Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Xem lại vụ án "Xét lại chống Đảng".

Chuyên mục "NÓI VỚI NGƯỜI CỘNG SẢN
(ĐLSN)
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Như đã hẹn nhau kỳ trước, hôm nay chúng ta cùng xem lại vụ án "Xét lại chống Đảng".

o0o

Xem lại vụ án "Xét lại chống Đảng"

"Xét lại chống Đảng" chỉ là cái tên dân dã của một vụ án chính trị mà Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam khóa III đặt tên là: "Vụ án chống Đảng theo chủ nghĩa xét lại làm tình báo cho nước ngoài".

Nói đến từ "vụ án" chúng ta luôn hình dung ra vụ việc liên đới tới tội phạm và tình trạng vi phạm pháp luật, nhưng thực chất "vụ án" này, như rất nhiều vụ án chính trị khác dưới chế độ cộng sản Việt Nam, chỉ là một đợt trấn áp, loại bỏ những người bất đồng chính kiến với giới lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam, chỉ có khác trong trường hợp này số người bị bắt lên đến gần 300 người và nhiều người thuộc giới đảng viên cộng sản cao cấp, hoặc những đảng viên, những người đã có quá trình tham gia, cống hiến rất sớm và rất lớn cho cách mạng cộng sản.
Trong danh sách 30 nhân vật hàng đầu bị bắt, bị thanh trừng có: bốn (04) ủy viên trung ương trong đó có một giữ chức ngoại trưởng, một trung tướng thứ trưởng quốc phòng, một thứ trưởng văn hóa, một thứ trưởng nông trang kiêm thiếu tướng, một đại tá cục trưởng cục tình báo quốc phòng, một đại tá chánh văn phòng bộ quốc phòng, một đại tá cục trưởng cục tác chiến bộ quốc phòng, một phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, một phó tổng biên tập báo Hà nội Mới, một phó giám đốc và giám đốc nhà xuất bản Sự thật, một phó tổng biên tập tạp chí Học tập, một phó bí thư thành ủy kiêm phó chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội, một tổng thư ký tòa soạn Quân đội Nhân dân, một viện trưởng viện triết Mác-Lê nin và một cựu vụ trưởng vụ lễ tân bộ ngoại giao, một phó chủ nhiệm ủy ban khoa học nhà nước, có hai bố con và một cặp vợ chồng cùng bị bắt, và nhiều người khác.
Trong số những người bị tống giam, người bị giam cầm lâu nhất là 15 năm, còn trung bình mỗi người bị giam cầm gần 6 năm. Tất nhiên, không ai được đưa ra xét xử.
Đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về động cơ căn bản nằm phía sau việc thanh trừng hàng loạt cán bộ cộng sản cao cấp như vậy. Nhưng có một đặc điểm lớn bao trùm: tuyệt đại đa số những người bị thanh trừng đều có quan điểm không tán thành Nghị quyết 09 của đảng cộng sản Việt Nam lúc đó.

Tháng 12 năm 1963, đảng cộng sản Việt Nam khóa III tiến hành Hội nghị trung ương 09 trong bối cảnh đang xúc tiến công cuộc phá hoại, xâm chiếm Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam và phe cộng sản trên thế giới đang bị chia rẽ sâu sắc vì cuộc đối đầu giữa Liên-xô và Trung Cộng. Nghị quyết 09 của đảng cộng sản Việt Nam đã ấn định xu hướng ngả về Trung Cộng của Mao Trạch Đông và phản đối đường lối "xét lại" chung sống hòa bình với phe tư bản của Liên-xô. Trước tình hình đó, nhiều cán bộ cộng sản đã thể hiện ý kiến bất đồng, phản đối Nghị quyết 09. Những người này cho rằng đi theo Trung Cộng là sai lầm và họ muốn cùng nhau tạo ra một ảnh hưởng để tránh sai lầm cho đảng cộng sản Việt Nam. Đứng đầu nhóm người có quan điểm bất đồng đó là ông Hoàng Minh Chính, Viện trưởng viện Triết học Mác-Lê nin, người đã từng du học Liên-xô và là nhân vật được Trường Chinh giao nhiệm vụ khởi thảo Báo cáo chính trị cho Hội nghị Trung ương 09. Nhưng bản thảo của ông Hoàng Minh Chính, với quan điểm tán thành đường lối "xét lại" của Liên-xô, đã bị lãnh đạo Hội nghị loại bỏ. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Chính vẫn cho phổ biến nội dung bản dự thảo đó, vì ông cho rằng đó là một đường lối đúng đắn có lợi cho đất nước và chính ông đã chứng kiến có tới hơn 70 đảng cộng sản trên tổng số 86 đảng tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản tại Mạc Tư Khoa năm 1960 đã ủng hộ đường lối "xét lại" của Liên-xô.

Cho tới nay phần lớn các tư liệu đã được bạch hóa cho thấy ông Lê Đức Thọ - Trưởng ban Tổ chức Trung ương là nhân vật điều khiển vụ án này. Theo ông Nguyễn Trung Thành, Vụ trưởng vụ Bảo vệ Đảng, người từng là cánh tay phải của Lê Đức Thọ khi đó, cho biết: "Ngay từ 1964, khi phát hiện thấy có những cán bộ không đồng ý với Nghị quyết 9 của Trung ương, các đồng chí Lê Đức Thọ, phụ trách tổ chức, Trần Quốc Hoàn phụ trách Công an đã cho tiến hành điều tra, trinh sát các cán bộ này." Nhưng chúng ta cần lưu ý suốt từ năm 1964 cho tới lúc nổ ra việc bắt giữ hàng loạt vào nửa cuối năm 1967, Hồ Chí Minh vẫn tại vị ở đỉnh cao quyền lực và sức khỏe còn khá tốt.
Thưa quí vị, quí bạn, chúng ta đã được biết phần nào về sự đối xử và điều kiện giam cầm dành cho những người bị bắt trong vụ án "Xét lại chống Đảng" trong chuyên mục trước. Ở đây chúng tôi chỉ xin đọc lại một đoạn thư liên quan đến vụ án này:

"Ông Huỳnh bị bắt đêm 18.10.1967, bị còng tay bằng khóa số 8, khi còng sắt không vừa, công an đã dùng dây thừng trói giật cánh khuỷu ông, một ông già đã về hưu. Hình ảnh đó cho đến chết tôi cũng không thể quên, vì nó tàn bạo và man rợ gấp bội phần so với thời thực dân."
Đó là một đoạn trong lá thư viết năm 1995 của cụ Phạm Thị Tề kể về việc bắt giữ chồng cụ - cụ Vũ Đình Huỳnh, người đã từng làm tới chức Vụ trưởng Vụ Lễ Tân, là bí thư và trợ lý riêng cho Hồ Chí Minh.

... và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn. Tuần tới cũng vào giờ này chúng ta sẽ tiếp tục nói về diễn biến hậu kỳ của biến cố "xét lại chống Đảng" này.




Tiến Văn
10/08/2014

Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi (http://radiodlsn.com/)


  • COMMENT

  • Thu Hien Vu Phạm Thanh NghiênNgười bị giam tới 15 năm là ai vậy? Câu khẳng định này cũng nên tìm hiểu lại qua các tư liệu đương thời: "Nhưng chúng ta cần lưu ý suốt từ năm 1964 cho tới lúc nổ ra việc bắt giữ hàng loạt vào nửa cuối năm 1967, Hồ Chí Minh vẫn tại vị ở đỉnh cao quyền lực và sức khỏe còn khá tốt". Theo chỗ tôi được biết (với tư cách người vào thời gian đó còn đang làm việc ở một tờ báo) thì vào năm 1965 đã có những quan chức cấp cao nói rằng: "Ông Cụ lẫn cẫn rồi, mọi việc nay do anh Ba (Duẩn) và chúng tôi giải quyết". Tôi nói điều này không phải để bênh vực ông HCM, mà để ta có cái nhìn công bằng trước các sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm: kể cả khi đã bị/được đưa ra khỏi quyền lực (bằng hương khói cúng bái và kinh kệ tụng ca), ông vẫn còn có đủ uy tín để phản bác việc làm sai của lũ đàn em, nhưng ông (chắc chắn biết việc xảy ra, tôi biết chắc như thế, có chứng cứ) đã ngoảnh mặt đi.
  • Phạm Thanh Nghiên Thưa bác Thu Hien Vu. Bài này cháu copy từ "Chuyên mục Nói với người cộng sản" của đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi (http://radiodlsn.com/). Đúng là có những chi tiết chỉ người trong cuộc mới thấu tỏ. Cháu sẽ gửi cho đài những chi tiết bác vừa nêu vào hộp thư có trên trang của họ. Cháu cảm ơn bác.
    3 hrs · Like
  • Thu Hien Vu Người viết cần có ý thức về sự trung thực của ngòi bút, nếu không sẽ rơi vào vị trí của một tuyên truyền viên hoặc dư luận viên (theo cách gọi hiện nay), Nghiên ạ. Có không ít người nghĩ rằng cứ nói sao cho vừa tai người nghe ắt thành công. Họ nhầm. Người nghe có thể thích được nghe cái giọng mình muốn nghe một lúc nào đó, nhưng rồi họ sẽ chán khi phát hiện ra họ chẳng nghe được điều gì thật.
    2 hrs · Like · 2
  • Phạm Thanh Nghiên Cháu không biết Tiến Văn (tác giả viết các bài cho mục "Nói với người cộng sản" là ai cả.Hồi cháu mới ra tù, một lần cháu vô tình nghe được chuyên mục này (được phát vào mỗi chủ nhật) và cháu nhạn thấy tác giả này có vốn kiến thức khá uyên bác. Và nhìn thấy cả cái "tâm" của anh (ông, bà ) ta nữa. Có thể một số chi tiết trong một số bài viết chưa được thực sự chính xác có thể do thiếu thông tin cần thiết thôi. Còn về sự trung thực hay những đòi hỏi khác của người cầm bút chân chính, cháu nghĩ người này không thua kém ai bác ạ. Sở dĩ có một số sai sót cũng do cái 'hữu hạn" như thế thôi bác. Đó là vì cháu đã đọc rất nhiều bài của ông/anh/cô ta rồi. Tiéc là cháu chưa có dịp làm quen. Nếu tác giả Tiến Văn đọc được những góp ý của bác, chắc người này sẽ rất vui. Cháu tin thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét