảo san hô và cải tạo đất trong khu vực tranh chấp. Ông Minh còn lưu ý rằng "Đây không phải là vấn đề của ASEAN vì tổ chức này đã có những cam kết cùng với Trung Quốc tự kềm chế trong các hoạt động vào năm 2002"… và rằng "Các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông chỉ có thể được giải quyết giữa các bên có liên quan".
Ai cũng biết, vấn đề Biển Đông có liên quan đến nhiều nước ASEAN và thế giới, nhưng đã bị Trung Quốc tìm mọi cách ngăn cản không cho "quốc tế hóa", coi đó là "vấn đề song phương" giữa Trung Quốc với từng nước ASEAN để dễ bề bẻ từng chiếc đũa. Cậy thế nước lớn có nhiều tiềm lực Trung Quốc không chỉ tung ra hàng vạn tàu thuyền tràn ngập Biển Đông mà còn hối hả xây dựng trái phép tại nhiều điểm trong đó có bãi Gạc Ma chiếm của Việt Nam năm 1988. Những hành động ngang ngược tham lam của Trung Quốc đã đẩy vấn đề lên mức mâu thuẫn lợi ích với các nước ngoài khu vực, trong đó có Mỹ. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã tự gây ra vấn đề với Mỹ thì họ phải tự xử lý lấy với Mỹ mới đúng ! Hà cớ gì các nước "nạn nhân" lại không ủng hộ đề nghị của Mỹ với tư cách là một bên đối tác của ASEAN cũng như Trung Quốc ( ?) Đã có một vài trường hợp do cầu lợi mà nhắm mắt làm theo yêu cầu của Trung Quốc như Campuchia khi làm Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 và đã bị Phipipin, Việt Nam và nhiều nước ASEAN chê bai rồi còn gì.
Còn nhớ, trong dịp Hội nghị Shangri-la tại Singapore cuối tháng 5 đầu tháng 6/2014, giữa lúc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan khủng Haiyang 981 với sự hộ tống của hàng trăm tàu thuyền, máy bay, kể cả tàu chiến tại vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa tranh chấp và sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến dư luận thế giới tập trung ủng hộ Việt Nam mạnh hơn mức chưa tùng thấy trước đó thì Đại tướng Phùng Quang Thanh với tư cách Trưởng Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị đã nói "xanh rờn" rằng chuyện giàn khoan chỉ là chuyện "xích mích giữa láng giềng, bạn bè". Ít ai hiểu được hàng xóm bạn bè kiểu gì mà lại dàn binh bố trận hùng hùng hổ hổ trấn cướp nhà của nhau như thế ( !?)
Thiết nghĩ không cần nhắc lại, chắc mọi người đều biết dư luận bên trong Việt Nam và quốc tế đã phản ứng như thế nào trước các phát biểu như thế của các vị quan chức cao cấp Việt Nam, và cảm nhận chung nhất là không khác nào những gáo nước lạnh dội lên đầu những ai có thiện chí ủng hộ Việt Nam (trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc).
Vẫn biết Việt Nam có lý của mình để theo đuổi cái gọi là "đường lối mềm dẻo khôn khéo" giữa các nước lớn trong vấn đề Biển Đông, nhưng đâu nhất thiết phải nói ra những điều mà nếu không nói có khi còn khôn khéo hơn ấy chứ ( !?) Điều tất nhiên và lẽ đương nhiên, việc ai người nấy làm, nước nào cũng có lợi ích của họ, Việt Nam có lợi ích của Việt Nam, Nhật Bản có lợi ích của Nhật Bản, Hoa Ký có lợi ích của Hoa Kỳ, Trung Quốc có lợi ích của Trung Quốc, v. v… Và không phải vì những lời nói của một vài quan chức nước nọ nước kia mà có thể xoay chuyển tình thế. Nhưng quả là tình thế khó mà có thể tốt hơn lên khi có một người bạn đồng hành chốc chốc lại bỗng dưng dừng lại giữa đường vì lý do riêng tư hoặc thốt lên những lời khó hiểu.
Chắc chắn các vị quan chức càng cao thì càng hiểu biết về nguyên lý ứng xử "im lặng là vàng". Nhưng có lẽ vì họ có bổn phận phải nói theo đường lối đã được chỉ đạo từ cấp cao. Đó cũng là lẽ đương nhiên. Chỉ tiếc là, sự chỉ đạo đó bắt nguồn từ một nếp tư duy quá cũ kỹ, xơ cứng không còn sức co giãn, đàn hồi để thích ứng với dòng chảy của thời đại. Nếu người viết bài này không nhầm, thì rất nhiều, nếu không nói là đa số người Việt Nam, đều cảm thấy bất bình trước những phát biểu mà họ nhận thấy không cần thiết hoặc không đúng lúc của các vị quan chức trong những tình hướng cụ thể nói trên. Giá như họ giữ im lặng, đừng nói gì trong những tình huống đó có phải tốt hơn không (?)
Trần Kinh Nghị (14/08/2014)
Theo Anhbasam.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét