Còn nhớ hồi năm 1989, tôi theo Ba ra Hà Nội thăm anh trai đang ôn thi đại học. Hai ba con tôi bắt xích lô đi dọc con đường Hoàng Hoa Thám để xuống khu Nghĩa Đô – nơi anh đang ở. Ngồi trên xe, Ba nói với tôi:
- Anh con giờ này chắc đang đi học chưa về.
Khi đó tôi còn mãi ngắm nhìn dòng người đông đúc và phố xá hai bên đường. Đối với một đứa trẻ mới ra thành phố như tôi, thì dù sao cuộc sống nơi đây cũng mang nhiều sắc màu đáng để tìm hiểu.
Lúc bấy giờ khu tập thể Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) còn là một khu mới xây dựng, với những toà nhà cao 4 đến 5 tầng. Anh trai tôi ở tận tầng năm một dãy nhà tập thể, từ đây nhìn ra có thể thấy được hồ Nghĩa Đô và cái sân vận động gần đó. Đang là mùa hè nên buổi tối mọi người mang ghế ra hành lang ngồi hóng mát, mấy phòng xung quanh cũng đều như vậy cả. Tôi có biết một cô phòng bên (bây giờ không còn nhớ tên, nhưng nhớ lúc ấy cô cũng khoảng ngoài 50 tuổi gì đó). Thấy tôi tò mò, cái gì cũng hỏi, cô thú vị lắm. Bởi vậy mà hai cô cháu trò chuyện cởi mở. Cô nói:
- Ngay tầng dưới của mình có em trai nhà văn Tô Hoài đang ở đó cháu.
Tôi ngạc nhiên và thích thú với thông tin này lắm. Vì nhà văn Tô Hoài cũng là người tôi mến mộ, đặc biệt là tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của ông. Câu chuyện làm cho thiếu nhi vui thích bởi cuộc phiêu lưu ngộ nghĩnh của chú Dế Mèn. Khi nhỏ thì tôi cũng chỉ biết như vậy, sau này lớn lên tìm hiểu, mới thấy nó còn mang một ý nghĩa khác sâu xa hơn. Ấy là tác phẩm nói về một thế hệ dấn thân (trong đó có nhà văn Tô Hoài) đi theo cái chủ nghĩa Cộng Sản hoang tưởng, để rồi gây ra những hậu quả sai lầm tai hại cho xã hội. Mà chú Dế Mèn là nhân vật đại diện tiêu biểu. Chính nhà văn Tô Hoài sau này, khi trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh hải ngoại đã nói như vậy.
Nhìn sang dãy nhà đối diện thì thấy hầu như phòng nào cũng mở ti vi, ánh sáng lấp loáng chiếu qua ô cửa sổ. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là: Cả một dãy nhà cao tầng với hàng trăm phòng như vậy mà toàn là ti vi đen trắng cả, chỉ thấy duy nhất một chiếc ti vi màu ở tầng ba đang phát ra những tia màu lấp lánh trong đêm. Giữa cái mảng màu đen trắng như khoảng không hư vô ấy, nổi bật lên một cầu vồng bảy sắc. Tôi có cảm tưởng chiếc ti vi màu kia như là một ngôi sao sáng giữa bầu trời tối đen. Vì vậy mà ai cũng hướng ánh mắt thán phục về phía đó. Có lẽ chủ nhân của nó cũng hãnh diện lắm, vì lúc ấy cả Hà Nội còn đang rất hiếm ti vi màu.
Lúc mới có ti vi, gia đình tôi sử dụng một cái đen trắng, khi đó chung quanh cũng chưa ai có cả. Bởi thế mà buổi tối người ta thường kéo đến để mà xem nhờ đông vui lắm. Một thời gian sau, Ba tôi mua cái ti vi Sam Sung màu mới tinh. Không thể nói hết cảm giác thích thú khi đó, những sắc màu cuộc sống lung linh như mở ra trước mắt vậy. Nếu so với ti vi đen trắng thì đây thực sự là một cơn mưa màu sắc hiện ra trước mắt mọi người, nó không chỉ có hai màu xám xịt như trước đây nữa. Nào là màu xanh của lá cây, của biển, của trời. Màu đỏ, tím, vàng của sắc hoa. Đúng là muôn màu muôn sắc. Xem cái ti vi đen trắng thì quần áo người ta dù có mặc đẹp kiểu gì cũng chỉ thấy được màu đen hoặc trắng mà thôi, xem bóng đá lại càng chán, lắm khi còn không phân biệt được cầu thủ của đội nào nữa. Cho nên không thể tin vào cái ti vi đen trắng được, nguy hiểm lắm, vì dễ nhầm lẫn như chơi.
Chiếc ti vi bây giờ được cải tiến rất hiện đại, không chỉ nhiều màu sắc mà hình ảnh còn đa chiều nữa. Khi nhìn vào, người ta như thấy cả thế giới bên ngoài hiện hữu sống động trong đó vậy, chẳng khác nhau tí nào. Có như vậy thì cuộc sống mới được phản ánh sinh động và chân thực trong con mắt chúng ta chứ.
Xã hội Việt Nam đương thời như cái ti vi đen trắng vậy, nó chỉ có hai sắc màu mà thôi. Hai màu đó là: Ta và Địch. Ai nghe theo chế độ thì là Ta (trắng), còn ai không nghe là Địch (đen). Đó là cái nhìn phiến diện và đầy quy kết mà nhà nước cố tình tạo ra, nếu tin vào thì thiệt thòi cho người ta lắm lắm.
Thật là yêu thích chiếc ti vi màu biết bao, vì nó đẹp lung linh và đầy đủ sắc màu cuộc sống. Cũng giống như hình ảnh thu nhỏ của một xã hội dân chủ văn minh. Ở đó có nhiều đảng phái và tổ chức xã hội cùng tồn tại, như một rừng hoa đua sắc vậy.
Minh Văn
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét