Đường lưỡi bò tham lam và phi lý của Trung Quốc |
"Ở nước ta có rất nhiều thứ được-gọi-là chuyên gia và học giả về Luật Biển. Trong một thời gian dài, truyền thông Trung Quốc đã đăng tải quá nhiều phát biểu vô trách nhiệm về những vấn đề về liên quan đến biển Đông".
"Họ chẳng hiểu gì Công ước 1982 hay UNCLOS, họ bỏ qua lý lẽ và thậm chí coi thường Công ước đã ký.
Những gì họ nói, họ biết về “đường lưỡi bò” là vô cùng cẩu thả. Tất cả các đường ranh giới trên đất liền và hải phận trên thế giới đều là những đường liền mạch, rõ ràng, còn đường lưỡi bò chỉ là một vệt 9 đoạn đứt quãng quá mơ hồ".
Đó là những dòng mở đầu một bài viết trên trang blog cá nhân của học giả Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia của Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc.
"Hooper, một học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Hải dương học của Đại học Bắc Kinh, đã có bài viết khoa học, trong đó khẳng định 'Đường lưỡi bò của Trung Quốc là hợp pháp'. Đây là một văn bản cẩu thả, không chịu xem xét kỹ lưỡng các quy định pháp lý, luật pháp quốc tế.
Nếu cứ khăng khăng theo đuổi lối suy diễn, hành xử như vậy trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc sẽ đuối lý hơn các quốc gia láng giềng, một mặt sẽ bị lên án về khía cạnh đạo đức bởi cộng đồng quốc tế, mặt khác, Trung Quốc sẽ thành đối tượng của những lời chỉ trích", ông Lý Lệnh Hoa nhận xét trong một bài viết đăng trên blog cá nhân của mình.
Bài viết được đăng lên ngày 21/5/2014, trong bối cảnh tình trên Biển Đông ngày càng căng thẳng, Trung Quốc có nhiều phát ngôn ngang ngược, hiếu chiến và coi thường luật pháp quốc tế.
"Những phát ngôn của các “chuyên gia” này về Biển Đông đã gây nên những ảnh hưởng tiêu cực ở trong nước và đáng ra nên phải bị chỉ trích nghiêm khắc", học giả Lý Lệnh Hoa nhận định.
Trong bài viết rất dài của mình, ông Lý Lệnh Hoa đã dẫn một bài nghiên cứu chi tiết và sắc sảo, chỉ ra những lỗi ngụy biện và vô lý của Trung Quốc trong việc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò tham lam và phi pháp và lối hành xử vô lối của nhà cầm quyền Trung Quốc trên biển hiện nay.
"Trên thực tế, Trung Quốc chưa từng có bất cứ một văn bản chính thức nào chứng minh được mình có chủ quyền lịch sử với đường chữ U mà Trung Quốc đang đòi hỏi.
...Nói về tính lịch sử của "chủ quyền trên biển của Trung Quốc", chúng ta nên nhớ rằng, Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Từ xa xưa cho đến tận đời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc vốn không quan tâm nhiều đến biển.
Làm sao lại có thể dám nói rằng, người Trung Quốc từ xa xưa đã vươn ra hoạt động trên một vùng biển rộng đến hơn 200 vạn km2 mà Trung Quốc đang đòi hỏi hiện nay? Đấy là một sự ngụy tạo, bóp méo sự thật lịch sử", ông Lý Lệnh Hoa căn vặn về cái mà học giả gọi là "chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông".
Nói về thứ lý luận vô lý được nhà cầm quyền và nhiều học giả Trung Quốc gọi là "lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở biển Đông", ông Lý Lệnh Hoa đã chỉ trích rất gay gắt, “Các chuyên gia hàng hải Trung Quốc gần đây thường cao giọng nói về thứ gọi là “lợi ích quốc gia của Trung Quốc” trên biển Đông, vậy các quốc gia khác trong khu vực thì không có “lợi ích quốc gia” của họ trên vùng biển này sao?
Việt Nam có 1/3 GDP từ nguồn lợi biển, vậy Trung Quốc có nên cân nhắc đến lợi ích của họ?
Nếu nước nào cũng chỉ nhắm đến lợi ích cho riêng mình mà không tôn trọng luật pháp quốc tế, không nghĩ đến lợi ích của nước láng giềng, không xem xét, tôn trọng thái độ và khả năng chịu đựng của nhau thì Biển Đông sẽ mãi mãi là tâm bão tranh cãi, thậm chí dẫn đến chiến tranh.
"Đối với những tranh chấp trên Biển Đông, không thể chỉ nhìn từ cái lợi của mình, mà phải nhìn vào thực tế, nhìn từ quan điểm của nước khác, nhìn vào lẽ phải và công lý", ông nhấn mạnh.
"Nếu đã không biết đặt mình vào vị trí của người khác, thì tại sao Trung Quốc còn giãy nảy lên phản đối chỉ vì ông Abe đến thăm đền chiến tranh Yasukuni?”, ông Lý Lệnh Hoa phản bác mạnh mẽ lối hành xử ngang ngược của Trung Quốc trên biển.
Ngoài bài viết trên, gần đây học giả Lý Lệnh Hoa cũng nhận được lời đề nghị phỏng vấn của "một phóng viên Việt Nam". Nhưng sau khi cân nhắc đến những hệ lụy có thể xảy đến, vị học giả này đã viết một "Thư ngỏ gửi truyền thông Việt Nam".
Tiếp theo, Lý Lệnh Hoa viện dẫn một phần bài viết hồi tháng 3/2014 về thái độ và những cơ sở luật pháp của Việt Nam đối với vùng lãnh hải trên biển Đông.
"Năm 1994, Quốc hội Việt Nam đã bày tỏ sẵn sàng sửa đổi luật biển ở trong nước và chấp hành các điều khoản của Luật Biển quốc tế.
Việt Nam đã phê duyệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo đó, Quốc hội Việt Nam cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đánh giá lại tất cả các luật pháp quốc gia, và xem xét thực hiện những thay đổi cần thiết cho phù hợp với tinh thần của Công ước 1982.
Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam thông qua "Luật Biển Việt Nam", tuyên bố rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam vào trong điều luật cụ thể.
Khi đó, chính phủ Trung Quốc lên tiếng gay gắt, cho rằng hai quần đảo trên thuộc lãnh thổ Trung Quốc với tên gọi Nam Sa và Tây Sa (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Hai bên đều tuyên bố chủ quyền “không tranh cãi” với vùng biển này.
Giờ đây, Trung Quốc và Việt Nam hãy dùng trí tuệ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thay vì các hành vi khiêu khích", Lý Lệnh Hoa nêu quan điểm.
"Như chúng ta đều biết, vào thế kỷ 21, với sự phát triển nhanh chóng của hội nhập kinh tế toàn cầu, chủ quyền lãnh thổ không còn tuyệt đối, nếu nhất quyết theo đuổi thái độ cực đoan này, mọi chuyện sẽ rơi vào bế tắc", học giả Trung Quốc nhận định và kêu gọi các giải pháp hòa bình trong tranh chấp giữa hai nước Việt - Trung.
Trong đoạn cuối bức thư ngỏ gửi truyền thông Việt Nam, một lần nữa, ông lại kêu gọi các học giả Trung Quốc và truyền thông phải có trách nhiệm hơn với phát ngôn và việc đưa tin của mình về những tranh chấp trên Biển Đông và Việt Nam.
Đồng thời, ông mong đợi truyền thông Việt Nam cũng sẽ giữ một thái độ thân thiện, khách quan với Trung Quốc.
“Cả hai bên Trung Quốc và Việt Nam đều cần phải bình tĩnh đàm phán để giải quyết những tranh chấp về biên giới lãnh thổ và hàng hải.
Tôi, một học giả bình thường ở Trung Quốc, hy vọng rằng chính phủ hai nước và các dân tộc sẽ sống trong tình bạn và có một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Lý Lệnh Hoa viết, thay lời kết cho lá thư ngỏ của mình.
lược dịch
Theo Infonet
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét