Tekla S. Perry
Tqvn2004 chuyển ngữ
Tqvn2004 chuyển ngữ
Dân Luận xin được đổi gió một chút. Bài viết sau đây giới thiệu với độc giả đôi chút về cha đẻ của iPod và quá trình ông tạo ra iPod. Hi vọng rằng các bạn trẻ Việt Nam có thể học được đôi điều từ những tấm gương "Tư Bản Chủ Nghĩa" như thế này...
Lần ngược trở lại 10 năm về trước. Apple lúc đó đang "chảy máu" tung tóe, nhiều người nghĩ rằng nó sẽ phá sản. Trưởng phòng phát triển phần cứng của Apple, một kỹ sư điện tử 41 tuổi có tên là Jon Rubinstein, đang bận rộn cắt giảm các dự án và nhân sự; đồng thời chuẩn bị cho ra mắt máy tính G3 và iMac. Ông sống ở Palo Alto, bang California, với một con mèo bầu bạn, làm việc 7 ngày một tuần, và tồn tại bằng đồ ăn đặt giao tận văn phòng.
Thế rồi iPod tới.
Năm 2001, trong một chuyến công du tới Nhật Bản, Rubinstein tới thăm Toshiba, ở đó chủ nhà xòe ra khoe một ổ cứng mini 1,8-inch (4,5 cm) mà họ đang phát triển. Họ cho rằng đây là một sản phẩm thú vị, nhưng họ không biết mình có thể làm gì với nó. Liệu Jon có ý tưởng gì chăng?
Bạn chắc đã từng được xem những bộ phim hoạt hình vui nhộn với cái bóng đèn hiện ra trên đầu ai đó, khi người ta có một sáng kiến tuyệt vời? Đó là Jon, đang ngồi tại văn phòng Toshiba. "Tôi bừng tỉnh - Phải rồi, mình biết chính xác phải làm gì với đồ chơi đó!" - ông nhớ lại.
Trước đó 4 tháng, Steve Jobs, sếp của Jon, yêu cầu ông kiểm tra xem thiết kế một máy nghe nhạc riêng cho Apple có khả thi không? "Ông ấy yêu cầu tôi tìm hiểu xem cần những gì để có thể tạo ra nó, và xem tôi có thể làm được hay không", Rubinstein nhớ lại. "Phản ứng đầu tiên của tôi là - 'Này, chúng tôi đã đủ bận rộn rồi, đừng nhồi thêm việc nữa'". Nhưng tất nhiên, đó không phải là điều mà bạn có thể nói với Steve Jobs. Thế nên Rubinstein đã nói "Ok, để tôi xem xem sao." Ông đã tiến hành tìm hiểu và quyết định là máy nghe nhạc vào thời điểm đó là chưa phù hợp với Apple, bởi vì thiết bị sẽ quá to và thô - không bắt mắt khách hàng; hoặc không đủ bộ nhớ để lưu trữ số lượng bài hát mà khách hàng yêu cầu. Ông tống ý tưởng đó vào kho vô thời hạn.
Cho tới khi ông nhìn thấy ổ cứng của Toshiba. Bóng đèn tỏa sáng trên đầu. Và nó đã viết nên trang sử.
Bỗng nhiên, ông bắt đầu thực hiện một dự án phát triển một máy nghe nhạc nhỏ xíu mà sau này được biết tới dưới tên iPod, thiết bị gây ra cuộc cách mạng cho nền công nghiệp âm nhạc, đưa Apple lên danh sách Fortune 200 [danh sách 200 doanh nghiệp thành công nhất thế giới], được các trường kinh tế đưa vào nghiên cứu như một mẫu hình (case-study) về thành công, và sẽ được mô tả trong sách vở hàng thế kỷ kể từ đây.
* * *
Bây giờ, Rubinstein sống ở một tòa nhà chọc trời ở San Fransisco với vợ và 2 con chó (con mèo chết mất rồi). Ông đi tàu hòa đi làm ở Sunnyvale, với chức danh giám đốc điều hành của Palm - một công ty sản xuất điện thoại thông minh (smart-phone), và nhiệm vụ mới là cứu sống nó. Nếu mọi thứ đều tốt đẹp, ông sẽ sớm trở thành người cạnh tranh trực tiếp với sếp cũ của mình - Steve Jobs.
Nhưng không phải mọi thứ đều thay đổi. Rubinstein vẫn đi lại trong nhà bằng đôi chân trần, mua quần jean của mình tại cửa hàng bán lẻ đồ rẻ tiền Mervyns, và vẫn than phiền về giá cả của những đôi giầy chạy tập thể dục. Thu nhập của ông, nhà của ông, và tuổi của ông cho thấy ông phải lái Porsche Carrera hay ít ra cũng là Mercedes SL 550. Nhưng không, ông thậm chí không có xe ôtô riêng. "Dạo này tôi chỉ thích uống rượu loại ngon thôi", ông nói.
Tại Palm, Rubinstein được trông đợi làm điều mà Steve Jobs đã làm cho Apple. Đó là cứu một công ty đã từng bay lượn trên trời cao, nhưng nay đang tuột dốc, bằng những sáng tạo trong sản xuất, đưa nó lại phong độ trước kia. Palm đã tạo ra thị trường điện thoại thông minh bằng sản phẩm Treo của mình, nhưng sau đó thua trong cuộc đua với BlackBerry và gần đây là iPhone. Nhiệm vụ của Rubinstein là đem Palm trở lại cuộc đua. "Palm có khả năng cứu được", Ken Dulaney, một nhà phân tích tại văn phòng San Jose, bang California của Gartner, cho biết. "Họ đã có những sản phẩm tuyệt vời, có điều họ dừng lại ở đó quá lâu. Nhưng tên tuổi của họ người ta đã biết".
Nhưng, Dulaney nói, những sản phẩm kế tiếp đặc biệt quan trọng. "Nếu họ không cho ra đời một sản phẩm tốt, thì đời họ coi như xong". Tin đồn: sản phẩm mới sẽ là một điện thoại lướt web, có khả năng đá đít iPhone và nó sẽ có mặt trên thị trường vào nửa đầu năm 2009.
* * *
Rubinstein nói ông luôn luôn "là con người của sản phẩm". Chỉ có điều, phần cứng mà ông làm việc với mỗi ngày một nhỏ đi. Khởi đầu, vào những năm đầu thập niên 80, sau khi ông tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật từ Cornell, ông làm việc tại Hewlett-Packard, với nhiệm vụ thiết kế các phương thức kiểm tra máy tính để bàn được sản xuất ra ở đây. Sau đó ông giúp thiết kế hệ thống phụ cho máy tính HP 9836. Năm 1986, công ty mới mở Ardent Computer, do Gordon Bell - một huyền thoại trong ngành - lãnh đạo, đã thuê Rubinstein để thiết kế một loại siêu máy tính mới, gọn nhẹ và có giao diện đồ họa.
Thế rồi, năm 1990, Steve Jobs xuất hiện. Jobs muốn Rubinstein giúp mình sản xuất máy để bàn dựa trên tập lệnh rút gọn (reduced-instruction-set) tại NeXT Computer, công ty do Jobs mở ra sau khi ông này rời bỏ Apple. Than ôi, NeXT hết tiền trước khi nó có thể đưa những thứ mà Rubinstein làm ra thị trường.
Với sự giúp đỡ của Jobs, Rubinstein đã lấy một số công nghệ mà ông đang phát triển và mở công ty Firepower System để xây dựng những máy tính cá nhân dựa trên PowerPC (một bộ vi sử lý do Apple–IBM–Motorola hợp tác sản xuất). Thế nhưng, khi IBM chấm dứt sản xuất PowerPC, công ty Firepower System cũng hết việc. Tuy nhiên, ông vẫn kiếm được chút lợi nhuận, bởi sáu tháng sau Motorola mua lại Firepower. Chán nản với trò chơi công nghệ cao, tại tuổi 40 ông quyết định cho mình một kỳ nghỉ dài ngày.
Nhưng đến tháng Một năm 1997, Steve Jobs lại gọi. Jobs đã bán NeXT cho Apple, và muốn Rubinstein trở thành phó giám đốc cao cấp phụ trách phát triển phần cứng. Làm sao Rubinstein có thể nói không trước một kẻ thuyết phục thành thạo như Jobs? Apple đang mất điểm, với doanh số 9,8 tỷ USD năm đó, so với 11 tỷ USD năm trước nữa. Những chiếc Power Macintosh (dòng máy tính của Apple) chạy mệt mỏi trên hệ điều hành System 7 đã 6 năm tuổi, và Apple chỉ chiếm được 3% thị trường máy tính cá nhân, giảm xuống từ 9% năm 1993.
Rubinstein và đám còn lại trong đội điều hành của Jobs đã tái thiết lại văn hóa công ty, cũng như dây chuyền sản xuất, và cả đội ngũ thiết kế. Tới giữa năm 1999, kinh doanh máy tính của Apple đã khỏe mạnh trở lại, mặc dù thị phần vẫn chỉ chiếm 3%, không là cái muỗi gì so với tiềm năng của thị trường máy tính cá nhân.
* * *
Và rồi iTunes xuất hiện. Cuối năm 2000, Apple bất ngờ bị Hewlett-Packard qua mặt bằng việc ra mắt máy tính với ổ ghi CD gắn sẵn trong máy. Apple cần phải nhanh chóng đưa ổ ghi CD vào dòng máy của mình, cũng như phát triển phần mềm hỗ trợ cho nó. Apple mua bản quyền của chương trình chơi MP3 có tên là SoundJam và "mua" luôn cả một trong những người viết ra chương trình này Jeff Robin, vốn dã làm việc cho Apple vào thập niên 90, để làm cho dự án có tên là iTunes. Nhiệm vụ chính của anh này là đưa thêm tính năng đốt CD vào chương trình.
Thế hệ đầu tiên của iTunes đơn giản chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ âm nhạc trong một thư viện, và đốt thư viện đó ra CD. Nhưng nó cũng phải hỗ trợ một vài thiết bị nghe nhạc số trên thị trường lúc đó. Do đó, như một phần của dự án iTunes, kỹ sư của Apple đã mua một số thiết bị nghe nhạc số, bao gồm Nomad của Creative, Rio của Diamond Multimedia, Nike của Philips.
"Những chiếc máy đó thật tệ hại," Rubinstein nhớ lại. "Loại nhỏ dùng bộ nhớ bán dẫn thì chỉ ghi được tối đa 6 bài. Loại dùng ổ cứng thì to và xấu, mất cả ngày trời để nạp bài hát cho nó. Thực sự là khủng khiếp.
Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm cho mình một thiết bị nghe nhạc riêng. Steve nói với tôi 'Hãy tìm hiểu đi'. Chúng tôi muốn làm một thứ tốt hơn tất cả các máy trên thị trường, nhưng chúng tôi lúc đó thực sự đang rất bận".
Rubinstein thành lập một nhóm nhỏ nghiên cứu tính khả thi. Họ so sánh cách công nghệ và đưa ra các ý tưởng, nhưng họ không thấy một "sản phẩm tuyệt hảo" nào cả.
"Tôi liên tục nói với Steve rằng bây giờ chưa phải là lúc", ông nhớ lại. Jobs tin vào bản năng của Rubinstein, và, trái với thường lệ, không thúc giục gì cả.
Tháng 2/2001, Rubinstein đi Nhật Bản trong một chuyến viếng thăm hàng năm các nhà cung cấp phần cứng cho Apple, và thăm quan những công nghệ còn đang phát triển. Đó là một chuyến cưỡi ngựa xem hoa, 7 công ty trong vòng 4 ngày. Gần cuối buổi gặp mặt với các giám đốc điều hành Toshiba, họ cho ông xem một ổ đĩa cứng nhỏ xíu. Trong đầu Rubinstein muốn nhảy cẫng lên, nhưng ông không để lộ ra ngoài. Ông ngay lập tức nhận ra điều kỳ diệu nhỏ xíu đó là mảnh còn thiếu trong bài toán máy chơi nhạc của mình. Gần như tất cả các ổ cứng có trên thị trường lúc đó có đường kính "khổng lồ" 2,5-inch (6,35 cm). Ổ đĩa 1,8-inch này cho phép chứa 5 gigabyte, nhỏ hơn so với 25 gigabyte của ổ 2,5-inch; nhưng thế là đủ để chứa 1000 bài hát với định dạng MP3. Và tuyệt vời hơn là cái ổ nhỏ bé đó dùng năng lượng bằng một nửa ổ 2,5-inch: Khi bật, nó dùng 1,3 watt, so với 2,5 watt của ổ 2,5-inch. Khi tắt, nó chỉ cần 0,05 watt, so với 0,1 watt của ổ 2,5-inch. Nếu thiết kế khéo, lượng tiêu thụ điện năng ít ỏi đó có thể cho phép 10 giờ chơi nhạc liên tục.
"Mọi thứ hiện ra ngay lập tức," Rubinstein nhớ lại. "Tôi đã tới thăm nhà máy sản xuất pin lithium-ion. Tôi biết chính xác loại pin nào mình phải dùng. Tôi cũng đã tới các nhà sản xuất màn hình, và [thấy] kích thước, khả năng hiển thị, và chi phí của màn hình đang được họ phát triển. Tôi thấy mọi thứ đều khả thi". Giá cả của màn hình LCD loại nhỏ đã giảm mạnh, nhờ nhu cầu của ngành công nghiệp điện thoại di động.
Nhưng "yếu tố quan trọng nhất vẫn là ổ cứng", ông nhấn mạnh. "Trước đó tôi chỉ có hai lựa chọn - một thiết bị to đùng hoặc một thiết bị nhỏ mà chỉ lưu được vài bài hát. Không cái nào hợp lý cả. Nhưng khi tôi thấy ổ cứng 1,8-inch đó, tôi đã tự nhủ 'Ok, bây giờ mình biết phải làm gì rồi'".
Nói về đúng thời điểm. Nếu Rubinstein đi thăm Nhật Bản trước đó một tháng, ổ cứng đó chưa sẵn sàng để trình diện; nếu đi muộn hơn, một đối thủ cạnh tranh nào đó đã có thể nắm bắt thời cơ.
Jobs, tình cờ, đang ở Tokyo lúc đó dự hội thảo MacWorld, và Rubinstein không cần đợi tới buổi sáng ở California để thông báo cho ông tin mừng này. Rubinstein gặp Jobs ở khách sạn và nói 8 chữ để khởi động một cuộc cách mạng trong lịch sử sản phẩm tiêu dùng. "Tôi nói, 'Hey, tôi biết làm như thế nào rồi!'. Jobs nói, 'Tốt, tôi sẽ viết cho anh một tấm séc'. Đó là điều anh ta vẫn nói khi chúng tôi bắt đầu một dự án mới." Và điều này có nghĩa là Rubinstein đã được giao nhiệm vụ gom một đội phát triển và bắt đầu vào việc.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét