"...Sau khi lệnh cấm vận này được dỡ bỏ, các nước Châu Âu cũng không còn cơ hội tại thị trường màu mỡ của Nga, bởi khi đó các nước đồng minh và đối tác thân thiết của Nga đã phân chia hết thị trường..."
Các lệnh trừng phạt và đáp trả giữa Nga với Mỹ-EU đã khiến Moscow càng ra sức củng cố các mối quan hệ đồng minh trong SNG, G-20 và BRICS.
Putin cấm vận đáp trả EU, kích thích kinh tế Nga?
Lệnh trừng phạt của Mỹ và EU cũng đã khiến một số quan chức và học giả Nga lo lắng khi cho rằng, việc chuyển đổi nhà cung ứng sang các nước châu Mỹ, châu Phi sẽ khiến cước vận chuyển sẽ tăng lên nhiều so với Châu Âu, trong khi chất lượng hàng hóa của Trung Quốc và Nam Mỹ không so được với Châu Âu. Và như thế, người tiêu dùng Nga sẽ chịu thiệt.
Tuy nhiên, đại bộ phận các nhà phân tích từ Moscow cho rằng, điều này vừa có lợi cho nền kinh tế khi khiến Nga phải chuyển đổi, tái cơ cấu nông, ngư nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào Châu Âu, tránh những rủi ro tiềm ẩn xuất phát từ chính trị sau này; vừa mang lại những tác dụng quan trọng trong xây dựng quan hệ quốc tế của Nga thời kỳ "hậu Ukraine".
Vốn đã mệt mỏi vì sự cạnh tranh của thực phẩm nhập khẩu nhiều năm qua, những nhà sản xuất thực phẩm của Nga có lẽ là những người phấn khởi nhất với lệnh cấm nhập lương thực từ phương Tây. Cổ phiếu của các công ty này đã tăng vọt lên vài chục % ngay sau khi thông tin về lệnh cấm được công bố.
Báo "Nước Nga ngày nay" (Russia Today) dẫn lời đại diện Cơ quan Thủy sản Nga đánh giá lệnh cấm vận là tốt cho nước Nga. Ông này chỉ ra là lâu nay Nga phải nhập thủy sản với giá cao, ví dụ giá cá hồi Na Uy bán ở Nga cao hơn từ 8-10 lần so với giá thành thực tế.
Còn Nghị sĩ Nga Irina Yarovaya cho rằng rất nhiều nhà sản xuất nông sản chất lượng của Nga, trước đây không tìm được đường vào siêu thị giờ sẽ có thể bán được sản phẩm, đồng thời phát triển kinh doanh. Thế nên lệnh cấm có thể gây ra những khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài, chắc chắn nó sẽ có lợi cho người nông dân Nga.
Theo thông báo của các quan chức Nga, các khu vực sản xuất có khả năng thay thế và đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga đã được hoạch định, các mặt hàng thiết yếu và bình dân thiếu hụt sẽ không đáng kể. Có thể khẳng định tuy ban đầu nền kinh tế Nga sẽ gặp tổn thất nhưng về lâu dài Nga sẽ đứng vững.
Nga tự tin là những nhà cung cấp nước ngoài, đến từ những quốc gia tiềm năng Châu Á, châu Mỹ sẵn sàng cung cấp sản phẩm của họ thay thế cho số hàng nhập ngoại mà Nga sẽ không nhận được từ phương Tây và không thể tự sản xuất đủ số lượng cần thiết trong thơig gian ban đầu.
Có thể nhận thấy rằng, lệnh cấm vận của Mỹ và EU với Nga và lệnh cấm vận đáp trả của Moscow về ngắn hạ có thể sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Nga nhưng về trung và dài hạn nó có lợi cho nền kinh tế Nga, vừa mang lại những tác dụng quan trọng trong xây dựng quan hệ quốc tế của Nga thời kỳ "hậu Ukraine".
Từ thực tế cho thấy, các biện pháp giải quyết bất đồng trong vấn đề Ukraine, thông qua việc cấm vận, trả đũa lẫn nhau đã không đem lại kết quả và lợi ích gì, mà còn làm tổn thương thêm nền kinh tế của mỗi bên, vốn dĩ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua và tạo cơ hội cho "kẻ khác" kiếm ăn.
Lệnh cấm cấm vận và đáp trả cấm vận giữa Nga với Mỹ
và EU đã tạo điều kiện cho Nga củng cố các mối quan hệ đồng minh
Châu Mỹ Latin và Châu Á sẽ là những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ và EU, trong đó, Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất về cả kinh tế lẫn chính trị. Phát triển kinh tế khu vực giáp với Viễn Đông của Nga - xuất phát điểm của đường ống dẫn dầu vào Trung Quốc sau này là điều mà Bắc Kinh luôn mong muốn, nay đã được Nga trao cho cơ hội.
Moscow cấm vận EU làm lợi cho đồng minh, đặc biệt là Trung Quốc
Nhanh chân nhất trong số các nước đồng minh của Nga là Belarus. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Belarus Leonid Marinich tuyên bố hôm 9-8 là đối với Belarus thì Nga bây giờ là "mỏ vàng". Chính phủ nước này tuyên bố đã sẵn sàng cung cấp thực phẩm ở Nga thay vì nhập khẩu từ Ba Lan và các nước Baltich.
Đồng thời, ông Marynich cũng hào hứng cho rằng, nông dân Belarus có thể cung cấp cho Nga "đủ mọi thứ’ và cam kết tăng nguồn cung cấp các loại rau, củ, quả khác nhằm thay thế khoai tây Hà Lan, táo Ba Lan nhập khẩu vào Nga. Nước này còn dự kiến sẽ tăng đáng kể nguồn cung cấp và các chủng loại pho mát sang Nga và sẵn sàng tăng nguồn cung cấp thịt và sữa nguyên kem thay Phần Lan.
Trong khi đó, hàng loạt các nước châu Phi như Ai Cập, Namibia, Sudan… và hàng loạt nước Châu Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Trung Quốc… và cả Thổ Nhĩ Kỳ, cũng cũng đang nhanh chân tìm kiếm cơ hội cho nông dân của mình ở thị trường Nga, khi bày tỏ sẵn sàng cung cấp sản phẩm nông nghiệp, bao gồm cả các sản phẩm thịt.
Trong số này, Ai Cập hứa hẹn trở thành đối tác tiềm năng của Nga khi tuyên bố là việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp từ Cairo sẽ bù đắp một một khối lượng lớn sự thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm nông, ngư nghiệp, chăn nuôi cho thị trường Nga. Ai Cập đã tuyên bố sẵn sàng bù đắp một nửa thiếu hụt nhập khẩu lương thực, thực phẩm cho Nga do hậu quả lệnh trừng phạt.
Bình luận về kết quả chuyến thăm tuần này của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ở Nga, ông Margelov - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) cho rằng, Ai Cập sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong thị trường Nga và có thể bù đắp cho sự thiếu hụt 50% lượng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho Liên bang Nga do lệnh cấm vận.
Trong cuộc hội đàm với với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại Sochi, ngoài những vấn đề chính trị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận với nhà lãnh đạo Ai Cập về việc thành lập một trung tâm dịch vụ hậu cần trên biển Đen, đặc biệt là việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp Ai Cập cho thị trường Nga và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của ông al-Sisi.
Báo Tây Ban Nha El Pais cho biết, các nước thuộc Liên minh Châu Âu không hài lòng và dự định sẽ kháng nghị với hành động của các nước Mỹ Latinh, khi các quốc gia này bao gồm Ecuador, Brazil, Venezuela… đang xây dựng chu trình cung cấp đến Nga những mặt hàng mà Moscow vừa ra lệnh cấm nhập khẩu từ Châu Âu.
Hôm 12-8, Tổng thống Ecuador Rafael Correa tuyên bố rằng, đất nước ông sẽ không xin phép bất cứ ai khi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đến Nga. "Như chúng ta đều biết, Mỹ Latinh không phải là một phần của Liên minh Châu Âu nên lệnh cấm vận của EU chả có liên quan gì đến chúng tôi" - Hãng Andes dẫn tuyên bố của ông Correa.
Tổng thống Correa kết luận "hãy chờ đợi khiếu kiện chính thức từ phía EU và chúng tôi sẽ cho họ biết câu trả lời của mình", còn Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Ecuador, ông Rivadeneyra Francisco tuyên bố, bât chấp thái độ khó chịu của EU, Ecuador hiện đang nghiên cứu mở rộng danh mục các sản phẩm xuất khẩu sang Nga.
Ngoài ra, chính phủ Ecuador đang nghiên cứu khả năng nâng cao lượng xuất khẩu hàng hóa sang Liên bang Nga và lập danh sách các sản phẩm xuất khẩu có thể tăng thêm trong thời gian ngắn và trung hạn, đồng thời làm việc với phía Nga để phối hợp trong công tác kiểm nghiệm sản phẩm, phù hợp với các qui định an toàn thực phẩm của Liên bang Nga đối với hàng xuất khẩu của Ecuador.
Tuy nhiên, kẻ được lợi nhiều nhất có lẽ sẽ là Trung Quốc, với lợi thế rất lớn về vị trí địa lý và quan hệ đang ấm lên trong thời gian gần đây. Ngay khi Moscow, Washington và các nước thành viên EU đang chịu tác động tiêu cực từ những đòn tấn công trả đũa lẫn nhau thì Bắc Kinh đã có những bước đi mạnh bạo nhằm chiếm lĩnh thị trường nông sản đầy béo bở tại Nga.
Theo thông tin của trang mạng "Tin tức Trung Quốc" (Trung Quốcnews) ngày 13-08 cho biết, nước này đã bắt đầu trực tiếp bán rau quả vào thị trường Nga, bắt đầu bằng việc công ty thương mại Baorong dự định lập một trung tâm giao dịch đặc biệt ở Đông Ninh, giáp với Viễn Đông của Nga để thúc đẩy hoạt động này.
Hãng tin Itar-tass dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội kinh tế ứng dụng tỉnh Hắc Long Giang, bà Trương Xuân Kiều cho biết, một siêu thị bán buôn rộng 70. 000 m2 và nhà kho 30. 000 m2 được trang bị máy làm lạnh và các thiết bị khác sẽ được lập ra tại khu vực cửa khẩu. Được biết, cuối năm 2014, công ty Dili của Trung Quốc cũng sẽ xây dựng một khu vực mậu dịch xuyên biên giới giống như vậy.
Bà Trương cho biết thêm : "Xuất khẩu trực tiếp rau quả sang thị trường Nga được tập kết tại trung tâm thương mại Đông Ninh, sau đó sẽ được chuyển vào Nga". Thời gian thông quan và kiểm tra lô hàng cũng sẽ được giảm thiểu do đã có hệ thống giám sát bằng video tại kho. Kinh phí xây dựng trung tâm này ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 9,7 triệu USD.
Lệnh cấm vận của Nga và những toan tính chính trị
Hiện nay, lãnh đạo các bộ ngành của Nga còn đang xúc tiến đàm phán với Nam Phi, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Chile, Ecuador, Venezuela, Argentina và hàng loạt nước Châu Á khác về vấn đề giảm thiểu thiệt hại từ lệnh cấm vận của Châu Âu. Đáng chú ý là các nước đó chủ yếu là nằm trong khối BRIcộng sản (chính là 4 nước đầu tiên), hoặc trong SNG và một số nước đối tác trong khối G-20.
Cần phải biết rằng, ngay khi đưa ra lệnh cấm vận trả đũa, ông Putin đã tuyên bố, những hạng mục bị cấm đều đã được "nghiên cứu kỹ" để đảm bảo chỉ gây thiệt hại nhỏ nhất đối với nền kinh tế Nga. Đó cũng chính là nguyên nhân Moscow chỉ cấm trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và chăn nuôi chứ không phải là những lĩnh vực quân sự hay dầu khí hoặc công nghệ cao - trong các lĩnh vực này, rõ ràng Nga còn cần Âu-Mỹ và ngược lại.
Điều này có thể thấy rõ khi Tập đoàn DCNS của Pháp nhất quyết bảo lưu hợp đồng bán tàu đổ bộ trực thăng Mistral cho Nga, còn Rheinmetall của Đức cương quyết phản đối chính phủ chấm dứt hợp đồng xây dựng trung tâm huấn luyện quân sự với Nga hoặc các ông lớn BP của Anh, Exxon
Rõ ràng là dù Liên minh Châu Âu và Washington có cấm vận thế nào đi nữa thì các tập đoàn này vẫn sẽ hợp tác với Moscow vì cả hai bên đều cần đến nhau cho lợi ích phát triển cốt lõi của mình, Nga cũng không dại gì mà đưa ra lệnh cấm vận thêm trong những lĩnh vực này để tự "đập vào chân mình".
Còn về nông nghiệp, các đối tác bạn bè của Nga hoàn toàn có thể thay thế sản phẩm từ Châu Âu, trong khi đó Châu Âu rất khó xuất sang các nước khác. Rõ ràng là Putin đã dự liệu trước những mặt hàng có khả năng thay thế được từ các đồng minh, mà lại gây thiệt hại lớn nhất cho EU và giảm thiểu những hậu quả đến kinh tế của mình.
Trong lệnh cấm vận của Nga, người nông dân Châu Âu - đối tượng "thấp cổ bé họng nhất" trong nền kinh tế EU, không có sự đỡ đầu của các ông trùm tài phiệt, không có hậu thuẫn lớn trong chính trường quốc gia, đã "chết thay" cho các ông lớn trong các lĩnh vực khác.
Rõ ràng là các lệnh cấm vận kinh tế phụ thuộc vào các yếu tố chính trị nhưng cấm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất mới là quan trọng. Trong vấn đề này, có thể nhận thấy là Nga đã có phương châm và chiến lược đúng đắn hơn Mỹ và EU, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu rất khó xoay chuyển được tình thế trong lĩnh vực này.
Cho đến thời điểm này, nguyên tắc "đoàn kết kinh tế" vì mục đích chung của cả Liên minh Châu Âu và Mỹ cũng sẽ gây khó khăn cho Nga nhưng chỉ trong giai đoạn đầu, còn sau khi họ đã ổn định thị trường thì chính các nước thành viên EU, đặc biệt là Đông Âu và Bắc Âu bắt đầu chịu thiệt hại bởi rõ ràng, việc Nga cấm vận Châu Âu sẽ là cơ hội đối với nước khác.
Vấn đề quan trọng nhất là nông dân Châu Âu đã mất đi thị trường truyền thống Nga, trong hai năm 2014 và 2015 họ sẽ phải tìm kiếm những thị trường mới cho những sản phẩm vốn được sản xuất để cung cấp chính cho Moscow. Điều này nhìn thì dễ nhưng trong thực tế thì không hề đơn giản để kiếm được một thị trường lớn và ổn định.
Nhìn từ thực tế xuất khẩu nông, ngư nghiệp của Việt Nam chúng ta cũng thấy những khó khăn của nền kinh tế thị trường. Từ khâu sản xuất đúng quy trình, an toàn vệ sinh thực phẩm cho đến những khúc mắc về vấn đề thuế, bảo hộ mậu dịch của nước sở tại cho đến những biến động của thị trường xuất khẩu…Vì vậy, nông dân Châu Âu sẽ rất khó khăn trong thời gian hai năm tới.
Sau khi lệnh cấm vận này được dỡ bỏ, các nước Châu Âu cũng không còn cơ hội tại thị trường màu mỡ của Nga, bởi khi đó các nước đồng minh và đối tác thân thiết của Nga đã phân chia hết thị trường. Người Nga cũng sẽ hướng tới những thị trường ổn định và có điều kiện chính trị thuận lợi để trách những rủi ro kinh tế phát sinh vì những mâu thuẫn chính trị.
Rõ ràng là Putin đã rất cao tay trong ngón đòn cấm vận các sản phẩm nông sản, thủy sản và chăn nuôi, điểm trúng khâu yếu nhất trong nền kinh tế Châu Âu mà lại ít gây hậu quả đến nền kinh tế của mình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng minh và đối tác "có cơ hội" làm ăn với mình, góp phần xây dựng và củng cố các mối quan hệ đồng minh vững chắc.
Thiên Nam
Theo Đất Việt
Theo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét