Cùi Các
Sau khi trở về nước vào ngày 31/3, một nhà hoạt động tham gia vân động nhân quyền cho Việt Nam ở kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR) vừa qua, anh Đặng Văn Ngoãn liên tục bị chính quyền sách nhiễu trong những ngày vừa qua.
Trao đổi với blog Cùi Các, Anh Ngoãn cho biết sau khi vừa về đến nhà anh liên tục nhận được giấy mời bởi Công an tỉnh An Giang để làm việc.
Lần đầu tiên là một ngày sau khi về tới nhà, và lần thứ hai là chiều ngày 3/4 hôm qua, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an tỉnh An Giang đã đã vô nhà gửi thơ mời cho anh về việc "có liên quan tới hồ sơ xuất nhập cảnh".
"Tránh ồn ào"
Anh Ngoãn còn cho biết khi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, thì người hải quan kiểm tra hộ chiếu của anh đã có những động thái bất thường khi cầm hộ chiếu của anh đi vào trong. Nhưng vài phút sau thì người này trở ra, đóng dấu cho anh nhập cảnh và trả lại hộ chiếu.
Qua đó anh nhận định: Sỡ dĩ tui không bị câu lưu và thẩm vấn ngay tại sân bay vì nhiều khả năng là bên An ninh muốn "tránh ồn ào" như trường hợp của anh Bùi Tuấn Lâm khi bị câu lưu tại sân bay, nên họ chọn cách "đón lõng" tại nhà bằng cách mời theo kiểu này.
Anh Ngoãn cũng cho hay là sáng hôm nay ngày 4/4, nhiều công an đã đến nhà triệu anh lên làm việc nhưng anh vẫn cương quyết không làm việc vì lý do thơ mời "không rõ ràng, và không chính đáng".
"Tui đi bằng con đường hợp pháp, chứ đâu phải đi chui. Mỗi lần xuất nhập cảnh tui đều đi qua khâu kiểm tra của bộ phận kiểm tra hải quan ở sân bay. Hồ sơ xuất nhập cảnh thì tui đã làm hợp lệ tại sân bay nên mới được đóng dấu mộc đàng hoàng cho lúc đi và lúc về, nên không có lý do gì bây giờ lại để mời tui lên để làm việc cho cái gọi là "liên quan đến hồ sơ xuất nhập cảnh".
Đây chỉ là cái cớ của Công an để mời tui lên nhằm mục đích thẩm vấn tui về chuyến đi vận động UPR vừa qua mà thôi", anh Ngoãn nói.
Qua đây, anh Ngoãn cũng cho cho biết "nếu trong thời gian tới, mà họ còn cố tình tiếp tục kéo một lần 4-5 công an lại nhà tui gửi giấy mời để sách nhiễu thì tui sẽ gửi báo cáo về việc này đến Liên Hiệp Quốc và các phái đoàn quốc tế mà tôi đã gặp gỡ, để họ nêu lên vấn đề này với chính quyền VN trong kỳ họp toàn thể UPR để thông qua bản Báo cáo của Việt Nam vào tháng 6 tới."
Anh Đặng Văn Ngoãn đang trả lời phỏng vấn BBC về UPR từ trong Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneva
Quyền tham gia
Anh Đặng Văn Ngoãn là người được biết đến khi đại diện cho nhóm Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống (PGHHTT) tham dự sự kiện “Ngày Việt Nam” vận động bên lề UPR tại trụ sở Liên Hiệp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ.
Tại đây anh Ngoãn đã đọc tham luận trình bày về tình hình "tự do tôn giáo tại Việt nam", cũng như cùng với những người bạn đồng hành của mình và các hội đoàn dân sự khác đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều phái bộ quốc tế nhằm vận động thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam.
Trả lời cho câu hỏi liệu anh có lo ngại sẽ bị cấm xuất cảnh như người bạn đồng hành của mình là anh Bùi Tuấn Lâm hay không, anh Ngoãn cho biết:
“Khả năng đó xảy ra với tui là rất cao, và tui luôn chuẩn bị tinh thần đó. Việc cấm xuất cảnh chỉ có thể ngăn tui đi ra nước ngoài, nhưng sẽ không ngăn cản được tiếng nói của tôi đưa ra trước cộng đồng quốc tế. Nếu tui không đi được thì cũng sẽ có các nhà hoạt động khác đi thôi, việc cấm xuất cảnh này chỉ làm cho chính quyền ngày càng bẽ mặt khi bị quốc tế chất vấn thôi.
Tui cho rằng những việc như câu lưu, thẩm vấn, và cấm xuất cảnh những người tham gia vận động UPR sau khi trở về nước chỉ cho thấy chính quyền đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và vi phạm nghiêm trọng cơ chế UPR.”
Đánh giá về những nhận định cho rằng phái đoàn từ trong nước sang Geneva vận động UPR vừa qua đã đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền, đi nói xấu nhà nước Việt Nam, anh Ngoãn đối đáp lại như sau:
“Tui cho rằng quan điểm như vậy là không khách quan, và thể hiện cho sự không hiểu biết gì về cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. UPR là một cơ chế kiểm điểm nhân quyền định kỳ đối với tất cả các quốc gia là thành viên của Liên Hiệp Quốc, mà công dân ở các quốc gia này đều có quyền tham gia bằng cách cung cấp tiếng nói của mình vào quá trình kiểm điểm này, nhằm giúp cho quốc gia bị kiểm điểm nhận ra sai sót và hạn chế, để hầu cải thiện và thúc đẩy bảo vệ nhân quyền được tốt hơn.
Tui đi với tư cách của một công dân và còn với tư cách một tín đồ của PGHHTT, nên tui nhận thức rõ giới hạn thực hiện quyền con người của người dân Việt Nam, và càng nhận thức rõ ràng hơn về sự đàn áp của chính quyền đang nhắm vào tôn giáo mà tôi đang có niềm tin, nên tôi cần phải lên tiếng về vấn đề này ra trước cộng đồng quốc tế”.
Hòa Hảo đấu tranh
Được biết nhóm PGHHTT mà anh Ngoãn tham gia được thành lập vào năm 2008, do ông Nguyễn Văn Lía thành lập, là nhóm được tách ra từ Phật Giáo Hòa Hảo với khoảng 300 tín đồ. tập trung ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Anh Ngoãn đưa ra nhận định về tình trạng tôn giáo Hòa Hảo của mình: “Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo hiện nay do nhà nước chỉ định và thành lập. Ngày 25/2 Âm lịch hàng năm là ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ “vắng mặt” (ngày mất), nhưng họ không tổ chức Lễ tưởng niệm, cũng như họ đã cắt bỏ đi phần “Thi văn Giáo lý” (tập hợp các bài giảng về chính trị xã hội của Huỳnh Phú Sổ) ra khỏi kinh sách. Điều này là trái với Hiến chương và tinh thần của Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập".
Những tín đồ PGHH đang bị đàn áp, nhưng chúng tui vẫn tiếp tục đấu tranh cho tự do tôn giáo nói chung, và PGHH nói riêng, cũng như tham gia tổ chức các sự kiện nhằm mục đích xây dựng xã hội dân sự và đấu tranh cho quyền con người được tôn trọng hơn ở Việt nam”, anh Ngoãn nói về những dự định tương lai của mình.
Được biết vào tháng 7 tới, nếu không có gì thay đổi thì Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do tôn giáo là ông Heiner Bielefeldt (người Đức) sẽ sang Việt Nam theo thủ tục “thăm viếng quốc gia” (country visit) từ lời mời của chính phủ, nhằm xem xét và đánh giá về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Theo cơ chế này, các cá nhân hay hội đoàn tôn giáo khi cho rằng niềm tin tôn giáo của mình đang bị đe dọa thì đều có thể gửi báo cáo về tình trạng tôn giáo của mình, cũng như liên hệ để được gặp gỡ vị Báo cáo viên này qua email freedomofreligion@ohchr.org.
Theo dòng UPR
Cũng trong một sự kiện liên quan tới UPR, vào sáng ngày 28/3/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về Thực thi Hiến pháp của Bộ Tư Pháp, trong đó ông Hoàng Chí Trung, vụ trưởng Vụ Các Tổ Chức Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao đã có bài tham luận về vấn đề nhân quyền trong kỳ UPR vừa qua,dưới nhan đề “vị thế mới của Việt Nam trước quốc tế trong bảo vệ quyền con người thông qua kết quả Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR) tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc”.
Nội dung của bài tham luận này không đề cập đến tình trạng vi phạm và các hạn chế trong việc thực thi nhân quyền tại Việt nam, mà chỉ ca ngợi những thành tựu và vị thế của quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế, trong khi các tổ chức xã hội dân sự đánh giá UPR vừa qua là đợt “tổng sỉ vả” của cộng đồngquốc tế nhắm vào chính quyền Việt Nam về tình hình nhân quyền.
Cũng thật dễ hiểu cho sự khác biệt này được thể hiện qua các bản dịch sang Việt ngữ chính thức từ chính quyền đều coi UPR là “cơ chế rà soát”, trong khi tinh thần của Liên Hiệp Quốc là “cơ chế kiểm điểm” nhằm thúc đẩy nhân quyền.
257 khuyến nghị (vì sự trùng lắp) được rút xuống còn 227 khuyến nghị, là con số cho thấy sự quan tậm đặc biệt của quốc tế về tình trạng nhân quyền của Việt nam, cần phải được thay đổi ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến nhân quyền.
Bài tham luận này cũng cho biết “khoảng 40 khuyến nghị ta cần cân nhắc thận trọng hoặc không thể chấp nhận. Các khuyến nghị này tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như yêu cầu ta huỷ bỏ việc áp dụng án tử hình; thả các đối tượng “bất đồng chính kiến” và ”người bảo vệ nhân quyền”; thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia theo nguyên tắc Paris; phê chuẩn Quy chế Rome về Toà án Hình sự quốc tế, sửa đổi các điều 79, 88, 258 của BLHS, đưa ra lời mời ngỏ đến với tất cả các thủ tục đặc biệt của HĐNQ, yêu cầu ta đón một số báo cáo viên/ chuyên gia độc lập về những lĩnh vực nhạy cảm (tự do ngôn luận, mất tích cưỡng bức, tự do báo chí...)."
Qua đây cho thấy các khuyến nghị liên quan đến các quyền chính trị, nhiều khả năng sẽ không được chính quyền chấp nhận, khó lòng mở rộng được quyền cho người dân Việt Nam trong thời gian tới.
Dù rằng các quyền này được xem là những quyền cơ bản phổ quát của cộng đồng nhân loại, dùrằng chính quyền Việt Nam đã tham gia vào cuộc chơi này, nhưng vẫn còn đó sự cố thủ dưới cách gọi là “lĩnh vực nhạy cảm”.
Theo quy định của UPR, các tổ chức xã hội dân sự sẽ có 20 phút để cất lên tiếng nói của mình về các vấn đề nhân quyền ngay trong Phiên họp Toàn thể lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 tới để thông qua bản “Báo cáo đầu ra” của Việt Nam cho kỳ UPR này.
Nhưng cho tới giờ này, vẫn chưa có tổ chức xã hội dân sự nào của Việt nam đăng ký tham dự để cất lên tiếng nói ngay trong cuộc họp này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét