Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Còn tin vào 16 chữ vàng là lú lẫn?


Ảnh bên:Phó Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Thị Doan (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải vào ngày 21 tháng 5 năm 2014 (hình ảnh minh họa).

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ những quan điểm cụ thể hơn trong đối sách với Trung Quốc về Biển Đông, Việt Nam sẽ tự vệ nếu bị tấn công quân sự và không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông.


 Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vùng Đông Á diễn ra ở Manila ngày 21-23/5/2014, lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam xác định sát cánh cùng Philippines trong chiến dịch phản kháng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của các nước ở khu vực Trường Sa.

Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông

 Báo chí Việt Nam và quốc tế nhanh chóng đưa tin về những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila Philippines hôm 21/5. Thủ tướng Việt Nam xác định không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Được biết, trong tứ trụ lãnh đạo VN, quan điểm của ông Thủ tướng có vẻ mạnh mẽ nhất vì các lãnh đạo khác như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn còn nói về quan hệ 16 chữ vàng và 4 tốt.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động xã hội dân sự TS Nguyễn Quang A nhận định:

 “Tôi thấy đó là một lời tuyên bố khá là rõ ràng của một người đứng đầu chính phủ Việt Nam, đây là một điều rất đáng hoan nghênh. Việc ông Thủ tướng tuyên bố theo tôi là đã có một quyết định tập thể nào đó ở đàng sau, còn chuyện vẫn nói tới 4 tốt 16 chữ vàng thì những người ấy chắc là đã bị ăn vào bùa lú mất rồi.” 

Về quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi bị bắt buộc phải tự vệ”. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Tôi nghĩ rằng đấy cũng là một quan điểm nhất quán của chính quyền Việt Nam từ trước đến nay là Việt Nam không chủ động, không khơi mào cuộc đối đầu vũ trang, nhưng mà trường hợp bị dồn vào đến đường cùng và Việt Nam phải tự vệ. Tức là người khác khơi mào thì quyền tự vệ đó chắc chắn là một quyền hiển nhiên mà Việt Nam phải sử dụng. Tôi tin rằng bất kể người nào khác cũng phải nói như vậy chứ không chỉ một mình ông Thủ tướng.”

Theo VnExpress, Thủ tướng Việt Nam khi trả lời báo chí đã nói: Như tất cả các nước, Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, hãng tin AP của Hoa Kỳ trích các nguồn tin ngoại giao Việt Nam cho biết Hà Nội sẽ khởi kiện riêng rẽ hoặc tham gia vào vụ kiện của Philippines.

 Trong câu chuyện với chúng tôi TS Nguyễn Quang A bác bỏ những ý kiến cho rằng, một vụ kiện chống Trung Quốc về vụ giàn khoan Hải dương 981 sẽ mất thời giờ và không có kết quả vì Trung Quốc không tham gia và phán quyết của Tòa Trọng Tài theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 không có tính cách ràng buộc. TS Nguyễn Quang A cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng sử dụng công cụ pháp lý. Một phán quyết của Tòa Trọng tài Tòa án Quốc tế mà bất lợi cho phía Trung Quốc sẽ có ý nghĩa rất lớn bên cạnh việc tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Ở đây Chính phủ Việt Nam và các chuyên gia ở Việt Nam hiểu rất rõ ràng, đây không phải là kiện về vấn đề chủ quyền. Bởi vì khi kiện về vấn đề chủ quyền thì hai bên kiện tụng đều phải công nhận quyền phán quyết của tòa án đó. Như thế đơn phương kiện thì không ai người ta giải quyết cả và ở đây không đặt vấn đề kiện về chủ quyền mà kiện cụ thể là Trung Quốc đã đặt đã cắm cái giàn khoan ấy trong vùng của Việt Nam và tòa sẽ không phán vùng ấy thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng chắc chắn tòa sẽ phán nó thuộc vùng tranh chấp mà đã thuộc vùng tranh chấp mà đơn phương như thế là vi phạm rồi và dùng vũ lực nữa thì lại càng vi phạm. Ít ra có hai điểm Trung Quốc vi phạm trắng trợn thì trước mắt là kiện cái đó.” 

Quyết tâm chống Trung Quốc

  
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi thực hiện ngày 14/5/2014, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông nói rằng bản thân cũng ủng hộ vấn đề sử dụng công cụ pháp lý. Tuy nhiên Việt Nam cần xem việc kiện chỉ là một trong các biện pháp đối phó với Trung Quốc. Theo lời ông thời gian Việt Nam chuẩn bị hồ sơ có thể mất 1 năm cộng với thời gian từ 3 đến 4 năm chờ tòa thụ lý vụ kiện và giải quyết. Thạc sĩ Hoàng Việt tiếp lời:

“Nếu trong vòng 3-4 năm như thế mà Việt nam không có một biện pháp đầu tiên thực tế để giữ được các vùng biển của mình thì khi đưa được các vụ kiện ra thì có khi Việt Nam không còn biển nữa, thực tế Trung Quốc đã chiếm rồi thì còn gì mà kiện nữa. Đấy là biện pháp đầu tiên phải tính, vậy thì kiện nên là một trong nhiều biện pháp để tác động, ở đây Việt Nam chỉ có thể theo một thủ tục giống như Philippines đã kiện Trung Quốc đó là đưa ra Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục 7 Công ước Luật biển năm 1982. Theo đó Công ước Luật biển năm 1982 qui định vấn đề tranh chấp phải liên quan đến việc dẫn giải hoặc áp dụng bất cứ điều khoản nào của công ước. Căn cứ Philippines đưa ra dựa theo một loạt điều khoản khác nhau, trong đó đưa ra đường lưỡi bò trái nguyên tắc, rồi đưa ra một loạt vấn đề trong đó có 13 luận điểm yêu cầu 6 điểm về cấu trúc địa lý là có phù hợp hay không phù hợp điều 121 của Công ước Luật biển. Giả dụ Việt Nam kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 Công ước Luật biển 1982 thì Việt Nam sẽ phải chọn một căn cứ khác chứ không phải giống như của Philippines.

Thạc sĩ Hoàng Việt giải thích tiếp:

“Có thể nói những trường hợp thế này trên thế giới chưa có một tiền lệ nào cả và vì thế khả năng Tòa xem xét thụ lý và Tòa phán quyết có thẩm quyền hay không, thì cũng lại chưa biết chắc bởi vì còn nhiều luồng quan điểm khác nhau trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Giả dụ Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc, tôi thì cũng ủng hộ vấn đề này, nhưng nếu có kiện thì nó cũng chỉ là một trong những biện pháp, chứ nếu chỉ chăm chăm vào vụ kiện thì e rằng nó cũng có nhiều vấn đề sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia ngay lập tức và còn vụ kiện nó lại đòi hỏi khá nhiều và cho đến bây giờ vẫn còn nhiều cái chưa đảm bảo chắc chắn từ phía kiện.” 

Báo chí Việt Nam đã phổ biến toàn văn phát biểu của Thủ tướng Việt Nam sau cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino vào chiều 21/5 tại Manila. Trước đây khi Trung Quốc xâm chiếm vùng bãi Cỏ Mây của Philippines, Việt Nam và các nước ASEAN chỉ phản ứng chung chung kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Nhưng lần này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam và Philippines quyết tâm chống lại hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của mình và kêu gọi các nước trên thế giới lên án hành động của Bắc Kinh. Ông nói”

“Về tình hình Biển Đông, tôi và Ngài Tổng thống cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam và Philippines kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”

Phải chăng Việt Nam đã bắt đầu thể hiện một bước lùi trong quan hệ với Trung Quốc. Tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp khó lường theo Thông điệp của Quốc hội Việt Nam phổ biến ngày 22/5. Nhưng theo giới quan sát Chính trị, trong vài trò đứng đầu chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ đã vượt qua nhiều rào cản để thể hiện một thái độ rõ ràng cụ thể trước quốc tế, đó là không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông và lệ thuộc.

Nam Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét