Gần một năm sau bài trả lời phỏng vấn khá trôi chảy và bóng mượt trên Thanh Niên - một tờ báo của Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam - với tiêu đề ấn tượng “Hòa hợp tạo ra sức mạnh cho dân tộc”, ông Nguyễn Thanh Sơn lại một lần nữa bắt buộc dư luận người Việt hải ngoại phải mổ xẻ tính bất xứng trong cuộc gặp gỡ đầu tháng 4/2014 của ông với một trong những nhân vật thường bị nhà cầm quyền ở Việt Nam coi là “chống Cộng” bậc nhất ở hải ngoại - thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải.
Thứ trưởng Sơn là người phụ trách công việc vận động người Việt ở hải ngoại |
Chi tiết có thể gây cười nhiều nhất sau cuộc gặp hai bờ đối nghịch trên là tâm thế “đường ai nấy đi”.
Trong khi ông Nguyễn Thanh Sơn diễn thuyết trên báo chí nhà nước rằng Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã “hoàn toàn nhất trí” với quan điểm của ông về việc Việt Nam đã xử sự hợp tình hợp lý với những người bất đồng chính kiến và vi phạm pháp luật Việt như trường hợp “quậy phá” của linh mục bị bịt miệng tại tòa Nguyễn Văn Lý, thì vị nghị sĩ Bắc Mỹ cứng rắn lại tuyên bố đầy bức bối với giới truyền thông quốc tế là “không chấp nhận” và “hoàn toàn bác bỏ” những quan điểm và cách nhìn của người khách bất đắc dĩ về “các thế lực thù địch”.
Tình cảnh “kiều vận” trái khoáy như thế đang khiến dư luận quan tâm đến công cuộc “hòa hợp, hòa giải dân tộc” của Nhà nước Việt Nam vẫn không vơi nhẹ áp lực câu hỏi: liệu có thể tin vào lòng chân thành của ai - người đại diện cho 3,7 triệu Đảng viên nắm quyền ở Việt Nam và đặc biệt nhạy cảm với tín hiệu “kiều hối”, hay vào một trong những tiếng nói thống thiết nhất từ khối bốn triệu rưỡi triệu “kiều bào ta” ở hải ngoại?
“Đói thì đầu gối phải bò”
Còn nhớ vào mùa hè năm ngoái, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn kiêm chủ nhiệm của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã lần đầu tiên dẫn ra một quan niệm mới: “Do hoàn cảnh lịch sử mà kiều bào ta vẫn còn một bộ phận mà ngày xưa chúng ta vẫn gọi là “phản động”. Quan điểm của tôi là không nên gọi như thế”.
Những từ ngữ có vẻ mang tính cải cách này lại nảy nở tiếp liền cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được tái lập ở Hà Nội, sau một thời gian dài dang dở. Tức phải sau gần một thập kỷ từ năm 2004 khi phát sinh bản nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về “công tác người Việt Nam ở nước ngoài”, những nhân vật như Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải mới có cơ hội lặng biến khỏi phát ngôn vằn vện nơi cửa miệng của giới quan chức Việt Nam.
2013 cũng là thời điểm nền kinh tế, xã hội và có thể cả giai tầng chính trị Việt Nam rơi vào tâm trạng “khủng hoảng sâu sắc và toàn diện” chưa từng thấy từ mốc 1975. Và chẳng ai không biết về câu chuyện kinh tế sụp đổ hoàn toàn có thể làm cho chế độ băng hà.
“Đói thì đầu gối phải bò, no cơm ấm cật chẳng dò đi đâu” - tục ngữ người Việt có câu. Vài cái Tết qua lại nổi lên một thảm trạng xã hội: ngay cả giới quan chức cũng không còn mấy no đủ như thời vàng son trước đây, và cách nào đó họ cũng cần được xếp vào danh sách “xóa đói giảm nghèo” khi giá trị “lì xì” của các doanh nghiệp cho họ đã hụt đến 50-70%.
Đã đến lúc giới quan chức phải “ra đi tìm đường cứu nước” - nói như cửa miệng dân gian. Tình cảm kiều bào cũng là thước đo ngoại tệ.
Một lần nữa trong nhiều lần thời dĩ vãng, “hòa hợp dân tộc” lại được tung hứng, nhưng với tầm mức tha thiết hơn nhiều. Không thể có kiều hối nếu thiếu vắng niềm tin.
Lòng tin chở được núi lớn - một bài học mà có lẽ một chế độ đã đánh mất trọn vẹn niềm tin nơi con tim dân nghèo mới phải viện dẫn đến Thánh kinh.
Công cuộc viện dẫn như thế đã ròng rã từ năm 2000 đến nay, bắt đầu từ Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ và tiếp liền bởi những gói viện trợ ODA mà nghe nói tỷ lệ thất thoát vào túi giới quan chức Việt Nam lên đến ít nhất 20%.
Hòa hợp không hòa giải?
Tuy nhiên giới quan sát độc lập trong nước và quốc tế vẫn chú ý đến một chi tiết rất dị biệt: trong hầu hết nội dung trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên vào năm 2013 và trong lần “kiều vận” vừa qua ở Hoa Kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã chỉ đề cập đến từ “hòa hợp” mà hầu như né tránh bản thông điệp “hòa giải”, dù tất cả mới chỉ đang tồn tại trên phương diện ngữ nghĩa.
Hẳn đó là nguyên do sâu xa để những người như ông Ngô Thanh Hải cảm thấy bất an. Chủ động xin gặp nghị sĩ Canada, nhưng những gì mà ông Sơn truyền đạt cho chủ nhà lại là “Đảng Cộng sản Việt Nam không bằng lòng về công việc làm” của ông Hải, và cố gắng “dân vận” ông Ngô Thanh Hải ủng hộ tính chính danh của Nhà nước Việt Nam cùng thực tiễn “Việt Nam luôn quan tâm và bảo vệ các quyền con người”.
Nhưng cử chỉ đặc sắc tuyên giáo bị ông Ngô Thanh Hải coi là “hoàn toàn không có đồng thuận gì cả” như trên lại có thể làm người ta liên tưởng về quá khứ “đạt được rất nhiều thành tựu” của nghị quyết 36 cùng những mục đích gan ruột của bản văn “kinh tế - chính trị học” này.
Chính vào năm 2013, quá nhiều dư luận ở hải ngoại và cả trong nước đã nghi ngờ rằng nếu Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cố gắng thể hiện “gương mặt nhu mì đột biến” với kỳ vọng có thể thu hút từ 10 đến 20 tỷ USD kiều hối từ cộng đồng “kiều bào ta”, thì sau gần mười năm, nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị đảng vẫn còn rất xa mới đạt được ý nghĩa trọn vẹn về hình thể và nhân cách của nó.
Ở Việt Nam, nhân cách chính trị lại thường là một loại thực phẩm đặc thù có thể “ăn” được và còn lâu mới chạm đáy tiêu hóa. 2004 - thời điểm mà nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ra đời, cũng là “thời kỳ quá độ” mà Việt Nam rất tích cực vận động để “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được tô điểm thêm một sắc thái mới: thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới.
Với trường hợp nhà nước Việt Nam, nhân cách cũng luôn và cần được móc xích với phạm trù nhân quyền và trên hết là niềm tin vào quả núi lớn TPP. Không chỉ tạo nên hố sâu khó vượt giữa chế độ với những người thuộc “bên thua cuộc”, nhân quyền còn là chủ điểm của đến 227 khuyến nghị từ hơn 100 quốc gia trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền Việt Nam vào tháng 2/2014 tại Thụy Sĩ, gần gấp đôi số khuyến cáo được nêu ra vào cuộc UPR Việt Nam năm 2009.
Công cuộc “hòa hợp, hòa giải” cũng bởi thế đậm ý nghĩa thất bại trong ít nhất 5 năm qua. Cũng bởi, “đổi nhân quyền lấy viện trợ” chưa bao giờ tồn đọng như một thể bền vững trong một chính thể bỏ quên quốc thể.
Không nêu ra được bất kỳ chứng cứ đủ thuyết phục nào về “Việt Nam đã thực hiện hơn 80% khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc sau UPR năm 2009” như cấp trên của ông Nguyễn Thanh Sơn là Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh trưng chào, con đường “trở về cội nguồn” của Đảng vẫn tiếp tục nứt nẻ và xung khắc hơn lúc nào hết, không chỉ với “đồng bào” trong nước mà cả với “bà con người Việt ở nước ngoài”.
“Tách đảng”?
Con đường ấy cũng đang chìm trong cơn bạo bệnh suy thoái chưa hề được chẩn trị và gần như cạn kiệt sức hồi sinh của nền kinh tế, còn những người điều hành nó đang phải bằng nhiều cách tìm ra lối thoát cho phe nhóm lẫn cá nhân.
Cũng gần như cạn kiệt tài nguyên ngoài trữ lượng dầu khí chỉ còn khá ít ỏi ở khu vực biển Đông, Việt Nam đang tụt hậu quá xa so với Miến Điện trong nhãn quan lợi nhuận của giới tư bản quốc tế. Đó cũng là bối cảnh trên trường chính trị Việt Nam đang xuất hiện một cụm từ mang tính biểu đạt rất cao: “tài nguyên nhân quyền”.
Một ít vụ việc trả tự do cho Phương Uyên và Đinh Nhật Uy vào nửa cuối năm 2013, đặc xá cho những tù nhân “sắp chết” như Đinh Đăng Định và Nguyễn Hữu Cầu, cùng lời “xá tội chữa bệnh” cho Cù Huy Hà Vũ vào đầu năm 2014 là một biểu trưng “nâng lên một tầm cao mới” cho sự giải thoát chính thể trong giai điệu mặc niệm của nền kinh tế phụ thuộc.
Để đến lượt mình, kinh tế lại có thể đóng vai vế làm biến đổi cả quan niệm chính trị. Rồi tư duy chính khách cũng có thể khiến đổi khác cả ý thức hệ đã luôn ràng buộc họ và chằng xích cả dân tộc. Không khó để nhận ra rằng muốn tham gia vào TPP, Việt Nam không thể sao y “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong khi không dưới hai lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đề đạt với người Mỹ để nhận được “quy chế thị trường” nhưng cho tới nay vẫn hoàn toàn chưa có hồi âm.
Thậm chí, sự biến đổi kín đáo về màu da và cả máu thịt như vậy đã hiển hiện trong bài trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trên báo Thanh Niên vào năm 2013, khi ông dành lời khen tặng cho một nhân vật vốn bị coi là “khét tiếng chống cộng” ở hải ngoại: ông Hoàng Duy Hùng.
“Vấn đề mà chúng ta từng lo ngại là các thành phần chống Cộng cực đoan đã ngày càng giảm đi. Một trong những người cực đoan nhất như ông Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng) vừa qua cũng đã được về nước và ông ấy đã có những cái nhìn hết sức tích cực” - ông Sơn ca ngợi.
Trong khi đó, nghị viên Hoàng Duy Hùng đặc trách về châu Á của thành phố Houston - lại bày tỏ “cái nhìn hết sức tích cực” khi nêu ra một đề nghị không tiền khoáng hậu trên BBC tiếng Việt vào ngày 30/4/2013: nếu đảng Cộng sản Việt Nam thuận theo sự tiến bộ và tách thành hai đảng, thí dụ đảng Cộng hòa (bảo thủ) và đảng Xã hội hay đảng Dân chủ (cấp tiến), thì đó chính là đột phá của lịch sử để giải quyết nhiều bế tắc trong nhiều năm qua ở ngay trong nội bộ đảng Cộng sản cũng như của chính những người bất đồng chính kiến và ở hải ngoại. Lúc đó, những người bất đồng chính kiến có thể tham gia một trong hai đảng mà không cảm thấy khó khăn.
Liệu vài ý tứ trên có giúp cho đảng cầm quyền ở Việt Nam xử lý được nhu cầu cấp thiết “hòa hợp, hòa giải” ngay trong nội bộ họ vào những năm tới, trước khi làm điều tương tự với “đồng bào người Việt ở nước ngoài”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét