Muốn có sức mạnh, phải đoàn kết. Ai cũng biết và mong ước điều này nhưng vẫn chưa đạt được.
Đoàn kết đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ một nguyên lý: Lấy phúc lợi của đối tượng phục vụ làm mục đích chung, và mục đích chung ấy phải vừa rộng — để thu hút đông người tham gia — vừa cụ thể — để mỗi người dễ dàng góp phần riêng của mình.
Phúc lợi của đối tượng phục vụ
Chọn đối tượng phục vụ và ấn định những phúc lợi để tranh đấu cho họ là bước tuyệt đối quan trọng để tạo đoàn kết. Nó giúp cho mọi người cùng tiến về cùng một hướng dù khởi hành từ muôn phía. Chẳng hạn, nếu chọn đối tượng phục vụ là tù nhân lương tâm thì các phúc lợi của họ bao gồm sự an toàn bản thân, sinh kế cho gia đình, và tự do về lâu dài. Thiếu định hướng, đoàn kết sẽ không thể nào thực hiện được.
Khi đã cùng mục đích, nghĩa là cùng mưu cầu phúc lợi cho đối tượng phục vụ chung, thì chúng ta rất dễ đồng cảm để hợp tác với nhau, yểm trợ cho nhau và cầu mong cho nhau thành công. Một người thành công – tức là tăng được phúc lợi cho đối tượng phục vụ — thì có nghĩa mọi người thành công.
Mục đích phải đủ rộng
Muốn quy tụ đông người thì mục đích phải đủ rộng. Cũng dùng ví dụ ở trên, nếu mục đích chỉ là tăng phúc lợi cho một tù nhân lương tâm thì số người tham gia sẽ ít. Còn như mục đích là bảo vệ và can thiệp cho tất cả tù nhân lương tâm thì số người cùng mục đích sẽ tăng. Tầm vóc của mục đích ấn định tầm vóc của sự quy tụ.
Mục đích rộng nhưng phải cụ thể. Chẳng hạn, mục đích có thể bao gồm tất cả tù nhân lương tâm, nhưng các phúc lợi của họ phải được ấn định cụ thể: gia đình không suy sụp kinh tế; tù nhân lương tâm được bảo vệ về pháp lý, sức khoẻ và an toàn, cuối cùng được tự do và rồi từng bước phục hồi cuộc sống cũng như khả năng tranh đấu.
Mục đích mơ hồ sẽ dẫn đến tình trạng diễn giải tuỳ tiện, khác nhau và có khi chỏi nhau. Và như vậy chúng ta lại rơi vào tình trạng hướng đi tản mác.
Góp phần riêng cho mục đích chung
Đoàn kết phải thể hiện qua hành động chứ không qua lời hô hào. Muốn có đoàn kết thì phải tạo cơ hội cho mọi người cùng hành động trong phạm vi khả năng riêng mà vẫn góp phần cho việc chung.
Muốn thế thì phải chẻ công cuộc lớn thành những công đoạn nhỏ, để rồi phân nhiệm rõ ràng và có phối hợp. Trong chiến dịch đòi tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam, những người kết nghĩa thực hiện các công đoạn sau: thường xuyên liên lạc với thân nhân để nâng đỡ tinh thần, hỗ trợ vật thể trong khả năng, và báo động cho BPSOS can thiệp khi nhu cầu của tù nhân lương tâm vượt quá khả năng. Những phái đoàn vận động Quốc Hội nhận trách nhiệm tìm dân biểu đỡ đầu cho tù nhân lương tâm. Còn BPSOS thì chịu trách nhiệm phân bổ hồ sơ tù nhân lương tâm để tránh tình trạng trùng lập hay bỏ sót, và can thiệp trong những trường hợp khẩn cấp hay đòi hỏi chuyên môn.
Sự phân nhiệm có phối hợp này tạo nên khung sườn để ngày càng đông người nhập cuộc mà không lệch hướng, dẫm chân hay bỏ sót. Nhờ sự phối hợp này mà những người không biết nhau, không biết việc làm của nhau, vẫn có thể gom sức cho cùng mục đích.
Khác với phương thức sinh hoạt của một số tổ chức hay đảng phái, nguyên lý này định hướng chứ không chỉ thị, phối hợp chứ không kiểm soát, quy tụ chứ không kết nạp, mở ra chứ không khép lại, nhắm vào thành quả chung chứ không mưu cầu thành tích riêng.
Nguyên lý ấy chúng tôi đã áp dụng trong nhiều mũi nhọn, từ chống buôn người đến bảo vệ đồng bào tị nạn, từ đòi tự do tôn giáo đến can thiệp cho dân oan, từ chiến dịch chống tra tấn đến Ngày Vận Động Cho Việt Nam…
Mỗi mũi nhọn là một giòng sông suôi về Nam, mà ngày càng nhiều những con lạch nhỏ đổ vào. Rồi các giòng sông suôi Nam lại đổ vào một giòng sông lớn hơn, và lớn hơn nữa. Cuồn cuộn nước suôi về Nam. Cũng thế, mỗi người khi làm đúng trách vụ của mình trở thành một phần của đại khối. Từ muôn phía những cá nhân làm việc riêng mà góp phần cho đại cuộc.
Nguyên lý trên chuyển mong ước đoàn kết thành thực hiện đoàn kết.
Mạch Sống gửi đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét