Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Sáng suốt nhìn ra bạn, thù

Trong cuộc đời của một con người, sự nhầm lẫn trong việc chọn bạn sẽ gây ra khá nhiều phiền toái, phiền muộn mà những ai từng rơi vào hoàn cảnh đó hẳn đều thấm thía. Nhẹ nhất là bị “bạn” nói xấu, bắt tay với người khác, thậm chí với kẻ thù của mình để “chơi” mình, nặng hơn thì bị hủy hoại thanh danh, bị lừa tiền, lừa tình dẫn đến mất của, mất vợ, vỡ nợ, phá sản, kể cả mất mạng...
Nhưng dẫu sao thì việc nhầm lẫn trong chọn bạn của một cá nhân cũng chỉ gây tổn hại cho cá nhân đó, thêm vài người liên quan là cùng. Nhưng ở bình diện một nhà nước, một quốc gia, nếu nhầm lẫn trong chọn bạn, chọn đồng minh sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí đưa đến sự diệt vong cho cả đất nước, dân tộc đó.
Là đảng cầm quyền duy nhất ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1945, và trên toàn đất nước từ sau 30 tháng Tư, 1975, mọi chính sách về đối nội đối ngoại của đảng cộng sản sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đường đi, vận mệnh của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Trong suốt thời gian ấy, đảng và nhà nước cộng sản đã có quá nhiều sai lầm từ việc lựa chọn học thuyết tư tưởng Marxism-Leninism làm kim chỉ nam cho đảng, lựa chọn mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng cho đến chọn bạn, đồng minh. Bài viết này chỉ muốn tập trung vào vấn đề sau cùng: chọn bạn, chọn đồng minh.
Những ngày vừa qua, hàng loạt sự việc xảy ra đã đẩy mối quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản Việt-Trung trở nên xấu đi chưa từng có kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979:
Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” HD-981 và lực lượng bảo vệ tiến sâu vào trong lãnh hải của Việt Nam với tuyên bố để thăm dò dầu khí nhưng thực chất còn nhằm nhiều mục tiêu chính trị khác, trong đó có việc hiện thực hóa âm mưu xâm chiếm biển Ðông. Những cuộc đụng độ trên biển đã xảy ra giữa lực lượng bảo vệ giàn khoan của Trung Cộng và lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam, trong lúc tàu cá của ngư dân Việt tiếp tục bị tàu Trung Quốc tấn công, đánh cướp...
Một số vụ biểu tình phản đối Trung Quốc không rõ vì lý do gì, hoặc do ai giật dây, biến thành bạo lực nhằm vào các công ty, công nhân Trung Quốc và nhầm lẫn sang cả Ðài Loan, Hàn Quốc...Tạo cớ cho Bắc Kinh lớn tiếng phản đối Việt Nam, như thể chính mình mới là nạn nhân và cho tàu di tản công nhân, du học sinh Trung Quốc về nước làm quan hệ hai bên thêm căng thẳng.
Truyền thông cả hai bắt đầu đấu tố nhau, Bắc Kinh như thường lệ lại dở những lá bài tẩy cũ ra: Từ công hàm năm 1958 của Phạm Văn Ðồng công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý, những thông tin về đời tư ông Hồ Chí Minh, quan hệ giữa hai nước thời chiến tranh chống Mỹ - là những điều mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn muốn che giấu người dân v.v...
Bộ mặt thật của Trung Quốc lại bị phơi bày và mối quan hệ hữu nghị 16 chữ vàng, 4 tốt giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản lại đứng bên bờ vực phá sản.
Nhưng thật ra, chỉ trừ giai đoạn chiến tranh với Mỹ lúc đó nhân dân miền Bắc bị đảng và nhà nước tuyên truyền về tình hữu nghị thắm thiết Việt-Trung nên còn mơ hồ, còn lại người Việt Nam nói chung lúc nào cũng đầy cảnh giác với “ông bạn láng giềng phương Bắc.”
Trong những năm qua, người dân trong và ngoài nước có lòng với vận mệnh non sông đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, vạch trần âm mưu bành trướng muôn đời không thay đổi phía sau cái mặt nạ “trỗi dậy hòa bình, tình hữu nghị” của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng các thế hệ lãnh đạo Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam hoặc không muốn nghe, hoặc dù có biết nhưng vẫn cố tự ru ngủ mình.
Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX và đầu XXI đã chứng kiến biết bao đau thương, thiệt thòi mà đất nước, dân tộc Việt Nam phải gánh chịu từ mối quan hệ hữu nghị với các nước cộng sản, đứng đầu là Liên Xô cũ và Trung Quốc.
Có thể đối với Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc vẫn có một thời là anh em đồng chí tốt, giúp đỡ viện trợ “khủng” cho Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến với Mỹ và miền Nam ruột thịt. Nói thẳng ra, nếu không có sự chi viện tối đa về tiền tài, lương thực, quân trang quân dụng, vũ khí, và cả con người - từ cố vấn các loại cho đến lực lượng trực tiếp tham chiến bên cạnh người lính Bắc Việt, thì miền Bắc không thể nào chiến thắng được.
Nhưng như rất nhiều chuyên gia, nhà bình luận chính trị đã phân tích, món nợ đó Việt Nam đã trả quá đủ cho cả “hai ông anh” Liên Xô và Trung Quốc, bằng sự hy sinh xương máu của chính nhân dân để tiến hành một cuộc chiến có lợi cho cả Liên Xô, Trung Quốc. Ðặc biệt là Trung Quốc. Sau chiến tranh Việt Nam lại tiếp tục trả nợ “hai ông anh lớn” bằng tất cả những gì mình có.
Ðáp lại, Trung Quốc đã nhiều lần phản bội, bán đứng Việt Nam như thế nào các thế hệ lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam chắc chưa quên, ngay từ thời ký Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước cho tới cú bắt tay lịch sử Trung Quốc-Hoa Kỳ mở đường cho tập đoàn Trung Nam Hải tấn công Việt Nam qua cuộc chiến tranh biên giới 1979.
Nợ nần nếu có như vậy đã được thanh toán đủ, thậm chí dư. Tình hữu nghị nếu có lẽ ra cũng phải chết đi với cuộc chiến tranh 1979, với những phần lãnh thổ, lãnh hải, đảo... bị Trung Quốc cưỡng chiếm.
Cả với Liên Xô cũng vậy. Trong cuộc chiến Việt-Trung 1979, Liên Xô, dù đã ký kết “Hiệp ước hợp tác hữu nghị toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau” với Việt Nam nhưng chỉ hỗ trợ về mặt vũ khí, cố vấn, chuyên gia quân sự và trên lĩnh vực ngoại giao chứ không có hành động can thiệp quân sự giúp đỡ đồng minh.
Những tưởng bộ mặt thật của Trung Quốc hay sự nhiệt tình của đồng minh Liên Xô tới đâu hẳn Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã quá thấm thía.
Thế nhưng, một lần nữa, trước sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu năm 1990-1991, Hà Nội quá hoang mang, bối rối, lạc hướng, đã lại chạy sang cầu cứu Bắc Kinh. Hội Nghị Thành Ðô năm 1991 với những ký kết bí mật nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước đã đẩy Việt Nam vào sự lệ thuộc ngày càng nặng nề vào Trung Quốc.
Bây giờ, kể từ khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cùng lúc tấn công Việt Nam từ trên biển cho tới trên mặt trận ngoại giao, truyền thông, chưa kể còn rục rịch chuẩn bị chiến tranh trên bộ, chúng ta thấy gì?
Các nước ít ỏi lên tiếng ủng hộ Việt Nam là những cựu thù Pháp, Nhật, Hoa Kỳ, trong đó Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ nhất, còn hỗ trợ cảnh sát biển Việt Nam 18 triệu USD. Nhưng Hoa Kỳ không thể làm gì hơn, vì Việt Nam không phải là đồng minh, Việt Nam lại chưa chịu thay đổi để trở thành một nước tự do dân chủ, hay chí ít là cải thiện hồ sơ nhân quyền để Hoa Kỳ và các nước còn có động lực giúp đỡ Việt Nam nếu chiến tranh Trung-Việt lại xảy ra một lần nữa.
Trong khi đó, Nga tiếp tục làm Việt Nam bẽ bàng khi công khai bắt tay Trung Cộng và còn để cho báo chí viết bài xuyên tạc sự thật lịch sử, bênh vực Trung Quốc, chống lại Việt Nam. Cambodia, đất nước mà hàng trăm ngàn, hàng triệu thanh niên Việt Nam phải đổ máu, thậm chí vĩnh viễn ngã xuống để cứu “bạn” khỏi họa Pôn Pốt, cho dù khi làm như vậy Việt Nam cũng vì sự yên ổn của chính mình, thì từ lâu đã đứng về phía Trung Quốc. Trong các nước ASEAN lỏng lẻo chỉ có Philipines ủng hộ Việt Nam nhưng Philippines còn yếu hơn cả Việt Nam.
Không hiểu hai cú tát lần này từ Trung Quốc và Nga có giúp cho nhà cầm quyền Việt Nam tỉnh ngộ chưa hay giữa lúc này, khi thế nước đã hết sức nguy ngập, họ vẫn tiếp tục quỵ lụy Tàu để được giữ yên chế độ, giữ yên ghế?
Thậm chí, họ còn tự cho là khôn ngoan khi vẫn cố hết sức tránh xung đột, hoặc cố giữ đường lối trung lập, không liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào để chống lại quốc gia khác!
Giữ cho được hòa bình là điều mà ai cũng mong muốn, nhưng liệu có thể giữ bằng mọi giá, kể cả đánh mất chủ quyền đất nước? Hoặc khi đất nước đang yên ổn, việc không liên minh quân sự với nước nào còn có thể hiểu được, khi đất nước thường xuyên bị đe dọa, bị lấn chiếm đất, biển, kể cả sắp bị tấn công, một nước nhỏ yếu có nên cứ khư khư đứng một mình?
Trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam bây giờ là tiếp tục lên tiếng với thế giới về âm mưu bành trướng và nguy cơ của Trung Cộng đối với cả thế giới tiến bộ, mặt khác gây sức ép hơn nữa để nhà cầm quyền phải thay đổi đường lối chính sách ngoại giao, thay đổi bạn-thù, thay đổi thể chế chính trị trước khi quá muộn.
Song Chi
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét