Thật khó có thể nói Trung Quốc không thật tâm hay giả vờ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ngày 22-1-2013, trong buổi nói chuyện tại Ủy ban kỷ luật trung ương đảng, Tập Cận Bình đã nói đến chuyện “bắt hổ, diệt ruồi”. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh nhấn mạnh việc chống tham nhũng. Họ phải hiểu rằng sự tồn vong của thể chế, của chính quyền và của nhà nước có liên quan đến tham nhũng. Chẳng đời chủ tịch Trung Quốc nào mà không hô hào chống tham nhũng. Thời Giang Trạch Dân, Thủ tướng Chu Dung Cơ từng nói đương sự đã chuẩn bị sẵn 100 cỗ quan tài với 99 cỗ dành cho quan tham và một cỗ cho mình. Năm 2006, phát biểu trước Ban phòng chống tham nhũng trung ương, Hồ Cẩm Đào nói: “Cái quả bom nổ chậm ấy chôn trong xã hội có thể dẫn đến loạt vụ nổ, đưa đến bất ổn đồng thời làm tê liệt bộ máy nhà nước”.
Tuy nhiên, cũng khó có thể nói Trung Quốc chống tham nhũng là thật sự… chống tham nhũng. Đánh tham nhũng tại nước này chủ yếu là “diệt ruồi”. Còn “đánh hổ” thường mang dáng dấp của cuộc chém giết xâu xé quyền lực thượng tầng. Từ vụ Trần Lương Vũ đến Bạc Hy Lai rồi Chu Vĩnh Khang hiện tại đều là các cuộc chặt chém vây cánh. Không phải tự nhiên mà Giang (Trạch Dân) và Hồ (Cẩm Đào) đang đề nghị Tập kiềm bớt lại các chiến dịch càn quét trải thảm nhằm vào đàn em Chu Vĩnh Khang (Financial Times 31-3-2014). Giang-Hồ hiểu rõ rằng, nếu chiến dịch vờn con hổ Chu Vĩnh Khang tiếp tục mở rộng, rất khó có thể tránh được khả năng mũi giáo thọc trúng thuộc hạ họ. Giang-Hồ hiển nhiên hiểu rõ yếu tố lắt léo của những gắn kết quyền lực và quyền lợi trong một môi trường chính trị mà khái niệm “quan hệ” đã trở thành bản chất của chế độ. Trong đó đặc biệt tồn tại một thứ “văn hóa chính trị” bất minh gọi là “con ông cháu cha” vốn quen thuộc với lịch sử chính trị từ Trung Hoa ngày xưa đến Trung Quốc ngày nay.
DreamWorks Animation liệu có thể đột nhập vào thị trường điện ảnh bảo hộ chặt chẽ như Trung Quốc nếu “đối tác” của họ không phải là Giang Miên Hằng, con trai của Giang Trạch Dân? Con cháu giới chính trị Trung Quốc đã hình thành nên những hệ thống quyền lực và quyền lợi với những sân chơi và “lãnh thổ” riêng. Ôn Vân Tùng, con của Ôn Gia Bảo, là sếp một công ty viễn thông vệ tinh lớn nhất châu Á. Hồ Hải Phong, con của Hồ Cẩm Đào, từng nắm độc quyền cung cấp máy quét an ninh dùng tại sân bay, cảng tàu và ga điện ngầm khắp Trung Quốc. Phùng Thiệu Đông, con rể Ngô Bang Quốc, từng “làm cò” cho tập đoàn tài chính Merrill Lynch. Chu Vân Lai, con của Chu Dung Cơ, có chân trong Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc (một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc). Lý Tiểu Lâm, con gái Lý Bằng, là chủ tịch tập đoàn điện lực China Power International (trong khi người anh trai Lý Tiểu Bằng cũng làm sếp một công ty điện lực).
Tăng Vĩ, con trai của cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng, từng mua một biệt thự 32 triệu USD ở Sydney. Tăng Chi Kiệt, con trai của cựu Ủy viên Bộ chính trị Tăng Bồi Viêm, có chân trong tập đoàn tài chính Kaixin Investments. Lưu Nhạc Phi, con trai của Ủy viên Bộ chính trị Lưu Vân Sơn, cũng có mặt trong ngành quản trị tài chính; tương tự Giang Chí Thành, cháu trai của Giang Trạch Dân; tương tự Lưu Xuân Hàng, con rể của Ôn Gia Bảo (tức chồng của Ôn Như Xuân); tương tự Xa Phong, con rể của Đái Tương Long, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương. Tề Kiều Kiều, chị cả của Tập Cận Bình, cùng chồng là Đặng Gia Quý, là “doanh nhân” làng bất động sản và đất hiếm với tài sản khoảng 376 triệu USD. Liên quan nhà Hồ Cẩm Đào còn có người anh em họ, Hồ Dực Thì, chuyên lĩnh vực thép. Liên quan nhà Đặng Tiểu Bình có cậu con rể Ngô Kiến Thường (chồng của Đặng Lâm), cũng chuyên “làm thép”… Tháng 10-2012, tờ New York Times cho biết, tài sản “tập đoàn” Ôn Gia Bảo, trong đó có bà vợ Trương Bối Lợi chuyên kinh doanh kim cương, cùng bà mẹ Dương Chí Vân 90 tuổi, lên đến 2,7 tỉ USD…
Trong cái hệ thống mạng nhện như thế, xung đột nhóm là không thể không xảy ra. Nó sẽ không dẫn đến chém giết thanh trừng chừng nào người ta còn “thương lượng” với nhau được. Dĩ nhiên trong cái thế giới đó, người ta biết tỏng lẫn nhau. Khi xung đột nhóm trở nên vô phương cứu vãn, đặc biệt khi mâu thuẫn lợi ích kinh tế đan xen với đấu đá quyền lực chính trị, lá bùa “chống tham nhũng” sẽ được ngửa lên... Do đó, nếu cứ tin cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc là thuần túy chống tham nhũng thì chẳng có gì ngây thơ hơn thế!
Mạnh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét