Ngô Nhân Dụng
Bài trước trong mục này đã trích dẫn nhiều câu của ông Bùi Quang Vinh, nói với các đại biểu Quốc hội. Ông bộ trưởng bộ Kế hoạch và Ðầu tư nói thẳng rằng số đầu tư đang xuống thê thảm. Ông Bùi Quang Vinh công nhận: Phải thay đổi thể chế tất cả nền kinh tế, thay đổi triệt để.
Ông Bùi Quang Vinh nói, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Nhưng bây giờ rạch ròi ra, thị trường là thế nào và định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào?” Ông nêu ra thí dụ cụ thể trong ngành sản xuất điện; nó không theo thị trường, mà cũng không theo định hướng xã hội chủ nghĩa! Ông báo cáo rằng ở các nước tiên tiến tư nhân đóng vai chính trong việc đầu tư vào ngành sản xuất điện, một thứ mà người dân nào cũng tiêu thụ. Ở Việt Nam, nhà nước nắm vai trò quyết định, để “sản xuất ra một sản phẩm bán dưới giá thành.” Tức là hoàn toàn phản lại quy tắc kinh tế thị trường.
Vậy chính sách đó có theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa hay không? Ông Vinh lại vạch ra: Nó chỉ giúp cho các nhà tư bản bỏ tiền làm các nhà máy xi măng và thép. Họ chỉ cần hưởng giá điện rẻ cũng đủ kiếm lời rồi. Tức là các nhà tư bản được công quỹ trợ cấp dưới hình thức giá điện rẻ, mà công quỹ là tiền của toàn dân chứ không phải của riêng ông nhà nước. Ông nhà nước lấy tiền của dân nghèo trợ cấp cho giới tư bản. Ông Bùi Quang Vinh hỏi: “Vậy xã hội chủ nghĩa ở đâu?” Ông Vinh còn nhìn sang nước Mỹ, nói thêm: “Không phải chỉ có chúng ta xã hội chủ nghĩa mới lo cho dân. Thằng (sic) Obama nó (đưa ra) chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho dân nghèo. Ðấy người ta lo cho dân nghèo như vậy, đâu chỉ có mình lo cho dân nghèo.”
Cho nên, đây là lời ông Vinh: “Chúng ta phải đổi mới căn bản, triệt để thể chế kinh tế của chúng ta.” Ông cũng nói việc đổi mới thể chế cần làm gì: “Phải nói rằng chúng ta phải (theo đúng) kinh tế thị trường, phải thị trường hơn nữa.”
Phải công nhận ông Bùi Quang Vinh là một người sáng dạ. Ông được phong làm bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư mặc dù không được huấn luyện ngày nào về môn kinh tế học. Ông xuất thân là sinh viên trồng cây ở trường Ðại học Nông nghiệp.
Lớn lên, chỉ làm công tác thực tế tại nông trường quốc doanh Phong Hải, tỉnh Hoàng Liên Sơn, từ chức đội trưởng sản xuất lên tới giám đốc nông trường; hoàn toàn sống trong lề lối kinh tế chỉ huy. Ông có đi học hai năm ở Học viện Quản lý Kinh tế Nông nghiệp cao cấp Mátxcơva, Liên Xô trước năm 1984. Nhưng ai cũng biết thời đó người ta dạy quản lý hoàn toàn theo lối cộng sản, bây giờ là thứ kiến thức hoàn toàn vô ích. Vậy mà, mới hai năm, leo từ chức bí thư Tỉnh ủy Lào Cai lên làm bộ trưởng lo làm kế hoạch cho cả nước Việt Nam, ông Bùi Quang Vinh đã biết nói những câu rất sáng. Ông Vinh lập đi lập lại mấy lần: “Phải tiếp tục thị trường hóa, thị trường một cách mạnh mẽ.” Phải công nhận ông Vinh đã học rất nhanh, đã nhìn rất đúng: Phải thị trường hóa nền kinh tế.
Câu hỏi kế tiếp là muốn “thị trường hóa” thì phải làm gì?
Ðến đây thì chúng ta không thấy ông Bùi Quang Vinh nói đến giải pháp “thị trường hóa” nào cả. Ðiều đáng lo ngại là chính ông Vinh và những người cùng ngồi trong chính phủ với ông thực sự họ không biết muốn thị trường hóa phải làm gì. Ông biết rằng kinh tế thị trường có thể “tạo ra môi trường cho tất cả mọi thành phần kinh tế để người ta có điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tất cả những gì trong khả năng người ta có thể làm được... cho đất nước phát triển.”
Nhưng muốn tạo ra thứ môi trường tốt như thế, chúng ta phải làm gì? Ông Vinh có thể biết, nhưng không nói một tiếng nào cả. Muốn biết “thị trường hóa” phải làm gì, chỉ cần nhìn qua các nước cộng sản cũ ở Ðông Âu coi người ta đã làm gì.
Phải tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh. Phải sửa luật lệ cho các doanh nghiệp tư được đối xử ngang hàng với doanh nghiệp nhà nước. Phải tôn trọng luật pháp. Các luật lệ và chính sách kinh tế phải công khai, minh bạch, và giản dị hóa để chính quyền từ trung ương tới địa phương không tạo ra những hàng rào ngăn cản các doanh nhân tư rồi đòi hối lộ. Phải tư nhân hóa cả hệ thống tài chánh, ngân hàng. Ở các nước Ðông Âu, nước nào thay đổi được môi trường kinh tế nhanh chóng nhất, toàn diện và đồng nhịp với nhau nhất, cũng là những nước kinh tế tiến bộ sớm nhất. Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng bắt đầu thị trường hóa mạnh hơn trong việc phân bố tài sản, vốn liếng của nước ông. Và ông ta cũng nói ngay đến việc trao quyền làm chủ ruộng đất về cho nông dân, cho các ngân hàng cạnh tranh trong việc định lãi suất, khuyến khích các ngân hàng tư để giảm bớt tầm quan trọng của các ngân hàng công do các cán bộ điều khiển, vân vân.
Phải tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh. Phải sửa luật lệ cho các doanh nghiệp tư được đối xử ngang hàng với doanh nghiệp nhà nước. Phải tôn trọng luật pháp. Các luật lệ và chính sách kinh tế phải công khai, minh bạch, và giản dị hóa để chính quyền từ trung ương tới địa phương không tạo ra những hàng rào ngăn cản các doanh nhân tư rồi đòi hối lộ. Phải tư nhân hóa cả hệ thống tài chánh, ngân hàng. Ở các nước Ðông Âu, nước nào thay đổi được môi trường kinh tế nhanh chóng nhất, toàn diện và đồng nhịp với nhau nhất, cũng là những nước kinh tế tiến bộ sớm nhất. Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng bắt đầu thị trường hóa mạnh hơn trong việc phân bố tài sản, vốn liếng của nước ông. Và ông ta cũng nói ngay đến việc trao quyền làm chủ ruộng đất về cho nông dân, cho các ngân hàng cạnh tranh trong việc định lãi suất, khuyến khích các ngân hàng tư để giảm bớt tầm quan trọng của các ngân hàng công do các cán bộ điều khiển, vân vân.
Những người ngồi trong các ghế lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam họ có biết những điều này hay không? Chắc hẳn là họ có đọc báo. Nhưng tại sao họ không làm gì cả? Bởi vì họ đang được hưởng lợi trong tình trạng không thay đổi. Khi nào cần lắm, “không đổi mới thì chết;” thì họ cũng chỉ thay đổi chút ít. Ðang được hưởng các quyền lợi, ai muốn thay đổi? Bảo họ nhúc nhích, động đậy một chút, thì câu hỏi đầu tiên họ sẽ đặt ra là: Có lợi gì không? Nói rõ hơn: Có lợi gì cho bản thân tôi không?
Bùi Quang Vinh xuất thân là một cán bộ nông trường, rồi leo lên làm giám đốc một nông trường quốc doanh. Quyền lợi của ông ta khác hẳn quyền lợi của giới kinh doanh tư. Ngay tại Trung Quốc, một nước mới cải tổ kinh tế nửa vời, người ta cũng biết rằng cả nền kinh tế phát triển được là nhờ các nhà tư doanh. Nếu không có các tư nhân hoạt động năng nổ thì không có phép lạ kinh tế nào cả. Nhưng giới lãnh đạo cộng sản vẫn luôn luôn kỳ thị, chèn ép giới kinh doanh tư, ở bên Tàu cũng như ở nước ta. Chính sách của nhà nước cộng sản trước sau như một vẫn là nuôi béo các xí nghiệp quốc doanh.
Hiện ở Việt Nam các doanh nghiệp nhà nước được quyền sử dụng 70% số vốn đầu tư của xã hội, chiếm 70% số vốn ngoại quốc cho vay với lãi suất thấp, nhưng họ chỉ đóng góp 38% vào Sản lượng Quốc gia (GDP). Nói giản dị, các doanh nghiệp nhà nước cứ nhận được 70 đồng thì sản xuất ra thêm được 38 đồng. Cái vốn chung của cả nước bị lỗ mất 32 đồng! Khi nói một phần ba các doanh nghiệp nhà nước lỗ lã, người ta tưởng chỉ có họ bị lỗ thôi, không liên can gì đến người dân hết. Nhưng sự thật là tất cả mọi người dân trong nước lỗ, mất tiền, mất gần một nửa số tiền đóng góp cho nhà nước! Tại sao chính sách đảng Cộng sản vẫn cứ bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước như vậy? Lý do vì dân chúng cả nước bị lỗ nhưng các cán bộ, các quan chức lại kiếm lời, lời to!
Ông Bùi Quang Vinh ra Quốc hội bảo các ông bà nghị gật nâng số nợ của chính phủ lên thêm 170 ngàn tỷ đồng, tức gần 8 tỷ đô la nữa. Ông giảng cho quý ông bà nghị gật hay rằng vay nợ bằng cách phát hành trái phiếu như thế tức là chính phủ không cần in thêm tiền; tiền đang có sẵn trong dân chúng sẽ được đem đổi lấy trái phiếu mà thôi; cho nên không lo tạo áp lực làm tăng lạm phát. Nói như thế cho thấy quả thật ông Bùi Quang Vinh không được học về môn kinh tế một ngày nào.
Vì một số tiền có sẵn nếu nằm yên trong các ngân hàng thì không làm lạm phát tăng lên. Nhưng nếu khi ngân hàng bị bắt buộc lấy số tiền đó đưa cho chính phủ đổi lấy tờ giấy nợ gọi là trái phiếu, rồi chính phủ đưa tiền cho các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp này đem tiêu xài, thì vòng quay của đồng tiền sẽ tăng lên ngay lập tức. Cùng một số tiền có sẵn trong nền kinh tế, nếu vòng quay tăng lên thì lạm phát sẽ tăng. Nói chung, cứ đổ tiền vào các xí nghiệp quốc doanh, bỏ vô 70 đồng, họ sản xuất được hàng hóa trị giá 38 đồng. Khi số tiền lưu hành tăng lên nhiều mà số hàng hóa tăng ít hơn, theo định nghĩa nó sinh ra lạm phát! Chỉ khi nào xóa bỏ những xí nghiệp quốc doanh ăn hại này, để tài sản vốn liếng chung của xã hội được trao vào tay những doanh nhân làm việc có hiệu quả, tức là số hàng sản xuất ra nhiều hơn số tiền lưu hành tăng lên, thì mới giảm được lạm phát! Làm như vậy chính là “thị trường hóa” đấy!
Nhìn sang Cộng sản Trung Quốc thì thấy họ còn đi xa hơn Cộng sản Việt Nam trên đường thị trường hóa. Ở Trung Quốc có nhiều nhà kinh doanh tư thành công, phần lớn những người này được lôi vào làm đảng viên cộng sản, nhiều người leo lên ghế đại biểu Quốc hội, có người được vào Trung Ương Ðảng nữa. Nhưng họ có kinh doanh, có làm việc, và có thành công. Ở Việt Nam, một người đã thành công trong kinh doanh là Trần Huỳnh Duy Thức; nay anh đang ngồi tù với bản án 14 năm!
Cộng sản Trung Quốc vừa mới đưa ra chính sách mới, thúc đẩy “thị trường hóa” mạnh hơn, giống như ông Bùi Quang Vinh mới hô hào. Nếu thi hành đúng chương trình cải tổ đợt thứ hai này thì trong 10 năm tới Trung Quốc hy vọng thoát cảnh kinh tế đình trệ. Nhưng liệu họ có thi hành đúng được hay không, là chuyện khác. Một nhà tranh đấu dân chủ Trung Hoa, ông Ngụy Kinh Sinh tỏ ý bi quan; lo rằng Trung Cộng sẽ không thoát khỏi ngõ bí hiện nay. Thứ nhất, ông thấy giới lãnh đạo Trung Quốc như Tập Cận Bình hoàn toàn nằm trong vòng vây của các quan chức và cán bộ cao cấp; không thể làm mất quyền lợi của đám này. Thứ hai, đối với những cán bộ cao cấp đang hưởng thụ nhờ chế độ hiện nay thì việc cải tổ triệt để chỉ mang lại cho họ những điều thiệt hại, rất ít điều lợi lộc mới. Ông Ngụy Kinh Sinh có lần đã đến trò chuyện tại báo Người Việt. Ông vẫn bi quan như thế; vì ông không tin rằng đảng Cộng sản Trung Quốc có khả năng tự thay đổi.
Năm nay, ông nói rõ hơn: Cộng sản Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội tự thay đổi, từ thời Hồ Diệu Bang làm tổng bí thư. Bỏ qua cơ hội đó, chính họ đã tạo ra một giai cấp mới mà quyền lợi hoàn toàn dựa vào tình trạng cải tổ nửa chừng như bây giờ. Giai cấp mới này sẽ bám chặt lấy cái ghế đang ngồi, với các quyền lợi đi kèm; cho nên khó lòng bắt được họ đứng lên!
Cuối cùng, muốn các đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam thay đổi thì phải có một cuộc cách mạng thật sự. Cuộc cách mạng có thể bùng nổ ngay từ trong nội bộ đảng. Ngụy Kinh Sinh cho biết hiện nay ở Trung Quốc có người con của Hồ Diệu Bang là Hồ Ðức Bình đang hô hào thay đổi triệt để hơn. Ở nước ta chưa thấy ai như vậy. Cho nên chúng ta sẽ được nghe thêm nhiều người nói rất sáng sủa như ông Bùi Quang Vinh, nhưng làm thì chẳng thấy ai làm được cái gì cả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét