(VNTB) - Kể từ khi Hội NBĐL thành lập, tôi được tham gia họp Hội 2 lần và họp Ban lãnh đạo (BLĐ) 2 lần. Mỗi lần đi họp, tôi đều có một cảm xúc rất thiêng liêng. Rồi qua kỳ họp đầu tiên của Chi Hội Miền Bắc, tôi hiểu ra, cảm xúc ấy không chỉ mình tôi có.
Đừng tự huyễn hoặc mình
Hôm họp Hội nghị thành lập Hội, Phạm Bá Hải đưa tôi đến phòng họp hơi muộn (hôm trước máy bay trễ, khi đi nghỉ được thì đã rất khuya). Anh em thấy tôi xuất hiện đều reo lên. Tôi cảm được không khí thân tình, chân thành và ấm áp của những người cùng chung nỗi trăn trở trước hiện tình đất nước. Linh mục Lê Ngọc Thanh đang điều khiển cuộc họp liền hồ hởi đứng dậy đi nhanh về phía tôi, bắt tay thật chặt. Cha Thanh nói: “Chúc mừng người hùng”. Tôi hiểu, anh em gặp nhau vui mừng thì nói thế, chẳng chết ai, chứ tôi biết, tôi anh hùng gì đâu. Nhất là nhìn qua một lượt, thấy rất nhiều người nổi tiếng, đặc biệt là nhiều tù nhân lương tâm.
Nếu ai đó tự huyễn hoặc về mình, hãy nhìn vào những tù nhân lương tâm để mà biết mình còn nhỏ bé. Các anh chị ấy đã cống hiến, đã được thử thách bằng những năm tháng khắc nghiệt trong nhà tù cộng sản. Thế nhưng chính họ lại là những người khiêm nhường hơn cả.
Chợt có một xúc cảm rất lạ, chạy khắp cơ thể khi tôi nhìn thấy Đỗ Thị Minh Hạnh, một tù nhân lương tâm vừa mới được trả tự do trước thời hạn vô điều kiện. Lần đầu tiên, tôi gặp Minh Hạnh. Tôi nhận ra là vì hình ảnh Minh Hạnh đã khắc sâu vào tâm khảm. So với tôi, Minh Hạnh kém một thế hệ nhưng lòng nể trọng Minh Hạnh còn đến trước cả tình thương yêu của một người lớn tuổi dành cho thế hệ sau.
“Người thay thế”
Cuộc họp đi vào thảo luận Tuyên bố và Điều lệ của Hội. Chưa bao giờ tôi được tham gia một cuộc họp nghiêm túc, đầy trách nhiệm và dân chủ như thế này. Những ý kiến khác nhau về một chi tiết nào đó đều được lấy biểu quyết. Tôi tham gia ý kiến rất hăng và thấy vui vì nhiều ý kiến của mình được cuộc họp chấp nhận. Bản Tuyên bố và điều lệ đã được sửa nhiều chỗ so với dự thảo ban đầu.
Ấn tượng nhất đối với tôi là việc bầu BLĐ. Danh sách BLĐ được dự kiến, Ban tổ chức đề nghị hội nghị giới thiệu thêm. Không thấy giới thiệu thêm ai và thành phần BLĐ thông qua một cách nhanh chóng. Khi thảo luận sôi nổi bao nhiêu thì bầu BLĐ nhanh chóng bấy nhiêu. Sự thống nhất này khác hẳn về bản chất khi so với sự miễn cưỡng thông qua hoặc thông qua cho xong trong các cuộc bầu bán trước đây mà tôi từng chứng kiến.
Hội nghị không có bè phái. Các chức vụ bầu ra không vì quyền lợi cá nhân hay phe nhóm nào mà đây là sự tự nguyện nhận về phần mình sự hiểm nguy.
Tôi lặng người khi Phạm Chí Dũng, thay mặt BLĐ công bố thứ tự thay thế vị trí Chủ tịch Hội nếu có mệnh hệ gì. Giờ phút ấy, lòng tôi xúc động khôn tả. Đây là Hội nghị của những người dấn thân, dám chấp nhận sự hy sinh vì một nền báo chí độc lập, và cao hơn nữa, vì tất cả những điều tốt đẹp cho tương lai của Đất Nước, của Dân Tộc. Cho đến lúc gõ những dòng chữ này, lòng tôi lại dâng lên nguyên vẹn cảm xúc ấy.
“Một chút hiểm nguy”
Hôm sau, tại diễn đàn các hội đoàn xã hội dân sự, được mời phát biểu ý kiến, tôi dành vài phút nói về Hội nghị thành lập Hội NBĐL. Đến khi tôi nói, tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội, mọi người vỗ tay rầm rầm và kèm theo những tiếng chúc mừng. Tôi biết mọi người chưa hiểu ý tôi nói vì tôi nói chưa hết. Tôi ngừng một lúc cho lắng xuống, nói tiếp:
-Vâng, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội NBĐL, với tôi là một vinh dự. Nhưng điều vinh dự hơn là tôi được cử giúp việc cho một người mà tôi rất quý trọng: Chủ tịch Phạm Chí Dũng.
Nói rồi tôi đưa tay về phía Phạm Chí Dũng. Lúc này, tiếng vỗ tay, tiếng cổ vũ còn nhiều hơn.
Tôi chắc khi ấy, Phạm Chí Dũng cũng xúc động và cũng thấy vinh dự, dù biết rằng khoảnh khắc ấy sẽ nhanh chóng qua đi để sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong những ngày sắp tới.
Hôm tới nhà văn Phạm Thành tham dự buổi ra mắt bạn bè cuốn tiểu thuyết “Cò hồn xã nghĩa”, anh Trần Nhương trông thấy tôi liền chúc mừng tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội NBĐL. Tôi cười: “Có gì đâu anh, chia sẻ với nhau một chút hiểm nguy thôi mà”. Anh cười vui, gật đầu tâm đắc với điều tôi chia sẻ.
Mất và được
Ngày 4/8/2014, Chi Hội Miền Nam họp lần đầu, đúng vào dịp Hội ra đời tròn 1 tháng. Với chi Hội Miền Bắc, cân nhắc nhiều mặt, tôi mới quyết định họp vào ngày 10/8 tại nhà bác Nguyễn Thanh Giang.
Trong BLĐ, ở miền Bắc chỉ có một mình tôi nên tôi cũng lo lắng. Một số hội viên không liên lạc được. Tuy nhiên điều tôi lo hơn cả là chất lượng cuộc họp. Đây là kỳ họp lần đầu, nếu thành công sẽ tạo thế rất tốt cho sự phát triển Hội. Thành viên tại Hà Nội thì tôi biết hết (chỉ trừ 1 người), đã gặp gỡ nhiều lần, đã có nhiều kỷ niệm. Cũng vì quá hiểu nhau nên thú thực tôi cũng lo mấy người bạn hay là ngòi nổ cho sự tranh luận có phần gay gắt thậm chí dẫn đến xung đột. Tranh luận là tốt nhưng xung đột thì không nên.
Thế nhưng cuối cùng thì thảo luận rất hăng, nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng đều tôn trọng ý kiến của nhau, ghi nhận sự khác biệt chứ không mang tính áp đặt và đều vui vẻ. Mấy anh bạn hay tranh cãi lại là người đưa ra nhiều ý kiến hay nhất và anh nào cũng thân thiện với anh nào.
Bác Nguyễn Thanh Giang đã 78 tuổi, bậc cao niên trong Chi hội nhưng lại là người có tư duy rất thoáng. Bác cho rằng, tất cả mọi đóng góp, dù nhỏ đều là quý chứ không nên chê bai lẫn nhau. Chúng ta phải thảo luận trên tinh thần đa nguyên, tôn trọng những ý kiến trái chiều. Bác nói, có người bảo tôi dũng cảm. Tôi thì không bao giờ nghĩ mình như thế, đừng nghĩ ai đó làm việc nhỏ mà không dũng cảm, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, sức chịu đựng và áp lực cũng khác nhau. Điều quan trọng là phải có tấm lòng….
Tôi không có ý định tường thuật buổi họp Chi hội ở đây. Nội dung cuộc họp đã có biên bản và tôi tổng hợp và làm báo cáo gửi tới BLĐ. Vì vậy, xin tiếp mạch điều đang nói dở.
Khi nói về việc viết bài cho Việt Nam Thời Báo, BBT cố gắng đảm bảo trả nhuận bút, anh em cho rằng, chúng ta viết không phải vì nhuận bút. Từ trước tới nay, anh em ở đây đã viết rất nhiều, viết do bức xúc, do trăn trở, không hề nghĩ tới phải được cái gì cho bản thân. Có được, chỉ được sự sách nhiễu, đe doạ, thỉnh thoảng lại bị triệu tập để thẩm vấn. Có những người được cả án tù như Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào…
Tất cả những hội viên có mặt đều tham gia ý kiến. Các ý kiến xoay quanh công việc tổ chức của Hội, về sự công kích từ dư luận viên, từ báo chí nhà nước, về những khó khăn, nguy hiểm mà Hội có thể vấp phải, về xây dựng tờ báo của Hội… Tất cả mọi ý kiến đều thể hiện sự nghiêm túc đối với sự tồn tại và phát triển của Hội, không hề có ý kiến nào xuất phát từ động cơ cá nhân.
Ngay sau khi họp về, anh Nguyễn Đình Ấm ghi cảm xúc. Tôi xin trích một đoạn để thay cho lời kết:
“Không thể quên lần đầu đi họp hội viên Hội nhà báo độc lập VN (HNBĐLVN). Thật không giống các cuộc họp hội nhà báo quốc doanh chỉ hình thức, họp cho qua chuyện... Tại đây đúng là tập hợp của những người nhiệt huyết với đất nước, với nhân dân, sự tiến bộ xã hội... Làm báo không vì mưu sinh, rất dân chủ, mọi người thoải mái góp ý làm sao để xây dựng hội thật vững mạnh, chính danh, nội dung tờ Việt Nam Thời Báo của Hội phải phản ánh thật trung thực, khách quan hiện thực xã hội, không sợ phê phán, cảnh báo sai phạm của nhà cầm quyền... Tất cả hoạt động của Hội, hội viên phải nhằm góp phần bảo vệ tổ quốc xây dựng xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh...đúng như tôn chỉ, mục đích của hội. Nói chung các hội viên nhất trí với cương lĩnh, điều lệ cũng như các lãnh đạo lâm thời của hội...”.
Tuần nằm viện 8/2014
Nguyễn Tường Thụy
Tâm thế đi họp Hội Nhà báo độc lập lần thứ nhất
Có người một hẹn thì nên
Có người chín hẹn chẳng nên hẹn nào
Trong cuộc đời, tôi trải nghiệm, đặc biệt có hẹn với khách má hồng, nếu lần đầu đã ung thì thôi đừng có mơ hão làm gì nữa, cái lần hệ trọng thế mà họ chẳng coi vào đâu, thì đừng hy vọng. Kể từ khi tôi dứt khoát làm theo phương ngôn như vậy, thấy cuộc đời tươi tắn hẳn.
Thực ra, với HNBĐL, thì đây không phải lần đầu. Lần đầu Hội họp ở Sài Gòn để ra đời, đó mới đích thị là lần thứ nhất. Nhưng tại Hà Nội ngày 10/08/2014 mới gặp mặt nhau, vẫn coi như lần thứ nhất.
Người ta vẫn bảo những người mới nhận nhiệm sở là về làm dâu mới, trăm mắt nhòm ngó, nghìn tai nghe ngóng… sa xảy gì là ngã sớm luôn! Nhưng mình họp lần thứ nhất coi như lần hai này (vì hoàn cảnh), chẳng khác gì đi xa bố mẹ đã ăn hỏi cưới vợ cho, giờ mình về thì cứ thế động phòng hoa chúc! Sướng ghê!
Tôi mặc áo đi giầy như nhân vật của Dostoievski trong tiểu thuyết “Nhật ký viết dưới hầm đất”, nghĩa là mặc tươm tất một là để quyến rũ, hai là để nếu có va vào ai, trông mình hoàn toàn giống hiệp sĩ đã sẵn sàng trang phục cho bi hùng kịch.
Cuộc họp ở nhà anh Nguyễn Thanh Giang, một nhà hoạt động dân chủ có tiếng lâu năm ở đường Trung Văn, một con đường từ làng lên phố, nên số nhà chẵn lẻ linh tinh cả. Tôi tìm đường mãi thì nghe nhà báo Phạm Thành, người có trang Bà Đầm Xòe gọi “Đức ơi, mọi người đến đủ cả rồi, chỉ chờ Đức thôi”. Tôi đáp “Đến cửa rồi đây!” Nhưng mà đi lạc đến tận cuối xã, rồi lại vòng lên tìm. Tôi đến muộn nhất, lòng tự nhủ kiểu AQ và Chí Phèo, mình có cố tình đâu, vậy mà vẫn đến muộn nhất, “vua thì phải ra sau chứ”…
Trước khi vào làm việc, mọi người đứng vào chụp ảnh dưới pa-nô có dòng chữ “ Hội nhà báo độc lập – chi hội miền Bắc”, anh Phạm Thành có kêu “Đức ơi sao không đứng vào giữa?” ý anh muốn nói tôi xứng đáng đứng ở giữa. Tôi đứng rìa ngoài cùng bên trái, liền bảo “Tôi đứng đây cạnh Phó chủ tịch hội rồi!” Liền đó tôi nghĩ, có dăm bảy người, chen chúc đòi chỗ giữa làm gì nó háo danh không phải lối. Tôi cũng nhớ lại lời Chúa trong Kinh Thánh “khi con vào hội đường, đừng chọn chỗ nhất, bởi vì nếu bị người ta mời xuống chẳng nhục lắm sao, con hãy ngồi chỗ dưới nếu xứng đáng họ sẽ mời con lên, chẳng vinh quang hơn sao!”
Sau đó mọi người vào làm việc. Anh Nguyễn Tường Thụy Phó chủ tịch hội đã trình bày cuộc họp ra mắt Hội ở Sài Gòn, vấn đề kết nạp hội viên, vấn đề có hai tờ báo Việt Nam Thời Báo, một trên website là báo chính, một trên facebook coi như phụ trương. Anh kêu gọi, mỗi hội viên nên đóng góp cho tờ trên website ít nhất hai lần một tháng.
Có ý kiến hỏi rằng: Thế tờ trên facebook có phải của riêng ông Ngô Nhật Đăng không? Cẩn thận không ông ấy lấy tư cách cá nhân chiếm tờ báo của Hội? Phải rõ ràng cái cá nhân và cái chung.
Tôi liền bảo: “Không nên rốt ráo kèn kẹt như vậy, nên tạo ra không khí cởi mở để mọi người làm việc cũng như phát huy sở trường của mình. Hội thì mới thành lập, chặt chẽ soi mói quá thì làm sao người ta phát huy được sở trường?!”
Tôi nghĩ, người ta kỵ nhất “mượn việc công trả thù riêng”, nhưng nghề báo chí là “án tại hồ sơ”, mọi thứ còn nằm trên trang báo kia, mất đi đâu mà có thể ấm ớ ám muội được?!
Với tư cách là đàn anh, anh Nguyễn Thanh Giang nói những câu kết luận:
1- Theo anh, Hội mới thành lập chúng ta nên có tình huynh đệ để tồn tại. Đề phòng những mâu thuẫn trong anh em, rồi người ta sẽ đâm bị thóc chọc bị gạo, rồi tung tin ấm ớ về tiền bạc, cả quan hệ lẫn nhau, như anh đã bị đổ tội là hủ hóa với vợ bạn, hoặc tồi tệ như luật sư Cù Huy Hà Vũ bị ném cho hai bao cao su…
2- Hội mới thành lập, nên để mọi người được phát huy làm việc, không nên áp đặt hay soi mói nhiều làm người ta chột đi
Cuộc họp chấm dứt, mọi người rủ nhau ra bàn ăn, câu chuyện rôm rả hơn nhiều. Mọi người nhìn vào vị Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy, có cử bà xã đến nấu ăn, bình luận. Rõ ràng anh Thụy là Phó chủ tịch rất xứng đáng, ít ra là anh luôn xông xáo hàng đầu, lại có riêng một trang mạng cũng dấn thân đăng những vấn đề hàng đầu luôn, thơ Đường luật thì giỏi hạng nhất… Còn ai xứng đáng hơn thế! Rồi mọi người bày tỏ lo ngại nhất về việc sẽ ganh tỵ đố kỵ lẫn nhau. Tôi nói “Không ngại! Nếu có đố kỵ, tôi là người đầu tiên xung phong đè bẹp nó!” Tôi nói thế không phải oai phong gì mà nghĩ: có mấy móng lèo tèo, tự giác họp lại với nhau, còn đố kỵ thì chán lắm!
Vả lại sớm như Giáo Hoàng Jean Paul II, mới có 50 tuổi đã trở thành Giáo Hoàng của cả tỉ người trên hành tinh, còn muộn như triết gia nổi tiếng Kant đến 57 tuổi mới có bài đăng trên tạp chí, nhưng ông ra một cái là tên tuổi lẫy lừng luôn, vì ông sống ở trên nền dân tộc Đức văn hóa rất cao, họ biết đánh giá cái gì đã vượt trần… Vậy mà ở đây lèo tèo vài người khác gì tranh nhau làm tổ trưởng tổ dân phố?!
Để triệt tiêu mâu thuẫn triết gia Socrate đã đề xướng ra cấu trúc cộng hòa. Ông quan niệm: nếu chỉ sống bám vào một tiêu chí như quyền lực thì cuộc cạnh tranh để sống sẽ vô cùng gay gắt, cuộc sống nên giống tôm cá sống trong ao, có con ăn nổi, có con ăn tầng giữa, có con ăn tầng đáy, như vậy cuộc sống mới tồn tại và phong phú, tính chất cạnh tranh sinh tồn sẽ giảm nhẹ.
Triết gia Aristote thì tuyên bố: “Một quốc gia chỉ phát triển khi mọi người được tự do suy tư và làm theo sở trường của mình”. Không có cuộc sống nào không được xây nên từ hành động! Mà hành động có được do suy tư! Sự nghèo nàn về suy tư cũng như ý tưởng đang làm cho người Việt chúng ta rất nghèo hèn!
Theo lý thuyết phổ quát thì văn chương lớn hơn chép sử. Bởi lẽ văn chương có hư cấu, còn chép sử chỉ là ghi nhớ thông tin!
Nghề báo là nghề thấp nhất trong giới cầm bút, bởi lẽ đó là nghề ghi chép đưa tin! Nghề báo chỉ cao cả khi nó dũng cảm tiếp cận chiến trường khói lửa, những biến động trên hè phố, và những vấn đề xã hội sinh tồn! Còn nếu chỉ làm nghề bình bình, nghề báo là thấp kém nhất! Có phương ngôn “Tác phẩm là quyền lực”, một bài báo nhiều lắm chỉ là một tiểu luận, chưa bao giờ là tác phẩm cả để mà ảo tưởng!
Trong các bộ phim, người ta gọi “đám nhà báo”, nhưng không thể gọi “đám nhà văn” (cũng có thể gọi “đám nhà thơ” ), bởi đơn giản nhà văn không đủ đông và tập chung đến mức gọi là đám. Còn nhà báo ư, đi đâu cũng thấy vô số chĩa máy ảnh to và bé cản đường, săn tin… Đã là “đám” làm nghề đưa tin thấp kém bày đặt cao kỳ quyền cao chức trọng làm gì?!
Tôi nhớ Đức Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận nói với tôi rất nhiều lần về phương ngôn lãnh đạo của Tòa Thánh Vatican không hề thay đổi trong suốt dòng lịch sử, đó là, đã làm lãnh đạo thì phải ghi nhớ ba điều:
1- Faire faire toujours
2- Jamais faire tout
3- Quelquefois laissez faire
Nghĩa là :
1- Luôn luôn ra lệnh
2- Đừng bao giờ làm tất cả
3- Đôi khi mặc cho người khác làm
Làm lãnh đạo mà đòi làm tất nghĩa là anh chẳng tin ai, anh cũng ôm rơm nặng bụng đòi làm tuốt, sở trường của anh dứt khoát chỉ có hạn, anh không thể là chim vừa bay trên trời lại là cá vừa bơi dưới nước, con công khoe bộ lông thì được, chớ thi hót với con sáo… một anh là cá mè ăn bề nổi thì hãy để người khác ăn tầng chìm, hai là anh ăn tầng chìm thì để người khác ngoi lên, chứ anh không thể đòi ăn các loại tầng. Muốn thế anh chỉ còn cách làm cột đo mực nước, như vậy thì lại sơ cứng…
Mọi cuộc họp thường có biên bản, cuộc họp này cũng không ngoại lệ. Tôi xin dừng ở đây, không lại thành tán dông dài trùm ra ngoài biên bản. Chúc cho Hội ta lớn mạnh xum xuê!
Nguồn: Facebook VNTB
* Việt Nam Thời Báo - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả không phản ảnh quan điểm hay lập trường của Việt Nam Thời Báo
Việt Nam Thời Báo - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả không phản ảnh quan điểm hay lập trường của Việt Nam Thời Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét