Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Những ông chủ Trung Nam Hải (Phần I)

Ôi ! Ta sinh vào thế kỷ mà tội ác đế quốc lõa lồ không che dấu
Tội ác như con đĩ trần truồng đem của báu
Ra khoe
Ông chủ mới họ Tập của Trung Nam Hải đang có những hành động làm cho cả thế giới lo âu nhiều hơn là hy vọng. Là con trai của cựu Phó thủ tướng nước CHND Trung Hoa Tập Trọng Huân, ông thuộc tầng lớp “thái tử” của đảng. Ông ta đã trải qua nhiều chức vụ từ cấp huyện, cấp tỉnh rồi Bí thư Thượng Hải. Cho đến tháng 3.2013, Tập chính thức đảm nhận ba chức vụ đứng đầu TQ: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông ta thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm của TQ. Câu nói nổi tiếng của Tập: “Trong máu người TQ không có gen xâm lược” càng cho chúng ta thấy sự khác nhau rất xa giữa lời nói và việc làm của TQ.
Lịch sử những ông chủ Trung Nam Hải, trong một giai đoạn nào đó, gắn liền với lịch sử TQ. Trung Nam Hải – trung tâm quyền lực số 1 của TQ đã nổi tiếng khắp thế giới từ xưa đến nay. Hơn tám trăm năm qua, Trung Nam Hải đã gieo rắc không biết bao nhiêu là nỗi sợ hãi cho dân chúng TQ và không ít khi, nó vượt ra ngoài phạm vi TQ. Lọt vào Trung Nam Hải, có nghĩa là lên đến tột đỉnh vinh quang – “lên voi”, song cũng có thể “xuống chó” trong nháy mắt. Đó là một điểm rất đặc biệt của Trung Nam Hải.
Trung Nam Hải được khởi dựng từ đời nhà Liêu, nơi đây từng là một khu đầm tự nhiên đẹp đẽ, thơ mộng với những rừng cây rậm rạp và đồng cỏ xanh bát ngát. Nhà Liêu suy, lại đến thời nhà Kim, rồi Hốt Tất Liệt…Thời kỳ đầu chế độ dân quốc, phủ Tổng thống Viên Thế Khải cũng đặt ở Trung Nam Hải. Cứ thế, Trung Nam Hải hết đón chủ nhân này lại đến chủ nhân khác.
Ông chủ đầu tiên của Trung Nam Hải trong lịch sử hiện đại TQ tất nhiên là Mao Trạch Đông.
Một ngày đầu năm 1949, Mao vừa ngồi hút thuốc vừa trao đổi với Vương Gia Tường:
- Tôi muốn nghe ý kiến của anh xem Chính phủ của chúng ta nên đặt thủ đô ở đâu? Các triều đại Hoàng đế nếu không đặt kinh đô ở Tây An thì cũng phải là Khai Phong, hay Thạch Đầu Thành, Nam Kinh hoặc Bắc Bình. Còn thủ đô của chúng ta đặt ở đâu là thích hợp nhất?
Vương Gia Tường:
- Hay là đặt ở Bắc Bình?
- Vậy anh có thể nói lý do tại sao?
- Tôi thấy Bắc Bình gần Liên Xô, Mông Cổ, không lo có chiến tranh. Nam Kinh tuy gần với Hồng Kông, Mao Cao, Đài Loan nhưng địa thế hiểm yếu. Còn Tây An thì hơi xa về miền Tây. Cho nên tôi thấy Bắc Bình là phù hợp nhất.
- Phải lắm, phải lắm. Mao cười và không ngớt gật đầu.
Thế là, tháng 9.1949, Bắc Bình được đổi thành Bắc Kinh – thủ đô của TQ. Và Trung Nam Hải chính là “thủ đô của thủ đô” TQ.
Trung Nam Hải nằm ở vị trí trung tâm của Bắc Kinh, phía Tây thành Thiên An Môn. Đây là nơi làm việc của Ban Chấp hành Trung ương ĐCS TQ, Quốc vụ viện, Quân ủy Trung ương – những cơ quan tối quan trọng của chế độ.
Có người nói, Trung Nam Hải chỉ có mấy cái hồ nước, sao lại gọi là “hải”? Phải chăng điều đó cho thấy tư duy về biển của người TQ rất hạn hẹp, hình như chỉ mới thấy nước thôi mà họ đã tưởng là biển? Cho đến khi, vai trò của biển đã nổi lên hàng đầu, người TQ mới hốt hoảng giật mình và vội vàng tiến ra biển, tranh cướp biển của láng giềng với thái độ hung hăng, làm cả thế giới rất căm phẫn, tuy nhiều nước giữ thái độ im lặng.
Trở lại với ông chủ đầu tiên của Trung Nam Hải trong lịch sử hiện đại TQ. Ngày 31.1.1949, Mao dẫn đầu cơ quan thống soái Trung ương rầm rầm tiến vào Bắc Kinh. Chu Ân Lai, sau khi vào thành, xem xét tất cả các nhà ở, cảm thấy Cúc hương thư ốc trong Trung Nam Hải tốt hơn cả nên mời Mao về ở, còn mình thì chuyển về Tây Hoa Sảnh.
Năm ấy, Mao 56 tuổi. Người con nông dân sinh ra ở Thiều Sơn, Hồ Nam, nếu vẫn sống ở quê hương thì vào tuổi ấy, chắc đã có con cháu đề huề, song giờ đây Mao đã là ông chủ của một đất nước đông dân nhất thế giới. Hãy chờ xem những việc làm “kinh thiên động địa” của ông chủ mới Trung Nam Hải.
Mao cao hơn một mét tám, thân dài, bàn tay dài, cánh tay dài, chân dài, ngay cả lông mi cũng dày, đúng là tướng mạo đế vương. Khuôn mặt thâm trầm, mái tóc đen rẽ giữa, đôi bàn tay thon thon, hai vành tai to, nốt ruồi đen dưới cằm nổi rõ lên trên khuôn mặt phương phi, nhẵn bóng. Đó là một người TQ điển hình – nhận xét của một người nước ngoài về Mao. Tuy vậy, ta không khỏi bật cười về hai câu thơ tả bề ngoài Mao của NCT: “Bác Mao cân nặng tạ hai. Thịt ùn lên mặt, mặt hai ba cằm”.
Trong khu Phong Trạch Viên – Trung Nam Hải, ngoài Mao ra, còn có Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Bành Đức Hoài, Dương Thượng Côn, Lục Định Nhất, Hồ Kiều Mộc…Dường như thời gian đầu lập nước, ông chủ Trung Nam Hải muốn sống gần các chiến hữu cùng vào sinh ra tử ngày nào.
Nhưng, rất nhanh, “Giảo thổ tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàng; địch quốc phá, mưu thần vong” (“Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ thịt; chim bay cao chết, cung tên vứt bỏ; nước địch phá xong, mưu thần bị giết”). TQ là thế đó !
Sau mười năm kể từ ngày lập nước, “dốc hết lòng hăng hái, phấn đấu vươn lên hàng đầu, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều, nhanh, tốt, rẻ”, cục diện TQ biến đổi khôn lường, những mâu thuẫn nội bộ không ngừng phát sinh. Bên trong Trung Nam Hải lại càng nổi lên nhiều phong ba, bất đồng về quan điểm chính trị đã tạo nên những sự chia rẽ nghiêm trọng giữa các nhà lãnh đạo thế hệ đầu tiên của TQ.
Những ngày đồng cam cộng khổ đã qua, nhường chỗ cho sự tranh chấp quyền lực. Các chiến hữu gần gũi Mao như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức… càng ngày càng khó nắm bắt ý đồ của Mao, phải thận trọng, giữ gìn từng li từng tí một. Vậy mà cũng không thoát khỏi những cái bẫy mà Mao giăng ra.
Đầu tiên, phải nói đến nguyên soái Bành Đức Hoài. Bành sống tại Vĩnh Phúc Đường trong Trung Nam Hải hơn mười năm, khi từ chiến trường Triều Tiên trở về. Bấy giờ, căn nhà này vừa cũ vừa dột nát, phải sữa chữa nhiều mới ở được, song Bành không cho làm. Bành nói với nhân viên công tác, hãy để ý đến ngôi nhà lớn quốc gia, còn ngôi nhà nhỏ của tôi thế này là được rồi. Có lúc, nhân viên công tác thấy chật chội quá, muốn làm thêm một gian nhỏ, ông đã đồng ý, song Bành lại phát hiện ra là nếu làm tại vị trí đấy, sẽ cản đường đi dạo hàng ngày của Tổng tư lệnh Chu Đức, bèn cho ngừng lại.
Các “phát minh” của Mao về “ba ngọn cờ hồng” (đường lối chung, đại nhảy vọt và công xã nhân dân) cho đến năm 1958, đã làm chết đói 37,55 triệu người dân TQ vô tội. Đói quá, không còn cách gì nữa, người ta quay ra ăn thịt người, đặc biệt là trẻ con. Thật không thể tưởng tưởng nổi điều khủng khiếp đó – ngay trong thế giới văn minh những năm giữa thế kỷ hai mươi.
Lê Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét