Bà Đầm Xòe: Ông Minh Tâm phản bác lại ông Minh Toàn. Đúng là có Tâm mới có Toàn. Toàn mà không có Tâm làm sao mà Minh Toàn được, Toàn ăn nói linh minh tinh.
(VNTB) Trên báo Năng lượng Mới số 343 (http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/doc-lap-hay-doi-lap.html), có bài viết: “Độc lập hay đối lập?”. Tựa đề này chỉ là dạng thức của câu hỏi tu từ, vì ngay sau đó, tác giả bài viết ký tên Minh Toàn, đã khẳng định: “Chắc chắn là âm mưu đối lập!”.
“Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói như vậy trong cuộc làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhằm đánh giá kết quả, đề ra phương hướng phối hợp công tác giữa Chính phủ và Liên hiệp Hội trong thời gian tới, diễn ra chiều ngày 29-7 tại trụ sở Chính phủ.
Theo tinh thần cầu thị đó của người đứng đầu Chính phủ, tác giả bài viết này xin được cùng trao đổi với tác giả bài báo “Độc lập hay đối lập?”.
Vi hiến và vu khống
“Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14, Hiến pháp 2013)
Như vậy, với cách dùng câu văn khẳng định của tác giả Minh Toàn: “Núp bóng tổ chức xã hội dân sự, thời gian qua, vẫn có những nhóm người lập ra các “hội, đoàn độc lập” khiến một số người ảo tưởng về một “liều thuốc dân chủ” lợi hại, trong đó có “Hội nhà báo độc lập” và “Văn đoàn độc lập””, cho thấy đã có dấu hiệu vi hiến và hành vi của “tội vu khống” của tác giả Minh Toàn, được quy định tại Điều 122 của Bộ luật Hình sự.
Tác giả Minh Toàn đã vi phạm Điều 122, Bộ luật Hình sự về “bịa đặt…”, khi công khai xúc phạm danh dự công dân, khi viết: “Báo chí Cách mạng Việt Nam qua 89 năm trưởng thành, phát triển đang hiện hữu Hội Nhà báo Việt Nam với hơn 21.000 hội viên. Thế mà nực cười thay, các “nhà dân chủ” lại tung hô, kêu gọi thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập” cho những blogger đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước mà chẳng bao giờ có một tác phẩm báo chí đúng nghĩa. Chức chủ tịch hội do một người tự phong. Những người này còn tự xưng “nhà báo độc lập”, ra tận nước ngoài tham gia cái gọi là “điều trần đòi quyền tự do báo chí cho Việt Nam” và ngang ngược đòi chuyển ngày truyền thống của báo chí Việt Nam từ 21-6 sang ngày 3-5. Ðúng là một hành động vô lối!”.
Ở đây, tác giả Minh Toàn có ít nhất các bịa đặt như: cố tình viện dẫn để gây ngộ nhận với tình tiết “báo chí cách mạng Việt Nam”. Khái niệm báo chí Việt Nam bắt đầu từ khi tờ Gia Định báo ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Tờ báo tổng hợp này có khuôn khổ 25 x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu tiên. Nguyệt san Thông loại khóa trình (báo kiểu sách đọc thêm, giải trí mang mục đích giáo dục) do Trương Vĩnh Ký chủ trì, khuôn khổ 16 x 23,5 cm, phát hành hàng tháng tại Nam Kỳ trong những năm 1888-1889, là tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên. Số báo số 1 ra vào tháng 5-1888.
Nhà báo Việt Nam đầu tiên là Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên tự là Sĩ Tải thường gọi là Pétrus Ký, quê ở Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre). Ông thành lập, làm tổng biên tập những tờ báo Quốc ngữ đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.
Danh hiệu nữ tổng biên tập đầu tiên thuộc về Nguyễn Xuân Khuê (1864-1921), thường được biết qua bút danh là Sương Nguyệt Anh, người con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, quê ở Ba Tri, Bến Tre. Nhận lời mời của các đồng nghiệp, đầu năm 1918 bà lên Sài Gòn làm Tổng Biên tập tờ Nữ giới chung và phụ trách tờ báo này trong suốt thời gian tồn tại của nó.
Như vậy, có thể hiểu “89 năm báo chí cách mạng Việt Nam” cũng chỉ là một lát cắt trong lịch sử báo chí Việt Nam. Do vậy với việc lấy mốc 21-6 để kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam và cũng coi như đây là “ngày truyền thống” của Hội Nhà báo Việt Nam, để rồi làm một “chuẩn mực” để quy kết như lời của tác giả Minh Toàn, là hành vi cố tình vi hiến, được quy định tại Điều 16, Hiến pháp 2013: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; và Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Ai chỉ đạo vu khống?
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Trích Điều 25, Hiến pháp 2013).
“Có thể làm tất cả những gì mà luật không cấm” là một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền mà theo đó, mọi công dân có thể làm tất cả những gì một khi điều đó không bị pháp luật cấm. Như vậy, pháp luật chỉ quy định những điều cấm mà không quy định danh mục những hành vi cho phép. Nguyên tắc này giúp phát huy mọi sáng tạo của các chủ thể phục vụ lợi ích của xã hội, của nhà nước và của công dân. Tuy nhiên, đối với các cơ quan nhà nước, các cán bộ – công chức lại phải áp dụng nguyên tắc “Chỉ được làm những gì mà luật cho phép”, nhằm tránh những hành vi tuỳ tiện, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Cho đến nay, pháp luật chưa có điều cấm nào về giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, biểu tình. Pháp luật mới chỉ có quy định về “lập hội”. Như vậy, việc thành lập các tổ chức hội, đoàn chưa được sự cấp phép của cơ quan chức năng là điều ghi nhận, cần thiết có sự chủ động tạo điều kiện pháp lý từ phía chính quyền, thay vì tiếp tục cấm đoán bằng những mệnh lệnh hành chính.
“Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Và những hội, đoàn độc lập chính là những tiếng nói tư vấn phản biện từ xã hội mà một chính phủ của dân và vì dân luôn hiểu cần phải cầu thị lắng nghe.
“Như vậy, một lần nữa khẳng định rằng, Hội nhà báo độc lập và Văn đoàn độc lập là những tổ chức do một nhóm người tự lập ra, hoàn toàn vi phạm Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như Công ước quốc tế! Ðó là những tổ chức đối lập với hệ thống chính trị ở nước ta, cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội”. Tác giả Minh Toàn, viết.
Căn cứ vào Điều 107, Hiến pháp 2013: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”, đề nghị cơ quan công tố cần xem xét trách nhiệm dân sự và hình sự về các hành vi cố tình vu không, không tuân thủ Hiến pháp của tác giả Minh Toàn ở bài viết “Độc lập hay đối lập?”, đồng thời truy tìm xem ai đã chỉ đạo để Petrotimes vu khống Hội Nhà báo độc lập Việt Nam?
Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét