Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Nhân ngày Nhà giáo VN 20.11

Song Chi
Chia sẻ bài viết này


Không có mấy quốc gia trên thế giới này có hẳn một ngày để vinh danh nghề giáo như nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN với ngày 20.11 hàng năm (cho dù, xuất phát là từ ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” của các tổ chức, công đoàn cách mạng, các nước trong khối XHCN cũ trước đây, dần dần chính thức trở thành Ngày Nhà giáo VN). Nhưng VN, từ trong truyền thống văn hóa lâu đời, đã là một dân tộc trọng người thầy: “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Tất nhiên, nếu xã hội chỉ vinh danh bằng những lời nói, cho dù bằng cả những bó hoa hồng đỏ thắm trong ngày lễ của thầy cô giáo thì vẫn là chưa đủ, bởi cuộc sống buộc con người phải thực tế hơn nhiều và nhà giáo thì cũng phải ăn, phải sống.
Khi đồng lương dành cho giáo viên ở nước ta vẫn thuộc loại thấp so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội, càng “teo tóp” hơn khi lạm phát phi mã, xăng dầu điện nước, giá cả sinh hoạt cái gì cũng tăng, khiến đời sống các thầy cô chật vật hơn. Phần lớn giáo viên, giáo sư phải dạy thêm, làm thêm những công việc khác để tăng thêm thu nhập.
Cuộc sống nhiều vất vả lo toan, cộng thêm áp lực trong công việc do bệnh thành tích khá nặng nề của ngành giáo dục nói chung, khiến nhiều thầy cô thường xuyên phải đến lớp và giảng dạy trong tâm trạng mệt mỏi, nhiều ức chế.
Trong khi đó, có những quốc gia chẳng cần phải có một ngày để tôn vinh thầy cô giáo nhưng bằng chế độ lương bổng công bằng, xứng đáng, đã chứng tỏ sự ghi nhận công lao của giáo viên và ý nghĩa của nghề giáo. Bên cạnh đó, xã hội và ngành giáo dục còn có rất nhiều cách biểu lộ sự tôn trọng giáo viên như không đánh giá, xếp hạng giáo viên, không có những cuộc thi sát hạch giáo viên, ngược lại, cho phép thầy cô được tự do chọn lựa giáo trình, phương pháp giảng dạy sao cho tốt nhất…
Và những chính sách đó đã tạo ra những trái ngọt mà ai cũng có thể thấy.
Phần Lan chẳng hạn, là một ví dụ. Nghề giáo ở nước này được lãnh lương khá cao, tuy không phải cao nhất nhưng là nghề được tôn trọng nhất trong xã hội. Giáo viên, cho dù là giáo viên mẫu giáo, tiểu học, trung học hay đại học, đều được đào tạo theo một chương trình chất lượng cao. Giáo viên tiểu học, trung học cho tới giáo sư đại học được tự do chọn lựa giáo trình, phương pháp giảng dạy…
Đáng nói hơn, học sinh trong suốt những năm học phổ thông không hề phải trải qua những cuộc thi cử, xếp hạng, đánh giá, so sánh giữa các học sinh với nhau hay giữa lớp này, trường này với lớp khác, trường khác. Chẳng phải chạy theo những con số thành tích nào cả nhưng trách nhiệm cao nhất thuộc về người thầy. Thầy cô và cả học sinh do đó, không phải những chịu sức ép “vớ vẩn” từ bên ngoài, ngoại trừ niềm đam mê dạy và học.
Không có trường chuyên, lớp chuyên, trường điểm, trường chất lượng cao với học phí cao hơn, không có trường này tốt hơn trường kia. Học là để có kiến thức chứ không phải để có điểm cao hơn người khác, không phải để đi thi hay có bằng cấp.
Kết quả là giáo dục Phần Lan nhiều năm nay thường đứng đầu các bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu, trong các bài đánh giá học sinh quốc tế tại các kỳ thi PISA (Programme for International Student Assessment), học sinh Phần Lan luôn luôn đạt thành tích rất cao, khiến cả thế giới ngạc nhiên.
Nhìn lại các thầy cô và học sinh của chúng ta mà ngậm ngùi, dễ hiểu tại sao với một nền giáo dục tệ hại, bị chệch hướng ngay từ mục tiêu đào tạo như vậy thì làm sao có được thầy tốt, trò giỏi thật sự?
Mặt khác, nếu chúng ta thông cảm với những nỗi khổ tâm của thầy cô giáo thì chúng ta phải thông cảm, thương cảm hơn gấp ba đối với học sinh VN. Bởi như người ta thường nói, con hư tại cha mẹ, học trò hư tại thầy, dù sao, thầy cô phải chịu trách nhiệm về chính những “sản phẩm giáo dục” mà mình góp phần đào tạo nên.
Trong một xã hội bát nháo, mọi giá trị đạo đức đều sa sút, niềm tin vào con người, vào luật pháp, vào sự công bằng, cái thiện, lòng tốt, sự tử tế…bị phá nát, con người biết dựa vào đâu, tin vào đâu. Chỉ còn lại gia đình và nhà trường là nơi trú ẩn. Đặc biệt đối với những tâm hồn trẻ thơ. Chính nhà trường, thầy cô phải ý thức điều này. Xã hội càng tồi tệ thì vai trò của gia đình và nhà trường càng thêm nặng nề.
Thế nhưng thời gian qua chúng ta lại phải chứng kiến hoặc đọc, nghe thấy những cách hành xử vô cảm, thiếu tính nhân văn, phản sư phạm, phản giáo dục… diễn ra khá nhiều trong môi trường giáo dục. Xã hội VN dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản là một xã hội thiếu lòng tôn trọng con người. Nạn vi phạm nhân quyền diễn ra nhan nhản khắp nơi, nên nhiều khi thầy cô cũng vi phạm nhân quyền, xúc phạm học trò mà không ý thức hết hậu quả.
Đã có những trường hợp cô giáo chửi học sinh không ra gì, bị học sinh ghi âm đưa lên mạng, người nghe được cũng phải sốc vì ngôn ngữ của cô.
Đã có những thầy cô dùng những lời lẽ nặng nề xúc phạm các em, hay có những lời phê rất phản giáo dục trong bài làm, bài kiểm tra của các em. Một số thầy cô có những biện pháp trừng phạt học sinh rất lạ lùng, phản sư phạm như đánh, bắt học trò nuốt phấn, liếm ghế, bắt em này tát em kia…
Đã có những trường hợp học sinh nhảy lầu, treo cổ, hoặc uống thuốc rầy tự tử vì bị thầy cô chửi mắng, xúc phạm.
Có những vụ nhà trường ứng xử vô cảm, thiếu lòng nhân bản với học sinh. Như một trường mầm non ở Hà Nội, thu 40.000 đồng/học sinh để tổ chức cho các em xem xiếc, em nào không đóng bị buộc phải ngồi trong lớp với lý lẽ “để công bằng cho các em đã đóng tiền” (“Bốn chục ngàn xem xiếc và tiếng khóc trẻ thơ”, VietnamNet). Vì cha mẹ chậm đóng tiền, một học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học TP.HCM bị cắt suất ăn trưa, phải ra đứng bơ vơ một mình trước cổng trường đóng kín trong khi các bạn khác đang giờ ăn… (“Đồng tiền có mùi gì”, Lao Động), hay tại một trường mầm non ở Thanh Hóa “Phụ huynh không đóng tiền “tạm thu”, học sinh không được đến lớp?” (Dân trí)…
Và còn nữa, thầy giáo cắt dép học sinh vì không mang giày theo quy định của nhà trường (“Tịch thu, cắt dép của học trò nghèo”, Người Lao Động), cô giáo bị mất tiền nghi học trò lấy nên nhà trường đã giao em học sinh này, mới học lớp 2, cho công an, cả cậu anh trai đang học lớp 5 cũng bị đưa đi theo để động viên em trả lại tiền. Mãi đến chiều em học sinh này mới được thả sau khi cô giáo phát hiện tiền vẫn còn trong giỏ của mình! (“Nghi mất tiền, trường giao học sinh lớp 2…cho công an”, Dân Trí) v.v…
Đó là chưa kể những vụ học sinh bị chính thầy giáo cưỡng dâm hay hiệu trưởng mua dâm học trò, những chuyện này quá đau lòng, quá xấu hổ, và cũng chỉ là thiểu số. Điều đang đề cập đến trong bài này, phổ biến hơn, là những thái độ thiếu tôn trọng trẻ em, thiếu lòng nhân ái, thiếu cả sự hiểu biết nữa…của nhà trường, thầy cô đối với học sinh.
Nếp nghĩ, nếp sống, lối tư duy thiếu tình người đang tràn lan trong xã hội rõ ràng đã ảnh hưởng đến cả môi trường giáo dục. Những cách hành xử vô cảm, có phần lạnh lùng, tàn nhẫn ấy sẽ làm cho các em bị tổn thương sâu sắc, thành những vết sẹo trong tâm hồn, ký ức, nhiều năm sau trong cuộc đời các em cũng vẫn sẽ nhớ đến.
Nhân ngày nhà giáo, chỉ mong xã hội, thay vì cứ tôn vinh thầy cô đúng một ngày với những lời chúc hoa mỹ, những bó hoa, hãy cùng nhau lên tiếng, gây sức ép mạnh mẽ hơn để nhà cầm quyền phải có những chính sách thay đổi toàn diện về giáo dục, thay đổi bắt đầu từ triết lý giáo dục, mục tiêu đào tạo trở đi… Trước mắt tăng lương cho giáo viên, giảm bớt sức ép thành tích lên thầy cô và học trò, tăng thêm lòng tôn trọng với thầy cô thì chất lượng giáo dục sẽ đỡ hơn phần nào.
Và điều thứ hai muốn nhắn gửi các thầy cô giáo, hãy yêu thương, tôn trọng học sinh. Xã hội đã có quá nhiều những sức ép vô lý, những cách hành xử vô cảm, tước đoạt đi phần lớn sự tự do, độc lập của con người, các thầy cô, trong phạm vi nhỏ bé và bẳng tất cả lương tâm của mình, hãy đừng chất thêm lên các em sự bất công, không tử tế nữa. Đừng trút những nỗi bức xúc ngoài xã hội, cuộc sống lên đầu các em.
Nhà trường, cùng với gia đình, hãy là hai nơi trú ẩn cuối cùng cho tâm hồn các em trong xã hội VN hiện tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét