Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu ACB: Ông Trần Xuân Giá có cố ý làm trái về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng?… Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đến đâu?

TS, Luật sư Dương Mạnh Hùng



Cần nhấn mạnh rằng, từ khi Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực ngày 1/1/2011 đến ngày Ngân hàng ACB chấm dứt hoạt động ủy thác (5/9/2011), chưa có bất cứ quy định hạn chế nào đối với hoạt động ủy thác của các TCTD, nên chủ trương của thường trực Hội đồng Quản trị (HĐQT) ACB đồng ý cho Tổng Giám đốc ACB ủy thác cho cá nhân gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng theo biên bản HĐQT là không trái các quy định pháp luật áp dụng cho cả năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012. Việc không có quy định, không có hướng dẫn kịp thời hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lỗi này do chính NHNN gây ra. Các TCTD và Ngân hàng ACB không có lỗi, không có sai phạm. Về pháp luật, Ngân hàng ACB và các TCTD nếu cần thiết vẫn có quyền khởi kiện ra Tòa án về hành vi hành chính (không kịp thời ban hành các văn bản, gây thiệt hại cho các TCTD…) của NHNN.


Có phải Ngân hàng Nhà nước  “gắp lửa bỏ vào tay… ACB”?

Từ sự phân tích trên cho thấy, NHNN đã có Văn bản số 350 gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an xác nhận: “Việc ACB thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho cá nhân, đại lí khi chưa có hướng dẫn của NHNN là sai quy định tại Điều 106 Luật Các TCTD”. Xác nhận này là việc “gắp lửa bỏ vào tay… ACB” để NHNN trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho ngân hàng thương mại (NHTM) khác khi chính NHNN mới là người phải chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn đúng lúc và kịp thời bằng một thông tư có hiệu lực ở cùng thời điểm Luật Các TCTD bắt đầu có hiệu lực.

Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB không cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế khi kí biên bản họp ngày 22/3/2010 ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng. Biên bản của Thường trực HĐQT ngày 22/3/2010 không vi phạm các quy định pháp luật áp dụng tại thời điểm kí. Việc ACB tiếp tục ủy thác cho cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, trong đó có VietinBank từ ngày Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực (1/1/2011) cho đến thời điểm chấm dứt hoạt động này (5/9/2011) là không trái với các quy định hiện hành của pháp luật…

Trong các số báo trước, người viết cho rằng Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã sai khi áp dụng “nguyên tắc hồi tố” đối với trường hợp của ông Trần Xuân Giá, đồng thời khẳng định Cơ quan Điều tra không thể áp dụng Điều 106 Luật Các TCTD 2010 để làm căn cứ pháp luật quy kết tội đối với trường hợp của ông Giá và các thành viên Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB. Người viết cũng đã chứng minh nội dung biên bản của Thường trực HĐQT ACB ngày 22/3/2010 là phù hợp các quy định của pháp luật áp dụng tại thời điểm kí, vì mấy lẽ: (1) Thực hiện theo đúng quy định của Luật Các TCTD số 07/1997/QH10 ngày 12/12/1997, sửa đổi, bổ sung bằng Luật số 20/2004/QH11 (Luật TCTD 1997); (2) Phù hợp Điều lệ ACB đã được NHNN ra quyết định phê duyệt (Điều lệ của ACB từ năm 2003 đến nay đều được NHNN phê chuẩn tại mọi thời điểm) luôn có điều khoản ACB: “Được quyền ủy thác, nhận ủy thác, làm đại lí trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lí tài sản, vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo hợp đồng ủy thác và đại lí”. (3) Không có thiệt hại nào xảy ra với ACB khi thực hiện chủ trương ủy thác gửi tiền. (4) Chính Thông tư 04 của NHNN đã xác định về tính hợp pháp của việc ủy thác trước khi có Thông tư này. (5) Ngân hàng ACB đã ngừng việc ủy thác trước 8 tháng kể từ ngày Thông tư 04 có hiệu lực.

Điều gì xảy ra trong 17 tháng?

NHNN đã tự cho mình có quyền không thực hiện đúng pháp luật hoặc thực hiện việc ra văn bản hướng dẫn quá chậm trễ, không kịp thời theo quy định của nhiều văn bản luật. Theo quy định tại Điều 8.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (số 17/2008/QH12 ngày 3/5/2008 có hiệu lực thi hành 1/1/2009) thì “Văn bản quy định chi tiết… phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Trong vấn đề này, rõ ràng NHNN đã quá hiểu nội dung của điều luật nêu trên, đã cố ý vi phạm quy định của luật, không ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn để có hiệu lực cùng thời điểm với Điều 106 Luật Các TCTD năm 2010. Nói cách khác, NHNN đã cố ý bỏ trống khung thành “ủy thác”, bỏ đi, không thực hiện việc quản lí Nhà nước trong lĩnh vực ủy thác, không phải chỉ trong 90 phút mà là suốt 17 tháng trời (kể từ 1/1/2011 Luật Các TCTD có hiệu lực – Thông tư 04 có hiệu lực từ 2/5/2012), không hướng dẫn, không quy định, không có thông tư.

 Vậy trong thời gian ấy, các NHTM có được tiến hành các hoạt động ủy thác hay không? Nếu các NHTM không tiến hành hoạt động ủy thác đương nhiên sẽ được tiếng “ngoan” vì không phạm luật, vì biết “nín thở”, cam chịu chờ thông tư mặc dù những ngân hàng này cũng biết làm vậy có khác chi đang đói mà vẫn phải nằm há miệng chờ… thông tư! Về pháp lí thì hậu quả đối với những ngân hàng đó là phải tạm dừng hoạt động ủy thác suốt 17 tháng trời và thiệt hại này phải được các cơ quan chức năng vào cuộc chắc sẽ cho được con số thiệt hại nghiêm trọng đối với các tổ chức tín dụng. Nếu có thiệt hại về vật chất thì chính là do NHNN gây ra vì hành vi cố ý buông lỏng quản lí, cố ý không hướng dẫn, cố ý không quy định cụ thể về ủy thác trong một thời gian rất dài làm cho nhiều NHTM phải đình trệ hoạt động này. Ngược lại, NHTM nào không muốn cảnh “há miệng chờ sung”, lại cứ thực hiện ủy thác như ACB, thì đương nhiên bị coi là sai luật và các ngân hàng đó cũng sẽ phải nhận thêm không phải 1 mà là 1001 văn bản loại VB 350 nêu trên để rồi cũng bị quy chụp là sai luật, cố ý làm trái như ACB.

Từ đó, không ít ý kiến cho rằng chỉ cần NHNN làm đúng quy định của pháp luật, có văn bản hướng dẫn kịp thời đúng với thời hiệu theo luật định thì chắc chắn Ngân hàng ACB cũng như các TCTD khác sẽ không phải rơi vào cảnh dở khóc, dở cười, làm thì bị coi là phạm tội, không làm thì lại thiệt hại về kinh tế bội phần. Nếu Thông tư 04 có ngay cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Các TCTD thì chắc chắn không còn nguyên cớ gì để kết tội ông Trần Xuân Giá và các cộng sự của ông.

Nhân vụ việc này mới thấy sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm của NHNN trong việc thực thi pháp luật. Cho đến nay Luật Các TCTD năm 2010 đã có hiệu lực thi hành gần 3 năm mà người dân không biết sẽ có bao nhiêu thông tư liên bộ hay thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ sẽ được ban hành mà chỉ thấy thỉnh thoảng có thông tư ra đời nói là để thực hiện Luật Các TCTD năm 2010. Tương tự, Luật Ngân hàng cũng có những điều luật giao cho NHNN quy định, hướng dẫn nhưng đến nay nhiều nội dung vẫn chưa được NHNN quy định.

Tội cố ý làm trái được quy định rất rõ trong Bộ luật Hình sự, nhưng thực tế điều tra cũng cho thấy khởi tố ai đó về tội danh này cũng còn nhiều vấn đề phức tạp, tế nhị, đôi khi lại rất nhạy cảm nên loại tội này thường ít gặp hơn trong Tố tụng Hình sự. NHNN đã biết rất rõ trách nhiệm theo Luật định phải ra văn bản quy định, hướng dẫn mà ngược lại đã không có văn bản hướng dẫn kịp thời, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, làm các TCTD bị thiệt hại, nghiêm trọng, thì đó là dấu hiệu vi phạm ở mức độ nào?…

Hiện tại, chưa rõ các cơ quan tố tụng hình sự đã xác định NHNN có vai trò tố tụng trong vụ án này không? Nếu có thì NHNN ở vai trò gì khi là người tham gia tố tụng?

Cần có sự điều tra, làm rõ để xác định nhiều vấn đề có liên quan đến vụ án, liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, trách nhiệm đối với thiệt hại v.v… như có bao nhiêu TCTD đã ngừng việc ủy thác, ngừng nhận việc ủy thác, hậu quả thiệt hại của việc này; có bao nhiêu TCTD vẫn cứ tiến hành việc ủy thác, nhận ủy thác khi chưa có Thông tư 04; thực tế do nguyên nhân gì, do ai mà suốt 17 tháng NHNN mới có thông tư hướng dẫn khi NHNN là cơ quan quản lí Nhà nước về chuyên ngành cao nhất, lớn nhất?…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét