Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Nhìn từ biển khi Trung Quốc giương oai



Ngư dân tại Đà Nẵng. Trong một chuyến đi biển dài hai ngày từ cảng này, một chiếc tàu Việt Nam đã gặp đến khoảng 70 tàu Trung Quốc.

Khi chiếc tàu lớn màu trắng của Trung Quốc tiến đền gần, chiếc tuần duyên nhỏ hơn của Việt Nam đã phải dạt ngang, khói đen cuồn cuộn nhả từ ống xả. Chiếc tàu Việt Nam đã tiến đến cách giàn khoan Trung Quốc 13 dặm, và Trung Quốc ngăn cản không cho nó đến gần hơn.
Giàn khoan vẫn còn mịt mờ phía chân trời nhưng chiếc tàu Trung Quốc đang lừng lững phía sau, chiếc tàu tuần duyên Việt Nam CSB-8003 phát ra bản thông báo ghi âm dài hai phút bằng tiếng Trung từ các loa phóng thanh phía sau tàu. Vùng biển này là của Việt Nam, bản thông báo nói, và việc Trung Quốc đặt giàn khoan đã "làm đau lòng người dân Việt Nam."
Khoảng sáu tiếng sau khi cuộc chạm trán ngày 15 tháng Bảy, một trong những đụng độ cuối cùng trong cuộc đối đầu dài hai tháng rưỡi đối với giàn khoan có tên là HD 981, Trung Quốc đã bắt đầu di chuyển nó lên hướng bắc về đảo Hải Nam và ra khỏi vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Ba tuần lễ sau, các nhà phân tích vẫn còn tranh cãi rằng liệu Trung Quốc, đang đối diện với áp lực quốc tế, đã nhượng bộ trong cuộc đối đầu với Việt Nam - hoặc liệu đây chỉ là một thoái lui mang tính chiến thuật trước khi có một chiến dịch cứng rắn hơn.

Các tàu Việt Nam và Trung Quốc gần giàn khoan Trung Quốc.
Trong khi Việt Nam tuyên bố thắng lợi trong việc bắt giàn khoan HD 981 phải dời đi, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, cơ quan quản lý giàn khoan, nói rằng giàn khoan đã hoàn thành công việc thăm dò và ra đi theo kế hoạch.
Việc di chuyển giàn khoan xảy ra trước khi một cơn bão tiến vào khu vực cũng tạo ra nghi vấn là cơn bão có thể đã làm giàn khoan phải dời đi sớm hơn. Nhưng giàn khoan trị giá 1 tỉ Mỹ kim do Tập đoàn Dầu hoả Ngoài khơi Quốc gia của nhà nước Trung Quốc, được chuyển đến một địa điểm cách đảo Hải Nam 60 dặm về hướng đông nam cũng nằm trên đường đi của cơn bão.
Trong khi Cảnh sát Biển Việt Nam ăn mừng việc giàn khoan Trung Quốc di chuyển, một số sĩ quan nói rằng họ lo lắng rằng sự kiện này cho thấy một thái độ hung hãn hơn của Trung Quốc.
"Từ thời điểm mà họ đặt giàn khoan gần vùng đảo, Trung Quốc bắt đầu có nhiều đợt tấn công hơn, bằng lời nói và hành động," Trung tá Trần Văn Thọ thuộc Cảnh sát Biển Việt Nam nói khi ông đứng hút thuốc trên boong tàu CSB-8003. "Vì sao? Vì đấy là một phần của chiến lược kiểm soát vùng biển của Trung Quốc. Đây là bước khởi đầu nhằm thiết lập một căn cứ mới để tiến xa hơn về phía nam. Việc này không chỉ đe doạ Việt Nam mà còn cả Philippines và những nước khác. Việc này được tổ chức một cách có hệ thống như là một phần của chiến lược trên. Nó không phải là một việc ngẫu nhiên."
Lyle J. Goldstein, phó giáo sư Học viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân của Hoa Kỳ nói rằng từ lâu Trung Quốc đã có một quan điểm cứng rắn đối với việc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, nhưng giờ đây họ có nhiều khả năng hơn để củng cố chúng.
"Điều khác biệt là hiện nay Trung Quốc có khả năng để củng cố và mở rộng một cách cẩn trọng hơn và có tiền để điều động những chiếc tàu giám sát - theo tôi điều này đang điều khiển tình hình hiện tại," ông nói.
Việt Nam đã mời những nhóm nhà báo nước ngoài đi theo các tàu tuần duyên của họ trong nỗ lực kêu gọi sự quan tâm của quốc tế đối với việc tranh chấp vị trí giàn khoan. Quan sát từ chiếc CSB-8003, số lượng vượt trội của các tàu Trung Quốc thật rõ rệt.
Trên chuyến đi dài hai ngày từ Đà Nẵng miền trung Việt Nam, chiếc CSB-8003 đã gặp khoảng 70 tàu Trung Quốc, bao gồm tàu đánh cá, tàu giám sát của Tuần duyên, tàu hải giám của các cơ quan Hải dương Trung Quốc và hai chiếc tàu mà Cảnh sát Biển Việt Nam nhận diện là tàu hộ tống trang bị tên lửa của Hải quân Trung Quốc.
Việt Nam nói rằng có từ bốn đến sáu tàu quân sự Trung Quốc trong số hơn 100 tàu đang tuần tiễu chung quanh giàn khoan, cùng với lực lượng Tuần duyên, các cơ quan hàng hải và hàng chục tàu đánh cá.
Chỉ hai năm trước, nhiều nhà quan sát cho rằng chính sách của Trung Quốc về biển Đông bị tràn ngập bởi hàng loạt các cơ quan phối hợp thiếu chặt chẽ.
Nhưng một số cuộc đụng độ đã cho thấy khả năng tổ chức của họ, ví dụ như khi các tàu Trung Quốc quấy nhiễu chiếc tàu do thám Impeccable của Hoa Kỳ tại biển Đông vào năm 2009. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng ngành Hải quân, cơ quan Hải giám, Cục Ngư chính, chính quyền địa phương và các công ty năng lượng nhà nước của Trung Quốc hoạt động với tính tự quản cao đã làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực khi chúng muốn tăng cường ảnh hưởng và cơ hội cho mình.
Cuộc đối đầu về giàn khoan cho thấy mọi việc đã thay đổi. "Quan điểm cho rằng Trung Quốc thiếu một chính sách mạch lạc thì rõ ràng không nằm trong sự kiện giàn khoan," Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. "Sự kiện này cho thấy sự điều phối liên cơ quan với mức độ cao bao gồm các cơ quan hàng hải dân sự, Quân đội Giải phóng Nhân dân và các công ty khai thác dầu."
Những nỗ lực nhằm tạo sự thông suốt giữa các cơ quan giám sát hàng hải của Trung Quốc đã có tiến bộ rõ rệt trong năm ngoái khi bốn bộ phận này sát nhập dưới quyền cơ quan Quản lý Đại dương Nhà nước để tạo thành một bộ phần Tuần duyên chung.
Việt đặt giàn khoan cho thấy quyết tâm đẩy mạnh đòi hỏi chủ quyền hàng hải của giới lãnh đạo Trung Quốc, ông Storey nói. "Rõ ràng nó đã được cấp lãnh đạo cao nhất trong chính quyền cho phép," ông nói. "Đây là một dấu hiệu mới cho thấy Tập Cận Bình đã rất nhanh chóng củng cố quyền lực tại Trung Quốc và đang điều khiển mọi việc."
Các công ty năng lượng Trung Quốc đã từ bỏ các kế hoạch thăm dò dầu khí trên biển Đông sau khi Việt Nam phản đối vào năm 1994 và 2009. Giờ đây họ không còn ngần ngại. HD 981 nên được xem là khởi điểm cho việc thăm dò dầu khí trong tương lai, Su Xiaohui, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. "Trung Quốc đang phát đi một tín hiệu đến các quốc gia liên quan rằng việc Trung Quốc tiến hành thăm dò và khai thác năng lượng trên biển Đông là hợp pháp và tự nhiên," Bà Su nói.
Việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan đã khiến Việt Nam bị bất ngờ và đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình và bạo động nhắm vào các nhà máy do Trung Quốc làm chủ tại Việt Nam. Các nhà máy của Đài Loan, Nhật, Nam Hàn và Singapore cũng bị tấn công. Bốn công nhân Trung Quốc tại nhà máy thép Formosa Plastics của Đài Loan đã bị những người bạo loạn giết chết vào tháng Năm.
Ban đầu giàn khoan được đặt khoảng 120 dặm bên ngoài bờ biển Việt Nam và cách hòn đảo xa nhất về hướng tây nam của quần đảo Hoàng Sa 17 dặm, quân đảo này do Trung Quốc chiếm giữ nhưng Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Cả hai bên cáo buộc nhau về việc ai là kẻ xâm lấn trong cuộc đối đầu về giàn khoan. Hôm tháng Sáu, Trung Quốc nói rằng hơn một tháng đầu khi giàn khoan hoạt động, các tàu Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc 1.400 lần. Nhưng dường như Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề hơn qua những cuộc chạm trán trên biển, với hơn 30 chiếc tàu bị hư hại vì va chạm trong cùng thời gian.
Vụ va chạm nặng nề nhất xảy ra vào ngày 26 tháng Năm, khi một chiếc thuyền đánh cá Việt Nam bị chìm sau khi đụng độ với một tàu đánh cá Trung Quốc. Phim ảnh được Việt Nam phổ biến sau đó cho thấy chiếc tàu Trung Quốc lớn hơn rất nhiều đã đâm vào chiếc tàu gỗ của Việt Nam.
Việc di chuyển giàn khoan đi xa hơn về hướng bắc sẽ giúp giảm thiểu mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng các vấn đề rộng hơn về chủ quyền trên biển Đông và ai là người có quyền khai thác dầu khí trong khu vực vẫn còn lâu mới giải quyết được.
Tại hội nghị giữa các nhà ngoại giao cấp cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hôm thứ Bảy ở Miến Điện, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đã lặp lại lời đề nghị của Hoa Kỳ rằng các quốc gia trong khu vực nên kềm chế không đi thêm bước nữa làm căng thẳng thêm tình hình trong khu vực biển Đông. "Chúng ta cần làm việc chung để kềm chế căng thẳng trên biển Đông, và kềm chế chúng một cách hoà bình, và kềm chế chúng trên căn bản của luật pháp quốc tế," Ông Kerry nói tại diễn đàn khu vực ASEAN.
Trung Quốc nói rằng sẽ cân nhắc các đề xuất nhằm giải quyết các tranh chấp, nhưng cũng nói rằng Trung Quốc và các nước ASEAN "có khả năng và trí tuệ để cùng nhau bảo vệ hoà bình và ổn định trên biển Đông," Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói, theo tuyên bố đăng trên trang mạng Bộ Ngoại giao. Bản tuyên bố không nhắc đến Hoa Kỳ, nhưng trong quá khứ Trung Quốc từng chỉ trích Washington chuyên dính líu đến các tranh chấp hàng hải giữa họ với các quốc gia khác. Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền những phần của biển Đông.
Tháng trước Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ đặt thêm bốn giàn khoan trên biển Đông, và việc Việt Nam không thể ngăn cản được giàn khoan HD 981 chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tự tin hơn vào khả năng khai thác tại những địa điểm bị tranh chấp. "Tôi cho rằng Trung Quốc cảm thấy họ đã bày tỏ được quan điểm của mình," Bernard D. Cole, một sĩ quan về hưu của Hải quân Hoa Kỳ và giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân nói. "Tôi không lấy làm ngạc nhiên nếu thấy họ lặp lại lần nữa."
Diên Vỹ chuyển ngữ
Với sự đóng góp của Bree Feng từ Bắc Kinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét