Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Việt Nam tiếp tục đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc?

“…các lực lượng chính trị dân chủ đối lập tại Việt Nam vẫn quá yếu do thiếu sự ủng hộ và quan tâm của người dân. Chính vì sự yếu kém của các tổ chức chính trị đối lập nên phong trào dân chủ cùng với người dân Việt Nam đã trở thành những kẻ đứng bên lề mọi sự kiện quan trọng của đất nước…” - @ Việt Hoàng


sangtronghungdung03
Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 khỏi lãnh hải Việt Nam thì tình hình chính trị tại Việt Nam đã có những dấu hiệu thay đổi trong quan hệ với Mỹ. Mới nhất là việc ông Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị thăm Hoa Kỳ và sau đó Thượng nghị sĩ John McCain thăm Việt Nam với đề nghị nới lỏng việc bán vũ khí cho Việt Nam, hiệp ước TPP cũng có nhiều triển vọng sớm được thông qua…
Nhiều ý kiến bình luận và đoán già đoán non về các chuyến viếng thăm này, điều đáng buồn và đáng nói nhất ở đây là chính quyền Việt Nam rất thiếu tính minh bạch và tính giải trình. Họ hành xử hoàn toàn tự ý và không xem dư luận người dân Việt Nam ra gì. Người dân Việt Nam không biết chính quyền định làm gì và làm như thế nào? Vì vậy chúng ta đành phải tự đoán lấy. Có lẽ việc chính quyền Việt Nam xích lại gần Mỹ là nhằm mục đích cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 đặt vào sâu trong lãnh hải Việt Nam đã làm chính quyền Việt Nam choáng váng vì sốc. Nạn nhân chính trong vụ HD-981, tất nhiên là lãnh đạo chính quyền Việt Nam. Vì bất ngờ nên đảng cộng sản Việt Nam đã rất lúng túng, họ không biết phải làm gì ngoài một vài câu phát ngôn lấy lệ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan thì họ bắt đầu có những dấu hiệu xích lại với Mỹ. Mục đích duy nhất và xuyên suốt của họ là tiếp tục duy trì sự lãnh đạo cho chế độ. Họ muốn dùng quan hệ với Mỹ để mặc cả với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ hành xử với Việt Nam như thế nào? Trung Quốc vừa xem Việt Nam như là đàn em, vừa như là phên dậu để bảo vệ biên giới phía nam cho Trung Quốc. Họ dùng ý thức hệ cộng sản để buộc chặt Việt Nam vào quĩ đạo của mình.  Nhưng mặt khác Trung Quốc, vì sức ép của những bất ổn bên trong nội bộ như nạn khủng bố Tân Cương và sự đấu đá tranh giành quyền lực của giới lãnh đạo chóp bu dưới chiêu bài chống tham nhũng… nên muốn dùng Việt Nam làm con dê tế thần (cho dư luận Trung Quốc) và độc chiếm Biển Đông, họ đã đem giàn khoan HD-981 đặt sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là một sai lầm nghiêm trọng của Trung Quốc. Việc này đã khiến cho nội bộ lãnh đạo Việt Nam bị bất ngờ và bỗng nhiên đảng cộng sản Việt Nam bị “việt vị” trong mắt người dân Việt Nam. Dù dư luận người dân muốn chính quyền Việt Nam kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế nhưng chính quyền Việt Nam vẫn im lặng và chọn cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc thông qua việc xích lại gần với Hoa Kỳ. Có lẽ Trung Quốc sớm nhận ra sai lầm của mình nên đã rút giàn khoan ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trước một tháng. Mục đích là không để chính quyền Việt Nam bí bách mà làm tới bằng việc kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế. Tuy nhiên, mặc khác Trung Quốc vẫn khăng khăng và lớn tiếng đòi hỏi chủ quyền của mình trên vùng Biển Đông.
Nhân tố thứ ba trong ván cờ này là Mỹ. Tại sao Mỹ lại có dấu hiệu hòa dịu với Việt Nam như vậy? Như chúng tôi đã phân tích trong bài trước “Mỹ sẽ giải quyết Nga và Trung Quốc như thế nào?” 
Trung Quốc và Nga sau hơn 30 năm hợp tác và làm ăn với Mỹ và Phương Tây đã trở nên lớn mạnh. Cùng với sự lớn mạnh đó thì chủ nghĩa dân tộc nước lớn cũng trỗi dậy theo và đang đe dọa hòa bình thế giới. Mỹ dù muốn dù không thì cũng phải đương đầu với hai đế quốc đang lên này. Một mặt Mỹ cùng hợp tác với Châu Âu để đối phó với Nga qua mặt trận Ukraina. Mặt khác nhờ sai lầm của Trung Quốc khi đem giàn khoan HD-981 vào Việt Nam, Mỹ đã nhanh chóng bật đèn xanh cho đồng minh Nhật Bản sửa đổi hiến pháp để quân đội Nhật có thể tham chiến ra bên ngoài lãnh thổ, đồng thời Mỹ cũng nhanh chóng thành lập một liên minh chống Trung Quốc tại châu Á gồm Nhật, Úc, Phi… Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong liên minh này. Toan tính của Mỹ là nếu lôi kéo được Việt Nam vào liên minh thì càng tốt, nếu không thì cũng ném chính quyền Việt Nam vào chảo dầu của dư luận người dân Việt Nam đang sôi sùng sục tinh thần chống Trung Quốc sau sự kiện giàn khoan HD-981. Việc Mỹ đón tiếp ông Phạm Quang Nghị cũng có thể do họ đã quá chán ngán với phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng, nói nhiều nhưng đã không làm gì. Dù với lý do gì đi nữa thì những hành động của Mỹ cũng nhằm mục đích phân hóa Việt Nam và Trung Quốc nhờ sai lầm của vụ HD-981.
Một lần nữa Việt Nam đang đứng trước một thế cờ mới và quan trọng của các cường quốc. Việt Nam sẽ hưởng lợi hay trở thành bãi chiến trường của hai cường quốc Mỹ-Trung? Với tất cả sự lo âu, chúng tôi cho rằng chính quyền Việt Nam không thể có được những quyết định đúng đắn và sáng suốt trước một thế giới đang thay đổi. Đảng cộng sản Việt Nam vốn dĩ không hề có viễn kiến gì nhưng ít ra trước đây họ còn có tinh thần dân tộc. Sau sự sụp đổ của bức tường Berlin và phe xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản đã nhắm mắt ký kết với Trung Quốc hiệp ước Thành Đô gây nhiều bất lợi cho dân tộc. Sau sự kiện này đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn là một hư cấu. Chế độ độc tài đảng trị đã nhường chổ cho chế độ độc tài phe nhóm trị. Phe nhóm đang nắm quyền kiểm soát Việt Nam hiện nay là phe nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng. Xin xem thêm bài “Ai nói đảng cộng sản lãnh đạo?” của tác giả Nguyễn Sơn Bá  
Hành động thức thời và cần thiết nhất trong lúc này này là dân chủ hóa đất nước và tham gia vào liên minh của Mỹ để bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên có đủ lý do để tin rằng phe nhóm lãnh đạo Việt Nam sẽ không làm điều này. Một phe nhóm dù hùng mạnh đến đâu cũng chỉ là một băng đảng và không thể có “tư tưởng chính trị” vì vậy không thể đưa ra các “quyết định chính trị” kịp thời và đúng đắn. Phe nhóm của ông Dũng hiện có quá nhiều lợi ích kính tế và công việc làm ăn kinh doanh trên khắp đất nước Việt Nam. Mọi thay đổi hay xáo trộn đều bất lợi cho công chuyện làm ăn của họ và nhất là khi công chuyện làm ăn của họ phụ thuộc vào Trung Quốc đến 90%. Nên nhớ rằng mọi quyết định chính trị đều cần đến sự dũng cảm và viễn kiến. Một băng đảng cũng như các nhà độc tài đều không thể nào có viễn kiến. Nếu có viễn kiến thì các nhà độc tài đều không đã phải chết một cách tức tưởi như Hít-le, Pôn-pốt, Cau-se-cu, Ga-da-fi, Sadam Hussein… “Viễn kiến” nếu có của phe nhóm đang lãnh đạo Việt Nam thì đó là họ sẽ không xóa bỏ đảng cộng sản mà sẽ “giữ chùa để ăn oản” như các chúa Trịnh thời nhà hậu Lê trước đây.
Phe nhóm lãnh đạo Việt Nam đang đu dây và câu giờ nhằm giữ quyền lực, tuy nhiên tình hình chính trị thế giới sẽ nhanh chóng thay đổi và không cho phép Việt Nam tiếp tục chơi trò đu dây. Trung Quốc sẽ không để yên cho Việt Nam xích lại gần Mỹ. Trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ lấy cớ để trừng phạt Việt Nam vì sự bất ổn bên trong nội bộ của Trung Quốc chỉ có thể tăng lên chứ không thể nào giảm đi. Nếu Việt Nam không đứng vào liên minh của Mỹ thì Mỹ sẽ thúc ép Trung Quốc để Trung Quốc ra tay với Việt Nam. Mỹ đã thành công khi làm cho Nga sa lầy nặng nề và mất hết uy tín tại Ukraina. Sớm muộn gì Nga cũng sẽ thất bại và suy yếu sau sự kiện này. Những tiến bộ và thành quả của nước Nga đạt được sau hơn 20 năm qua đã tan thành mây khói.
Chúng ta rút ra được kết luận gì sau những biến cố trên? Kết luận quan trọng nhất mà người dân Việt Nam cần phải rút ra đó là: các lực lượng chính trị dân chủ đối lập tại Việt Nam vẫn quá yếu do thiếu sự ủng hộ và quan tâm của người dân. Chính vì sự yếu kém của các tổ chức chính trị đối lập nên phong trào dân chủ cùng với người dân Việt Nam đã trở thành những kẻ đứng bên lề mọi sự kiện quan trọng của đất nước. Tất cả mọi chuyện liên quan đến sự tồn vong của dân tộc Việt Nam đều do một nhóm người trong đảng cộng sản định đoạt và thỏa hiệp với các thế lực ngoại bang như Trung Quốc, Mỹ…
Đã đến lúc cần phải thay đổi sự bất công và vô lý này vì đất nước Việt Nam là của toàn thể 90 triệu người dân Việt Nam chứ không phải của riêng của bất cứ một phe nhóm hay đảng phái nào.
Việt Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét