Tô Văn Trường
Người ta dễ dàng làm ảnh “phân thân” trong photosshop nhờ mẹo chụp ảnh đặt góc quay và model di chuyển các vị trí khác nhau cho cùng một góc máy. Theo tôi được biết, sự phân thân, thường gọi nhiều hơn, phổ biến hơn là “sự nhị hoá nhân cách”, được thấy nhiều nhất không phải ở tuổi thơ, mà nhiều nhất ở người lớn. Ở một số người, đó là một khuyết tật nhân cách.
Con người có nhiều loại phân thân. Phân thân nhân cách là một bệnh tật thương tâm, không phải một sự sa đoạ nhân cách đến hư hỏng. Những sự sai lầm về nhân cách có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, như: suy giảm nhân cách, sa sút nhân cách, bán rẻ nhân cách. Về sai lầm nhân cách, do tội lỗi chứ không phải do khuyết tật.
Trong Thầ̀n khúc, ở cổng địa ngục có dòng chữ: “Xin bỏ lại sự sợ hãi trước khi bước qua đây, trong này không có chỗ cho lòng̣ khiếp đảm”. Ngược hẳn với người dấn thân, là người vô trách nhiệm, với nhiều biển̉ hiện, nhiều mức độ tuỳ từng loại người và từng người, như trùm chăn, ở ẩn, thoái thác, đùn đẩy, lẩn tránh nhiệm, nghĩ một đằng nói một nẻo, v.v.
Người dấn thân, chính khách, trí thức, thợ thuyền, dân cày, v.v. là người làm việc và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc làm của mình. Trước cửa cuộc đời, nên có dòng chữ thường thấy ở cổng một cơ quan, một công trường, một đơn vị quân đội: “Không có trách nhiệm, xin miễn vào”. Ở đời này, không chịu dấn thân, không dám dấn thân là vô trách nhiệm.
Trên mạng xã hội có nhiều bài viết phản ánh về hoạt động của Quốc hội như kiểu “vỗ tay” theo hướng đã được chỉ tay! Một số hình ảnh đại biểu ngủ gật chứng tỏ khá mệt mỏi. Tuy nhiên, vẫn có những vị đại biểu Quốc hội không chấp nhận phân thân, vẫn dũng cảm nói lên tiếng lòng của dân, thể hiện bản lĩnh và dấn thân của mình, thật đáng nể và kính trọng.
Cho rằng dự thảo Luật Đất đai còn rất nhiều nội dung cần phải trao đổi, cần phải điều chỉnh và với thời gian từ nay đến cuối kỳ họp còn rất ít, đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị Quốc hội nghiên cứu có thể hoãn lại chưa thông qua tại kỳ họp này mà để sang kỳ họp thứ 7, v.v. Dư luận cho rằng đây là trường hợp đặc biệt dám dấn thân phát biểu chính kiến của mình. Điều này chính xác. Tuy nhiên, tôi muốn giải thích để đại biểu Phạm Xuân Thường rõ hơn là đất đai ở nông thôn có hai phần. Thứ nhất, đất thổ cư của gia đình. Đất này rõ ràng là đất sở hữu cá nhân do đó việc sử dụng và bán đi hay không là hoàn toàn thuộc cá nhân. Thứ hai, đất thuộc quyền của hợp tác xã ở làng/xã hiện nay đã trót thành đất của tập thể (dù trước kia là đất cá nhân nhưng đã bị tịch thu từ lâu nên không thể truy nguồn gốc). Đất này là sở hữu tư nhân thuộc tập thể xã viên. Việc sử dụng chúng, hoặc bán đi là quyền của tập thể xã viên quyết định. Xã viên nào muốn rút khỏi có thể bán lại cho tập thể. Tập thể có thể quyết định bán hay cho thuê cho nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân dùng trong hoạt động không phải làm nông nghiệp. Vậy thì không nên áp trò sở hữu toàn dân ở đây, rồi áp đặt thời hạn quyền sử dụng ở đây.
Dư luận cũng rất quan tâm bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội. Bộ trưởg Bùi Quang Vinh thay vì phân thân để né tránh đối diện với sự thật thì đã dũng cảm dấn thân. Trong lãnh đạo của Việt Nam hiện nay còn quá ít các vị Bộ trưởng như vậy. Trung Quốc sở dĩ làm được những việc cải cách lớn vì họ có ý thức và bản lĩnh của Đại Hán và là dân tộc thực dụng. Chúng ta mang trong mình ba căn bệnh: bệnh Sô viết quan liêu bao cấp, bệnh tiểu nông và bệnh tha hoá khi tham gia thị trường nhưng không cải cách thể chế chính trị. Nói là ta học Tàu nhưng có lẽ cậu học trò nhiễm đến ba căn bệnh trọng nêu trên thì kết quả ra sao cũng dễ hiểu.
Trên mạng đưa thông tin ông Bùi Quang Vinh thẳng thắn phân tích về “Luật Ngân sách và Nghị quyết của Trung ương đối với đầu tư phát triển” và “cảnh báo, đất nước này vỡ nợ do xây dựng cơ bản tràn lan, còn Bộ Giao thông thì lúc nào cũng nợ. Ngân sách đang thâm hụt một cách nghiêm trọng, chưa từng có.
Trước đây, tổng chi đầu tư phát triển trong vòng 05 năm trước, 2006-2010 bình quân là khoảng 35-37%, thậm chí năm đầu 40%, có những năm lên tới 42% so với GDP. Ví dụ GDP năm nay của chúng ta là 4,2 triệu tỷ, thì tổng đầu tư toàn xã hội vào cỡ 1,7-1,8 triệu tỷ. Nhưng nó cứ tụt dần, tụt dần. Nó tụt cái chi đầu tư của nhà nước thì còn có lý chứ tụt tổng chi đầu tư toàn xã hội là có vấn đề vì đất nước ta đang phát triển. Có nhiều người mang cái này ra so sánh với Pháp, với Đức, bảo là ở họ bố trí có mấy phần trăm, rất ít, sao VN nhiều thế.”
Ông Bùi Quang Vinh cho rằng “Đức, Pháp họ bảo là sao các ngài lại so sánh thế được nhỉ, chúng tôi đã có mấy nghìn năm xây dựng rồi, cách đây hàng trăm năm chúng tôi đã có cơ sở vật chất tốt hơn VN hiện nay, đường cao tốc, quốc lộ, đường ngang ngõ xóm của chúng tôi xong từ bao giở bao giờ, nên chúng tôi không phải làm thêm gì nữa. Tức là người ta đã đầu tư hoàn chỉnh rồi, không cần đầu tư thêm về hạ tầng nữa.”
Và phân tích: “Tại sao chúng ta hôm nay phát hành trái phiếu, là bởi vì trái phiếu thì sẽ không phải in thêm tiền, không phải gây lạm phát trực tiếp. Tức là chúng ta có tiền nhưng không phải in thêm tiền. Nó vẫn là đồng tiền đang lưu hành trong chúng ta, khi Chính phủ phát hành trái phiếu thì nhân dân mua, doanh nghiệp mua, ngân hàng mua.
Tiền của ngân hàng là tiền dân gửi tiết kiệm, đáng lẽ mang ra đầu tư cho sản xuất, thì ông ấy dành một phần mua trái phiếu Chính phủ. Nhưng tất nhiên nó cũng có tác động gián tiếp đến giá cả, giá cả có thể tăng lên. Trái phiếu này chỉ dành để nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần tăng trưởng. Bởi vì 1.400 công trình đang dở dang của các bộ, ngành, địa phương, là đường quốc lộ, thủy lợi đang dở dang chỉ còn thiếu một ít thôi, bây giờ nếu không cho nữa thì tất cả khoản tiền đổ vào trước đó sẽ vứt đi.
…Chúng ta cần thay đổi thể chế để quyền đi đôi với trách nhiệm. Không làm được thì từ chức, không từ chức thì tôi gạch tên ông. Phải thế mới được. Còn bây giờ thì tốt xấu lẫn lộn, thành tích cũng chẳng biết của ông nào, sai cũng chẳng biết của ông nào. Nhiều thứ lộn xộn, mệt mỏi lắm, nên tôi nói các đồng chí là nếu chúng ta không đổi mới thì chúng sẽ chết thôi, chúng ta sẽ củ mài ăn xuống thôi.
Người ta cứ kể câu chuyện rằng vứt một thằng VN xuống hố thì nó lên được, nhưng vứt ba thằng xuống thì chúng nó chết hết vì chúng kéo nhau xuống, còn bỏ 3 thằng Trung Quốc xuống thì cả 3 chúng nó đều lên được. Người VN chỉ cá nhân, không làm việc được cùng nhau. Nếu thế thì chỉ có chết.”
Ông Bùi Quang Vinh là Bộ trưởng đầu tiên biết phân tích và nói thẳng về việc các địa phương tranh nhau lên dự án đầu tư và coi Trung ương là cái lò cung cấp tiền. Không kế hoạch, không thẩm định dự án và chắc cũng không cần kiểm tra chất lượng từng giai đoạn cho đến khi kết thúc. Cứ thế mà làm rồi chia nhau quyền lợi. Có lẽ đây là mấu chốt tại sao Trung Quốc dù có tham nhũng nhưng đầu tư hiệu quả hơn xa Việt Nam.
Tuy nhiên, ngẫm suy bài phát biểu của ông Bùi Quang Vinh, trao đổi với người bạn đồng tâm, chúng tôi có chung nhận xét, vẫn có thể nhặt ra những “hạt sạn” cần nói lại cho rõ. Lý luận rằng phải có đầu tư cao hơn các nước phát triển vì mình thiếu hạ tầng cơ sở thì cần phải xem lại là hơn bao nhiêu mới hợp lý. Các nước phương Tây phát triển cao như Đức, Mỹ đầu tư trung bình là 18% GDP tính từ 2000 đến 2011 và hiện nay còn thấp hơn.
Nhật Bản đầu tư cao hơn ở mức 21% GDP vì Nhật muốn kích cầu thoát khỏi tình trạng trì trệ hơn 20 năm nay, mà vẫn không thành công. Các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Malaisia, Indonesia cùng thời gian trên đầu tư khoảng 27% GDP, Singapore thì khoảng 26%. Và Việt Nam khoảng gần chục năm nay, đầu tư xấp xỉ 40%, nhưng tốc độ phát triển lại quá thấp!? Lỗi tại ai? Hỏi tức là trả lời.
Chúng tôi nghĩ trong tình trạng không kiểm soát được chất lượng, thì không nên đầu tư quá nhiều làm gì, vì chỉ tạo cơ hội làm đầy túi quan chức. Cảng tỷ đô Lạch Huyện – cầu Tân Vũ đắt ngất ngưởng, lại tác hại lớn đến môi trường chỉ là một ví dụ minh chứng.
Khi nghe ông Bùi Quang Vinh nói về thu ngân sách, tôi lại nhớ đến trên website của Ủy ban Kinh tế xã hội: http://ecna.gov.vn/Pages/Index.aspx. Chúng tôi thấy có lẽ đây là lần đầu tiên Quốc hội có một bản báo cáo kinh tế, ít nhất là bản được công khai. Không những thế, đây là bản báo cáo có nghiên cứu và phân tích thực địa, có giá trị hơn nhiều bản báo cáo của Chính phủ mà thực chất chỉ là khẩu hiệu.
Chương về Ngân sách giải thích đúng điều mà TS Vũ Quang Việt đã phân tích trước đây, tức là ngân sách kết toán luôn luôn lớn hơn ngân sách dự toán (tức là ngân sách Quốc hội thông qua) rất nhiều.
Bản báo cáo Quốc hội giải thích là cách làm ngân sách là ở tỉnh thì đợi xã huyện làm ngân sách rồi cộng lại, trung ương lại đợi các tỉnh rồi cộng lại. Ngoài ra trung ương lại đợi các bộ rồi cộng lại (?). Dự toán ngân sách như thế là bài tính cộng đơn giản, nếu chưa nhận được thì dự toán rồi cộng chẳng giống ai. Do đó, mà dự toán của Chính phủ to tướng chẳng có gì lạ!
Khi dự toán được lên, tiền không biết đâu ra, và chi vào đâu, cho nên mới nảy sinh chi bừa bãi, chi nhiều mà không thể hoàn thành công trình, còn công trình không được đánh giá thì tất nhiên không thể có chất lượng.
Nhóm nghiên cứu kinh tế Ủy ban kinh tế Quốc hội đã làm được việc đáng khích lệ đã giúp vẽ ra được bức tranh trên là một đóng góp lớn cho Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Mong rằng sẽ có Ủy ban kiểm soát chi tiêu của Quốc hội để thẩm tra chi tiết chi tiêu của Chính phủ và các doanh nghiệp quốc doanh. Ủy ban này cần thiết lập một cánh tay chuyên nghiệp và độc lập nhằm phục vụ kiểm toán các hoạt động chi tiêu của Chính phủ kể cả của Quốc hội.
Ông Bùi Quang Vinh và nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng phát hành trái phiếu để đầu tư, tức là không in tiền nên không gây lạm phát? Nói như thế là nhầm lẫn, không hiểu gì về cách tạo tiền. Ngân hàng Trung ương tạo tiền bằng cách mua lại/mua mới trái phiếu trên thị trường, tức là tung tiền ra.
Điều này Ngân hàng Trung ương đang làm để tạo thêm thanh khoản và đưa lãi suất xuống gần zero. Điều này, Ngân hàng Trung ương Mỹ tự quyết định. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không độc lập cho nên Chính phủ có thể bắt họ mua trái phiếu, tức là đẩy tiền ra. Với chính sách độc lập, họ có toàn quyền không chịu mua, không tung tiền ra thì mới có thể kiểm soát được lạm phát.
Nếu Ngân hàng Nhà nước độc lập, việc phát hành trái phiếu để có tiền đầu tư cho hạ tầng cơ sở là nguyên tắc đúng đắn thay vì mượn tín dụng ngân hàng (vì phải trả lãi cao), nhưng điều này không kiểm soát được thì lại trở thành mạo hiểm. Bài học nhãn tiền là nhiều tỉnh ở Trung Quốc đang gặp khó khăn trả nợ và nhiều thành phố ở Mỹ đã phải tuyên bố phá sản, người mua đương nhiên phải chịu mất. Ở Việt Nam có thể như thế không? Nếu không, ai sẽ trả nợ trái phiếu khi thành phố phá sản ở Việt Nam? V.v.
Quốc hội sắp đến thời đoạn bấm nút thông qua sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai, những người hiểu biết đều thấy còn rất nhiều vấn đề bất cập. Cử tri cả nước dõi theo và tri ân các vị đại biểu Quốc hội thực sự biết vượt lên chính mình, dấn thân phản ánh nguyện vọng và ý chí của nhân dân vì sự phát triển vững bền của đất nước.
T.V.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét