Hu Zi
Ngày 6/2/1979, Đặng Tiểu Bình gặp thủ tướng Nhật Ohira Masayoshi, có nói rằng
“Chúng tôi đang phấn đấu cho chường trình bốn hiện đại hóa của chúng tôi. Khái niệm bốn Hiện Đại Hóa của chúng tôi là đặc sắc Trung Quốc, không giống khái niệm hiện đại hóa của ngài. Khái niệm của chúng tôi là (đời sống) của một ‘gia đình đạt tới mức khá giả (tiểu khang). Vào cuối thế kỷ này, ngay cả nếu chúng tôi đạt được những mục tiêu nào đó trong cuộc đuổi theo hiện đại hóa, tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân của chúng tôi cũng vẫn còn rất thấp. Để đạt được mức trong những quốc gia thịnh vượng thuộc Thế giới thứ ba, thí dụ một GDP bình quân US$1,000, chúng tôi còn cần phải làm những nỗ lực to lớn hơn. Lúc đó Trung Quốc vẫn còn trong trạng thái của tiểu khang.”
Tháng 9 năm 1982, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 12 cụ thể hóa ý niệm tiểu khang: “Tiểu khang nghĩa là vào cuối năm 2000 thì GDP bình quân của chúng ta sẽ đạt được US$800.”
“Tiểu khang” có nghĩa là no đủ nhưng không dư thừa, và khi thực thi, tăng trưởng kinh tế phải quân bình với những mục tiêu có khi tương phản như bình đẳng xã hội và bảo vệ môi sinh. “Tiểu khang” là một ý niệm được nói đến đầu tiên trong Kinh Thi (Thiên Đại Nhã) và Kinh Lễ mô tả chi tiết “xã hội tiểu khang”, coi như một xã hội lý tưởng nhất chỉ sau, và dẫn đến, “xã hội đại đồng”. Vì thế “tiểu khang” cũng được coi như phát xuất từ Khổng học.
Đặng Tiểu Bình đã lấy ý niệm “tiểu khang” làm nền tảng cho chương trình “Cải cách mở cửa ” (改革开放) với mục tiêu “bốn hiện đại hóa” gồm các cải cách về nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học-kỹ thuật và quân sự và giao cho đảng Cộng Sản nhiệm vụ thực thi xã hội chủ nghĩa với các đặc sắc đường lối Trung Quốc. Như vậy Đặng Tiểu Bình đã đẩy ý thức hệ Cộng Sản xuống hàng thứ yếu. Óc thực tiễn của họ Đặng thể hiện khi ông dùng câu ngạn ngữ của Trung Quốc “Không kể mèo trắng mèo đen, hễ bắt được chuột thì đều là mèo tốt” để hậu thuẫn cho chính sách ông đề xuất:
“Xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là chia đều cảnh nghèo khó. Vấn đề vẫn là phải giải quyết từ quan hệ sản xuất, đó là phải phát huy tính tích cực của nông dân… Hình thức nào ở địa phương nào có thể khôi phục và phát triển sản xuất tương đối dễ dàng và nhanh chóng thì dùng hình thức đó… quần chúng muốn dùng hình thức nào thì áp dụng hình thức đó. Nếu không hợp pháp thì làm cho nó hợp pháp.”
Ngày 30/6/1984, Đặng Tiểu Bình phát biểu:
“Chủ nghĩa xã hội là gì? Chủ nghĩa Marx là gì? Trước đây chúng ta hoàn toàn không hiểu rõ. Chủ nghĩa Marx gắn liền tầm quan trọng tột cùng việc phát triển các lực lượng sản xuất. Chúng ta nói rằng chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cộng sản đến giai đoạn phát triển cao của nó thì nguyên tắc làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu sẽ được áp dụng.
Điều này đòi hỏi phải có các lực lượng sản xuất phát triển và của cải vật chất dồi dào. Do đó, nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn chủ nghĩa xã hội là phát triển các lực lượng sản xuất. Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa được chứng tỏ, nếu phân tích cuối cùng cho thấy là các lực lượng này phát triển nhanh hơn và to lớn hơn so với chế độ tư bản chủ nghĩa. Khi các lực lượng sản xuất này phát triển, đời sống văn hóa và vật chất của nhân dân sẽ luôn luôn được cải thiện.
Một trong bốn thiếu sót sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chúng ta đã không chú ý đầy đủ tới việc phát triển các lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa xã hội có nghĩa là xóa bỏ nghèo khó. Sự bần cùng không phải là chủ nghĩa xã hội, càng không phải là chủ nghĩa cộng sản.”
Vì thế Đặng được xem là vị “tổng công trình sư” khai sáng và đặt nền móng đầu tiên cho thời đại mở cửa, cải cách của nước Tàu, khiến nó từ tình trạng đói ăn thiếu mặc thời hậu Mao Trạch Đông trở thành một đại cường quốc hiện nay.
Nguồn: 小康社会- Xã hội khá giả, Hu Zi. Facebook. 4/4/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét