Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Khi đảng thả con tin

Những tù nhân lương tâm ra khỏi trại giam và những câu hỏi
Mấy ngày gần đây, dư luận chú ý đến vài trường hợp “bỗng nhiên” được nhà nước gia ân, trả tự do hoặc “đặc xá”. Từ việc thả người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu cho đến người được giam cầm cho đến lúc thả ra để chết như thầy giáo Đinh Đăng Định. Và gần đây là Cù Huy Hà Vũ “được sang Mỹ chữa bệnh bởi lòng nhân đạo của nhà nước ta”.
Ông Cù Huy Hà Vũ sang đến Mỹ từ nhà tù Việt Nam
Những động thái đó đặt ra nhiều câu hỏi. Thoạt nghe, có vẻ như là có những chuyển biến nào đó trong môi trường chính trị ở Việt Nam. Nhiều người ít am tường đặt vấn đề phải chăng nhà nước đã phần nào hiểu ra rằng những con người kia vô tội, rằng việc bắt bớ, giam cầm con dân vô tội của mình là hành động tự sát?
Hay chỉ vì vừa qua, câu trả lời từ thực tế Bauxite Tây Nguyên đã như gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt nhà nước làm bừng tỉnh những bộ óc đang mê muội hướng theo “Chủ trương lớn của đảng” trong vụ Bauxite, nên đây là động tác ăn năn?
Hay đây là sự khởi đầu cho một cuộc thay đổi như Cuba, một độc tài Cộng sản, người “anh em” của Việt Nam đã thả hàng loạt tù nhân chính trị gần đây?
Hay chính phủ Việt Nam đã biết ngượng khi ông Thủ tướng Việt Nam mới gần đây yêu cầu Miến Điện cải thiện tình hình dân chủ, nên bây giờ học tập phong tào thả tù chính trị hàng loạt và cho đảng đối lập hoạt động cho phần nào đỡ bẽ mặt?
Hay vì Việt Nam mới đây đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nên nhà nước chứng tỏ cho thế giới thấy rằng: Tớ đây cũng chẳng đến mức nào như các bạn đã đánh giá?
Hay vì lãnh đạo đảng và nhà nước đã nhận thức được rằng: Việc giam giữ các tù nhân lương tâm chẳng có lợi gì cho đất nước, cho dân tộc mà ít nhất cũng làm cho bộ mặt nhà nước nhem nhuốc hơn về lĩnh vực quyền con người, nhất là xã hội sẽ bị bóp nghẹt và không thể tiến bộ?
Xin thưa là không phải thế! Những giả thiết, những câu hỏi trên vẫn là chuyện hoang đường hiện nay.
Công dân - con tin của đảng
Kể từ khi cộng sản (đảng) xâm nhập vào Việt Nam, con dân nước Việt đã thay danh đổi phận liên tục nhiều lần. Mỗi lần thay đổi, đều là những sự đau đớn, nhức nhối và hậu quả thì cứ chồng chất từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ban đầu, khi đảng mới là một kẻ “không quê hương, sương gió tơi bời” - Tố Hữu – mà nói theo ngôn ngữ ngày nay để chỉ kẻ không cha mẹ, anh em họ hàng làng xóm là “đứa bụi đời”- thì khi đó đảng coi dân như cha, như mẹ. Đảng được dân nuôi nấng, chăm sóc vì những lời lẽ có cánh, bởi lý tưởng sáng ngời. Nhiều người dân đã không ngần ngại chia da, xẻ thịt để nuôi đảng mong đảng “đưa đất nước, dân tộc qua nô lệ rồi dẫn năm châu đến đại đồng” – HCM..
Thế rồi, cơ hội đến và đảng thành công trong việc cướp chính quyền, trở thành “người đầy tớ trung thàn, tận tụy của nhân dân”. Đảng viên khi đó trở thành “công bộc của nhân dân”. Chỉ có điều, ở cương vị “đầy tớ” đảng đã sử dụng nhiều cách, nhiều kiểu để biến các ông chủ của mình thành nô lệ cho đám đầy tớ- đó là sự đánh tráo khái niệm. Mọi hành động, suy nghĩ của ông chủ phải từ đầy tớ, mọi hoạt động của ông chủ phải theo ý đầy tớ… tất cả đều muốn xông vào làm đầy tớ để được “phục vụ” ông chủ. Nhỡ có ông chủ nào vô tình hay cố ý làm trái ý đầy tớ, ông chủ sẽ được ưu tiên “làm chủ tập thể” trong nhà tù.
Ông Cù Huy Hà Vũ đẩy xe bò chờ đổ tiếp tế về phong giam ở trại tù Cẩm Thủy, Thanh Hóa ngày 24/2/2012
Với cái quyền lực tử việc cướp được chính quyền, đảng đã đặt ra mục đích và đưa cả đất nước vào cuộc chiến Bắc – Nam khủng khiếp nhằm đưa tư tưởng Cộng sản xuống tận cùng đất nước. Khi đó, bản chất của đảng được giấu kín trong nhiều mỹ từ kế hợp hoàn cảnh chiến tranh mà đảng đã đeo đuổi bấy lâu. Thực chất, tất cả mọi hành động và việc làm của đảng, chỉ là phục vụ mục đích lâu dài, có tính toàn cầu của Cộng sản Quốc tế. Mà ở đó, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia chỉ là thứ yếu, còn cái chủ yếu là sự bành trướng của tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản.
Chính vì phục vụ mục đích của Quốc tế cộng sản, nên khi đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia là thứ yếu, hẳn nhiên đảng bị phản ứng bởi con dân của một đất nước có chiều dày hàng ngàn năm lịch sử. Những cuộc chiến tương tàn, những cuộc “cách mạng” nồi da nấu thịt, phá vỡ nền văn hiến ngàn năm xây dựng và nhất là du nhập một chủ nghĩa bạo lực, dối trá đã đẩy đảng dần dần đứng về phía ngược lại với nhân dân. Và khi đó, thân phận con dân, nhất là những người có tinh thần yêu nước, thương nòi đã trở thành “thế lực thù địch” của đảng.
Và thế lực thù địch ngày càng đông khi đảng ngày càng thể hiện sự thối nát, tham lam, nhũng lạm và cướp bóc của dân, phá nát cơ đồ đất nước bằng những “chủ trương lớn” của mình.
Bằng những luật lệ, những bản văn như “Hiến pháp” được ban hành theo lệnh của đảng, quy định rõ sự độc tôn, độc tài của mình, đảng đã biến cả 90 triệu dân thành con tin của mình, có thể sử dụng họ theo ý đảng, bất chấp lòng dân.
Đặc biệt, những công dân không tuyệt đối nghe theo ý Đảng là nguồn lực tù nhân tiềm tàng vì các “chủ trương lớn” ngày càng thể hiện rõ những hậu quả khốc liệt, đi ngược lợi ích nhân dân, đất nước.
Một cô bé mù đang tham dự thắp nến cầu nguyện cho Ông Cù Huy Hà Vũ tại Giáo xứ Hàm Long
Sử dụng con tin – Con người là vốn quý
Dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối sáng suốt của đảng”, cơn quẫn bách về lý tưởng, hoang tưởng trong lý luận, hoảng loạn bởi thực tế suy đồi đã dẫn đất nước vào cuộc khủng hoảng toàn diện và không lối thoát, đảng buộc phải “mở cửa, cải cách” mà thực chất là bắt đầu những bước thế giới đã đi hơn một thế kỷ nay trên con đường hội nhập.
Chỉ có điều, con đường hội nhập vào sân chơi chung của thế giới có những nguyên tắc chung mà cả thế giới đã thừa nhận, dựa trên những cơ sở chung về đạo đức, quy luật xã hội loài người. Do vậy nhiều điểm đã tréo ngoe với cách hành xử ý đảng thay luật pháp, công an, báo chí thay tòa án, ý muốn của đảng là ý trời mà nhà cầm quyền Việt Nam vẫn sử dụng xưa nay. Vậy mới sinh chuyện tranh cãi, đàm phán. Và những luận điểm, tranh cãi, đàm phán nhiều khi được nhà cầm quyền đưa ra như những màn hài kịch vô tiền khoáng hậu.
Chẳng hạn, một mặt các Nghị quyết, văn bản pháp luật ghi rành rành rằng kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, mặc dù chẳng ai buộc phải gào lên như vậy. Tuyên bố hùng hồn xong, cứ tưởng với sự quang vinh, sự vĩ đại của mình, đảng luôn “giữ vững lập trường kiên định XHCN” như đã từng thề thốt. Ngờ đâu, lại vẫn là lời thề cá trê chui ống.
Khi cần làm ăn, buôn bán với nước ngoài, những đất nước mà họ đã có kinh nghiệm rõ ràng về sự quái gở của cái gọi là XHCN nên tránh xa nền kinh thế XHCN như tránh hủi, thì đảng lại chạy sang “Đề nghị công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường” Khi đó, cái đuôi CNXH đảng giấu nhẹm đi rất kỹ.  
Vì sao vậy? Đơn giản là nếu không ghi rằng đây là nền kinh tế thị trường nhưng phải “theo định hướng XHCN” thì làm sao đảng có thể muốn chặn, muốn lấy, muốn cướp lúc nào cũng được cho danh chính, ngôn thuận? Làm sao có thể Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư bản, Đánh tư sản mại bản… nếu không có cái đuôi “định hướng XHCN”. Mà nếu không có vậy, đảng lấy gì tồn tại? Còn nếu không là kinh tế thị trường, thì đảng đã có kinh nghiệm không chỉ mấy chục năm đeo đẳng mà là cả hệ thống Cộng sản thế giới truyền lại rằng kinh tế XHCN chỉ đi đến chỗ phân phối từ quần đùi, xilip, bàn chải đánh răng để rồi diệt vong mà thôi.
Về nhân quyền, đảng luôn kêu rất to rằng “Ở VN, con người là vốn quý”. Lúc đầu nhiều người không hiểu vì sao có câu nói vui đến vậy. Thế nhưng ngẫm ra thì câu nói đó đặc biệt sâu sắc. Nếu không là con người, thì lấy đâu ra hàng lớp lớp người lao động, chiến đấu, góp xương gom máu cho đảng từ khi là đứa trẻ lưu vong cho đến ngày cướp chính quyền và lãnh đạo tuyệt đối, nhưng “Đảng không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân” như hiện nay. Nếu không là con người, nhất là con người Việt Nam đã mấy chục năm đảng nhào nặn, rót thông tin bằng mọi cách trong công cuộc “xây dựng con người mới XHCN”, xây dựng lớp lớp “thanh niên Thế hệ HCM” thì hôm nay VN đã không có một xã hội vô cảm, ích kỷ chỉ nhăm nhăm cho lợi ích cá nhân, gia đình và phe nhóm đảng phái của mình mà không đoái hoài đến cơ đồ đất nước, thảm trạng xã hội. Có như vậy thì mọi chuyện về lãnh thổ mất vào tay giặc, người dân bị đánh đập, bị bắn, bị bắt ngoài biển cứ kệ, đã có “đảng và nhà nước lo”.
Con người không chỉ là vốn quý khi là những đàn cừu chăm lo gánh vác mọi chuyện nộp tiền cho đảng tiêu, mà con người lại tiếp tục trở thành “vốn quý” của đảng, ngay cả khi đã được chuyển sang “thế lực thù địch” và bắt bỏ tù. Vì sao vậy?
Như đã nói ở trên, muốn vào sân chơi chung, đảng và nhà nước cần chứng tỏ thành tích nhân quyền và thái độ hợp tác theo các nguyên tắc chung của thế giới. Nhưng, nếu như đảng bảo đảm vấn đề quyền con người tốt đẹp lên, nghĩa là con người được tôn trọng, thì còn đâu chỗ đứng cho đảng độc tài? Vì vậy cần có những chiêu trò mới.
Và việc bắt công dân của mình làm con tin, rồi thả ra, trục xuất cho “đi chữa bệnh”, “cho đi ra nước ngoài theo chính sách nhân đạo” để thể hiện “tiến bộ về nhân quyền” là con bài dễ làm và nhanh chóng, hiệu quả, có lợi nhất cho nhà nước.
Bởi không có gì dễ chịu hơn khi tống khứ đi được một số đối tượng hay đòi quyền lợi chung cho mọi người, có khả năng làm “đàn cừu” đang sống vô cảm lại hưởng ứng việc nghĩ đến đất nước, tương lai mà không mặc cho đảng tự tung tự tác.
Không có gì dễ chịu hơn, khi tống khứ được đối tượng có thể cản trợ việc cai trị độc tài của mình mà không những không bị lên án, lại còn được khen thưởng.
Không có gì dễ chịu hơn khi buộc “thế lực thù địch” của mình phải lưu vong để một thời gian sau sẽ biến thành “khúc ruột ngàn dặm của đảng”, mang dola về để phục vụ nhân dân, Tổ Quốc XHCN theo tiếng gọi thiêng liêng của đảng. Khi đó:
“Việt Kiều tuổi hãy còn non
Đảng yêu, đảng quý như con trong nhà
Trong tay có nắm đô la
Việt gian bán nước, hóa ra Việt Kiều”
Không có gì dễ chịu hơn, khi bọn tư bản đế quốc đang giãy chết, lắm tiền nhiều của, lắm mưu nhiều kế vẫn cứ bị trí tuệ đỉnh cao của ta lừa cho hết keo này sang keo khác trong ván cờ nhân quyền hiện nay.
Bởi khi đã bước được vào sân chơi chung, vào thời điểm cần thiết nào đó đảng cho hàng loạt công dân vào tù, thì mọi lời kêu gào từ bên ngoài dù kịch liệt, dù thảm thiết đến mấy, đảng cũng bỏ ngoài tai. Và họ sẽ trở thành con tin.
Trước cửa phiên tòa phúc thẩm xử Ông Cù Huy Hà Vũ ngày 2/8/2011.
Nhà nước VN luôn tuyên bố “Ở VN không có tù nhân chính trị, không có tù nhân lương tâm”. Thế nhưng, những người được đảng và nhà nước đưa ra mặc cả không phải là những tội phạm lừng lẫy như Dương Chí Dũng, như Năm Cam… mà lại là những nhân sĩ, trí thức, những người yêu đất nước, dân tộc, ghét chế độ độc tài, căm thù bọn bán nước.
Để rồi, họ sẽ được đưa ra mặc cả, làm giá và đánh đổi khi đảng cần một thành tích nhân quyền nào đó.
Hà Nội, ngày 10/4/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét