Nam Đan
Văn học nghệ thuật của quốc gia nào cũng có vài, hay nhiều, trường phái khác biệt, sự khác biệt này tạo ra muôn màu, muôn vẻ cho nền nghệ thuật của quốc gia đó.
Ngoài những trường phái đã biết, không cần kể ra, còn có một trường phái mà tôi chưa biết nên gọi là gì. Đặc tính của trường phái này là thổi kèn đánh trống, làm thơ, làm nhạc, làm vè, làm tranh, làm tượng... để ca tụng, nâng bi, đánh bóng những người có chức có quyền, các nhà lãnh tụ. Bọn nịnh hót thì nơi nào thời nào cũng có, nhưng việc nâng các hành vi nịnh hót lên thành một trường phái nghệ thuật thì tôi ngờ rằng chỉ ở các xứ độc tài, đặc biệt là các nước theo chủ nghĩa Cộng Sản, mới có điều kiện cho trường phái này phát triển vượt bực. Hãy xem lại hình tượng của Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro, các cha con nhà họ Kim của Bắc Hàn được các chính quyền Cộng Sản khắc họa lộng lẫy, hoành tráng vượt mức thân phận con người như thế nào, thì biết. Ở miền Bắc người ta gọi trường phái này là “thơ (hay văn, hay nhạc...) cúng cụ”.
Nói có sách mách có chứng, tôi xin trích dẫn hai câu lục bát được cho là ca dao mới: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ.” Cứ tưởng tượng một đầm nước mênh mông ngập tràn nắng sớm; sen trắng, sen hồng dâng hương ngào ngạt, ở trên cao gần với mây trời là hình ảnh vị “cha già dân tộc”, làn râu bạc trong gió phất phơ bay... như một ông tiên. Không biết là khi được ca tụng như vậy ông Hồ có sướng thích không, nhưng quả thật có thời các nghệ sĩ của các ngành thơ, họa, nhạc... đồng thanh làm tác phẩm về ông. Không biết bây giờ những bức tranh họ vẽ ông bằng máu (đúng vậy, thay vì bằng các loại chất liệu thì bằng máu, nhưng máu gì thì không ai biết, ngoài tác giả) đã trôi giạt về đâu, đang được treo ở đâu, còn ai giữ không. Nhưng khi nghĩ đến chúng, thú thật tôi không khỏi rùng mình. Vì gớm. Giả sử bạn có một bức chân dung máu như thế, bạn treo ở đâu? Tôi thì chào thua! Ngày xưa trong thời chiến, có họa sĩ làm tranh bằng xương thịt người chết là nạn nhân cuộc chiến, bằng dây kẽm gai, miểng đạn... để phản đối chiến tranh, nhưng chuyện phản đối sự tàn bạo của chiến tranh là khác với việc làm chân dung bằng máu để xiển dương lãnh tụ.
Tuy vậy, có vẻ như được ca tụng như thế mà ông Hồ vẫn không hài lòng, ông muốn hình tượng của mình được khắc họa một cách dung dị hơn, bình dân hơn, nhưng không có tay thi sĩ, văn sĩ nào làm đúng ý ông. Kể cả các thi gia, văn gia, họa gia, nhạc gia... lừng danh trong làng lúc bấy giờ. Thôi, tụi nó ca mình không thấy “đã” thì mình tự ca lấy vậy. Ông bèn viết mấy cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” để vừa tán dương chính mình, vừa làm công việc tuyên truyền trong nhân dân, cho đúng ý.
Đêm qua mưa lớn, nước dâng lên ngập nhiều khu vực, tôi bị kẹt trong một con đường nhỏ ở Gò Vấp. Xe tắt máy, nước tới yên xe. Dắt bộ ì oạp dưới mưa lạnh cả hơn nửa tiếng mới ra khỏi vùng ngập để tới tiệm sửa xe. Tối về, tôi lơ mơ, thấy mình lẩm nhẩm hát lại một bài hát cũ khi còn bé: “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài tóc bác bạc phơ...”, tôi trào nước mắt, lạnh run cầm cập, lên cơn sốt. Tất nhiên, tôi và cả hàng chục triệu người Việt khác ở nhiều thế hệ đều chưa từng thấy ông Hồ thật, nhưng đều phải học thuộc bài hát này, rồi nhiều khi ông tự động xuất hiện trong những giấc mơ như một phản xạ có điều kiện. Điều kiện của tôi để thấy ông là khi nào bị đời đạp bầm dập, là sẽ mơ thấy ngay. Té ra mình đã bị cấy, bị cài đặt hình ảnh của ông -- cái hình được chỉnh sửa cho phương phi như một ông tiên trong truyện Tàu, thường được treo trên tường ở mọi nhà -- vào trong tâm hồn khi còn thơ dại. Tưởng như là ngẫu nhiên, nhưng thật ra một trò quá tinh vi. Tôi lên google tìm thì biết tác giả của bài hát này là nhạc sĩ Xuân Giao.
Nhưng nói rằng chỉ ở Việt Nam mới có những người chuyên viết tụng ca là sai. Bên Trung Quốc, Triều Tiên cũng có đấy. Ngàn năm trước cũng có, như câu chuyện được kể dưới đây.
Một vị hoàng đế rất sính văn chương, ngài cũng làm thơ nữa. Một ngày nọ, ngài vời hai mươi mốt thi sĩ danh tiếng nhất trong đế quốc của ngài vào sống trong hoàng cung. Ngài ban cho họ áo mão, dinh thự, xe ngựa, tiền bạc, yến tiệc suốt đêm ngày. Không có thú vui nào mà không có. Cứ thế, năm này sang năm khác. Một hôm, ngài gọi tất cả những ông thi sĩ vào biệt điện của ngài. Rất nghiêm trang, ngài phán:“Đã ba năm, ta đối đãi với các ông vào hàng thượng khách. Ta hưởng cái gì các ông hưởng cái đó. Hôm nay, ta muốn nhờ các ông một việc. Mong các ông hết lòng giúp ta.”Hai mươi mốt thi sĩ cùng cất tiếng: “Muôn tâu hoàng thượng. Chúng thần hưởng ơn mưa móc của hoàng thượng đã nhiều, chỉ mong có dịp đền đáp. Xin hoàng thượng cho biết chúng thần phải làm gì. Chúng thần xin hết sức...”Hoàng đế phán: “Công việc ta nhờ các ông hết sức khó khăn và hiểm nghèo, đòi hỏi các ông phải có thực tài, thực học. Đó là làm thơ.”Hai mươi mốt ông đều mừng rỡ. Làm thơ là sở trường của họ. Đây là cơ hội để họ thi thố tài năng trước mặt hoàng đế. Nhưng họ không hiểu vì sao hoàng đế lại cho rằng làm thơ là một công việc khó khăn hiểm nghèo. Mừng nhưng họ vẫn sợ vì trong mắt hoàng đế hôm ấy lấp lánh tia nhìn lạnh lẽo của một tên đao phủ. Hoàng đế nói tiếp: “Nhưng trước hết các ông hãy cho ta hỏi: Sứ mệnh cao cả thiêng liêng của một thi sĩ là gì?”Một ông bước ra tâu: “Kính thưa hoàng thượng, theo ngu ý của thần, sứ mệnh cao cả thiêng liêng của thi sĩ là đưa mọi tâm hồn đến gần nhau hơn...”Ông ta còn nói dài nữa, toàn những lời văn hoa có cánh, bay tận trời xanh. Một ông khác, không kém tài ăn nói, bước ra tâu: “Thưa hoàng thượng. Sứ mệnh cao cả thiêng liêng của một thi sĩ là nâng cao tâm hồn con người đến khi hòa được vào hồn vũ trụ...”Cư thế, hai mươi mốt ông lần lượt bước ra nói, rồi tranh cãi với nhau khá quyết liệt. Ông nào cũng minh triết, cao đàm, hùng biện. Hoàng đế mỏi mệt nghe. Bỗng ngài đưa tay ra hiệu cho tất cả các ông im lặng. Ngài phán: “Tất cả các ý kiến của các ông ta đều rất trân trọng. Nhưng các ông uyên bác quá, cao siêu quá, ta không hiểu được nhiều. Bây giờ xin các ông hãy nghe ý kiến của ta.”Mọi người hồi hộp, nín thở lắng nghe. Biệt điện im phăng phắc. Từ trên cao, hoàng đế oai nghiêm phán: “Sứ mệnh cao cả thiêng liêng của một thi sĩ là: Không-Được-Làm-Thơ-Dở.”Tất cả đều lặng người đi và cùng chung một ý nghĩ: Hoàng đế đúng là một minh quân. Một bài thơ dở sẽ không hoàn thành bất cứ sứ mệnh nào.Hoàng đế nói tiếp: “Ta đã chuẩn bị hai mươi mốt tấm bảng đen cho các ông. Mỗi ông cầm một viên phấn trắng, ta sẽ thổi còi. Khi nghe hồi còi thứ nhất, các ông bắt đầu làm thơ. Khi nghe hồi còi thứ hai, các ông phải ngưng lại ngay, không ai được phép viết thêm một chữ nào.”Ngài lấy trong túi hoàng bào ra một cái còi. Một ông thi sĩ hỏi: “Tâu hoàng thượng, chúng thần phải làm thơ theo thi pháp nào? Sonnet, Ballade hay Đường thi, Lục bát ở phương Đông?”Hoàng đế cười lớn: “Tùy mỗi người, ta không bắt buộc. Nhưng các ông hãy nhớ cho là: Không có thi pháp nào cho một thi sĩ bất tài.”Một ông nói: “Thưa hoàng thượng. Xin người cho biết đề tài.”Hoàng đế chỉ vào ngực mình: “Đề tài chính là ta, chúa tể đế quốc này!”Hai mươi mốt thi sĩ đến trước hai mươi mốt tấm bảng đen cầm hai mươi mốt viên phấn trắng. Hồi còi thứ nhất vang lên. Hai mươi mốt thi sĩ bắt đầu làm hai mươi mốt bài thơ xưng tụng hoàng đế.Hoàng đế vẫn ngậm cái còi trong miệng, ngài rảo bước sau lưng các nhà thi sĩ, dừng lại nhìn những dòng chữ các ông viết trên bảng, gương mặt ngài cau có, bực bội. Ngài nhai nhai cái còi giữa hai hàm râu rậm. Vài phút sau, hồi còi thứ hai rít lên như một tiếng thét căm giận. Các thi sĩ vội vàng ngưng viết. Có ông đã viết đươc gần kín bảng, có ông viết được một nửa, có ông mới viết được mấy dòng...Hoàng đế bước lên thềm, ngồi xuống. Hai mươi mốt ông đứng run rẩy nhìn lên. Im lặng. Bất chợt hoàng đế nói như quát: “Các ông vẫn xưng tụng mình là thi bá thi hào. Bây giờ ta mới biết bộ mặt thật của các ông... Một lũ lừa đảo!”Không ai dám thở mạnh. Hoàng đế nói tiếp: “Bao nhiêu năm qua rồi mà các ông vẫn quanh đi quẩn lại những từ ngữ sáo mòn như là: thiên tài, vĩ đại, kiệt xuất, lỗi lạc, bất tử, thánh nhân, siêu nhân, vĩ nhân. Cũng ví von ta với mặt trời, thiên hà, đại dương, hoa quý... Ông nào cũng từa tựa như ông nào...”Im lặng. Hoàng đế nói tiếp: “Ta cũng là người như các ông, cũng yêu, ghét, ham muốn, hạnh phúc, đau khổ. Ta cũng là phận người với những vinh quang và tủi nhục của nó. Ta cũng có những tâm tình cần được chia sẻ, chứ ta đâu có phải là những mỹ từ rác rưởi mà các ông gán cho...”Vẫn yên lặng. Hoàng đế tiếp tục nói: “Vì tội khi quân, ta sẽ dành cho các ông một hình phạt khủng khiếp, ghê rợn chưa từng có. Nhưng ta ban cho các ông một ân huệ. Ai trong các ông đoán được hình phạt ấy là gì thì ta sẽ tha thứ cho kẻ ấy...”Một người ấp úng nói: “Muôn tâu, thần nghĩ đó là hình phạt ‘tứ mã phân thây’. Bốn con ngựa buộc vào hai tay, hai chân chạy về bốn hướng...”Hoàng đế cười nhạt, lắc đầu. Một người bước ra nói với niềm hy vọng: “Muôn tâu hoàng thượng. Thần nghĩ đó là hình phạt ‘lăng trì’. Dùng dao sắc lóc từng miếng thịt.”Lần này hoàng đế cười lớn: “Một vị hoàng đế như ta mà lại dùng đến những trò máu me dơ bẩn như thế sao? Hình phạt của ta tàn khốc hơn nhiều... Các ông nghe đây: Mỗi ông hãy đến đứng trước tấm bảng của mình, rồi thè lưỡi ra, liếm cho sạch những cái mà các ông đã nôn mửa ra.”
Hết chuyện.
Câu chuyện thâm trầm và thú vị, nhưng tôi nghĩ lại thì thấy rất kẹt. Kẹt, vì ông Hồ không phải là vị hoàng đế trong chuyện, vậy mới ra nông nỗi, cho tôi.
Ông Xuân Giao ơi ông Xuân Giao, làm sao lưỡi ông đủ dài, đủ rộng để liếm cho sạch hàng triệu triệu giấc mơ của bao nhiêu thế hệ trẻ thơ, người lớn Việt Nam?
Mà kỳ, ai sao không biết, chứ còn tôi thì bao nhiêu năm rồi vẫn vậy, không khác. Cũng y một thứ phản ứng sinh học kỳ cục. Hễ, cứ mơ thấy ông là tôi lại lên cơn sốt! Và, hễ nhớ tới các loại tranh, thơ, nhạc... tương tự về các ông là tôi nhợn, muốn ói. Tôi nghĩ chứng bệnh này không hiếm kẻ mang. Bệnh thời đại.
Mà thời đại gì thì bạn hãy thử làm như tôi làm hồi chiều nay: lội một trận mưa ngập thành phố, trên đầu là băng-rôn, biểu ngữ về một thiên đường tốt đẹp, dưới đất là từng bước bì bõm giữa lềnh bềnh rác rưởi và xác chuột chết, rồi về nằm mơ, thì sẽ thấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét