Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Đòi quyền chọn cái chết!

right-to-die-case


Chu Nguyễn

Xưa nay chúng ta chỉ quen nghe lời kêu gọi khẩn thiết của dân chúng đòi quyền sống, nhất là dưới những chế độ hà khắc, độc tài hay chuyên chế gìm người thấp cổ bé miệng vào bước đường cùng. Ở đó tầng lớp bị trị, bị tước đoạt nhân quyền mới đòi quyền sống.
Bảo vệ quyền sống trở thành biểu tượng thiêng liêng của chế độ dân chủ. Nhưng ở thời đại chúng ta, nhất là ở các quốc gia văn minh tiên tiến khi công dân đã được bảo đảm gần như đầy đủ nhân quyền và dân quyền, thì người ta lại đòi hỏi quyền được chết theo ý nguyện (the right to die).
Quyền này trở thành nhu cầu trong một số trường hợp bệnh nhân thấy không thể tiếp tục sống nữa, mong sớm chấm dứt cuộc đời một cách tôn nghiêm hơn là phải sống mòn trong đau đớn.
Quyền được chọn cái chết không phải bước sang thế kỷ 21 mới có, mà đã có từ lâu và một vài quốc gia đã ghi thành luật chấp nhận cho y bác sĩ tán trợ tự tử, nhưng ở Canada đó là việc bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ở Canada, mới đây đã có một chính khách tỉnh bang vận động cho ra một đạo luật tôn trọng quyền được chết.
Tỉnh bang Quebec và Dự luật 52
Quebec có khả năng sẽ là tỉnh bang đầu tiên ở Canada cho phép bác sĩ được tham dự tích cực vào cái chết của những bệnh nhân bệnh nặng bằng cách chích thuốc độc (lethal injection) cho họ. Trước đây, nó là một trong những vấn đề đạo đức gai góc trong đó có phá thai, được bàn cãi sôi nổi ở Canada. Giờ đây cũng rất ít nơi trên thế giới cho phép điều này. Hơn nữa, nếu nó trở thành luật ở Quebec thì nó sẽ là một đạo luật tương phản với luật liên bang vốn quy định cho rằng chích thuốc độc cho bệnh nhân là tội tán trợ tự tử (assisted suicide) và dĩ nhiên là phạm tội hình sự (theo Criminal Code).
Dự luật trên trình trước nghị viện Quebec mùa hè 2013, đã được tất cả các phe phái trong nghị viện tán thành đưa vào nghị trình thảo luận. Dự luật có tên 52 đề ra cái khung hợp pháp mà bác sĩ có thể thực hiện việc chu toàn ý nguyện cho người bệnh nan y vô phương cứu chữa (incurable seriousillness), ở một tuổi luật pháp cho phép, khi không còn khả năng chống cự lại đau đớn do căn bệnh gây ra, được giúp “bình an nhắm mắt” (end-of-life care).
Nếu tương lai gần, các nhà lập pháp Quebec bỏ phiếu thuận thông qua dự luật như dự trù (đến tháng 4, 2014, trong cuộc bầu cử tỉnh bang, đảng PQ đã thất bại và đảng Tự do Quebec lên cầm quyền thì có thể có sự thay đổi).
Wanda Morris, giám đốc điều hành của tổ chức đòi quyền chọn cái chết tôn nghiêm (Dying WithDignity) trụ sở ở British Columbia, nhận định: “Nếu Quebec thực hiện điều này và người ta thấy có thể thi hành được và cảm thấy thoải mái vì nó, thì theo tôi phần lớn liên bang hãy trông vào đó và biết đó là điều chúng ta cần làm theo.”
Việc người bệnh nặng đã đến giai đoạn cuối có thể chọn cho mình quyền “chết khi nào và bằng cách nào” đã được sự ủng hộ rộng rãi ở tỉnh bang Quebec, một nơi được coi là có quan niệm cởi mở nhất trong liên bang.
Một cuộc thăm dò mới đây của Environics cho biết có tới 79 phần trăm người Quebec ủng hộ biện pháp “chết không đau” (euthanasia), trong khi ấy toàn quốc tỷ lệ này là 68 phần trăm. Y sĩ đoàn Quebec (Quebec’s College of physicians) ngay từ đầu đã ủng hộ dự thảo luật và cũng được các hiệp hội bác sĩ chuyên khoa và gia đình tán đồng.
Người đưa ra dự thảo luật 52 vào cuối năm 2013, là dân biểu tỉnh bang Quebec thuộc đảng PQ và là thứ trưởng bộ y tế Véronique Hivon. Bà này đã đệ trình dự thảo luật vào 2009 và trong gần bốn năm qua đã ra công tham khảo ý kiến của các bác sĩ, bệnh nhân, các nhà đạo đức và quảng đại quần chúng trước khi đệ trình dự án vào tháng sáu năm ngoái. Dự thảo luật này có tên: “Luật tôn trọng tâm nguyện người lâm tử” (An Act respecting end-of-life care) là một dự luật hoàn toàn mới mẻ. Không những nó đặt nền tảng pháp lý cho y bác sĩ trong việc tán trợ sự tự sát, nó cũng hợp pháp hóa việc sử dụng an thần lâu dài cho những trường hợp bệnh nặng không hy vọng cứu chữa (terminal palliative sedation hay TPS). Biện pháp này có thể giúp bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, tránh cho họ khỏi chịu đau đớn hành hạ trước khi chết.
Biện pháp TPS không phải là mới dùng trong y học và xem ra không thỏa mãn mong muốn của những người đòi quyền được chết tôn nghiêm và bình an vì không được hoàn toàn hợp pháp hóa và khả năng cũng hạn chế.
Tác giả dự luật là Veronique Hivon cho một ký giả của tờ Maclean’s biết: “Dự thảo luật nhắm vào 5 tới 7 phần trăm bệnh nhân mặc dù đã được săn sóc tận tình trong những ngày cuối cùng của cuộc đời nhưng vẫn phải nếm trải sự đau đớn không thể nào tưởng tượng được.”
Nữ dân biểu nhấn mạnh: “Biện pháp TPS không phải hữu hiệu cho mọi bệnh nhân, chẳng hạn nó có thể có công hiệu với bệnh nhân ung bướu nhưng không hữu hiệu với bệnh nhân chứng tế bào thần kinh vận động suy tổn Lou Gehrig, nên có nhiều bệnh nhân trọng bệnh dù đã được gây mê vẫn chịu đau đớn. Dự thảo luật nhắm vào mọi cách giúp người lâm tử an lành trước khi ra đi.”
Trong một cuộc phỏng vấn khác, Hivon lại tuyên bố: “Tôi cho rằng không có vấn đề nào mà là cấm điều không thể đưa ra. Tôi biết rõ xã hội Quebec đã hoàn toàn trưởng thành để có thể bàn cãi những vấn đề mẫn cảm.”
Dự thảo luật cũng đề ra nhiều cách kiểm tra việc thi hành đúng, như người bệnh phải còn tỉnh táo và chấp nhận biện pháp nhờ y bác sĩ tán trợ cho mình sớm qua đời chứ không bị ai ép buộc làm việc này. Theo dự luật thì bệnh nhân có ý nguyện này phải ký tên vào tờ tự nguyện yêu cầu y tế giúp đỡ để từ giã cõi thế (medical aid in dying). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không còn khả năng đạo đạt ước mong cuối cùng thì một thân nhân hợp pháp có thể thay thế. Bác sĩ được nhờ tán trợ phải duyệt xét xem bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn xin giúp đỡ tìm “cách chết tôn nghiêm” hay không, trong đó có điều khoản “bệnh nhân quyết định tự do không có ai ép buộc”. Ý kiến này lại phải có nhận xét của một bác sĩ khác và nếu ông này đồng ý thì nguyện vọng của bệnh nhân mới được thực hiện.
Dự thảo luật đòi quyền chọn cái chết của Quebec nếu sau này thành luật hẳn sẽ gây khá nhiều rắc rối về luật pháp ở liên bang. Hivon nhấn mạnh, dự thảo luật bà đưa ra “không phải tán trợ biện pháp chết không đau (euthanasia) mà là có sự trợ giúp y tế trong việc lìa đời mà bệnh nhân cần đến” nên không tương phản với luật hình sự quy việc “tán trợ tự tử” là một tội hình.
Tuy nhiên, Hivon cũng phải nhìn nhận: “Dù có khác nhau về ý hướng nhưng kết quả của hai biện pháp như nhau.”
Các nhà phản đối như Balfour Mount, một bác sĩ ở Montreal, và hội Liên hiệp y bác sĩ Quebec chống đối biện pháp chết không đau (Alliance for the Total Refusal of Euthanasia) có trụ sở ở Quebec cho rằng luật Quebec nếu thi hành chẳng qua chỉ là bình thường hóa việc tán trợ tự tử mà thôi.
Balfour Mount nhận xét: “với TPS, biện pháp an thần (sedation) dùng cho bệnh nhân ngủ nhắm giảm đau cho người bệnh chứ không phải nhắm sát hại người bệnh. Nhờ biện pháp TPS chúng ta có thể khống chế phần lớn cơn đau thân xác của bệnh nhân. Nếu đau đớn không từ thân thể, nếu bệnh nhân trầm cảm, cũng có thể trị liệu như thế. Nếu cơn dằn vặt tiếp tục, chúng ta hỏi xem bệnh nhân có muốn tiếp tục ngủ hay không. Điều này không cần thay đổi luật lệ.”
Phe chống đối Dự luật 52 cho rằng, nếu một đạo luật đưa ra nhắm vào việc giúp kết thúc sinh mạng bệnh nhân phải chăng chính quyền chỉ muốn bớt hao ngân sách vì sát hại bệnh nhân ít tốn kém hơn việc săn sóc người bệnh lâm tử như Catherine Ferrier của Liên hiệp nhận định: “Giết bệnh nhân rẻ hơn săn sóc họ.”
Xem ra việc tranh cãi về dự luật của Hevon không phải một sớm một chiều ngã ngũ. Cho dù người bênh vực dự luật tránh các từ “giúp chết không đau” (euthanasia) và “bác sĩ tán trợ tử tử” (doctor-assisted suicide) nhưng những kẻ chống đối cho rằng những mỹ từ như “chết với sự tôn nghiêm” (dying with dignity) “giúp lìa cõi đời” (assiteds dying) chỉ là ngụy trang cho một đạo luật có tính man rợ.
Tuy vậy, khuynh hướng tìm quyền chọn cách chết ở Canada đang mỗi ngày được nhiều sự ủng hộ.
Trước khi nhà vi sinh học nổi tiếng Donald Low (1945-2013) tạ thế vào tháng 9, 2013, đã công khai lên tiếng qua một băng video yêu cầu có luật tôn trọng quyền chọn cái chết ở Canada. Donald Low là nhân vật Canada mấy ai không nhe tiếng. Ông chính là khoa học gia ở bệnh viện Mount Sinai đã đứng mũi chịu sào, về mặt nghiên cứu cách phòng chống dịch SARS ở Toronto năm 2003. Nhân vật tài ba và nghị lực này mới đây bị ung thư não và phải từ bỏ phòng thí nghiệm. Mối lo nhất của người chiến sĩ tiền phong trong lãnh vực y tế là sẽ bị giày vò bởi đau đớn, bị tê liệt, sẽ phải dùng ống thông bao tử để đưa thực phẩm vào và cả việc tiêu tiểu cũng phải nhờ người khác, nên trước khi chết ông hô hào cho phép được chọn quyền chết một cách tôn nghiêm.
Cuốn băng ghi lời Donald Low và dự luật ở Quebec kích thích thêm phong trào đòi quyền chết, nhất là mới đây phong trào gặp trở ngại vì Tòa Phúc thẩm (Court of Appeal) ở B.C. đã phủ nhận quyền chọn cái chết.
Những người bênh vực Dự luật 52 cho rằng Quebec đã đi tiên phong trong việc giúp đỡ bệnh nhân về mọi mặt từ trị bệnh cho tới ước nguyện lúc lâm chung. Đặc biệt, là giới cao niên, trưởng thành sau Thế chiến thứ hai, giờ đây đến tuổi già, bệnh hoạn nhiều, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người ở các quốc gia tiên tiến thì từ lâu không lấy việc sinh con đẻ cái làm trọng, bây giờ mới cảm thấy cô đơn, không người trông nom an ủi, nên trong cơn đau ước nguyện lớn nhất là được quyền chọn cái chết có y tế giúp đỡ.
Trong tương lai gần vụ tranh cãi về mặt đạo đức và pháp lý giữa dự luật của Hivon và luật hình sự sẽ nổ ra dữ dội. Liên bang chắc hẳn sẵn sàng bác luật quyền chọn cái chết bằng cách nhờ y tế giúp đỡ (medically assisted death).
Chắc chắn sẽ có một phiên tòa được mở ra để phán xét Dự luật 52 nếu trở thành luật có vi phạm luật hình sự hay không và nếu vi phạm thì luật này khó được Canada công nhận trên toàn thể các tỉnh bang.
Chu Nguyễn
(Theo Maclean’s)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét