Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Afghanistan: May quá sắp sửa không còn ông Hamid Karzai

Ông Hamid Karzai. Ảnh Wikipedia
Ông Hamid Karzai. Ảnh Wikipedia
“Làm việc với ông này phiền lắm”, một viên chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ vừa lắc đầu vừa nói. “Từng có lúc chúng tôi nghĩ mọi chuyện xong xuôi, nhất là sau 2 chuyến viếng thăm Kabul hồi đầu tháng 12. 2013 của 2 ông (Ngoại trưởng John) Kerry và ông (Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck) Hagel, nhưng cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu cả. Lúc ông ta đặt điều kiện thế này, lúc ông ta đòi hỏi thế khác. Phải thú thật, nhiều lúc chúng tôi không biết phải tính toán với ông này sao cho đúng”.
Nhân vật được quan chức Hoa Kỳ nói tới là Tổng Thống Hamid Karzai của Afghanistan. Đề tài được nói tới là bản hiệp ước an ninh được soạn thảo bởi Hoa Kỳ, NATO và Kabul. Trên nguyên tắc, bản hiệp ước này phải được ký kết vào ngày 31 tháng Mười Hai 2013, nhưng cuối cùng phải dời lại” chưa biết đến khi nào”, bất kể cảnh báo của Washington D.C.: “sẵn sàng rút hết quân về nước vào cuối năm 2014” thay vì để lại khoảng 12,000 binh sĩ liên quân, tiếp tục giúp bảo vệ an ninh và huấn luyện cho quân đội Afghanistan.
Kế hoạch giữ một lực lượng nhỏ binh sĩ sau ngày rút quân là ý kiến của Hoa Kỳ, nhưng được sự ủng hộ của Kabul ngay từ cuộc thảo luận đầu tiên. Con số 12,000 binh sĩ liên quân -trong đó khoảng từ tám đến chín ngàn binh sĩ Mỹ- sẽ đảm trách nhiều vai trò “không chiến đấu” khác nhau, từ huấn luyện binh sĩ cho tới hỗ trợ kế hoạch chống khủng bố. Cũng phải nói thêm lúc đầu ông Karzai đã đồng ý ký bản hiệp ước, nhưng sau đó ông đổi giọng, cho hay đây là chuyện người kế nhiệm ông sẽ quyết định.
Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm ngoái ông lại bảo “có thể sẽ ký” nhưng với điều kiện Hoa Kỳ phải trả tự do cho tất cả những người Afghanistan đang bị giam giữ ở Trại Guantanamo Bay. Đòi hỏi này không được Washington đáp ứng, vì “chúng tôi có những bằng chứng xác nhận những người này hoạt động hay ủng hộ khủng bố, lập kế hoạch giết hại bình sĩ Mỹ và NATO”, theo tiết lộ của một viên chức thuộc Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng Hoa Kỳ. “Ông ta đòi những điều mà trước khi đặt trên bàn thảo luận chính ông ta cũng biết đó là điều không tưởng, không bao giờ Hoa Kỳ đồng ý với yêu cầu của ông ta”.
Những chuyện liên quan đến Afghanistan được nói tới ở thủ đô Washington D.C. vì chỉ 2 ngày nữa, người dân quốc gia đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ sẽ đến phòng phiếu chọn người lãnh đạo quốc gia thay thế cho vị tổng thống đương nhiệm. Hiến pháp Afghanistan quy định mỗi công dân chỉ được đảm trách vai trò điều khiển dất nước tối đa 2 nhiệm kỳ, vì thế nhân vật được cả thế giới xem và gọi là “người của Mỹ” không thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.
“Người của Mỹ” nhưng càng lúc càng không được lòng của Mỹ.
“Lỗi tại ông ta”, ông David Campton từng làm việc với dàn cố vấn đặc biệt cho chính phủ lâm thời Afghanistan nói với giọng bực bội. “Những ngày đầu tiên, ông ta tỏ ra lắng nghe ý kiến chúng tôi để nghị để xây dựng một chính quyền sao cho hữu hiệu, nhưng dần dần sau đó ông ta bắt đầu làm những điều ông ta và những thân cận tự đặt ra”. Những điều ông Karzai làm “là xây dựng một chính quyền phe đảng, chia chác quyền lợi thay vì phục vụ dân chúng”, kể thêm “những điều đó khiến hồi 2008 các cố vấn Tòa Bạch Ốc từng đặt thẳng câu hỏi với Tổng Thống George W. Bush là liệu có nên tiếp tục ủng hộ ông Karzai hay không?”.
Đến thời Tổng Thống Obama, câu hỏi đó không còn được đặt ra nhưng “chính phủ Hoa Kỳ dưới nhiều hình thức khác nhau đã lên tiếng bày tỏ thái độ không hài lòng với ông Karzai”, theo lời kể của một viên chức thân cận với Bà Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton. Viên chức này kể lại trong bài diễn văn đọc hồi 2009 ở Hội Nghị Quốc Tế Viện Trợ Cho Afghanistan tổ chức tại Đức, “Bà Ngoại Trưởng nhìn thẳng vào mắt ông Karzai khi nói rằng một chính phủ không được lòng dân không bao giờ có cơ hội tồn tại”. Trong bài diễn văn đó, bà Clinton “còn nói đến vai trò của một nhà nước biết lắng nghe tiếng nói của người dân, biết phải làm gì để thu hút niềm tin của người dân, biết phải làm gì để tạo dựng đoàn kết, toàn là những điều ông Karzai phải làm”. Rất tiếc, viên chức này nói tiếp, “ông ta không lắng nghe mà còn dựng chuyện đổ lỗi cho Hoa Kỳ, khiến mối quan hệ giữa ông ta với Tổng Thống Obama trở thành lạnh nhạt”. Lạnh nhạt tới mức nào? “Đến mức cả nửa năm trời Tổng Thống không nói chuyện với ông ta, mọi chuyện được trao cho bên Bộ Ngoại Giao giải quyết. Mãi đến tháng trước Tổng Thống mới gọi điện thoại nói chuyện với ông ta, để báo cho ông ta biết Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện kế hoạch cuối năm nay sẽ rút hết quân về nước, không để lại binh sĩ nào ở Afghanistan cả”.
Ông Karzai dựng chuyện nói xấu Hoa Kỳ như thế nào?
“Nhiều lắm” là câu trả lời nghe được từ ông Jeff Appel, cựu viên chức phòng đặc trách Nam Á của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. “Trước hết ông ta tự khoác cho mình chiếc áo của người yêu nước bằng cách cho dân chúng Afghanistan biết là có những thế lực muốn trói tay ông ta, không cho ông ta làm những điều muốn làm cho quốc gia. Kế đến ông ta lại bảo có những thế lực đi đêm với Taliban, muốn chia đất Afghanistan cho Taliban”. Tất cả những điều ông Karzai nói với dân chúng “đều là những điều ông ta tự đặt ra, hoàn toàn không đúng sự thật, nhưng thu hút được một tâp thể Afghanistan khá đông đảo, tin rằng thế lực ông ta nói đến chính là Hoa Kỳ”.
Điều này được chứng minh khá rõ hồi cuối tháng Giêng vừa rồi, sau bản thông điệp liên bang hàng năm do Tổng Thống Obama đọc trước Lưỡng Viện Quốc Hội Liên Bang, trong đó có câu “chúng tôi (Hoa Kỳ) ủng hộ một quốc gia Afghanistan thống nhất”. Học giả Mohammad Abdullah của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Toàn Cầu cho biết câu nói đó “khiến người dân Afghanistan thở phào nhẹ nhõm” vì “giải đáp được lo âu của họ trước đồn đãi nói rằng Afghanistan sẽ bị phân chia thành ít nhất 2 mảnh, mảnh phía Nam trao cho Taliban”. Đồn đãi đó, “ai cũng biết đến từ ông Karzai, tứ văn phòng ông Karzai và từ những người thân cận với ông Karzai”, ông Abdullah trả lời.
Trong những ngày dẫn về cuộc bầu cử tổng thống ở Afghanistan, cả Tòa Bạch Ốc lẫn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đều khéo léo tìm cách để không phải trả lời những câu hỏi liên quan đến mối quan hệ với ông Hamid Karzai, chỉ nói rằng Washington “mong muốn thấy lá phiếu của cử tri Afganistan được tôn trọng”, ám chỉ việc có lời đồn đãi cho rằng hồi 2009 ông Karzai đã gian lận phiếu để làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.
Nhưng trong nhiều cuộc tiếp xúc bên lề, các giới chức hành pháp đều tỏ vẻ đang trông chở ngày không còn phải làm việc với ông Hamid Karzai, người mà Washington từng đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành một nhà lãnh đạo đồng minh thân tín nhất của nước Mỹ. Một viên chức ngoại giao Mỹ từng nói “tất cả các ứng viên tranh cử tổng thống ở Afghanistan đều ủng hộ việc Hoa Kỳ và NATO sẽ để lại hơn chục ngàn binh sĩ để giúp cho chính phủ Kabul” nhưng quan trọng hơn nữa là chuyện “làm việc với một nhà lãnh đạo lúc thế này lúc thế khác, mệt lắm”.
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét