Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Thêm một cánh cửa mở ra cho nhân quyền Việt Nam



Vietnamrightnow.com
Tình trạng nhân quyền Việt Nam mặc dù được truyền thông quốc tế tiếng Việt và các trang mạng nói đến rất nhiều nhưng số người ngoại quốc biết đến hiện trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam rất ít. Từ nhu cầu này một trang Web có tên Vietnamrightnow.com đã ra đời để bù vào lổ hỗng ấy.
Các tổ chức nhân quyền nổi tiếng của thế giới rất chú trọng tình hình đàn áp, sách nhiễu hay bắt giam người bất đồng chính kiến một cách tùy tiện tại Việt Nam. Mỗi tổ chức đều có nguồn tin riêng của họ nhưng dù sao thì trở ngại ngôn ngữ vẫn gây không ít khó khăn khi kiếm chứng nguồn tin về những gì đang xảy ra tại Việt Nam.
Trang web Vietnamrightnow.com
Bên cạnh đó, những chính trị gia ngoại quốc quan tâm về vấn đề nhân quyền của Việt Nam nếu muốn biết thêm những bài viết, biến cố mới nhất hay những phong trào đang hình thành trong nước nhằm đòi hỏi tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền cơ bản, họ sẽ không biết tìm đâu ra. Xuất phát từ những nhu cầu đó một trang web bằng tiếng Anh tập trung loan tải những thông tin mới nhất vừa xuất hiện với cái tên Vietnamrightnow.com.
Các phong trào xã hội dân sự nổi lên hàng loạt trong nước hiện nay như Kiến nghị 72, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, Mạng Lưới Blogger Viet Nam, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam hay Hội Đồng Liên Tôn đã thật sự biến sinh hoạt xã hội dân sự Việt Nam thành những tập thể gắn kết với nhau và tạo điều kiện để tiếng nói của họ phải được lắng nghe và đối thoại trong tinh thần tôn trọng hơn là phản kháng và bạo hành.
Trang web Vietnamrightnow là một hình thức xã hội dân sự khác tập trung dữ liệu và cung cấp những thông tin mới nhất về nhân quyền trong đó bao gồm cả những hoạt động của các nhóm xã hội dân sự cùng mục đích. Trang tin này được giới thiệu đến cộng đồng nói tiếng Anh và vì thế sức lan tỏa của nó ra thế giới thuận lợi hơn, góp phần với các trang tiếng Việt mang sự thật từ Việt Nam ra với quốc tế.
Nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên người trực tiếp điều hành trang này cho biết nguyên nhân thành lập cũng như sự hoạt động của trang web này:
-Hiện nay điều hành trang này thì có một nhóm người trong đó có anh Huân, có tôi một số anh em activist trong nước nữa. Bài vở thì mọi người cùng viết và tôi biên tập lại còn số người tham gia vô khá đông. Nói về người ngoại quốc vào xem trang này thì chúng tôi chưa có con số phân biệt ra số này là người ngoại quốc hay số kia là người Việt Nam…Hiện giờ lượng truy cập mỗi ngày lên xuống nhưng ngay bây giờ con số trước mắt là hơn 3.700 người. Mình biết được những người này đến từ nước nào nhưng họ có phải là người gốc Việt hay không thì mình không biết.Từ Mỹ nhiều nhất và Canada nữa còn từ Việt Nam thì chỉ vài trăm thôi.

Nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên. Ảnh Người Việt
Chúng tôi đã giới thiệu trang này đến các cơ quan phi chính phủ như Human Rights Watch hay Freedom House, những cơ quan NGO mà chúng tôi có làm việc chung thì cũng nói chuyện với họ và giới thiệu trang này. Nhu cầu nảy sinh chính là khi làm việc với họ thì họ hỏi mình có chỗ nào để họ xem không thì mình thú thật là không có, hoặc là có chỗ nào để họ giới thiệu cho những người khác để xem tình hình nhân quyền Việt Nam thế nào, từ đó mình nghĩ phải tự lập ra một trang như vậy.
Những thông tin trên trang web này có thể không được sử dụng như những chứng cứ về các vụ đàn áp, sách nhiễu để chống lại chính phủ Việt Nam nhưng nó giúp người quan tâm hay các tổ chức nhân quyền thế giới có thể nắm rõ hơn về những diễn biến của từng sự kiện để từ đó tổng hợp, xâu chuỗi chúng thành bức tranh sinh động nhất về hoàn cảnh tối tăm mà người dân phải chịu trên nhiều lĩnh vực từ tự do tôn giáo tới tự do đi lại, cư trú hay trình bày chính kiến của mình.
Tiến nói dân chủ VN cho độc giả nước ngoài
Mạng lưới truyền thông quốc tế nói tiếng Việt hiện nay tuy đưa tin nhanh chóng khách quan với từng trường hợp tuy nhiên do ngày càng có quá nhiều vấn đề phát sinh nên không cơ quan truyền thông nào có thể thông tin hết mọi sự việc. Do tuyển chọn thông tin quan trọng nhất trong ngày để loan tải các cơ quan truyền thông quốc tế đã phần nào bỏ sót các vụ việc khác và do đó nhiều vụ oan sai, sách nhiễu, cưỡng chế vẫn nằm trong bóng tối.
Trang web Vietnamrightnow làm nốt những thông tin tuy nhỏ lẻ nhưng rất cần thiết này.
Luật sư Trịnh Hữu Long, một thành viên của trang này cho biết:
-Ban đầu trang VietnamRightnow lập ra là cho độc giả người nước ngoài, vì như mọi người đều biết chúng ta rất là thiếu các thông tin của Việt Nam ra nước ngoài bằng tiếng Anh do đó chúng tôi muốn lấp khoảng trống đấy để người nước ngoài biết về Việt Nam rõ hơn. Các nước khác họ có những trang tiếng Anh rất mạnh mà chúng ta lại không có. Rõ ràng chúng ta rất cần có một trang dữ liệu bằng tiếng Anh chi tiết và đầy đủ các phong trào tranh đấu cho dân chủ nhân quyền có như vậy thì tiếng nói của chúng ta trên các diễn đàn thế giới mới được biết đến.
Bên cạnh những thông tin bên trong Việt Nam, website này còn khai thác những thông tin bên ngoài của quốc tế phản ứng trước những gì mà Việt Nam đang vi phạm. Những ý kiến của các chính trị gia mang tới cho người đọc những tiếng nói độc lập nhưng không kém sức nặng về vấn đề mà cả thế giới quan tâm.
Ngoài cá nhân website này còn có sự hỗ trợ của các tổ chức có quan tâm đến tình trạng nhân quyền Việt Nam. Con đường Việt Nam là một tổ chức góp phần vào sự thành lập trang này. Tiến sĩ Nguyễn Công Huân giám đốc điều hành của Con đường Việt Nam cho biết:
-Con đường Việt Nam là một trong những tổ chức đứng phía sau thực hiện trang web này và tôi cũng có nhận được rất nhiêu những phản hồi tích cực từ các tổ chức quốc tế bên ngoài gửi đến. Con Đường Việt Nam chỉ là một trong những nhóm tham gia vào dự án này như là thông cáo báo chí đã đưa ra.
Luật sư Trịnh Hữu Long nói về phương cách kết hợp và xử lý thông tin của website này:
-Trang Vietnamrightnow định hướng thành một tờ báo nó cũng lấy từ nhiều nguồn cung ấp từ các hoạt động trong nước tuy nhiên Ban biên tập cũng kiểm tra thông tin rất kỹ, double check kiềm chứng các thông tin trước khi đưa lên chứ không dựa hẳn vào một nguồn tin nào. Hướng làm việc dựa vào những trung tâm báo chí như RFA chẳng hạn. Chủ yếu thông tin lấy từ các nhà hoạt động trong nước và được biên tập bởi những anh em bên ngoài và anh Vũ Quý Hạo Nhiên là người biên tập chính.
Việc ra đời của Vietnamrightnow.com như một cánh cửa nhân quyền rất lớn của Việt Nam được mở ra cho thế giới không nói tiếng Việt thấy những gì đang xảy ra trong đó.
Miến Điện trước đây có tình trạng đàn áp sách nhiễu nhân quyền không thua kém gì Việt Nam hiện nay nhưng nhờ có website Irrawaddy mà quốc tế đã biết những gì xảy ra bên trong đất nước khép kín nhất nhì thế giới này. Kinh nghiệm đó đã được áp dụng vào Vietnamrightnow và người ta tin rằng sự thúc đẩy quá trình cải thiện nhân quyền cho Việt Nam là có thể thấy được.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét