Komori Yoshihisa – Khôi Nguyên dịch
“Tại lãnh thổ miền Nam VN, thế lực chống lại chính quyền Sài Gòn và lực lượng quân đội Hoa Kỳ là thế lực nào? Những người đã dùng hình thức quân sự để tấn công quân đội và chính phủ miền Nam là ai?”
Đó là những câu hỏi trực tiếp liên quan đến bản chất của cuộc chiến tranh VN mà mỗi khi đặt vấn đề này, chúng ta cần phải nhận thức cho rõ ràng. Đối với một đặc phái viên của tờ báo Mainichi ở Sài Gòn lúc đó như tôi thì sau khi đặt chân đến đây, đó là những vấn đề trọng yếu hàng đầu mà tôi thường suy nghĩ để tìm hiểu.
Những người đấu tranh ở miền Nam tự xưng là MTGP và thế lực này đã chủ trương rằng chính phủ miền Nam vốn chỉ là một sản phẩm của thực dân Pháp trước đó và sau này trở thành chính quyền bù nhìn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ để được nhận viện trợ, vì vậy họ đã tuyên bố chống lại chính phủ miền Nam trong mục đích đánh đuổi ngoại bang, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, giành lại độc lập quốc gia.
Vào năm 1960, thế lực này đã chính thức kết thành một tổ chức gọi là MTGPMN. Tổ chức này đưa ra chủ trương rằng những hoạt động của họ là đấu tranh vì tự do độc lập cho dân tộc, chứ không đặt dưới một chủ nghĩa hay ý thức hệ nào khác. So với phía Bắc Việt, họ là một tổ chức riêng biệt của những người dân thuần túy ở miền Nam. Đương thời, MTGPMN đã sử dụng các hình thức quân sự để chiến đấu với chính quyền ông Ngô Đình Diệm, mặt khác họ còn thực hiện không biết bao hành vi khủng bố để tạo áp lực khiến cho chính quyền lúc đó cũng có phản ứng lung lay dao động.
Tuy nhiên, ông Diệm với sự viện trợ của Hoa Kỳ từ trước đó, đã thành công trong việc củng cố thế lực và tăng cường sức mạnh quân đội nên chính quyền miền Nam tương đối tạo được nền tảng vững chắc.
Năm 1969, MTGP tuyên bố thành lập chính phủ CMLTMNVN để khuếch trương thế lực chính trị và tạo thế hiện hữu song hành cùng chính phủ VNCH. Đương nhiên, họ cũng vẫn tuyên bố là “không hề dính líu với phía Bắc Việt cũng như tại miền Nam không hề có sự hiện diện chiến đấu của quân lính cộng sản Bắc Việt.”
Những tuyên bố trên đây quả là điều hư cấu vĩ đại, hay nói khác đi đó là sự nguỵ tạo lịch sử to lớn do phía Bắc Việt dựng nên vì trong lịch sử hơn 30 năm của cuộc chiến VN từ đầu chí cuối đều là do quân đội Bắc Việt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản VN gây ra.
Đạo quân này đã giữ một vai trò chính yếu trong tất cả những cuộc tấn công về quân sự lẫn chính trị để chống lại miền Nam VN. Ngoài ra, lồng trong cuộc chiến đấu với mục đích vì độc lập tự do của dân tộc mà họ nêu ra, quân Bắc Việt còn được trang bị bằng những ý thức hệ của chủ nghĩa Mác- Lênin một cách cuồn tín nhằm thực hiện một cuộc cách mạng theo khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản. Ngay chính đảng cộng sản VN sau khi chiếm được miền Nam cũng đã bộc lộ một cách trắng trợn đến mức làm cho mọi người phải kinh ngạc về cái gọi là “cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc” của MTGPMN vốn thuần túy dân tộc không bị áp đặt dưới một ý thức hệ chính trị nào, khi cho thấy đây chỉ là tấm bình phong ngụy tạo bằng cách khai tử lập tức tổ chức MTGPMN.
Việc những người thực hiện cuộc đấu tranh cách mạng vì lòng tin của họ trên quan điểm chính nghĩa và họ tự đặt ra những điều hư cấu để tác động vào mặt tuyên truyền hầu đạt được mục đích chiến thắng tuy là một điều hết sức tự nhiên, nhưng đối với những người thứ ba đứng ngoài cuộc chiến, tức không có liên hệ gì lại đi thông tin và truyền đạt rộng rãi những điều tuyên truyền mang tích cách hư cấu này thì nó lại là một vấn đề khác.
Đó chính là trường hợp của đa số những người trí thức và giới báo chí truyền thông Nhật Bản. Tuy có nhiều người biết hoặc không biết về sự thật hay sự ngụy tạo của ý nghĩa cuộc chiến tranh VN nhưng dường như tất cả vẫn mặc nhiên chấp nhận và loan tải một cách không suy xét, tức là “nghe sao nói vậy”.
Bản thân tôi cũng xuất thân từ môi trường hiểu biết cũng như những nhãn quan chính trị của Nhật Bản rồi sau đó lại được có cơ hội sống tại VN nên việc tôi tương đối nhận thức được mức độ cách biệt giữa sự chân thật và ngụy tạo nơi cuộc chiến VN cũng không có gì là lạ lùng.
Và giờ đây nghĩ lại, quả thật là trong 3 năm rưỡi ở VN đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm về những lường gạt chính trị vĩ đại này qua việc từng chiếc mặt nạ trá hình lần lượt bị rơi xuống phơi bày những sự thật rõ ràng.
Khi quyết định sống ở Sài Gòn, tôi đã cố gắng nhớ tiếng Việt và tiếp xúc với thật nhiều người bản xứ. Đầu tiên, tôi đã hiểu rằng việc người dân ở đây gọi thế lực chống lại chính quyền miền Nam bằng danh từ “cộng sản” vốn là điều thông thường. Và ai cũng biết rằng thế lực của cộng sản với phía Bắc Việt thật ra chỉ là một cho nên sự nhận thức này của họ được suy diễn rộng ra như vậy cũng là mang tính cách đương nhiên. Nhưng ở Sài Gòn cũng có người gọi lực lượng cộng sản là lực lượng cách mạng.
Tuy nhiên, trong giới truyền thông Nhật Bản lại thường sử dụng từ ngữ “lực lượng giải phóng” để ám chỉ những thành phần chống lại chính phủ miền Nam. Mặc dù tổ chức MTGPMN được gọi tắt là MTGP, nhưng ta không thể nào gán ghép từ ngữ “giải phóng” vào những danh xưng như “quân giải phóng”, “phe giải phóng”, “lực lượng giải phóng” để gọi tên các thế lực chống đối miền Nam một cách tùy tiện và chủ quan như vậy được.
Ngay cả giới truyền thông quốc tế như các hãng thông tấn AP, UPI, AFP v.v.., họ cũng chỉ dùng các từ như “quân Bắc Việt”, “phía cộng sản”, “Việt cộng” hoặc “lực lượng cách mạng”mà thôi. Theo sự hiểu biết giới hạn của tôi, thì họ không bao giờ sử dụng các từ ngữ “quân giải phóng”, “phe giải phóng”, “lực lượng giải phóng” để nói về MTGP hoặc quân đội Bắc Việt cả.
Do đó, danh xưng MTGP chỉ là một trường hợp đặc biệt, vì ý nghĩa của ngôn từ giải phóng đã mang theo một tác động tâm lý về mặt tuyên truyền rất hiệu quả là cởi mở sự trói buộc để trở thành tự do. Có nghĩa là tự thân của từ ngữ này đã vô hình chung mang một ý nghĩa rất chủ quan.
Trong một cuộc đấu tranh, nếu ta gọi một bên là phe giải phóng thì tất nhiên ta đã coi bên kia là phía trói buộc, đàn áp tự do và chẳng khác nào ta đã nhận định chủ quan để phân chia ra hai bên gồm một bên thiện và một bên ác, trong khi ta lại chưa rõ hư thực thế nào.
Và nếu như vậy thì ta đặt trường hợp ở bán đảo Triều Tiên xảy ra cuộc chiến do phía Bắc Hàn thực hiện việc Nam tiến để đánh lại quân đội Hoa Kỳ và Đại Hàn thì lúc đó giới truyền thông Nhật cũng gọi quân Bắc Hàn là “quân giải phóng” hay “lực lượng giải phóng” hay sao?
Vì từ trước đến nay, Bắc Hàn luôn đề xướng một cuộc giải phóng để đánh đổ chính quyền Đại Hàn và chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ. Rõ ràng là khi Bắc Hàn đưa ra chủ trương giải phóng như vậy, ta đã nhận thấy tính phi hiện thực nơi lập trường cực đoan của họ vì khách quan mà nhìn nhận thì Bắc Hàn mới chính là nơi cần được giải phóng.
Ngược lại, đứng trên lập trường dư luận quốc tế, Nhật Bản là một quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ lẫn Đại Hàn thì nếu trường hợp Đại Hàn bị bại dưới tay Bắc Hàn, liệu giới truyền thông có thấy được sự kỳ dị của “sự giải phóng” này không? Và lúc đó nên gọi là “sự kiện” gì đây?
Tóm lại, những lực lượng đấu tranh tự xưng mình là lực lượng giải phóng, lực lượng cách mạng chỉ phản ảnh sự chủ quan về cách nhìn nơi cuộc chiến đấu mà họ cho là có chính nghĩa. Cũng như nếu nhìn ngược lại từ phe đối lập thì phe giải phóng hoặc phe cách mạng cũng chỉ là những thành phần phản loạn mà thôi. Cho nên khi người thứ ba đứng ngoài cuộc chiến gọi một bên là lực lượng giải phóng thì chỉ cho thấy một sự phán đoán không trung thực và thiên kiến.
Đặc biệt là trong thời gian chiến tranh tại VN tất cả báo chí toàn quốc Nhật Bản đều lấy tin tức liên quan từ hãng thông tấn Kyodo một cách thật cực đoan, mà hãng Kyodo cũng chỉ dịch lại những bài ký sự của những hãng thông tấn ngoại quốc như UPI, AP một cách sai lạc về từ ngữ, vì trong khi nguyên văn tiếng Anh là “quân Bắc Việt”, “quân cộng sản” thì ban dịch thuật của Kyodo lại chuyển dịch thành “quân giải phóng”, “lực lượng giải phóng” khiến dư luận Nhật Bản vốn đã mù mờ về cuộc chiến VN càng trở nên lệch lạc thêm nhiều hơn.
Nếu thực sự họ có ý đồ bẻ cong ngòi bút dịch thuật như vậy thì họ đã trở thành những nhà báo thiên kiến quá đáng, không làm tròn chức năng của người ký giả trong lĩnh vực truyền thông quốc tế.
©Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR, 21/03/2014
Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 5: Sự bắt đầu của màn chung kết. Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR, 31/03/2014.
Sài Gòn thất thủ
Tác giả: Komori Yoshihisa
Khôi Nguyên dịch
- Kỳ 1: “Kẻ ở, người đi và một sự thật bình thường”
- Kỳ 2: “Xuân Lộc, một chiến thắng ngắn ngủi làm nức lòng dân”
- Kỳ 3: Hoa Kỳ triệt thoái
- Kỳ 4: Hư cấu về MTGPMN.
- Kỳ 5: Sự bắt đầu của màn chung kết
- Kỳ 6: Những cảm nhận sâu sắc về sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản
- Kỳ 7: Vai trò lịch sử quái dị của hiệp định Ba Lê
- Kỳ 8 : Người phóng viên miệng lưỡi và cuộc chiến thắng vô nghĩa
- Kỳ 9: Bí ẩn nan giải của lịch sử
- Kỳ 10: Nữ kịch sĩ Kim Cương là ai?
- Kỳ 11: Cảm nghĩ của người dân về chính quyền Sài Gòn và MTGPMN
- Kỳ 12: Rời bỏ thủ đô
- Kỳ 13: Áp lực từ chức
- Kỳ 14): Vị Tổng Thống cuối cùng
- Kỳ 15: Cuộc thảm sát tập thể tại Huế
- Kỳ 16: Tìm hiểu vùng đất của phe MTGP
http://rbomtm.blogspot.ca/2014/04/nhung-ngay-cuoi-cung-cua-sai-gon.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét