Liên quan đến làm
sóng biểu tình khắp nơi trên đất nước để phản đối việc bá quyền bành trướng Bắc
Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD – 981 vào vùng thêm lục địa thuộc đặc
quyền kinh tế Việt Nam.
Từ Sài Gòn, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đã chia sẻ với nhà báo
Trần Quang Thành những suy tư của mình như sau, mời qui vị theo dõi
******
PHẠM CHÍ DŨNG: Cảm xúc lớn nhất là tôi thật lòng cám ơn Trung Quốc. Anh Thành có ngạc nhiên không?
TQT : Cũng ngạc nhiên mà cũng không ngạc nhiên.
PCD : Tôi có nói với mấy anh trong nhóm nhân sĩ trí thức ở Sài gòn là thâm tâm tôi cám ơn người TQ và nhà cầm quyền Bắc Kinh, vì nếu không có dàn khoan HD 891, không có giá trị 1 tỷ Đô la, không có tất cả những cuộc xâm lăng gây hấn liên tục từ năm 2011 đến nay của TQ ở VN ở Biển Đông thì đã không có những cuộc biểu tình tích tụ và phát triển như ngày hôm nay. Đó là cảm xúc lớn nhất của tôi, và tôi nghĩ rằng XHDS của VN cũng phải cám ơn TQ về điều đó, vì đó là cơ hội để phát triển các hội đoàn nhóm dân sự và trên hết là một tình thần tự hào dân tộc hiếm thấy trong suốt gần 40 năm vừa qua kể từ 1975.
Tôi nhớ không lầm thì từ sau cuộc chiến tranh biên giới 1979 đến nay mới có một tinh thần tạm gọi là hào hùng đến thế của những người biểu tình. Quan sát những người biểu tình, tôi thấy những em bé nhỏ khuôn mặt rạng rỡ, mặc dù tôi nghĩ nó chưa có ý thức vì còn quá nhỏ, nhưng nó rạng rỡ đi trong đoàn biểu tình. Từ những mầm non như vậy sau này sẽ thành những cậu bé cô bé, tương lai sẽ được quyết định bởi những kỷ niệm tự hào dân tộc rất đẹp. Anh có công nhận không? Bởi không phải đời người khi nào cũng có được lòng tự hào dân tộc nghĩ về đất nước một cách thấm thía như hiện nay, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước bắt đầu đi vào giai đoạn lâm chung, nếu không cẩn thận trong 3-4 năm tới thôi đất nước sẽ rơi vào cái vòng nô lệ mới của giặc phương Bắc – đó là Bắc Kinh.
TQT : Chúng tôi rất đồng cảm với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Đúng là chưa bao giờ đất nước ta có biểu hiện lòng yêu nước tuyệt vời như trong những ngày vừa qua. Một sự đoàn kết rất là tốt đẹp của những người dân VN đấu tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình trước họa xâm lăng của Trung Quốc. Anh có thể phân tích tại sao chúng ta có thể đi đến tình hình rất đẹp như vậy đối với nhân dân Việt Nam ta từ Nam ra Bắc và từ trong nước đến hải ngoại?
PCD : Về phía nhân dân Việt Nam – những người mang ý chí nguyện vọng và dám bước xuống đường, tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất là tình cảm dân tộc, bao giờ cũng vẫn là tình cảm dân tộc, vì lịch sử dân tộc VN là lịch sử tan và hợp. Vào thời bình luôn luôn tan chảy, luôn luôn rã đám và phân hóa dữ dội, phân hóa giữa các giai tầng. Hậu Trần, Hậu Lê, Hậu Lý đều dẫn tới những cuộc tàn mạt về lịch sử và gây ra những cuộc khởi nghĩa vũ trang, khởi nghĩa nhân dân vô cùng đẫm máu. Nhân dân VN hiện nay cũng đang nằm cùng một triều cảnh như vậy.
Tôi nghĩ rằng trong bất kỳ một hoàn cảnh lâm nguy nào của dân tộc thì lại tự nhiên xuất hiện cái điều mà xưa vua Trần Nhân Tông gọi là tính đồng nguyên của dân tộc. Tam giáo đồng nguyên thời Trần, và nhờ Tam giáo đồng nguyên cho nên mới ba lần chiến thắng quân Nguyên. Anh thấy con số 3 không? Tam giáo đồng nguyên và 3 lần chiến thắng quân Nguyên một cách lừng lẫy để cuối cùng đã đem lại niềm tự hào cho “người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”.
Bây giờ tinh thần Đồng nguyên cũng đang manh nha xuất hiện trong dân chúng. Nó chỉ tản mát thôi, nhưng tôi nghĩ một lúc nào đó tinh thần Đồng nguyên sẽ hội tụ lại. Nhưng rất tiếc là nhà nước này không biết tận dụng tinh thần Đồng nguyên đó. Đến lúc này, tôi cho rằng có rất nhiều quan chức cấp cao cũng không còn nhận biết, hiểu được tinh thần đồng nguyên của dân tộc là cái gì. Cho nên vẫn không hề, chưa hề diễn ra một hội nghị Diên hồng cho tới bây giờ, mặc dù dân chúng yêu cầu điều đó, mặc dù ít nhất là từ 2011 đến nay báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm đến yêu cầu trưng cầu dân ý và đề xuất cần phải có Luật trưng cầu dân ý và nhiều vấn đề lớn lao của đất nước, trong đó có vấn đề họa xâm lăng của Trung Quốc. Nhưng Quốc Hội vẫn chưa hề có ý định ban hành Luật trưng cầu dân ý, dù là trong tương lai gần hay xa. Đó là vấn đề cực kỳ đáng tiếc.
Yếu tố thứ hai là cho đến giờ đã gần 3 tuần dàn khoan HD 981 như một thực thể biểu hiện sự xâm lăng của TQ ở vùng lãnh hải VN, nhà nước VN vẫn không hề lên tiếng một cách kiên quyết, không làm một động tác gì mạnh mẽ. Thậm chí là một sự lăng mạ vừa mới xảy ra ngay đây thôi, mà lại đến từ thông tin từ một tờ báo nước ngoài chứ không phải báo trong nước. Không có một tờ báo trong nước nào đăng vấn đề này cả, không có truyền thông xã hội nào nắm được thông tin, mà lại ngạc nhiên là đến từ tờ The New York Times của Mỹ khi họ tiết lộ rằng theo một nguồn tin ngoại giao cấp cao giấu tên thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị giải quyết về dàn khoan HD 981 với Ban bí thư của Đảng cộng sản Trung quốc là sẽ đến Bắc Kinh để thương thảo vấn đề này, nhưng mà sự lăng mạ đã xảy ra khi Văn phòng của ông Tập Cận Bình từ chối thẳng. Không biết danh thể của chính quyền và Đảng cộng sản Việt Nam còn lại cái gì? Không muốn nói là quá yếu đuối, quá nhu nhược, quá thảm hại trước gã Trung Quốc khổng lồ luôn muốn trở thành một con chó sói bất cứ lúc nào, mà tôi ví là ở ngoài biển Đông, Trung Quốc là một con chó sói và tiếng hú của nó là một tiếng tru dài ghê gớm não nuột và thê thiết trong đêm trường Tây tạng. Đó là vấn đề khi chúng ta đặt ra là lòng yêu nước của phải thể hiện, thể hiện thay luôn cho cả nhà nước chứ không chỉ cho cá nhân mình. Đó là lý do mà có những cuộc biểu tình như vừa rồi.
TQT: Nhà báo Phạm Chí Dũng vừa đề cập đến hội nghị Diên Hồng tức là vào khi mà đất nước có nguy cơ bị ngoại xâm thì vua tôi rất là đoàn kết chống ngoại xâm, xóa bỏ những tỵ hiềm. Nhưng trong xã hội ngày nay, chế độ độc đảng đã đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, phản bội nhân dân cả gần một thế kỷ rồi thì có còn đủ sức để có một cái hội nghị Diên Hồng không?
PCD : Anh hỏi câu này quá khó để trả lời. Quả là chu kỳ lịch sử của Đảng CS hình như đã hết và họ đang bước vào giai đoạn cuối. Những cuộc biểu tình liên tục vừa qua cho thấy đó là một bước ngoặt chuyển giai đoạn. Từ 1975 đến giờ chưa từng có những cuộc biểu tình như vừa qua. Có thể nói cuộc biểu tình vừa qua với tính cách tự phát, với quy mô số đông là biểu hiện tiếp bước vượt qua sợ hãi, từ bóng tối đi ra ánh sáng, từ lề đường bước xuống đường và từ đường cong thành đường thẳng. Đó là một sự tiến bộ của lịch sử.
Nhìn lại vấn đề vai trò độc đảng cũng cần nhìn lại vai trò của Đảng cộng sản Liên xô trước đây những năm 1986-1989. Năm 1986 là năm khởi động một phong trào chính thức của một trong những người bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở Liên Xô là viện sĩ Sa-kha-rốp, là nhà nguyên tử học, vật lý học của LX, người được hai lần giải thưởng Lê-nin (nếu tôi nhớ không lầm) và vô số huân huy chương của Liên bang Xô viết. Nhưng đó còn là người có thành tích lớn và đứng đầu trong phong trào dân chủ ở Liên Xô từ năm 1980. Khi ông bị bắt vào năm 1980 và bị đi đày ở chính quê hương mình thì không ai có thể tin rằng phong trào dân chủ ở Liên Xô có thể có những bước phát triển vượt bậc. Nhưng đến 1986 ông lãnh đạo phong trào. Và đến 1989 thì Gorbachev đã có bước quyết định lớn để sau khi trở thành tổng thống đầu tiên của Liên Xô, ông đã chính thức giải thể Đảng CS Liên xô và thiết lập chế độ đa đảng và sau đó là thời kỳ của Boris Elsin.
Chúng ta nhìn lại VN thì VN đã trải qua hơn 70 năm rồi từ năm 1945, và đến bây giờ thì cái vệt nắng đã đi gần hết đà của nó, con sóng đã chạy gần hết chiều dài của nó, có lẽ nó phải nhường cho một giai đoạn lịch sử mới. Năm 2013-2014 khi bắt đầu phát xuất phong trào Kiến nghị 72, chúng ta có thể ví và so sánh như phong trào của Sa-kha-rốp ở Liên xô vào 1986. Và nếu lịch sử ở Liên Xô mà tái hiện ở VN thì chúng ta cộng vào 3 năm, từ năm 2013 cộng thêm 3 năm nữa là 2016, có nghĩa là đến năm 2016-2017 theo tôi tính theo chu kỳ biến động chính trị có thể xảy ra một biến động chính trị đủ lớn ở VN để có thể thay đổi tình cảnh của đất nước, thay đổi khuôn mặt và có thể bản chất của đất nước.
Đó là vấn đề anh Thành vừa nêu và cũng là vấn đề quá khó hiện nay. Trước đây người ta chưa bao giờ có ý định về hội nghị Diên Hồng, nhưng tôi tin rằng quy luật nghịch đảo của nền chính trị so với lòng dân sẽ làm phát sinh hội nghị Diên Hồng trong thời gian tới, đến lúc nào đó người ta sẽ phải dựa vào ý kiến của dân. Đó là những người lãnh đạo thế hệ sau này có đầu óc tương đối thoáng và cởi mở hơn, và họ cũng không còn cách nào khác, không còn lối thoát nào khác ngoài việc phải quay lại với dân chúng trước khi họ phải nhận lấy một hậu quả trầm trọng về mặt chính trị và về số phận của họ.
TQT : Hôm 13/5 đã xảy ra một cuộc đình công biểu tình lớn tại tỉnh Bình Dương
và lần đầu tiên gần 20 nghìn công nhân đã tham gia. Trong quá trình đấu tranh
đình công để lên án TQ xâm lược, VN lại diễn biến một tình hình phức tạp là có
những bạo động manh động. Dư luận xã hội người ta nhận định vấn đề như thế
này: có người nói rằng đây là hậu quả của Đảng cộng sản Việt Nam đã đẩy
những cuộc đình công đến cái cách xảy ra bạo động chứ không phải những người
công nhân ở đấy, họ chỉ là một sự dồn nén. Ông bình luận thế nào?
PCD : Lý do đó có thể đúng. Nhưng chúng ta phân biệt thế này: có hai đối tượng khác nhau trong cuộc biểu tình. Khi tôi đi biểu tình ở Sài Gòn, tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt thực tâm, họ đi biểu tình vì lòng yêu nước. Nhưng mà quan sát những khuôn mặt của công nhân thì không phải đa số công nhân đi biểu tình vì tình cảm dân tộc mà đầu tiên là họ muốn giải tỏa ức chế, họ muốn nhào ra đường. Ở Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện chấp nhận biểu tình và biểu tình tự phát, do vậy người dân họ quá ức chế, họ muốn ra ngoài đường, muốn gào muốn la, ít nhất là la hét theo tiếng lòng của họ về những điều họ không được làm. Chính vì vậy mà khi có cơ hội để thể hiện những điều đó trong một cuộc biểu tình, trong một đám đông và trong một hoàn cảnh mà rủi ro bắt bớ đối với họ không cao thì họ không còn ngại nữa; và khi vượt qua được một chút sợ hãi thì họ bắt đầu giải tỏa những tích tụ dồn nén từ bấy lâu nay – đó là rất nhiều vấn đề xã hội và vấn đề quan hệ chủ thợ trong doanh nghiệp của họ.
Đời sống người công nhân ở VN khá khổ. Theo báo cáo của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ thất nghiệp luôn luôn chỉ có 2%, nhưng trong thực tế suốt 7 năm suy thoái kinh tế vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp phải lên từ 18-20%, và trong thời gian tới có thể đạt 25-26% tương đương Hy Lạp và Tây Ban Nha, và có ít nhất 40-50% thanh niên trong độ tuổi lao động thất nghiệp kể cả học vị thạc sỹ.
Trong những năm vừa qua, người công nhân phải đối phó với giá cả tăng cao. Từ 2011 đến nay giá cả tăng gấp 2,5-3 lần, trong khi đó lương công nhân lại bị giảm tương đối từ 25-30% thì làm sao công nhân có thể tồn tại được. Đó chính là cái bức xúc của công nhân. Mà không chỉ thế, công nhân còn bị đối xử khá tàn tệ, tàn tệ bởi họ bị bóc lột và một trong những kẻ bóc lột họ thậm tệ nhất lại là các ông chủ Trung Quốc và sau đó là các ông chủ Đài Loan – những người sinh ra trong chế độ bóc lột thô thiển của thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản dã man như ở Trung Quốc và Việt Nam bây giờ và họ rất hiểu cách để bóc lột công nhân, tức kéo dài thời gian làm việc và giảm lương. Đó là cách bóc lột thô thiển nhất mà Các Mác đã gọi là thời kỳ đầu dã man của chủ nghĩa tư bản.
Người công nhân bị tích tụ những bức xúc uất ức dồn nén, khi có điều kiện thì họ bung ra họ biểu tình, họ hô lớn, và khi không kiềm chế được thì họ đập phá. Nhưng không chỉ đập phá… Tôi cho rằng sắp tới một số quá khích còn hùa theo đám đông đập phá và đi cướp bóc. Đó là những gì mà chúng ta chứng kiến ở Indonesia cách đây khoảng 15-16 năm khi mà có một làn sóng ly khai ở A-séc mà người ta đổ ra đường và đi cướp bóc. Những gì chúng ta thấy ở Tân Cương trong những cuộc bạo loạn cũng có những cảnh cướp bóc như vậy của người Duy Ngô Nhĩ đối với người Hán, đập phá gia đình, đập phá nhà cửa và các cửa hàng của người Hán.
Ở VN, tình hình cũng có thể diễn biến như vậy. Đó là điều rất không nên khuyến khích vì nó thể hiện thứ văn hóa biểu tình cùng cực, thấp kém và nó chỉ làm cho tình hình tồi tệ đi. Chính quyền là nguyên nhân lớn nhất khiến xảy ra tình trạng này vì họ đã không làm cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cả quốc doanh có những điều kiện đối xử tốt đẹp hơn hoặc bớt tồi tệ hơn đối với công nhân. Họ đã không làm cho các công đoàn nhà nước phát huy được vai trò gì hết. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các công đoàn cơ sở đã chưa từng giải quyết một cuộc biểu tình tự phát nào. Chưa một cuộc biểu tình xin phép nào được thông qua mà hầu hết gần 1000 cuộc đình công mỗi năm của công nhân đều diễn ra tự phát, mà sau đó còn bị an ninh giải quyết, có nghĩa là xử lý trấn dẹp, thậm chí bắt bớ xử tù. Thế thì làm sao công nhân không bức xúc?
Và cũng chưa từng có Luật biểu tình, Luật lập hội. Công nhân bị đè nén đến gần như tận cùng, đó là điều mà các quan chức ngành lao động không thể thấu hiểu được. Trong năm 2013, đầu 2014 một số vụ tự tử của công nhân vì quẫn bách. Có trường hợp ba mẹ con ôm nhau nhảy xuống hồ… Bộ Chính trị Đảng Đảng cộng sản Việt Nam có thể đang nhìn vào chỗ khác, không nhìn vào những vấn nạn đang xảy ra tại VN.
Một nguyên nhân khác là nhà nước VN chưa từng chấp nhận một cuộc biểu tình tự phát nào. Thay vào đó từ 2011 đến nay gần 20 cuộc biểu tình chống TQ đều bị nhà nước khống chế cô lập, bị nhìn với ánh mắt giống lực lượng thù địch, bị lợi dụng để làm giảm ảnh hưởng của chế độ, để có thể lật đổ chế độ. Đến một lúc nào đó theo quy luật dồn nén tích tụ thì cái lò xo bị nén quá phải bung ra, lúc đó mọi chuyện trở nên tồi tệ và tự phát sẽ dẫn tới hỗn loạn.
TQT : Nhiều tổ chức xã hội nhiều cá nhân nhân sĩ trí thức nổi tiếng trong đó có Phạm Chí Dũng có kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình chống TQ khởi đầu vào ngày 18/05 tới đây. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, cuộc biểu tình ở Bình Dương mới đây có tác động như thế nào đến cuộc biểu tình sắp tới ?
PCD : Tôi xin trở lại vấn đề ở Bình Dương. Có thông tin cho rằng đó là do tình báo Hoa Nam TQ xen vào gây rối loạn và tạo cho chính quyền cái cớ để làm cho Bắc Kinh có thể can thiệp quân sự vào VN. Nhưng theo những gì mà tôi được biết thì phần lớn những động thái biểu tình ở Bình Dương là do tự phát uất ức dồn nén tích tụ và họ lao ra ngoài đường đập phá đốt phá. Chúng ta cần nhìn rằng đó không phải là do có tổ chức mà là tự phát, tuân theo quy luật tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn. Trong chứng khoán người ta nói quá nhiều về tâm lý bầy đàn. Anh có thể qaun sát trên đường ở VN là không cần có tổ chức, mà chỉ cần trong một không khí như vậy với lý do là chống TQ xâm lược, chỉ cần một lá cờ và tốt hơn là một cái loa là có thể tập hợp được vài chục người; vài chục người có thể kéo theo vài trăm người và cuối cùng trở thành một đám đông vĩ đại nhưng lộn xộn không tổ chức. Trên khắp đất nước đều có thể có những đám đông lộn xộn như vậy. Đó là thực trạng của ngày hôm nay, thực trạng biểu tình. Nếu không có văn hóa biểu tình thì tất cả những đám đông lộn xộn đó dù có thỏa mãn trước mắt nhưng cái hậu của nó sẽ không giải quyết một vấn đề gì cả.
Ở đây cũng đặt lại vai trò trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước thờ ơ quá lâu với vấn đề của mình. Sau khi Liên minh châu Âu, Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc ban hành một nghị quyết về biểu tình ôn hòa thì VN là một trong các quốc gia bỏ phiếu chống, cho thấy nhà nước VN chưa thành tâm đối với tiếng nói và quyền dân chủ của người dân, với những điều mà Nhà nước VN vẫn tuyên rao.
Tôi cho rằng Nhà nước VN đang phải chấp nhận biểu tình vì biểu tình ôn hòa chính là biểu tình một cách có văn hóa. Nếu không chấp nhận biểu tình ôn hòa thì Nhà nước VN sẽ phải chấp nhận lối biểu tình tự phát và bạo lực như ngày hôm nay ở Bình Dương. Xe thiết giáp quân đội vào đấy, lực lượng cảnh sát cơ động tràn đầy vũ trang tận răng nhưng mà làm gì được trước đám đông hàng chục ngàn người? Ngay năm 2013, đám đông chỉ 1.000 người ở huyện Tư nghĩa Quảng Ngãi đã làm chính quyền bất lực, huống chi là đám đông phát triển lên đến 5-10 ngàn người, thậm chí hơn thế nữa thì lực lượng vũ trang nào, cảnh sát nào có thể đàn áp được. Đó chính là vấn đề mà Nhà nước VN phải đối mặt và họ đang trở nên bất lực.
TQT : Những gì đang xảy ra ở Bình Dương ngày 13/5 và 14/5/2014 có thể làm cho Nhà nước Việt Nam có những bước đi không lấy gì làm đẹp lắm trong cuộc biểu tình sắp tới không, thưa nhà báo Phạm Chí Dũng ?
PCD : Chắc chắn đó không chỉ là cái cớ mà còn là cái cớ hợp lý để chính quyền thực thi các biện pháp nào đó đối với cuộc biểu tình dự kiến 18/5 sắp tới. Vì cho đến nay theo thông tin tôi nhận được thì Công an Bình Dương đã bắt khoảng 400 người. Mà tôi cho là một số người bị bắt cũng hoàn toàn xứng đáng, vì đó là những người cực kỳ quá khích và những người hôi của, họ không vì lý do biểu tình thực tâm mà do hôi của, cũng như tất cả những nơi khác trên thế giới mỗi khi có biểu tình và có khuấy đảo chính trị.
Nhưng biểu tình ôn hòa và biểu tình văn hóa thì phải khác. Tôi cho rằng Nhà nước Việt Nam phải phân biệt rõ đâu là biểu tình quá khích, đâu là biểu tình ôn hòa có văn hóa. Những người biểu tình thực tâm vì tinh thần dân tộc phải được tạo điều kiện, không bị phá rối, phá đám, không bị làm ra thứ gì có thể phản biểu tình. Như cuộc biểu tình meeting 11/5 vừa qua một trong những minh chứng rõ nhất, khi nhóm meeting của ông Huỳnh Tấn Mẫm tại Nhà hát lớn thành phố đã bị phá rối bởi một dàn nhạc và những tiếng hô. Trong hoàn cảnh nguy nan của đất nước mà đờn ca hát xướng như thế từ một nhóm được coi là Dư luận viên hoặc là những người chống biểu tình là những hành động không thể gọi khác hơn là vô liêm sỉ, khá gần với hành động “vong bản, vong thân”. Cứ như vậy thì sẽ dẫn tới mất nước. Đây chính là một kiến nghị tha thiết của tôi đối với chính quyền VN, vì nếu họ không nhận ra được vấn đề này thì những cuộc biểu tình tự phát sắp tới họ sẽ không thể trấn áp được. Mặc dù họ có toàn bộ chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó đã gần như bất lực trước các cuộc biểu tình số đông.
TQT : Theo ông cuộc biểu tình 18/5 sắp tới các tổ chức xã hội dân sự, các nhân vật nổi tiếng sẽ làm gì để cho nó thành công tốt đẹp trước sự phá phách của nhà cầm quyền?
PCD : Tôi cho vấn đề chính là của nhân dân chứ không phải của giới trí thức và của các nhân vật nổi tiếng hay của các tổ chức XHDS, mặc dù tôi vẫn coi trọng vai trò của các tổ chức XHDS. Nhưng các tổ chức XHDS ở VN cũng chỉ manh nha mà thôi, và mặc dù có lời tuyên bố biểu tình của 20 tổ chức XHDS nhưng thực chất thì cũng chỉ có khoảng 5-6 tổ chức ở Sài Gòn là có tiếng nói và có lực lượng để biểu tình. Còn đối với giới trí thức sau buổi meeting bị phá đám ở nhà hát Thành phố ngày 11/5 thì đó là một bài học cho họ, vì trước đó họ đề xuất làm việc với chính quyền với Ủy ban nhân dân TPHCM nhưng bị từ chối; ngày hôm sau chính quyền gặp họ và thông báo rằng họ cố gắng làm sao để không tổ chức cuộc meeting, nhưng khi họ tổ chức cuộc meeting thì lập tức bị phá rối. Điều đó cho thấy là cho dù nhóm trí thức này có cố gắng làm cái gì đó gần gũi hơn, để có tiếng nói với chính quyền, nhưng mọi chuyện không có kết quả và đó là một bài học rằng nếu không có sự thống nhất thì không đi đến một thành tựu nào cả, và chỉ là sự lợi dụng danh tiếng của nhau mà thôi.
Vấn đề còn lại là nhân dân. Vì nếu không có những cuộc biểu tình vừa qua của giới công nhân, đặc biệt là cuộc biểu tình gọn ghẽ và có kỷ luật diễn ra vào sáng nay thứ Tư tại Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình thì sẽ khó mà dự đoán được sẽ có một không khí biểu tình lan rộng vào ngày 18/5. Nhưng cũng có một sự cân đối là bên cạnh những hành động quá khích ở Bình Dương thì biểu tình tại Quỳnh Phụ lại diễn ra rất quy củ, được chính anh Nguyễn Xuân Diện mô tả là nhân dân hai bên đường đổ ra, hoa quả trà nước cờ xí tặng cho đoàn biểu tình và gia nhập đoàn biểu tình, lên tới hàng vạn người và rất kỷ cương, khơi dậy tinh thần dân tộc. Đó chính là điểm son trong biểu tình ôn hòa mà Nhà nước Việt Nam cần phải nhận ra rằng nếu diễn ra như vậy thì có lợi cho tất cả, cho người dân, cho nhà nước và có lợi cho cả ánh mắt nhìn của thế giới đối với Việt Nam như thế nào.
TQT : Xin cảm ơn nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.
Trần Quang Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét